Cứ điểm Điện Biên Phủ sụp đổ (báo Nhân đạo, số ra ngày 8/5/1954)
Nổi bật trên trang nhất của báo Nhân đạo, số ra ngày 8/5 là tiêu đề "Cứ điểm Điện Biên Phủ sụp đổ" khi quân Việt Nam chỉ còn cách hầm của tướng Đờ Cát khoảng 500 mét. Tin tức về diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ đã làm rúng động các nước phương Tây.
Sự sụp đổ của cứ điểm Điện Biên Phủ đã vạch trần những luận điệu mà Chính phủ Pháp tuyên truyền trong suốt 7 năm qua nhằm theo đuổi cuộc chiến phi nghĩa tại Đông Dương.
Sẽ là tội ác nếu không tiến hành đàm phán ngay ở Genève về lệnh ngừng bắn ở Đông Dương.
Xã luận của báo Nhân đạo nhấn mạnh: Cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn sụp đổ bởi quân đội nhân dân Việt Nam. Những cánh rừng bị thiêu rụi bởi bom napalm đã tìm lại được sự yên tĩnh, nhưng vẫn chẳng thể nào trở lại được như xưa. Sự sụp đổ của cứ điểm Điện Biên Phủ đã chứng minh rõ sai lầm thảm hại của những kế hoạch tái chiếm đóng, trong khi người dân ở đây một lòng quyết tâm đấu tranh vì sự nghiệp độc lập dân tộc.
Đây là một hồi chuông báo tử cho cái được gọi là “Kế hoạch Navarre,” cũng như rất nhiều những kế hoạch khác vốn được tung hô như chiến thắng, bởi một loạt những điều dối trá, mà cũng từ đó máu của binh lính đổ dài trên chiến trường.
Cuộc chiến tranh phi nghĩa này là một cuộc chiến vô ích.
Xã luận của báo Nhân đạo.
Dù là những binh sĩ dày dặn kinh nghiệm nhất, với những khí tài được trang bị tối tân nhất, hay những chiếc máy bay chiến đấu mạnh mẽ nhất, cũng chẳng thể nào giúp cho cuộc chiến này của chính quyền thực dân Pháp tránh khỏi sự thất bại.
Không thể khuất phục được một dân tộc đang vùng lên mạnh mẽ. Cuộc chiến này đã chôn vùi lợi ích, của cải và thịnh vượng của nhân dân Pháp, hơn nữa sự can thiệp của quân đội Mỹ khiến cho nước Pháp bị suy yếu.
Những binh lính ngã xuống tại trận địa Điện Biên Phủ đáng lẽ sẽ vẫn còn sống nếu như chính quyền Laniel không khước từ đề nghị được nhắc lại nhiều lần về việc xây dựng nền hòa bình và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt-Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính phủ của Thủ tướng Joseph Laniel cho đó là biểu hiện của sự yếu thế, trong khi người dân Việt Nam chỉ mong muốn hòa bình được lập lại dựa trên nền tảng tôn trọng độc lập.
Toàn thể nhân dân Pháp phải hành động mạnh mẽ, yêu cầu chính phủ kết thúc cuộc chiến tranh thông qua việc ký kết một hiệp định dựa trên nguyên tắc độc lập dân tộc và tôn trọng các quyền dân tộc của mỗi quốc gia liên quan.
Tiếng nói của nhân dân Pháp cần phải được thể hiện nhiều hơn nữa vì hòa bình.
Tuyên bố của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp: Phải lập lại hòa bình từ Hội nghị Genève (Báo Nhân đạo, ngày 8/5/1954)
Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao những bước tiến nhất định trên con đường hòa giải quốc tế đang được ghi nhận tại Hội nghị Genève.
Nhờ các nỗ lực và đề xuất kiến nghị của các quốc gia thuộc phe dân chủ, dẫn đầu bởi Liên bang Xô Viết, cũng như nhờ sự lan tỏa của các phong trào phản đối chiến tranh tại Đông Dương trên khắp nước Pháp, Phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có mặt tại Hội nghị Genève và tham gia đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn và giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại khu vực Đông Dương.
