Khánh Hòa – vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thuận lợi để xây dựng các căn cứ địa trong chiến tranh giải phóng và chống ngoại xâm. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Khánh Hòa đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, kinh nghiệm của cha ông để xây dựng nhiều loại hình căn cứ địa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương và thế trận của cuộc chiến tranh. 

Các căn cứ địa được tổ chức linh hoạt về phạm vi và phương thức hoạt động, có căn cứ địa cách mạng ở rừng núi, căn cứ du kích ở đồng bằng, căn cứ lõm và các lõm căn cứ ở ven đô thị, tạo thành hệ thống vững chắc của cuộc chiến tranh nhân dân hiện đại ở địa phương. Các loại hình căn cứ kể trên hợp thành một mạng lưới rộng khắp, đan xen và thông nối với nhau, tạo thành hậu phương tại chỗ cho cuộc chiến tranh nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến thắng lợi.

1. Căn cứ địa cách mạng ở vùng rừng núi tỉnh Khánh Hòa

Vùng rừng núi tỉnh Khánh Hòa chiếm hơn 4/5 diện tích tự nhiên, bao gồm các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và phía tây các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm và Cam Ranh. Ở đây có các dãy núi cao như Vọng Phu, Tam Phong (Vạn Ninh), Đá Bàn (Ninh Hòa) Hòn Dữ, Hòn Dù, Hòn Giao (Khánh Vĩnh), Hòn Gầm, Ba Cụm, Tà Nỉa, Tà Luông, ManHan (Khánh Sơn) v.v… Phần lớn các dãy núi xen với rừng đều bắt nguồn từ Nam Tây Nguyên chạy xuống đồng bằng, nhô ra sát biển. Núi ở Khánh Hòa có nhiều ngọn cao hiểm trở, trong núi có nhiều hang động lớn, làm nơi đóng quân và phòng thủ rất lý tưởng cho các hoạt động quân sự. Vùng rừng núi có thế liên hoàn, nối các vùng với nhau và nối liền với vùng rừng núi các tỉnh Phú Yên, Đắc Lắc, Lâm Đồng và Ninh Thuận nên có một vị trí quân sự rất thuận lợi làm chỗ đứng chân cho các lực lượng cách mạng. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, trung thực, chân thành, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Có thể thấy, địa bàn vùng rừng núi Khánh Hòa có nhiều ưu thế để xây dựng các căn cứ địa làm hậu phương cho chiến tranh cách mạng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Khánh Hòa đã dựa vào vùng rừng núi để xây dựng căn cứ địa làm nơi đứng chân các cơ quan đầu não của tỉnh, huyện, của các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; nơi nuôi dưỡng và nguồn cung cấp nguồn lực cho cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp, các căn cứ địa ở rừng núi Khánh Hòa trở thành nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo kháng chiến và lực lượng vũ trang, nơi xây dựng và bồi dưỡng tiềm lực, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến. Tại căn cứ địa, quân và dân ta bước đầu đã xây dựng các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, manh nha một chế độ xã hội mới, làm cơ sở hình thành và phát triển lên thành các căn cứ địa vững chắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (21/7/1954), đế quốc Mỹ dựng lên bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm đứng đầu ở Nam vĩ tuyến 17 nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ, thực hiện chia cắt lâu dài đất nước ta. Ở Khánh Hòa, sau 2 năm bình định vùng đồng bằng, địch tiến hành bình định miền núi bằng chiến dịch “Thượng du vận” hòng tiêu diệt tận gốc lực lượng kháng chiến của ta. Trọng điểm là các căn cứ kháng chiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và phía tây các huyện Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh.

Nhận rõ âm mưu địch phá hoại Hiệp định Genève và quán triệt các chủ trương của Đảng, ngay từ cuối tháng 12/1954, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Suối Cau (Hòn Dữ) đã vạch rõ “cán bộ phải bám dân, thực hiện phương châm đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp thích hợp với vùng sát địch, vùng giữa và vùng cao, vận động giải tán các ổ Guom còn lại”. Đầu năm 1956, Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định tách vùng núi huyện Diên Khánh thành lập huyện Khánh Vĩnh.

