Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, chứa đựng ý nghĩa và tầm vóc thời đại to lớn, đập tan cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc đối phương phải ký kết Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập của ba nước Đông Dương.
Với cách nhìn lịch đại, từ Chiến thắng Điện Biên Phủ có thể rút ra một số luận điểm chủ yếu: Thứ nhất, Chiến thắng Điện Biên Phủ bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đưa Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Song, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp được sự ủng hộ của thực dân Anh và đế quốc Mỹ ngang nhiên vi phạm Hiệp định Potsdam, ráo riết thực hiện âm mưu quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Sau đó, từng bước mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Âm mưu, thủ đoạn xâm lược của thực dân Pháp đã đe dọa thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta.
Dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đề ra đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, kịp thời lãnh đạo quân và dân ta phát triển chiến tranh du kích, từng bước tiến lên vận động chiến, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” cùng âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp, lập nên những chiến công xuất sắc, như:
Chiến thắng Việt Bắc (1947), Chiến thắng Biên giới (1950), Chiến thắng Hòa Bình (12/1951-2/1952), Chiến thắng Tây Bắc (1952), Chiến thắng Thượng Lào (1953)… Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp tăng cường lực lượng, thay đổi kế hoạch tác chiến bằng Kế hoạch Navarre hòng nỗ lực xoay chuyển tình thế giành thắng lợi quyết định về trong vòng 18 tháng. Tháng 11/1953, thực dân Pháp vội vàng đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước xây dựng nơi đây trở thành tập đoàn cứ điểm, âm mưu nghiền nát các đại đoàn chủ lực của Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình chiến trường, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm chiến lược tập trung lực lượng, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. “Điện Biên Phủ đã trở thành nơi quyết định vận mệnh chiến tranh”(1). Bộ Chính trị thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ do đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng. Trong quá trình chuẩn bị, kịp thời phát hiện những thay đổi trong tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta, trực tiếp là Bộ Chỉ huy chiến dịch, quân và dân ở Mặt trận Điện Biên Phủ đã đánh bại Kế hoạch Navarre của thực dân Pháp trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chiến thắng đó là minh chứng điển hình, thể hiện tư duy, bản lĩnh và trí tuệ của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thứ hai, Chiến thắng Điện Biên Phủ đập tan nỗ lực chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân ta: Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp chẳng những không giành được thắng lợi mà ngày càng lún sâu vào thế bị động đối phó.
Thực trạng Đông Dương đã tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nước Pháp, buộc chính phủ Pháp phải nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Đông Dương. Tháng 5/1953, Chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau hơn một tháng khảo sát thực tế, đầu tháng 7/1953, Navarre đệ trình một kế hoạch tổng quát, toàn diện, dự kiến tiến hành trong 18 tháng.
Tháng 10/1953, sau khi xác định hướng tiến công chủ yếu của Việt Minh trong Đông Xuân 1953-1954 là Tây Bắc, Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp quyết định tăng cường hệ thống phòng thủ ở đây. Ngày 2/11/1953, Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ra chỉ thị mở một cuộc hành binh không vận chiếm đóng Điện Biên Phủ trước ngày 1/12/1953. Ngày 5/12/1953, các đơn vị nhảy dù xuống Điện Biên Phủ được chuyển thành binh đoàn tác chiến Tây Bắc. Với vị trí chiến lược quan trọng, thực dân Pháp hy vọng có thể kiểm soát được Điện Biện Phủ hòng bảo vệ Lào, giữ Tây Bắc và tiêu diệt các đại đoàn chủ lực của Việt Minh.
Để xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp tăng cường lực lượng tinh nhuệ trong quân đội viễn chinh, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, chưa kể còn có các đơn vị công binh, cơ giới, không quân, vận tải, với tổng số quân hơn 16.200 người(2). Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 49 cứ điểm nằm trong 8 cụm cứ điểm liên hoàn, chia thành ba phân khu: Phân khu Trung tâm, Phân khu Bắc, Phân khu Nam. Với quân số đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là hệ thống phòng ngự mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá”.
Lợi dụng nhược điểm không thể khắc phục của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lãnh đạo quân và dân ta tổ chức và thực hành Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực tế diễn biến ở Điện Biên Phủ đã đi ngược lại những kỳ vọng của thực dân Pháp. Sau 56 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954), toàn bộ số quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh cùng một khối lượng lớn vật chất, trang bị.
Thất bại tại Điện Biên Phủ, chính quyền Pháp buộc phải chấp nhận đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ) để thống nhất giải pháp cho vấn đề kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Trải qua 75 ngày kiên quyết đấu tranh (8/5-21/7/1954), Phái đoàn ngoại giao của Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng, buộc thực dân Pháp phải công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ ba, Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh bại bước đầu can thiệp của đế quốc Mỹ vào Việt Nam: Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, “xuất phát từ những định kiến sai lầm và thiển cận về Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mỹ đã phớt lờ những đòi hỏi chính đáng của Việt Nam”(3). Chính quyền Tổng thống Harry S.Truman chọn giải pháp ủng hộ thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương. Tháng 2/1947, chính quyền Mỹ định hướng thực dân Pháp lập một “chính phủ không cộng sản” giống như chính phủ Nam Kỳ tự trị trước đây. Mục đích của Mỹ là thực hiện chính sách ngăn chặn cộng sản ở Đông Nam Á.
Trước những sức ép trong nước và quốc tế, chính phủ Pháp buộc phải kết thúc chiến tranh Đông Dương bằng Kế hoạch Navarre. Nhận thấy cơ hội thuận lợi xuất hiện, đế quốc Mỹ đẩy mạnh viện trợ năm 1953 tăng gần gấp đôi năm 1952 và năm tiếp theo tăng gấp đôi so với năm 1953. Năm 1954, viện trợ Mỹ chiếm khoảng 78% chi phí chiến tranh của Pháp(4). Tuy nhiên, ngày 7/5/1954, “con nhím” Điện Biên Phủ của cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bị xóa sổ hoàn toàn. Điện Biên Phủ không chỉ là thất bại nặng nề đối với thực dân Pháp mà còn làm tiêu tan hy vọng của chính quyền Mỹ.
Không chấp nhận làm nô lệ, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương đã kiên trì, kiên quyết vượt qua khó khăn, gian khổ, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự kế thừa, phát huy những thành quả của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thực tiễn đã chứng minh, 21 năm sau, đế quốc Mỹ đã bị thất bại hoàn toàn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Đó là những cơ sở quan trọng để quân và dân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều kinh nghiệm quý vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.195.
(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.393.
(3) Phạm Xanh, Góp phần tìm hiểu Lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.281.
(4) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.190.
Thiếu tướng, Tiến sĩ NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam
70 năm trước đây, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, quân và dân ta đã tổ chức thực hiện trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ và giành thắng lợi vang dội.