Sau chiến thắng lịch sử ở Điện Biên Phủ, nhiều công trình khoa học lịch sử-nghệ thuật quân sự ở Việt Nam và ở nhiều nước trên thế giới, bên cạnh việc phân tích lý giải ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã dành nhiều công sức bàn luận về nguyên nhân gì? sức mạnh nào? mà quân và dân Việt Nam đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiều học giả chính trị, quân sự nước ngoài cho rằng Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh vĩ đại nhất của thế kỷ XX và là thời điểm quan trọng trong lịch sử Đông Nam Á. Cho đến nay, sự kiện đó vẫn được đề cập đến rất nhiều tài liệu lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước khác trên thế giới.

Các học giả nước ngoài đánh giá về thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ
Các học giả nước ngoài đánh giá về thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ

1. Sự kiện Điện Biên Phủ qua đánh giá của người Pháp và báo chí phương Tây

Sự kiện Điện Biên Phủ dẫn đến thất bại của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (theo cách gọi của phương Tây) đã tạo ra cơn chấn động lớn đối với nước Pháp, nước Mỹ và nhiều nước phương Tây khác. Ngay sau khi quân đội viễn chinh Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương - M. Dejean gửi ngay cho người Pháp một bức thông điệp với lời lẽ chua chát: “Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (8-5, kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức), đối với ta (chỉ Pháp - TG) là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đòn ta phải chịu. Dù rằng đối phương có số quân gấp bốn chúng ta, dù rằng cuộc kháng cự ở Điện Biên Phủ đã cứu được Luông Phra-băng (Lào) và có lẽ cả Hà Nội thì sự thất thủ của Điện Biên Phủ cũng vẫn là một thất bại"1.

Sự kiện Điện Biên Phủ đeo đẳng nước Pháp nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau. Người ta dễ dàng nhận thấy điều đó qua hồi ký của các chính trị gia, các tướng lĩnh và qua các công trình nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước Pháp. Bảy năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, ký giả người Pháp J. Roa, trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ ghi nhận: “Trong toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít tiếng vang hơn... Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn đang âm vang”2. Cũng với nhận định như thế, Bernard Fall, nhà sử học Mỹ gốc Pháp viết: “Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa”3. Tại phiên họp chính phủ được cho là bi thảm nhất của nước Pháp, ngày 11-5-1954, với cương vị là nghị sĩ, F. Mitterrand (sau này là Tổng thống Pháp) đã dồn dập chất vấn chính phủ của Thủ tướng J. Laniel về việc để mất Điện Biên Phủ. Bốn mươi năm sau (1994), Tổng thống F. Mitterrand đã đến Việt Nam và thăm Điện Biên Phủ. Điều này chứng tỏ rằng, nước Pháp không thể lãng quên Điện Biên Phủ và sự kiện Điện Biên Phủ là một phần lịch sử của nước Pháp. Với ý nghĩa đó, cựu Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, A. Pui-li-ớt đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Điện Biên Phủ rằng: “Tất cả chúng ta biết rằng, dù lịch sử phải sang trang, nhưng chưa có trang sử nào - dù vinh quang hay thảm khốc nhất - có thể viết lại được. Chấp nhận quá khứ tức là chấp nhận mình, đó là một nghĩa vụ đối với tất cả chúng ta”4 

Điện Biên Phủ đối với Pháp là một thất bại đau đớn và với Mỹ cũng vậy. Nhà sử học Bernard Fall đã viết rằng: “Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ”5. Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ và chịu phí tổn chiến tranh chủ yếu cho Pháp. Từ năm 1950 đến khi Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, nước Mỹ đã gánh hộ Pháp 80% phí tổn chiến tranh. Báo Paris Match, số ra ngày 22-5-1954, đưa tin: “... Điện Biên Phủ thất thủ, việc đầu tiên của Tổng thống Đ.Ai-xen-hao là triệu tập ngay Hội đồng an ninh quốc gia vào hôm sau. Cuộc triệu tập này đã vi phạm cả tính chất thiêng liêng của việc nghỉ cuối tuần”. Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, nhưng giới chính trị và quân sự Mỹ mới là kẻ muốn tiếp tục cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam, bởi lúc đó, Pháp đã tỏ rõ sự bất lực hoàn toàn. Chính quyền Mỹ tổ chức nhiều cuộc họp, đánh giá, phân tích tình hình quân sự ở Đông Dương, nêu nhiều phương án hành động để cứu nguy cho thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, như hỗ trợ không quân và lục quân để giúp quân Pháp giữ được đồng bằng Bắc Bộ, dành cho Đông Dương khoản viện trợ 800 triệu đô la (theo Báo Nhân đạo (Pháp) ngày 26-5-1954), sử dụng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh Đông Dương nhằm giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuốn sách Đông Dương hấp hối, tướng H. Navarre còn thú nhận: “Cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là một cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là một cuộc viễn chinh thôn tính ở một nơi xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc, trong đó dân tộc ta không hiểu được ý nghĩa của nó đã hoàn toàn không tham dự…”6.