Từ năm 1956, địch bắt đầu triển khai tố cộng vùng người dân tộc bằng thủ đoạn dồn dân vào các khu tập trung nhằm cô lập cách mạng, xóa bỏ căn cứ địa của ta. Địch dồn đồng bào các xã ở Sơn Tân, Sơn Trung, Sơn Thành, Sơn Cầu (Khánh Sơn) xuống khu tập trung dân ở Sông Cạn, Trại Láng, Bầu Hùng, Hóc Gia. Địch chọn xã Ba Cụm, Tô Hạp là trung tâm căn cứ kháng chiến, chỗ dựa của cơ quan chỉ đạo kháng chiến làm thí điểm. Ở huyện Khánh Vĩnh, địch mở con đường mới từ Đồng Trăn - Cẩm Sơn lên Gia Lê và mở đường từ Ninh Hưng (Ninh Hòa) đi Bến Khế (Khánh Vĩnh). Những con đường này đi qua vùng căn cứ, lách sâu vào hậu phương của ta, cắt ngang đường hành lang phía Tây của tỉnh Khánh Hòa. Chúng gọi đây là những con đường “phản kích Việt cộng và nắm dân”[1].

Đầu năm 1957, do sự đánh phá của địch, cơ quan huyện Khánh Vĩnh từ sông Giang dời lên Hòn Dù. Đồng bào Hòn Dù, Suối Cá, Tà Gộc, Cà Thiêu là nơi cơ quan huyện, tỉnh đóng, kiên quyết đấu tranh không hợp tác với địch, tận tình nuôi dấu cán bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.

Mùa thu 1958, Liên Khu ủy V ra Nghị quyết về xây dựng căn cứ miền núi và bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ. Cuối năm 1958, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa ở miền núi, xây dựng tự vệ vũ trang, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, chuẩn bị mọi mặt tiến tới phá các khu tập trung, giải phóng miền núi.

Tháng 3/1959, Liên tỉnh ủy 3 thành lập khu Ái-Vĩnh-Sơn nhằm xây dựng một căn cứ địa hoàn chỉnh, làm chỗ dựa cho cơ quan chỉ đạo của liên tỉnh, bảo đảm hành lang chiến lược và làm bàn đạp vững chắc cho phong trào đồng bằng. Khu Ái-Vĩnh-Sơn có Ban cán sự trực thuộc Liên tỉnh 3, cơ quan đóng tại Suối Sóc, Xóm Cỏ (xã Sơn Bình). Tháng 12/1959, tại Hòn Chông (Bác Ái-Ninh Thuận), đại đội 548 đơn vị vũ trang đầu tiên trong chống Mỹ của tỉnh được thành lập.

Tháng 9 /1959, Tỉnh ủy chủ trương phát động quần chúng nổi dậy phá các khu tập trung, đưa dân về làng cũ, xây dựng và bảo vệ căn cứ địa. Tô Hạp-Ba Cụm (Khánh Sơn) và Thác Trại - Gia Lê (Khánh Vĩnh) được chọn làm trọng điểm.

Thực hiện chủ trương trên, tháng 9 năm 1960, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa phối hợp với lực lượng Liên Tỉnh 3 diệt đồn Thác Trại - Gia Lê, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá khu tập trung Gia Lê, giải phóng 5.000 đồng bào dân tộc và hướng dẫn họ trở về buôn, làng cũ bố phòng chống địch. Tiếp theo, quân và dân phía Tây Nam tỉnh Khánh Hòa nổi dậy phá Khu tập trung Cây Dầu, Tà Lương, Suối Hai.

Chỉ trong vòng 5 tháng, bằng bạo lực chính trị, kết hợp với vũ trang, cuối năm 1960, toàn bộ miền núi Khánh Hòa đã hoàn toàn được giải phóng, với diện tích gần 10.000 km2, khoảng 15.000 dân. Vùng giải phóng được xây dựng thành căn cứ địa cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Khánh Hòa sang thời kỳ mới.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của miền núi đối với phong trào cách mạng chung của cả tỉnh, nhất là đối với phong trào cách mạng ở đồng bằng, Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trương đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa miền núi một cách toàn diện, vững chắc. Tháng 3/1961, Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định thành lập các huyện Khánh Sơn, Vĩnh Sơn, Vĩnh Khánh ở vùng giải phóng miền núi tỉnh Khánh Hòa:

- Huyện Khánh Sơn từ Gia Nuôi đến Aba, Gia Ré, Gia Lục, Tà Giang, gồm các xã: Sơn Tân, Sơn Trung, Ba Cụm, Tô Hạp và Tân Mỹ, có dân số 4250 người, chủ yếu các dân tộc Raglai, Cơ ho, Ê đê, Chu-ru. Địa hình chủ yếu là núi non trùng điệp, với nhiều dãy núi hiểm trở. Trung tâm của căn cứ là Tô Hạp, Ba Cụm, Điểm 5, Điểm 3. Nơi đây có có thung lũng Tô Hạp và nhiều ngọn núi cao như dốc Gạo, Hòn Gầm, Hòn Dung, Hòn Xanh hiểm trở, liên hoàn. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang của Khánh Sơn, Cam Ranh và các đơn vị c90, c91 đều đứng chân ở Hòn Gầm, Hòn Dung (nay thuộc thị trấn Tô Hạp), Điểm 5 (nay thuộc thôn Suối Cốc xã Sơn Tân) và Điểm 3 (nay thuộc thôn Va Ly xã Sơn Tân). Từ đây, ta đã mở nhiều cuộc tấn công hỗ trợ và giải phóng đồng bằng phía Nam tỉnh Khánh Hòa.

- Huyện Vĩnh Sơn có địa giới từ Aba, Gia Ré, Gia Lục, Tà Giang ra đến bờ nam sông Cái, gồm các xã: Sơn Bình, Sơn Thượng, Sơn Lâm, Thành Sơn, Sơn Thái (vốn thuộc huyện Khánh Sơn), Sơn Phú, Sơn Hòa, Giang Ly, Liên Sang có dân số là 4649 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai, Êđê. Trung tâm của căn cứ là Xóm Cỏ (nay thuộc xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) tên Raglai là Plei Xoan, nằm trong một địa hình có núi Chu Á cao hàng ngàn mét ở phía nam, rừng núi trùng điệp bao bọc ở phía đông, phía tây có hệ thống núi Tà Gụ, phía bắc là thung lũng sông Tô Hạp màu mỡ. Địa hình tạo nên thế an toàn, lại có nhiều suối ngầm, hang động rộng lớn có thể chứa hàng ngàn người. Đây là nơi đứng chân của các cơ quan Liên tỉnh 3 và Tỉnh Khánh Hòa trong thời gian đầu chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1959, các cơ quan Tỉnh chuyển về đứng chân ở Xóm Cỏ. Tại đây vào tháng 8/1961, Tỉnh ủy họp bàn về việc xây dựng và bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng, phát huy vai trò căn cứ địa đối với phong trào nông thôn, đồng bằng và đô thị của tỉnh.

- Huyện Vĩnh Khánh từ bờ bắc sông Cái ra đến nam đường 21, gồm các xã: Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Hiệp, Khánh Bình, Khánh Minh, Khánh Thượng, có dân số là 2866 người chủ yếu là dân tộc Raglai. Huyện Vĩnh Khánh có nhiều núi non trùng điệp, hiểm trở trở thành nơi đứng chân của Tỉnh và huyện Vĩnh Khánh như Hòn Dù nằm ở xã Khánh Trung, một phần ở xã Khánh Nam, xã Khánh Thượng, là một quần thể núi non trùng điệp, gồm có Hòn Dù Tiểu, Hòn Dù Đại (1292 m), Hòn Nhọn (1092 m), Hòn Sả (21 m), Hòn Mưa (602 m). Hòn Dù có nhiều hang động, gộp đá, khu rừng nguyên sinh có thể che chở hàng nghìn người, là một căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của tỉnh. Từ đầu năm 1962, các cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội từ vùng núi Xóm Cỏ  chuyển về đóng ở chân núi Hòn Dù (Vĩnh Khánh). Tháng 2/1962, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I trong chống Mỹ tại A Xây-Hòn Dù đề ra các chủ trương lớn, trong đó có chủ trương “củng cố miền núi thành lưng dựa vững chắc cho phong trào đồng bằng, tạo thế liên hoàn với vùng căn cứ của tỉnh Đắc Lắc và Lâm Đồng”.