Ý định duy trì và mở rộng chiến tranh của các lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như việc Chính phủ Pháp kêu gọi sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ vào chiến trường Đông Dương đã hoàn toàn thất bại. Chính sách sử dụng vũ lực của Thủ tướng Joseph Laniel và Bộ trưởng Ngoại giao Georges Bidault, những người vốn đã định hướng chính sách đối ngoại của nước Pháp đồng hành cùng với chủ nghĩa đế quốc Mỹ, bị giáng một đòn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nguy cơ vẫn luôn còn đó, những kẻ thù của hòa bình vẫn chưa từ bỏ những ý định hung hãn của mình, và ông Georges Bidault vẫn luôn ra sức phá hoại Hội nghị Genève. Dù vậy, hy vọng của hàng triệu người dân Pháp và Việt Nam về việc chấm dứt chiến tranh, nhất là sau chiến dịch Điện Biên phủ đầy oanh liệt, có thể sẽ trở thành sự thật ngay lập tức.
Điều này tùy thuộc vào sự chung tay hành động mạnh mẽ của toàn thể nhân dân Pháp, yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Joseph Laniel và người đại diện của ông ấy tại Hội nghị Genève, Bộ trưởng Ngoại giao Bidault, phải kết thúc cuộc chiến tranh thông qua việc ký kết một hiệp định dựa trên nguyên tắc độc lập dân tộc và tôn trọng các quyền dân tộc của mỗi quốc gia liên quan. Ngay lúc nền hòa bình được lập lại, các hiệp định kinh tế và văn hóa phục vụ cho lợi ích của người dân Đông Dương cũng như nhân dân Pháp cũng có thể được xem xét ký kết.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp kêu gọi tất cả các đồng chí cộng sản, các tổ chức của Đảng Cộng sản Pháp hãy cùng nhau tận tâm và tích cực ủng hộ hành động của Phong trào Hòa bình, trong việc tổ chức và hỗ trợ các phái đoàn của những con người yêu nước đến được Hội nghị Genève và truyền tải những ý nguyện của nhân dân ở khu vực Đông Dương tới các nghị sĩ Pháp.
Trong cuộc đấu tranh chấm dứt mọi sự thù địch tại khu vực Đông Dương, vai trò và trách nhiệm của tầng lớp công nhân vô cùng quan trọng.
Bộ Chính trị Đảng cộng sản Pháp kêu gọi mỗi tổ chức và mỗi đảng viên hãy hành động bằng tất cả trách nhiệm của mình để cùng nhau thúc đẩy một mặt trận thống nhất, cùng nhau tổ chức và cùng nhau hành động. Chúng ta hãy cùng nhau tiến hành trong các nghiệp đoàn, khu phố và làng xã để có thể đạt được những hành động chung dưới nhiều hình thức như các cuộc kiến nghị, gặp mặt, tổ chức phái đoàn và biểu tình… Đây có thể được coi là một trong những mối quan tâm lớn nhất của thời đại.
Những người đảng viên hãy thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực của mình để mỗi người lao động, mỗi người dân đều có thể trở thành một người chiến sĩ tích cực trong cuộc đấu tranh vì một lệnh ngừng bắn tại khu vực Đông Dương, vì một nền hòa bình sẽ được thiết lập tại Hội nghị Genève.
Con đường đúng đắn (Xã luận của báo Nhân đạo ngày 11/5/1954)
Sự thất bại tại chiến trường Điện Biên Phủ đã chỉ ra tính chất phi lý và tàn bạo của cuộc chiến tranh Đông Dương.
Trách nhiệm thuộc về những người cầm quyền đã tiếp nối nhau kế vị trong suốt 7 năm qua, đặc biệt trong số đó là những người đứng đầu Phong trào Cộng hòa Bình dân (MRP), phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cả.
Những người đứng đầu Chính phủ Pháp đang tìm cách để đánh lạc hướng dư luận.
Nhưng thật vô ích. Tầng lớp công nhân và nhân dân sẽ không bao giờ ngừng theo đuổi cuộc đấu tranh vì một lệnh ngừng bắn tại Đông Dương, vì một nền hòa bình, dân chủ và tiến bộ.
Những người dân lao động cùng thống nhất trong hành động, những người yêu nước và nhân dân Pháp ở mọi tầng lớp đều hoạt động vì một cuộc đấu tranh chung.
Đích đến ở cuối con đường dù cho có bất cứ chông gai hay cản trở nào phải là vì một lệnh ngừng bắn ở khu vực Đông Dương. Đó chính là một nền hòa bình mà tất cả các dân tộc đều mong muốn.