Nói về đường lối chính trị và nội bộ Chính phủ Pháp ở thời kỳ đó, H. Navarre phải cay đắng thốt lên: “Nhưng than ôi!, tình hình bên ta thì hoàn toàn ngược lại. Chưa bao giờ chúng ta có người cầm quyền từ đầu đến cuối… Để lãnh đạo chiến đấu từ bảy năm nay thì 19 chính phủ liên tiếp của ta đã đưa ra năm thủ lĩnh chính trị ở Đông Dương (ông M. Dejean  là người thứ 6) và sáu tổng chỉ huy (tôi là người thứ 7). Hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối. Hay nói đúng hơn: chúng ta chẳng có một chính sách nào cả…”7. tướng H. Navarre thừa nhận: “Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thật sự. Việt Nam có đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, có Lãnh tụ vĩ đại lãnh đạo, có Tổng chỉ huy tài giỏi. Thật vậy, uy quyền trực tiếp của họ lan rộng quá nửa nước Việt Nam. Hơn nữa, trong vùng quân ta kiểm soát, họ cũng có một quyền uy bí mật đánh bại được uy quyền của ta và cho phép họ thu được những nguồn tài nguyên bổ sung rất quan trọng…”8.

Nhìn toàn cảnh cuộc chiến tranh ở Đông Dương những năm 1953-1954, Báo Rivaron, số ra ngày 8-7-1954, viết: “Tinh thần quân đội họ cao. Đó là tinh thần của kẻ chiến thắng… Mặt khác cũng phải nói rằng, dân chúng có cảm tình với Cụ Hồ Chí Minh. Dân chúng sẵn sàng rời bỏ nơi mình ở” để theo Cụ Hồ, theo Việt Minh. Ngược lại, “tinh thần của quân Pháp thì dao động mạnh, tinh thần quân Việt (nguỵ) sát cánh với họ đã suy sụp từ lâu, vì họ cho là Việt Minh chắc chắn sẽ chiến thắng”.

Trong cuốn sách Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, tác giả Michael Maclear đã phân tích sâu sắc và thuyết phục, đưa ra bức tranh toàn cảnh khá chân thực, trong đó nêu ra một trong những nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, đó là Việt Nam có Tổng Chỉ huy rất tài giỏi. Michael Maclear viết: “Đối với ông Giáp, cảm giác khi gặp thì người ta thấy ông là một con người giống Na-pô-lê-ông về dáng vóc và kiến thức. Ông ta là một chiến lược gia có tài, với chủ trương chạy đua thời gian, trước mắt phải diệt tốt, đợi thời cơ sẽ diệt xe… Ông thua nhiều trận nhưng ông ta lại chẳng bao giờ thua một cuộc chiến tranh nào”. Điều đó cũng được tướng Na-va viết trong cuốn sách “Đông Dương hấp hối”, thể hiện rõ sự khâm phục đối với “đối thủ đáng kính trọng”, “một lãnh tụ chính trị duy nhất: Hồ Chí Minh và một Tổng chỉ huy quân sự duy nhất-Tướng Giáp…”9.

Ngay sau khi nhân dân Việt Nam giành toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ, ngày 8-5-1954, Báo Sao Đỏ của Liên Xô bình luận: “Việc giải phóng cứ điểm (Điện Biên Phủ) chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam, ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình”10.

Ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân Việt Nam được tác giả Giuyn Roa viết trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ, xuất bản năm 1963 tại Paris (Pháp); trong đó có đoạn: “Bất chấp hàng tấn bom đạn đã được ném xuống đường giao thông, con đường bảo đảm cho quân lính đối phương tiếp nhận được vũ khí, trang bị ấy không bao giờ bị cắt đứt. Đừng nghĩ là sự viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Na-va mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô của Pháp thồ được từ 200 đến 300 ki-lô-gam, điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và ngủ ngay trên những tấm ni lông trải trên mặt đất. Tóm lại, tướng Na-va không bị đánh bại bởi các phương tiện chiến tranh mà bởi trước hết là sự thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”11.

