Khát vọng về Việt Nam thịnh vượng, phát triển chính là động lực cho thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo.

 
 
Khát vọng Việt Nam thịnh vượng là động lực phát triển năm 2022
Khát vọng Việt Nam thịnh vượng là động lực phát triển năm 2022

Năm 2022, Việt Nam và thế giới vẫn đang đứng trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, đồng thời nền kinh tế Việt Nam cũng đang tồn tại và tiềm ẩn khá nhiều khó khăn, thách thức, đó là tăng trưởng thấp trong 2 năm (2020 và 2021), hệ thống hạ tầng của nền kinh tế còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chất lượng quản trị và trình độ nguồn nhân lực còn chưa đáp với yêu cầu phát triển mới, nguy cơ về nợ xấu, lạm phát vẫn đang tiềm ẩn. 

Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế trong năm 2022 ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan, đó là dịch bệnh COVID-19 ngày càng được kiểm soát tốt hơn, tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng tổng cầu đã diễn ra tại nhiều khu vực, quốc gia, nhất là các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số nhờ đó năng lực thích ứng và sức bật của nền kinh tế Việt Nam qua đại dịch COVID-19 lần 4 năm 2021 đã làm gia tăng nội lực và tính linh hoạt, sáng tạo của nền kinh tế.

Quốc hội Việt Nam đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022: tăng trưởng kinh tế từ 6,0-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,0%... Mục tiêu tăng trưởng kinh tế này cũng phù hợp với phần lớn các dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước trong tháng đầu năm 2022 (WB: 5,5%, UNDP: 6,5, ADB: 6,5%, KBVS: 6,3%, Standard Chartered: 6,7%). Nếu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, theo chúng tôi, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được và nếu tận dụng được những lợi thế mới, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra, hơn 6,5%.

Điều quan trọng để đạt mục tiêu này là cần nhận diện cơ hội, động lực và đưa ra các quyết sách kịp thời để phát triển.

Thứ nhất, cần nhận thức rằng, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 gắn với mục tiêu và khát vọng của Việt Nam trong dài hạn, đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước), Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khát vọng về Việt Nam thịnh vượng, phát triển chính là động lực cho thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo.

Thứ hai, kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện bình thường mới, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, là điều kiện tiên quyết để gia tăng tốc độ tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, những điều kiện và kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cho phép Việt Nam trong năm 2022 sẽ có các giải pháp chủ động và hiệu quả hơn; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cũng là mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đã duy trì và củng cố trong giai đoạn 2016 đến nay. Đây chính là một thuận lợi không nhỏ để đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Thứ ba, khai thác và phát huy các thế mạnh và lợi thế của nền kinh tế, chính là động lực để thúc đầy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đó là: (i) Trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh, cần tiếp tục nhanh chóng "mở cửa" nền kinh tế trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, vận chuyển hàng không quốc tế, nhằm phát triển khu vực kinh tế dịch vụ của Việt Nam trong điều kiện "bình thường mới"; (ii) Khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI gắn với thị trường mở, vẫn tiếp tục là động lực quan trong cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, cần tiếp tục có giải pháp về cơ chế, chính sách và môi trường thuận lợi, để tạo động lực phát triển mới; (iii) Đầu tư chiều sâu vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả nông, lâm và thủy sản, không chỉ củng cố "bệ đỡ" của cả nền kinh tế, mà hơn thế, nhằm khai thác tốt lợi thế về nguồn lực, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của hàng hóa nông sản, thực phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thứ tư, hoạt động xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua, cần được đẩy mạnh phát triển trên cơ sở khai thác cơ hội mới khi Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại (FTA). Thị trường xuất khẩu châu Á và thế giới năm 2022 được dự báo sẽ phục hồi và mở rộng sau đại dịch COVID-19, do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, đa dạng hóa thị trường để tăng tốc trong xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Thứ năm, năm 2022 đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng và kích hoạt phát triển mạnh mẽ nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, cần đẩy mạnh "đột phá" phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và liên kết vùng, nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" của nền kinh tế. Theo đó, các dự án giao thông quốc gia, liên vùng đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt, cần được triển khai thực hiện đúng tiến độ, đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ các địa phương huy động nguồn vốn trong nước và nước ngoài nhằm phát triển hệ thống giao thông tại các địa phương và vùng kinh tế-xã hội. Bên cạnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thống, việc đầu tư phát triển các hạ tầng quan trọng khác trong các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế,… cũng cần được quan tâm có kế hoạch và lộ trình phát triển. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng của nền kinh tế, đặc biệt là hạ tầng giao thông, còn là cơ hội để "kích cầu" thị trường bất động sản, mở rộng đô thị hóa, thúc đẩy liên kết vùng.

Thứ sáu, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số gắn với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả là một mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định. Năm 2022 cần phát huy thành quả của 2 năm trước, đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác "thời cơ" phát triển kinh tế số và chuyển đổi số trong toàn bộ các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo Việt Nam phấn đấu trở thành cường quốc về kinh tế số trong khu vực và thế giới.

Thứ bảy, cần tạo thêm cơ chế và nguồn lực để các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò động lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước. Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 lần 4 không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội tại TPHCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn bộc lộ những hạn chế, bất cập về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và cả nhân lực, trong đó có nguyên nhân từ việc phân bổ đầu tư chưa thật sự đúng mức. Do vậy, bài toán về phân bổ và thu hút nguồn lực vẫn luôn đặt ra đối với các vùng và địa phương trong quá trình phát triển.

Thứ tám, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, không chỉ là bài học từ thực tiễn những năm vừa qua mà đây chính là nhân tố quyết định, là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong năm 2022, thị trường nội địa vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng, khi tiêu dùng nội địa (đóng góp khoảng 68-70% GDP) được phục hồi và phát triển, các khoản chi tiêu của Chính phủ (đầu tư công, hỗ trợ danh nghiệp và người lao động) sẽ kích thích chi tiêu trong nước, kích thích tăng trưởng. Nội lực của nền kinh tế cần tiếp tục được củng cố trên cơ sở phát huy trí tuệ, tính năng động sáng tạo của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển dịch mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tóm lại, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ có bước phát triển khởi sắc, trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, với các quyết sách phù hợp, kịp thời của Chính phủ và tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp và người dân. Phân bổ nguồn lực có hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, nguồn lực của nền kinh tế, cùng với quyết tâm vì một Việt Nam phát triển, thịnh vượng của Chính phủ và toàn thể nhân dân, đó chính là động lực để nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải

Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG, TPHCM)

 

Năm 2022, Việt Nam và thế giới vẫn đang đứng trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, đồng thời nền kinh tế Việt Nam cũng đang tồn tại và tiềm ẩn khá nhiều khó khăn, thách thức, đó là tăng trưởng thấp trong 2 năm (2020 và 2021), hệ thống hạ tầng của nền kinh tế còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chất lượng quản trị và trình độ nguồn nhân lực còn chưa đáp với yêu cầu phát triển mới, nguy cơ về nợ xấu, lạm phát vẫn đang tiềm ẩn.  Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế trong năm 2022 ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan, đó là dịch bệnh COVID-19 ngày càng được kiểm soát tốt hơn, tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng tổng cầu đã diễn ra tại nhiều khu vực, quốc gia, nhất là các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tin khác cùng chủ đề

Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa: 3 năm liên tiếp được vinh danh Top 10 thương hiệu được tin dùng nhất Việt Nam
Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn KDI Holdings: Đề xuất ý tưởng đầu tư tại Nha Trang và Ninh Hòa
Cam kết lộ trình giải ngân vốn đầu tư công
Khánh Hòa đón đoàn khách đầu tiên xông đất Tết Nhâm Dần 2022
Để kinh tế biển Khánh Hòa phát triển xứng tầm
Tiềm năng nuôi thương phẩm cá chạch lấu

Gửi bình luận của bạn