Hòn Dữ thuộc thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh có núi Đá Đen làm lá chắn vững chắc, che chở kín đáo, bí mật cho các hang động. Do đó, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã xây dựng thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ở đây có nhiều hang đá tự nhiên, có nguồn nước, thuận lợi cho việc đóng các cơ quan chỉ đạo và lực lượng kháng chiến. Hòn Dữ liên hoàn với các dãy núi phía Tây và nối thông với căn cứ phía Bắc của tỉnh.  Đất đai ở đây màu mỡ, cán bộ, bộ đội cùng đồng bào địa phương trồng được nhiều khoai lang, mì, bắp, lúa và mở các trại chăn nuôi trâu, bò, có xưởng sản xuất lựu đạn, kíp nổ, sửa chữa súng đạn, làm dụng cụ sản xuất. Trong thời gian đầu kháng chiến chống Pháp, cơ quan của tỉnh Khánh Hòa đã đứng chân ở đây, đến năm 1948 mới chuyển về Hòn Hèo, Ninh Hòa. Sau ngày 20/7/1954, cơ quan Tỉnh ủy từ Đá Bàn chuyển về Hòn Dữ tiếp tục chỉ đạo cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Mỗi huyện căn cứ miền núi đều thành lập Huyện ủy, Ủy ban nhân dân tự quản và các đoàn thể; đồng thời thành lập chính quyền tự quản ở hầu khắp các xã. Các tổ chức quần chúng như thanh niên, phụ nữ, thiếu niên cũng được thành lập và đi vào hoạt động.

Địa bàn các huyện miền núi Khánh Sơn, Vĩnh Sơn, Vĩnh Khánh sau khi được giải phóng đã trở thành chỗ dựa vững chắc, là trung tâm điều hành phong trào cách mạng của cả tỉnh. Tại đây đã diễn ra các đại hội, hội nghị quan trọng của Đảng bộ tỉnh và các huyện.

Quân và dân các huyện căn cứ miền núi đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang, lập làng chiến đấu. Ngày 24/9/1961, huyện đội Khánh Sơn được thành lập, đứng chần ở Hòn Gầm (Tô Hạp). Lực lượng vũ trang nhân dân như bộ đội huyện, du kích xã được thành lập. Quân và dân các huyện miền núi đã xây dựng các tuyến bố phòng đánh địch càn quét bằng hầm chông, mang cung, cạm bẫy, thực hiện phòng gian, bảo mật. Vì vậy đã đánh bại các cuộc càn quét quy mô lớn của địch như “Thiểm đầu thủy” từ 1/6/1963-25/8/1963; cuộc càn của quân Mỹ-Nam Triều Tiên trong mùa khô 1966-1967 vào các huyện miền núi Khánh Sơn, Vĩnh Sơn, Vĩnh Khánh, quân và dân miền núi đã tiêu diệt nhiều sinh lực và bắn hạ nhiều máy bay của địch.

Bên cạnh việc tăng cường lực lượng vũ trang, bảo vệ căn cứ địa, quân và dân miền núi đã thực hiện tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân và huy động sức người, sức của phục vụ tiền tuyến; xây dựng đời sống văn hóa mới, các phong trào văn hóa, văn nghệ, vệ sinh phòng bệnh được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng. Các trường bổ túc văn hóa, trường Đảng của tỉnh được thành lập đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào địa phương.

Căn cứ địa cách mạng ở vùng rừng núi Khánh Hòa là những điểm tựa vững chắc của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nơi đây, quân và dân ta đã xây dựng được các căn cứ tương đối an toàn, đó là nơi do lực lượng cách mạng làm chủ, thành lập được chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nơi đứng chân của các cơ quan đầu não lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến ở địa phương.

2. Căn cứ cách mạng ở vùng đồng bằng tỉnh Khánh Hòa

Vùng đồng bằng Khánh Hòa chiếm gần 1/10 diện tích tự nhiên, gồm đồng bằng Vạn Ninh - Ninh Hòa, Nha Trang - Vĩnh Xương - Diên Khánh. Vùng đồng bằng hẹp, bị chia thành từng ô, cách ngăn bởi những dãy núi ăn ra biển. Do địa hình đồng bằng giáp với rừng núi nên nhiều nơi có thể xây dựng thành căn cứ du kích nối với rừng núi. Vùng đồng bằng là nơi cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến, đồng thời là vùng chuyển tiếp từ rừng núi xuống đô thị. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở các huyện đồng bằng đã xây dựng được nhiều căn cứ địa cách mạng làm nơi đứng chân của các cơ quan tỉnh và các huyện, các căn cứ tiêu biểu[2] là:

