Chiến lược cải tạo đất giữ màu xanh lâu dài
Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Bùi Quang Chung được mọi người gọi vui là “trưởng vườn” tăng gia sản xuất tập trung của đảo Sinh Tồn Ðông. Anh dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn ươm và cải tạo đất tập trung trên đảo. Mấy năm qua, xuất phát từ yêu cầu tạo ra nhiều đất canh tác trên quần đảo Trường Sa, Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường biển thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện đề tài dùng chế phