Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã để lại nhiều bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới; trong đó, bài học về xây dựng, củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến thắng có vai trò quan trọng, quyết định, tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh giành thắng lợi, đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Chiến dịch Điện Biên Phủ và ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Chiến dịch Điện Biên Phủ và ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Tái hiện hình ảnh bộ đội kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ (một phần trong bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ).

Tái hiện hình ảnh bộ đội kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ (một phần trong bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ).

NHỮNG BÀI HỌC QUÝ BÁU

Với dã tâm tiêu diệt chủ lực của Việt Minh, thực dân Pháp đã tập trung cao độ binh lực và vũ khí, trang bị để xây dựng Điện Biên Phủ trở thành pháo đài “bất khả chiến bại”, quân số trên 16 vạn, có nhiều kinh nghiệm chiến trường, thiện chiến, vũ khí trang bị tốt, đủ các thành phần, lực lượng, cùng Bộ Chỉ huy gồm các sĩ quan được đào tạo bài bản, do Đại tá Đờ Cát làm Tư lệnh. Trong khi đó, ta tuy có ưu thế về quân số và súng pháo, nhưng Chiến dịch Điện Biên Phủ (Chiến dịch) là lần đầu tiến hành chiến đấu hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn mà chưa qua diễn tập. Công tác chuẩn bị và thực hành chiến đấu gặp muôn vàn khó khăn thử thách, nhất là khi thay đổi phương châm tác chiến và giữa các giai đoạn của Chiến dịch. Điều này tác động trực tiếp đến niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến đấu và xuất hiện tư tưởng hoang mang, dao động, hoài nghi khả năng thành công của Chiến dịch trong cán bộ, chiến sĩ.

 

 

Trước tình hình đó, Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Mặt trận và Bộ chỉ huy Chiến dịch đã đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến thắng cho bộ đội, góp phần quan trọng làm nên kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Theo đó, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời công tác xây dựng, củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia Chiến dịch.

Trên cơ sở nắm vững tình hình chiến trường, tương quan lực lượng địch - ta và chủ trương, quan điểm, mục tiêu, quyết tâm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng cục Chính trị ban hành các Chỉ thị về công tác đảng, công tác chính trị trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 (ngày 27/11/1953) và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 16/1/1954). Trong đó, xác định mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp công tác lãnh đạo tư tưởng theo các tình huống, nhằm chuẩn bị tư tưởng và mọi mặt khác để làm cho cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao với tinh thần dũng cảm hơn, kiên quyết hơn, phấn khởi hơn. Ngay sau đó, ngày 16/12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh mặt trận đã ra Lệnh động viên gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ với yêu cầu: “Chúng ta phải sửa đường, khắc phục khó khăn gian khổ, anh dũng chiến đấu, chịu đói chịu rét, trèo đèo lội suối, đi xa vác nặng, tìm đến trận sào huyệt của quân địch để tiêu diệt chúng, để giải phóng đồng bào ta… nhất định chúng ta sẽ chiến thắng uân địch. Các đồng chí hãy dũng cảm tiến lên!”(1). Đặc biệt, nhân dịp 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng mỗi đại đoàn, mỗi liên khu một lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng làm giải thưởng luân lưu. Lá cờ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, ngọn đuốc soi đường; là động lực, sức mạnh nội sinh to lớn, cổ vũ, động viên, củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến thắng cho các đơn vị anh dũng chiến đấu đi đến thắng lợi.

 

 

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chỉnh quân về chính trị để nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu và niềm tin về thắng lợi của Chiến dịch. Cấp ủy, cơ quan chính trị các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ để họ nhận thức rõ thuận lợi, khó khăn, mục đích, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến dịch đối với tình hình quân sự, chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của Quân đội ta, cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới v.v.. Tổ chức hội nghị chi bộ để tuyên truyền, giải thích cho cán bộ, đảng viên nắm vững chủ trương của trên và sự cần thiết phải thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là để bảo đảm thắng lợi và khắc phục triệt để những biểu hiện tinh thần hoang mang, dao động, tư tưởng đề cao địch, hoài nghi khả năng thành công của Chiến dịch. Kịp thời ra nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, hướng dẫn công tác tư tưởng, làm cho mọi người thông suốt về tư tưởng, tinh thần, củng cố niềm tin, luôn “nâng cao và giữ vững quyết tâm, triệt để chấp hành mệnh lệnh, ra sức học tập kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao tinh thần trách nhiệm…”(2) để hoàn thành tốt nhiệm vụ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao.