- Căn cứ Đồng Trăng-Đất Sét và Đại Điền (Diên Khánh): Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện kế hoạch đồng khởi nhằm giải phóng một phần đồng bằng, ngày 7/11/1964, quân và dân ta đã vùng dậy giải phóng toàn bộ tứ thôn Đại Điền (Diên Sơn, Diên Điền), mở đầu cho phong trào đồng khởi của huyện Diên Khánh, vùng căn cứ giải phóng của huyện được thành lập. Từ đây, các lực lượng cách mạng đã làm chủ cho đến ngày thống nhất đất nước, phối hợp chặt chẽ với bộ đội của tỉnh và quân khu sát cánh cùng nhân dân chiến đấu xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng.

- Căn cứ Hòn Hèo (Ninh Hòa) trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi giải phóng miền núi, Tỉnh ủy quyết định mở phong trào đồng bằng. Tháng 5/1961, đơn vị 100 của Tỉnh, cùng với Huyện ủy Ninh Hòa trở về Hòn Hèo.

Tháng 8/1962 địch dồn dân ở thôn Đầm Vân, Ninh Tịnh, Ninh Yển về tập trung ở vùng kiểm soát của chúng. Nhiều gia đình ở hai thôn Đầm Vân và Ninh Tịnh thoát ra rừng sống bất hợp pháp với địch. Trên 30 nam nữ thanh niên gia nhập bộ đội và các đội công tác. Hòn Hèo bắt đầu là căn cứ kháng chiến chống Mỹ của huyện Ninh Hòa, mà trực tiếp là của vùng Đông Ninh Hòa.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, căn cứ Hòn Hèo luôn là chỗ dựa vũng chắc cho phong trào kháng chiến mà trực tiếp là vùng Đông của huyện Ninh Hòa. Hòn Hèo có lúc còn là căn cứ kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa.

Căn cứ Hòn Hèo cùng với căn cứ Đá Bàn đã tạo thành những điểm hậu phương vững chắc, một trong những điều kiện có ý nghĩa quyết định để Ninh Hòa giành thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến.

- Căn cứ Đá Bàn (Ninh Hòa) có diện tích khoảng 102 km2 trải dài 2 bên bờ sông Đá Bàn, bốn bề có núi bao bọc, phía Tây có núi Hòn Gục nối liền với núi Mẹ Bồng Con; phía Bắc là núi Hòn Chảo và đồng ruộng Xuân Sơn của huyện Vạn Ninh; phía Nam là núi Dốc Dài; phía Đông là sông Đá Bàn, Quốc lộ 1. Tháng 3 năm 1951, các cơ quan tỉnh Khánh Hòa từ Hòn Hèo chuyển lên xây dựng căn cứ kháng chiến ở Đá Bàn, một thung lũng nằm giữa các xã Phước Trung, Phước Tây, Đồng Xuân và lấy mật danh là Căn cứ 148. Từ Đá Bàn, ta có điều kiện mở đường giao thông nối với vùng tự do Liên khu 5 để tiếp nhận sự chi viện về lương thực, vũ khí của cấp trên thuận tiện và an toàn hơn Hòn Hèo. Con đường hành quân của lực lượng chủ lực, của dân công tiếp vận từ Phú Yên vào chiến trường có điều kiện bảo đảm bí mật. Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam của Liên khu 5 và Trung ương nên căn cứ Đá Bàn có nhiệm vụ bảo vệ các đoàn cán bộ qua lại trên địa bàn. Trung tâm căn cứ Đá Bàn là vùng đất bằng màu mỡ có thể trồng lúa và hoa màu để giải quyết lương thực tại chỗ. Về tổ chức, căn cứ Đá Bàn được chia làm 3 khu: khu Bắc, khu Trung và khu Nam. Mỗi khu có cán bộ chính quyền, đoàn thể như một thôn, dưới sự quản lý, điều hành của Uỷ Ban căn cứ địa. Tất cả số thanh niên và trại viên trại sản xuất được tổ chức thành du kích, trang bị súng, lựu đạn, bom, mìn để làm nhiệm vụ bố phòng đánh địch. Toàn căn cứ có hai tiểu đội vũ trang tập trung cơ động, có nhiệm vụ canh gác các trục đường chính dẫn vào căn cứ, tổ chức hệ thống thông tin, báo động bằng hiệu kẻng mỗi khi máy bay, bộ binh địch xâm nhập căn cứ. Bảo vệ từ xa có du kích các xã vùng ven, các chốt, các đài quan sát của trinh sát, của quân báo huyện, tỉnh[3]. Trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Đá Bàn được khôi phục lại. Căn cứ Đá Bàn được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, có chính quyền, có các lực lượng vũ trang, có sản xuất tự túc[4]. Đá Bàn là nơi đứng chân của các cơ quan tỉnh Khánh Hòa, huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh.