Tác giả D. Halberstam, trong cuốn sách Hồ (Nhà xuất bản Random Hause, New York, năm 1971) đã viết về cuộc chiến tranh nhân dân kỳ diệu và tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ; trong đó có đoạn: “Quân địch ở khắp nơi, ai cũng là địch thủ. Mỗi cần vụ, mỗi người hầu trong nhà, mỗi thư ký là người Việt Nam đều có thể là tay chân Việt Minh cộng sản. Mỗi phụ nữ trong các làng đều có thể là một điệp viên báo cho Việt Minh biết một đội tuần tra Pháp đã đến chỗ nào, bao nhiêu lính, mang súng gì, nhưng không hề nói cho quân Pháp biết điều gì…”12. Trong cuốn sách Chiến tranh cách mạng của cộng sản, tác giả K.Tenihen, đã chỉ ra sự khác biệt giữa quân đội của Việt Minh với quân Pháp ở chiến trường, ông viết: “Các chiến thuật này được thực hiện một cách xuất sắc, thường xuyên bởi một quân đội gồm những sĩ quan và binh lính tận tuỵ và gan dạ. Họ sống với nhau chung một hoàn cảnh, cùng chịu đựng và chia sẻ với nhau những gian khó. Nhìn bề ngoài khó phân biệt được binh lính với sĩ quan, họ thật sự chung sức với nhau để thực hiện mọi lý tưởng”13. Trong khi đó, “Tướng lĩnh Pháp sang chỉ huy Đông Dương có nghĩa là đến sống ở những biệt thự lộng lẫy, ô tô, gái đẹp, hưởng thụ, và xoay sở. Chiến tranh phải kèm theo những bàn giấy, những máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, những Bộ tham mưu và những phương tiện mà nhờ đó Bộ tham mưu mới có thể di chuyển, mới có thể ngồi, ăn và ngủ thoải mái. Liệu có bao nhiêu cấp sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn của Pháp dám sống kham khổ với quân lính của mình, sống một cuộc sống như kẻ thù đang bao quanh họ, đi bộ trong các cuộc hành quân, vô hình, lặng lẽ và đáng sợ”14.

2. Nguyên nhân thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ?

Những nhận xét trên của các tác giả phương Tây chỉ rõ một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến thực dân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ là do quân và dân Việt Nam có “sự thông minh và ý chí quyết thắng”. Sức mạnh chính trị-tinh thần, ý chí “quyết chiến, quyết thắng” biểu hiện trong quyết tâm và hành động anh hùng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu ở “lò lửa Điện Biên Phủ”; biểu hiện ở hàng chục vạn dân công, thanh niên xung phong vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vượt qua núi cao, rừng rậm để vận chuyển, tiếp tế cho bộ đội tham gia chiến dịch; biểu hiện ở đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Trong cuốn sách Đông Dương đỏ, xuất bản tại Paris, năm 1975, tướng R. Salan của Pháp phải thừa nhận: Quân đội nhân dân Việt Nam đã “trở thành bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp”15. Sức mạnh cơ bản của “bộ máy chiến tranh” đó không phải là sức mạnh của đội quân nhà nghề, không phải nằm ở vũ khí, trang bị, mà là ở chính trị – tinh thần, ở ý chí quyết tâm bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc trước thế lực ngoại xâm.

Nhà báo W. Burchett, trong cuốn phía Bắc vĩ tuyến 17, đã nhận xét: “Mức độ chính xác và uy lực tác xạ của pháo binh và súng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khiến cho những quân nhân nhà nghề của Pháp phải kinh ngạc… Tuy nhiên, lại chẳng phải là pháo binh và những khẩu đội phòng không đã quyết định thắng lợi. Chính là ở cái dũng khí tuyệt vời của một đội quân chiến đấu cho chính nghĩa, cho khát vọng thiêng liêng: độc lập dân tộc và giải phóng khỏi ách áp bức nô lệ của nước ngoài”16.