 

 

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thứ hai, chú trọng công tác cổ động chiến trường và bồi dưỡng khát vọng cống hiến, hy sinh cho cán bộ, chiến sĩ. Tổ chức đảng và cơ quan chính trị các cấp luôn quan tâm, coi trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giáo dục nâng cao ý thức cổ động chiến trường cho cán bộ, chiến sĩ và lực lượng tham gia Chiến dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền những thắng lợi của ta và khó khăn, nguy khốn của địch; những thành tích của tập thể, cá nhân, tấm gương anh dũng trong khắc phục, vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bằng nhiều hình thức phong phú, như: Tuyên truyền tin chiến thắng, khẩu hiệu hành động, viết thư động viên khuyến khích lẫn nhau, sinh hoạt “Tâm giao”, văn hóa, văn nghệ; bồi dưỡng hạt nhân nòng cốt, điển hình tiên tiến để truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm chiến đấu; phát động phong trào thi đua giành cờ Quyết chiến - Quyết thắng; tặng Huy hiệu Bác Hồ hay tổ chức kết nạp Đảng ngay tại chiến hào, v.v. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng tinh thần “đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng”(3), làm cho mọi người nhận thức rõ niềm vinh dự, tự hào khi được sống, chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu tiêu diệt quân thù, với tinh thần quả cảm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...” để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Qua đó, trực tiếp tác động đến tâm tư, tình cảm, làm rung động trái tim, khối óc, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ vững tin vào tổ chức, đơn vị, không ngừng phấn đấu, rèn luyện ý chí, quyết tâm chiến đấu để được góp công sức của mình vào thắng lợi của Chiến dịch, tiêu biểu như: Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, v.v..

Thứ ba, kiên quyết đấu tranh, kịp thời khắc phục tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy mặt trận luôn quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những biểu hiện hoang mang, dao động, ngại khó khăn, gian khổ, ngại chiến đấu dài ngày của bộ đội, nhất là khi thay đổi phương châm tác chiến. Chủ động mở các đợt sinh hoạt chính trị, phát động cuộc đấu tranh chống hữu khuynh, tiêu cực sâu rộng trong tất cả các đơn vị; tiến hành từ trong Đảng, trong cán bộ ra đến quần chúng, chiến sĩ; bắt đầu từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên với tinh thần đề cao tự phê bình và phê bình, trung thực, thẳng thắn, cấp trên làm gương cho cấp dưới, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau, nhất là ý kiến của cấp dưới. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh “chống tư tưởng chủ quan, khinh địch, chủ quan tự mãn, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm sau đợt 1 và đợt 2 của Chiến dịch; đặc biệt là chống tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực sau đợt 2 cho đến ngày tổng công kích”(4). Qua đó, làm chuyển biến căn bản về tư tưởng và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chủ trì, cấp ủy đề cao quyết tâm, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân, Quân đội và kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, “vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, giành toàn thắng cho chiến dịch này”(5).

 

 

Bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ý NGHĨA TO LỚN ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA

 

 

70 năm trôi qua, tình hình, cục diện thế giới, khu vực và trong nước đã đổi thay rất nhiều, nhưng giá trị và tính thời sự của bài học về xây dựng, củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa sâu sắc đối với xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh hiện nay.

Một là, kiên định và tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, nắm vững quan điểm, mục tiêu, nội dung bảo vệ Tổ quốc được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình mới; quan điểm, nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các tác phẩm “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”“Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 2/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, v.v.. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, nắm chắc tình hình, điều kiện mới và chức năng, nhiệm vụ của Quân đội để không ngừng nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu chiến lược, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, giải pháp về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. 

Cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện giáo dục mục tiêu, lý tưởng, đường lối, quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng, khát vọng phát triển đất nước của dân tộc. Không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp công tác giáo dục chính trị tư tưởng, góp phần xây dựng, phát huy nhân tố chính trị tinh thần, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của tổ chức chỉ huy cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng phù hợp với đặc điểm, khả năng, trình độ của cán bộ, chiến sĩ, theo đúng nguyên tắc, quy chế, quy định. Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức và chính sách, quan tâm chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội với công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời chấn chỉnh biểu hiện tư tưởng lệch lạc và sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế về công tác giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng, củng cố niềm tin vào sự thành công của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hai là, tiếp tục cụ thể hóa nội dung bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa vào các phong trào thi đua Quyết thắng và khơi dậy khát vọng cống hiến cho cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chủ động, lồng ghép sáng tạo nội dung, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa vào các phong trào thi đua Quyết thắng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sát thực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp “xây” và “chống” gắn với phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để các cơ quan, đơn vị học tập, làm theo. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng khát vọng cống hiến cho cán bộ, chiến sĩ và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, tạo động lực to lớn thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Không ngừng động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ thực hiện mong muốn, quyết tâm được đem hết tinh thần và nghị lực, đạo đức và tài năng, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung” trong xây dựng Quân đội. Đẩy mạnh giáo dục truyền thống dân tộc, quân đội, đơn vị, nhất là những tấm gương anh hùng đã anh dũng hy sinh trong đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Qua đó, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm của mỗi người trong gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Ba là, tăng cường đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phản động và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quá trình thực hiện mục tiêu, nội dung bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm trong “chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”(6) về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phát huy vai trò đối ngoại quân sự trong nâng cao năng lực dự báo diễn biến tình hình nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh phòng, chống những biểu hiệu tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, bệnh thành tích, không dám xử lý sai phạm; thiếu gương mẫu, xa rời quần chúng; nói nhiều làm ít, nói nhưng không làm, làm không đến nơi đến chốn, v.v.. Chủ động nắm, quản lý và giải quyết tốt tư tưởng của bộ đội, “kịp thời định hướng tư tưởng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, góp phần nâng cao sức đề kháng, tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ”(7).

 

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa sâu sắc đối với xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ phải thấu suốt các mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới(8) quan điểm, phương châm “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến”(9); “Bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; chủ động phòng ngừa; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”(10) và mà Đảng ta đã xác định. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, trình độ lý luận chính trị, lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, tuyệt đối tin tưởng, trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Quân đội và thành công của công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

ĐẠI TÁ, TS. THÁI DOÃN TƯỚC
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

_________________

(1) Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng: Một số văn kiện chỉ đạo Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2004, tr. 214.

(2) (4) (5) Tổng cục Chính trị: Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2013, t.1, tr. 556, 593, 88.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.15, tr. 88.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. I, tr. 117, 156 - 157, 159.

(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr. 435.

(8) (10) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2024, tr.300-301, 303.

(9) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2024): Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

 

Tái hiện hình ảnh bộ đội kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ (một phần trong bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ). NHỮNG BÀI HỌC QUÝ BÁU Với dã tâm tiêu diệt chủ lực của Việt Minh, thực dân Pháp đã tập trung cao độ binh lực và vũ khí, trang bị để xây dựng Điện Biên Phủ trở thành pháo đài “bất khả chiến bại”, quân số trên 16 vạn, có nhiều kinh nghiệm chiến trường, thiện chiến, vũ khí trang bị tốt, đủ các thành phần, lực lượng, cùng Bộ Chỉ huy gồm các sĩ quan được đào tạo bài bản, do Đại tá Đờ Cát làm Tư lệnh. Trong khi đó, ta tuy có ưu thế về quân số và súng pháo, nhưng Chiến dịch Điện Biên Phủ (Chiến dịch) là lần đầu tiến hành chiến đấu

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Gửi bình luận của bạn