- Căn cứ Đồng Bò (Nha Trang-Vĩnh Xương) được thành lập vào cuối năm 1946 là một vùng rừng núi, với hệ thống những dãy núi cao, hình vòng cung kéo dài ven thị xã Nha Trang, tạo nên một bức tường thành kiên cố, vững chắc che chắn hướng Tây Nam và cách Nha Trang 5 km. Đồng bò có diện tích khoảng 80 km2 được chia làm 3 khu vực chính: Đồng Bò Hạ, Đồng Bò trung và Đồng Bò Thượng. Đồng Bò cách thị xã Nha Trang một dải rừng sát ở hai bên bờ sông Tắc, có Hòn Rớ đứng phía trước tạo thành một vị trí tiền tiêu sát với thị xã Nha Trang. Dãy núi Đồng Bò có nhiều đỉnh núi cao, rừng rậm, cây cối rậm rạp, có nhiều vùng gộp đá tạo thành các hang, động, ngóc ngách liên hoàn rất hiểm trở, bảo đảm bí mật cũng như rất thuận lợi cho việc trú quân, ẩn nấp, tránh bom đạn. Những đỉnh núi cao như Cù Hin (927m), hòn Chu Hạ (595m), núi Chín Khúc... rất thuận tiện cho việc quan sát thị xã Nha Trang. Địa hình của vùng đất Đồng Bò có thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” nên trong nhiều giai đoạn lịch sử, cha ông ta đều dựa vào Đồng Bò để giữ nước, chống cường quyền và ngoại xâm.

Trong kháng chiến chống Mỹ, sau cuộc họp tháng 12/1954, cơ quan Tỉnh ủy từ Hòn Dữ được chuyển về đứng chân ở Đồng Bò. Lúc đầu cơ quan Tỉnh ủy đóng ở Đồng Bò Thượng, sau chuyển về núi Đá Chẹt (Đồng Bò Hạ). Bộ phận điện đài cơ yếu đóng cách cơ quan Tỉnh ủy 3 km và được bảo vệ rất cẩn mật. Mọi phương tiện sinh hoạt của cơ quan Tỉnh ủy được các cơ sở ở Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung lo tiếp tế chu đáo.

Tại đây, Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, chỉ đạo phong trào đấu tranh chống tố cộng, diệt cộng. Trước phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi ở Nha Trang, Vĩnh Xương, Diên Khánh và toàn tỉnh Khánh Hòa, địch ra sức ngăn chặn, ngăn cấm đồng bào vào vùng Đồng Bò.

Đầu năm 1959, cơ quan Tỉnh ủy chuyển từ Đồng Bò về Xóm Cỏ Khánh Sơn, lúc này Đồng Bò là nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo của thị xã Nha Trang và huyện Vĩnh Xương. Dựa vào địa hình rừng núi có nhiều gộp đá tự nhiên, những hang đá vừa sâu, vừa kéo dài, nhiều ngóc ngách khó tìm mà miệng các gộp đá này thường được cây rừng phủ kín, Ban cán sự Nha Trang và Ban cán sự Vĩnh Xương đều đóng tại khu vực gộp Lao Dây, phía trên cao lưng núi Hòn Trông.

Sau này, căn cứ Đồng Bò là nơi đứng chân của Thị đội Nha Trang, tiểu đoàn 7 trung đoàn 20, Ban chỉ huy tiền phương mang ký hiệu K5. Tết Mậu Thân năm 1968, từ căn cứ, lực lượng vũ trang đã mở những cuộc tấn công vào nội thị Nha Trang.