Giáo sư sử học Wiljried Lulei (Cộng hòa dân chủ Đức), khẳng định: “Quá trình của chiến dịch đã thể hiện các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc được nhân dân ủng hộ đã có tinh thần chiến đấu hơn hẳn so với đạo quân đánh thuê nhà nghề của Pháp. Chiến dịch này cũng thể hiện sự hơn hẳn về đường lối quân sự của Đảng Lao động Việt Nam”17. Nhận định về mục tiêu chiến đấu và tinh thần xả thân vì niềm tin chiến thắng của quân đội Việt Nam, nhà văn Jules Rot viết: “Họ là quân giải phóng Việt Nam và biết rằng họ chiến đấu vì nền độc lập của mình chống lại một chủ nghĩa thực dân đang bị xoá sổ trên toàn thế giới. Nếu họ chết đi, họ sẽ chết với tiếng thét tự do”. Tướng R.Salan cũng thừa nhận: “một nhân tố quan trọng cực kỳ, đó là quân đội của họ, một quân đội … rất kỷ luật và can trường, sẵn sàng phục vụ đường lối chính trị của Chính phủ…, là “đối thủ đáng kính trọng”…, là cái bảo đảm cho cả một Đông Dương đỏ”18.

Tiếp đó, trong cuộc Hội thảo khoa học quốc tế “Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại” tổ chức năm 2014 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sĩ Bountheng Souksavatd (Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào) khẳng định: “Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt và anh dũng, ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến công đó đã đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp được Mỹ viện trợ, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của bọn thực dân, đế quốc, góp phần thúc đẩy quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mà Việt Nam làm trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung. Từ đây, cục diện chiến tranh Đông Dương chuyển sang thế có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia tại Hội nghị Giơnevơ”19. Cũng trong cuộc Hội thảo này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Christian C.Lentz nhấn mạnh: Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp. Chiến thắng góp phần khích lệ và củng cố vị thế của Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao, ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, thừa nhận chế độ Cộng hòa dân chủ ở miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17. Hơn thế, chiến thắng này cũng có tác động lan tỏa, khích lệ các dân tộc bị áp bức khác phải quyết tâm hơn để đấu tranh chống chế độ đế quốc20. Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Musiychuk Victoria (Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Ucraina) đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Sự kiện này không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi áp bức của thực dân Pháp mà còn mở ra con đường để giành độc lập cho cả Đông Dương và các nước thuộc địa ở châu Phi”21.

Trên thực tế, Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: một nước nhỏ, kinh tế kém phát triển, nhưng có một Đảng mácxít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần. Tiến sĩ Seung Kyun KO (Đại học Hawaii Pacific, Hoa Kỳ) nhận định: “… trận Điện Biên Phủ đã đem lại cho Việt Nam không chỉ là thắng lợi lịch sử trước chủ nghĩa thực dân mà còn hình thành niềm tin tuyệt đối vào con đường đấu tranh giành độc lập”22. Nhà báo Giuyn Roa viết: “Điện Biên Phủ thất thủ là nỗi kinh hoàng khủng khiếp, là nỗi thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hòa Pháp”23 và “đánh dấu chấm hết cho quyền cai trị không chỉ của riêng nước Pháp mà của cả ở châu Âu, châu Á”24. Như vậy, không còn gì phải nghi ngờ rằng, Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của các dân tộc thuộc địa trước đội quân xâm lược nhà nghề của một đế quốc lớn. Trước trận Điện Biên Phủ, trong suốt 500 năm lịch sử chế độ thuộc địa, chưa từng có một nước thuộc địa nào đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn, chưa có một nước thuộc địa nào dùng phương pháp hòa bình buộc các nước cai trị thuộc địa trao trả nền độc lập thực sự.

Ý nghĩa thời đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá cao, xem đây là “trận Van-my của các dân tộc da màu”25, “một Xtalingrat của lịch sử chiến đấu giải phóng thuộc địa”26. Năm 2004, học giả R.Phrăng, Trường Đại học Panthéon Sorbonne - Paris 1  (Pháp) nhận định: “Âm vang về Điện Biên Phủ như là tiếng sấm trên bầu trời Pháp,… Điện Biên Phủ quả thực được xem như là một sự thất bại và cũng là sự phá sản của nước Pháp”27. Còn học giả J.C. Rômê, Đại học Tổng hợp Strabua III (Pháp) cho rằng, năm 1954 quả là một năm quan trọng đối với lịch sử nước Pháp và lịch sử Việt Nam. Nhưng vượt ra khỏi phạm vi của mảnh đất thuộc địa này, người ta còn coi đây là năm bản lề trong lịch sử xung đột Đông - Tây và trong lịch sử quan hệ quốc tế nói chung. Do nhiều yếu tố khác nhau, thế cân bằng lực lượng bị biến đổi từ 1954 và cả những năm sau nữa. Bởi Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm đảo lộn chính sách thuộc địa của thực dân Pháp, buộc họ phải có sự điều chỉnh, tôn trọng quyền của các dân tộc, công bố “quyền tự trị” hoặc trao trả độc lập cho nhiều nước châu Á, châu Phi, trước tiên là các nước Bắc Phi. Còn đối với Mỹ - nước ủng hộ mạnh mẽ và chịu phí tổn chiến tranh chủ yếu cho Pháp, nhà sử học Berna Fol viết rằng: “Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ”28.

Thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ là một thất bại thảm hại làm giảm uy tín của Pháp trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, khiến cho Pháp phải từ bỏ thuộc địa này ở Đông Dương, nơi mà Pháp đã bỏ nhiều công sức nhất để giữ. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đồng thời làm thay đổi cục diện ở Đông Dương và lan rộng ra cả thế giới mấy chục năm sau, nhất là các thuộc địa của Pháp ở châu Phi.

Thời gian tuy đã lùi xa, nhưng tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn sẽ còn mãi. Điều đó không chỉ được khẳng định ở ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Chiến thắng đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đối với cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, mà còn trở thành “nhân chứng lịch sử sống động” để các học giả nước ngoài nghiên cứu, phân tích, đưa ra những nhận định khoa học khẳng định giá trị sâu sắc của sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” dưới nhiều góc độ khác nhau. Chính những nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện của các học giả nước ngoài về tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng đã làm cho Điện Biên Phủ mãi vang xa; đồng thời, là cơ sở quan trọng phản bác âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, bóp méo và hạ thấp vị thế chiến thắng vĩ đại đó của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Như vậy, sự nhìn nhận, đánh giá của người nước ngoài về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ càng làm sáng tỏ và tôn lên tầm vóc, ý nghĩa to lớn, giá trị trường tồn của chiến thắng này. Ngày nay, cụm từ “Điện Biên Phủ-Hồ Chí Minh” được coi như một biểu tượng của sự khát vọng độc lập, tự do của nhân loại trong đấu tranh để xóa bỏ mọi sự xâm lược, nô dịch, áp bức, bất công.

 

 

Ngày nhận bài 16-3-2024; ngày thẩm định 18-4-2024; ngày duyệt đăng 26-4-2024
1, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 18. Dẫn theo: Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, Nxb QĐND, H, 1994, tr. 138, 108, 113, 112, 113, 133-134, 173, 171, 174, 172-173, 176, 387-388, 175-176

2, 3. Dẫn theo: Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh: Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H, 1984, tr. 284, 285

4, 27. Dẫn theo: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt- Pháp, Nxb CTQG, H, 2005, tr. 14, 520

5, 28. Dẫn theo: Điện Biên Phủ hợp tuyển công trình khoa học, Nxb CTQG, H, 2005, tr. 1161, 1161

17. Wiljried Lulei: “Điện Biên Phủ 1954, thất bại có tính chất quyết định của Pháp ở Đông Dương”, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 41, 5-1989, tr. 6.

19, 20, 21, 22. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại, Nxb KHXH, H, 2014, tr. 350-351, 200, 586, 385

23. “Điện Biên Phủ - Xưa và nay”Tạp chí Xưa và Nay, số 2 - 1994, tr. 8

24. “Tum bull, Patrick - Điện Biên Phủ”, in trong History Today, Apr, 1979, Vol 29, Issua 4, p. 239

25. Philippe, Moreau Defarfes: Les relations internationales dans le monde d’aujourd’hui, entre Globalisation et Fragmentation 4e édition actualitée et augmentée, Ed. STA, Paris, 1992, p. 85

26. Báo Quân đội nhân dân Cộng hòa dân chủ Đức, ngày 8-5-1974. 

Đại tá, PGS TS TRẦN NAM CHUÂN

1. Sự kiện Điện Biên Phủ qua đánh giá của người Pháp và báo chí phương Tây Sự kiện Điện Biên Phủ dẫn đến thất bại của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (theo cách gọi của phương Tây) đã tạo ra cơn chấn động lớn đối với nước Pháp, nước Mỹ và nhiều nước phương Tây khác. Ngay sau khi quân đội viễn chinh Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương - M. Dejean gửi ngay cho người Pháp một bức thông điệp với lời lẽ chua chát: “Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (8-5, kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức), đối với ta (chỉ Pháp - TG) là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đ&o

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn