Cách đây 52 năm, quân và dân miền Bắc, quân và dân Hà Nội đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, chiến thắng minh chứng cho tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần sẵn sàng chiến đấu đánh thắng kẻ thù trong bất kỳ tình huống nào

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và bài học bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và bài học bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Chủ động xây dựng lực lượng phòng không và phương án đánh B52, săn sàng chiến đấu và chiến thắng

Trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng siêu pháo đài bay B.52 của Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không có nhiều nguyên nhân trong đó không thể nói đến sự chủ động, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân và quân dân các tỉnh miền Bắc trong đó chú trọng Hà Nội, Hải Phòng không để bị bất ngờ, chuẩn bị những điều kiện cần thiết, sẵn sàng đối phó khi Mỹ cho B52 đánh ra Hà Nội, Hải Phòng…

Vấn đề bảo vệ bầu trời Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đặt ra rất sớm. Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng lực lượng phòng không. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Người và đáp ứng yêu cầu cách mạng, từ năm 1954 đến năm 1964, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập nhiều đơn vị pháo phòng không: Trung đoàn 210, 220, 230,240, 250, 260, 280; trong đó có ba Trung đoàn pháo phòng không bảo vệ Hà Nội là 220,230 và 260.

Để tạo thêm lưới lửa bảo vệ Hà Nội, ngày 19/05/1965, Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định số 67/QĐ-QP thành lập Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội, trực thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Sự ra đời của Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội cùng các lực lượng phòng không khác bắt đầu hình thành lực lượng phòng không ba thứ quân ở Thủ đô, trong đó lực lượng phòng không Sư đoàn Phòng không 361 làm nòng cốt, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ. Đồng thời, sự kiện này còn đánh dấu một bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến phòng không bảo vệ thủ đô Hà Nội- trái tim thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 18/6/1965, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát (Tây bắc Sài Gòn). Ngay sau đó một tháng, ngày 19/7/1965, Hồ Chủ tịch đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân, tại Trung đoàn 234 (Đoàn pháo cao xạ Tam Đảo), Bác khẳng định: “...Ta nhất định thắng, Mỹ nhất định phải thua...Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng"[1].

Ngay từ cuối năm 1967, khi gặp riêng cán bộ chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu dự đoán “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam ,Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Các chú phải suy nghĩ chuẩn bị để chủ động đối phó”[2].

Quán triệt tinh thần đó, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo lực lượng vũ trang mà trực tiếp là Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích B52 đánh vào Hà Nội. Sau nhiều lần hội thảo khoa học và rút kinh nghiệm trong chiến đấu, binh chủng không quân đã tìm ra cách đánh và quyết tâm đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ.

Do hiểu biết sâu sắc quy luật chiến tranh xâm lược của Mỹ, nên Đảng ta và Bác Hồ đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quân và dân các địa phương, trong đó đặc biệt là Bộ đội Phòng không - Không quân: “Không để bị bất ngờ”, chuẩn bị tốt mọi mặt để sẵn sàng đánh bại nấc thang cao nhất của địch.

Và thực tế, để đánh thắng B52, ngay từ tháng 5/1966, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng Không - Không Quân (Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân) đã tăng cường Trung đoàn tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương vừa trực tiếp đánh trả vừa nghiên cứu cách đánh B52. Tiếp đó, cử những cán bộ chỉ huy, tham mưu, quân báo, khoa học quân sự và phi công có nhiều kinh nghiệm vào Vĩnh Linh nghiên cứu quy luật hoạt động của máy bay B52 để tìm cách đánh. Đây là một quyết tâm rất cao thể hiện tư tưởng tích cực, chủ động, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân.

Với khẩu hiệu “Dọn đường mà đi, đánh địch mà tiến”, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”, cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 238 đã nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vừa hành quân, vừa chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khó để đưa khí tài vào chiến trường đánh Mỹ.

Ngày 15/3/1967, máy bay B52 xuất hiện, lần đầu tiên Trung đoàn 238 tổ chức trận đánh tập trung để diệt B52 nhưng không thành. Địch đánh phá quyết liệt nhằm hủy diệt cả con người và khí tài của ta nhưng nhân dân Vĩnh Linh và cán bộ chiến sỹ Trung đoàn vẫn không chùn bước. Từ thất bại ban đầu đó cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn càng sục sôi ý chí quyết tâm đánh B52 của Mỹ.

Ngày 17/9/1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84,Trung đoàn 238 đã bắn rơi 1 chiếc B52. Đây là lần đầu tiên ta bắn rơi “Siêu pháo đài bay B52” của đế quốc Mỹ. Chiến công này đã tác động rất lớn đến tư tưởng và quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta, khẳng định khả năng đánh thắng các cuộc tập kích đường không bằng B52 của địch, củng cố niềm tin, tinh thần quyết chiến quyết thắng của bộ đội và nhân dân, đồng thời làm cơ sở để biên soạn tài liệu, hướng dẫn cách đánh máy bay B52.

Từ chiến công ban đầu đó, từ tháng 02/1968 đến giữa năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân điều động 4 trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MiG vào Khu 4 để chi viện Chiến dịch Trị - Thiên và tiếp tục nghiên cứu cách đánh B52. Đồng thời, ta chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Đến tháng 9/1972 Quân chủng đã chính thức xây dựng được phương án đánh máy bay B52 bằng việc phổ biến trong bộ đội Phòng Không cuốn “cẩm nang đỏ” là cuốn sách “Cách đánh B52 của Bộ đội tên lửa”, kết quả của quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn chiến đấu, sáng tạo cách đánh của lực lượng Phòng không - Không quân.