Tổng liên đoàn Lao động Pháp CGT kêu gọi hành động để góp phần thúc đẩy kết thúc cuộc chiến tại Đông Dương (Báo Nhân đạo, đăng ngày 12/5/1954)
Ủy ban Hành chính Tổng liên đoàn Lao động Pháp họp ngày 11/5, kêu gọi đình chiến tại Việt Nam, trên tinh thần tôn trọng tuyệt đối quyền của các dân tộc, quyền được công nhận bởi công ước Liên hợp quốc.
Ủy ban cũng đề cập đến mối đe dọa nguy hiểm về kế hoạch quốc tế hóa chiến tranh tại Việt Nam, mà nguy cơ này có thể dẫn tới một cuộc xung đột mới ở quy mô toàn cầu.
Công nhân lao động Pháp cần phải hành động ngay để chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Thông cáo hành động của CGT
Các đại biểu cũng kêu gọi nền hòa bình có được thiết lập hay không tùy thuộc rất lớn vào hành động chung của tất cả mọi người nhằm áp lực lên giới cầm quyền Pháp.
Do đó Ủy ban kêu gọi tất cả những người dân lao động, những người đấu tranh và các tổ chức hãy cùng nhau hành động trong một tình đoàn kết mạnh mẽ nhất.
Tiếng nói của người dân Pháp tại Hội nghị Genève (báo Nhân đạo, ngày 12/5/1954)
Nhân dân Pháp rất mong muốn một cuộc đàm phán về hòa bình tại khu vực Đông Dương. Mỗi ngày càng có thêm nhiều các phái đoàn có mặt tại thành phố Genève và chuyển thông điệp của mình cho các phái đoàn tham gia hội nghị.
Chỉ trong hai ngày 10 và 11/5, đã có ba phái đoàn đến từ thủ đô Paris, tỉnh Haute Savoie và thành phố Marseille, có mặt bên lề Hội nghị Genève. Các phái đoàn này gồm những người phụ nữ đến từ nhiều địa phương của Pháp, mang theo tất cả những ý kiến thu thập, làm minh chứng cho sự đa dạng của dư luận và công chúng Pháp cũng như nguyện vọng lớn lao về việc thiết lập lại hòa bình tại khu vực Đông Dương.
Nhiều thành phần, từ những người theo chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cấp tiến, công giáo hoặc không theo một đảng phái chính trị nào, cũng thông qua những nghị quyết, yêu cầu chính phủ Pháp sớm kết thúc chiến tranh, ký kết hiệp định về việc lập lại hòa bình ở khu vực Đông Dương.
Báo Nhân đạo, số ra ngày 10/5/1954, trích dẫn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chúng tôi luôn sẵn sàng đàm phán với Pháp về lệnh ngừng bắn, đình chiến và lập lại hòa bình. |
Giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được tại khu vực Đông Dương là giải quyết bằng con đường hòa bình mà trong đó hiệp ước đầu tiên cần phải được triển khai là lệnh ngừng bắn
Đây là ý kiến của đồng chí Waldeck Rochet, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (Báo Nhân đạo, ngày 12/5/1954).
"Chúng tôi, những người cộng sản Pháp, có một niềm tin sâu sắc rằng tất cả các cuộc chiến chống lại nhân dân các nước vốn dĩ họ chỉ đấu tranh cho sự tự do và nền độc lập dân tộc, đều là những cuộc chiến đi ngược lại với lợi ích thực sự mà nước Pháp mong đợi.
Đó là lý do vì sao mà chúng tôi luôn luôn đấu tranh không ngừng nhằm kết thúc cuộc chiến tại Đông Dương, hướng tới đàm phán hòa bình.
Và hẳn nhiên là nước Pháp sẽ bước vào một cuộc đàm phán với cái tâm thế tốt hơn rất nhiều nếu như điều này được thực hiện sớm hơn, giống như cái cách mà chúng tôi đã nói rất nhiều lần.
Và rồi khi cuộc chiến nổ ra, thì những người cầm quyền tại Pháp đã lừa dối cả đất nước một cách có hệ thống nhằm kéo dài sự xung đột vô nghĩa này".
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp đã đăng nhiều tin, bài và ảnh về cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam cũng như những tiếng nói và hành động mạnh mẽ từ nước Pháp vì hòa bình cho Việt Nam.