Trong hai cuộc kháng chiến, Đồng Bò là một khu căn cứ địa cách mạng của liên huyện Vĩnh Xương – Nha Trang. Trụ sở, văn phòng các cơ quan đều đóng trong những gộp đá, thường gọi là Mật khu Đá Hang như: gộp Gốc Gáo, gộp Leo Dây, gộp Dưới, gộp Kinh Tài, gộp Trạm Xá...

Từ căn cứ cách mạng Đồng Bò, lực lượng vũ trang của ta liên tiếp xuất phát tấn công địch. Ngoài việc lãnh đạo hoạt động vũ trang, Thị uỷ Nha Trang và Huyện uỷ Vĩnh Xương còn chú ý đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị ở nội thị Nha Trang và Vĩnh Xương. Tuy phải đương đầu với thế lực hiếu chiến hùng mạnh hơn ta gấp nhiều lần, song căn cứ cách mạng Đồng Bò vẫn hiên ngang đứng vững, vẫn tồn tại như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Căn cứ cách mạng Đồng Bò không chỉ là nơi đứng chân của các cơ quan chỉ đạo kháng chiến mà còn là điểm tựa tinh thần của nhân dân ta, đã góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ta nói chung, Nha Trang, Khánh Hòa nói riêng.

3.Căn cứ lõm vùng đô thị

Vùng đô thị Nha Trang và các quận lỵ ở đồng bằng thuộc vùng tạm chiếm của địch, nơi đây được kiểm soát gắt gao, song lực lượng kháng chiến cũng đã xây dựng được các “căn cứ lõm”, cơ sở cách mạng. Một số nơi trong đô thị và vùng ven đô thị đào hầm bí mật nuôi dấu cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến năm 1968, phần lớn các đô thị đã hình hành mạng lưới cơ sở cách mạng, được tổ chức chặt chẽ, bí mật, điển hình như quận lỵ Ninh Hoà, thị xã Nha Trang,…Nơi đây, nhiều cán bộ cách mạng sinh sống và hoạt động, vừa chỉ đạo nắm bắt tình hình địch, vừa tổ chức, tập hợp lực lượng chính trị quần chúng, xây dựng lực lượng “tự vệ mật”, đặc biệt là tuyên truyền chủ trương, đường lối của đảng, chính sách của mặt trận dân tộc giải phóng cho nhân dân, tạo lòng tin của người dân với cách mạng.

*        *

*

Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, dựa vào điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội và tình hình chiến trường, quân và dân Khánh Hòa đã xây dựng được hệ thống căn cứ địa cách mạng, với nhiều loại hình, quy mô khác nhau gồm căn cứ kháng chiến ở rừng núi, căn cứ du kích ở đồng bằng ven biển và cơ sở chính trị trong vùng đô thị. Các căn cứ địa cách mạng không chỉ là những “pháo đài trung kiên” trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ, cứu nước thắng lợi, mà còn mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Khánh Hòa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước hiện nay.



[1] Lịch sử Đảng bộ đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930-1975), xb 2003, tr.349

[2] Bài viết chỉ đề cập các căn cứ địa – nơi đứng chân của các cơ quan tỉnh và huyện ở đồng bằng và sắp xếp theo tiến trình lịch sử.

[3] Huyện ủy Ninh Hòa, Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Ninh Hòa (1930-1975), tr.185

[4] Huyện ủy Ninh Hòa, Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Ninh Hòa (1930-1975), tr.120

PSG. TS Chu Đình Lộc

Đại học Khánh Hòa

Các căn cứ địa được tổ chức linh hoạt về phạm vi và phương thức hoạt động, có căn cứ địa cách mạng ở rừng núi, căn cứ du kích ở đồng bằng, căn cứ lõm và các lõm căn cứ ở ven đô thị, tạo thành hệ thống vững chắc của cuộc chiến tranh nhân dân hiện đại ở địa phương. Các loại hình căn cứ kể trên hợp thành một mạng lưới rộng khắp, đan xen và thông nối với nhau, tạo thành hậu phương tại chỗ cho cuộc chiến tranh nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến thắng lợi. 1. Căn cứ địa cách mạng ở vùng rừng núi tỉnh Khánh Hòa Vùng rừng núi tỉnh Khánh Hòa chiếm hơn 4/5 diện tích tự nhiên, bao gồm các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và phía tây các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Gửi bình luận của bạn