Trên cơ sở tài liệu này, ngày 31/10/1972, Quân chủng tổ chức hội nghị cán bộ để thảo luận phổ biến cách đánh B52, sau đó tổ chức huấn luyện cho các kíp chiến đấu; tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm; đôn đốc kiểm tra mọi mặt chuẩn bị, đánh trả cuộc tập kích đường không của địch.

Đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, đặc biệt là cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52

Xuân- Hè năm 1972, quân dân miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược lớn trên khắp chiến trường miền Nam. Vùng giải phóng ở các khu vực: Trị - Thiên, đồng bằng Khu 5, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ mở rộng tạo thành thế bao vây, chia cắt địch. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản. Để cứu vãn tình thế, đầu tháng 4/1972, đế quốc Mỹ “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh ở miền Nam, đồng thời ném bom trở lại miền Bắc. Cuối năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon quyết định mở cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên Linebacker-II, chủ yếu bằng các “siêu pháo đài bay B-52” đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.

Để chuẩn bị cho cuộc tập kích đường không chiến lược này, ngay từ đầu, Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC) đã nhận định, muốn xâm nhập và vượt qua hệ thống Phòng không - Không quân của Bắc Việt Nam phải sử dụng một loạt biện pháp kỹ thuật hiện đại nhất. Ngoài việc đưa vào sử dụng nhiều loại vũ khí chống bức xạ điện từ như tên lửa Shrike, bom điều khiển bằng tia lade, bom điều khiển bằng vô tuyến truyền hình... giới khoa học quân sự Mỹ còn nghiên cứu cải tiến và đưa vào sử dụng: các thiết bị gây “nhiễu” mới nhất có công suất lớn, dải tần rộng lắp trên các máy bay B52 và các loại máy bay cường kích chiến thuật, tiến hành một cuộc chiến tranh điện tử rộng khắp.

Nhà Trắng tin rằng “Hà Nội sẽ bị bất ngờ! Hà Nội sẽ không chịu nổi sức mạnh của một Hirosima không có bom nguyên tử”. Họ tin rằng kỹ thuật gây “nhiễu” của không quân Mỹ sẽ làm mờ mắt các trắc thủ radar của Bắc Việt Nam.

Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương chỉ thị Quân chủng Phòng không-Không quân và các Quân khu sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc.

Tháng 11/1972, trong một cuộc họp quan trọng của Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định: Âm mưu của Mỹ cho B52 đánh thủ đô Hà Nội-linh hồn của cuộc kháng chiến-sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô.

Trên tinh thần đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân gấp rút củng cố, bổ sung lực lượng và phương án tác chiến. Tại Hà Nội, Hải Phòng có 05 Trung đoàn tên lửa, 06 Trung đoàn pháo cao xạ (không kể 08 Trung đoàn cao xạ của Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc), 04 Trung đoàn không quân, trong đó chỉ có 02 Trung đoàn MiG-21, Ra đa có 4 Trung đoàn rải khắp miền Bắc. Ngoài ra, lực lượng phòng không của dân, quân tự vệ 9 tỉnh có 1.316 khẩu pháo cao xạ các loại.

Do yêu cầu và tính chất chiến đấu, Bộ Quốc phòng điều chỉnh một số đơn vị chủ lực và thành lập những đơn vị phòng không mới. Với địa bàn Hà Nội, sư đoàn 361 được bổ sung 3 trung đoàn pháo cao xạ 57 và 37mm (mới thành lập). Đến tháng 6/1972, việc bố trí hỏa lực phòng không trên miền Bắc và Hà Nội đã có nhiều điểm mới để tập trung cho các trận địa ở Hà Nội.

Với việc dự đoán chính xác việc Mỹ sẽ điều B52 đánh phá Hà Nội và chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân sớm tìm ra cách đánh máy bay B52 và chuẩn bị một trận địa phòng không ba thứ quân, nòng cốt là Bộ đội Phòng không-Không quân, đã giành thế chủ động ngay từ ngày đầu, trận đầu. Thực tế thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” đã minh chứng cho sự chủ động lãnh đạo đó. Trong 12 ngày đêm, quân và dân Hà Nội cùng quân và dân các tỉnh miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52, lập nên một kỳ tích chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Trong chiến tranh, vấn đề dự báo chiến lược, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đúng thời cơ, chọn đúng đối tượng đánh địch, giữ được bí mật, bất ngờ luôn là những yếu tố quyết định thành bại của mỗi chiến dịch, trận đánh. Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972, đã thực hiện được những vấn đề cốt yếu ấy. “Điện Biên Phủ trên không” để lại nhiều bài học quý cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đặc biệt là bài học chủ động dự báo đúng tình hình, chủ động bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa, không để Tổ quốc bị bất ngờ trước những âm mưu chống phá, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch và những mưu đồ của các nước lớn với chủ quyền, hòa bình, độc lập của Việt Nam.

Kim Dung


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, t.14, tr. 574.

[2] Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930 -2000), Nxb. Hà Nội, 2004, tr 462.

Chủ động xây dựng lực lượng phòng không và phương án đánh B52, săn sàng chiến đấu và chiến thắng Trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng siêu pháo đài bay B.52 của Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” có nhiều nguyên nhân trong đó không thể nói đến sự chủ động, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ đạo B

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn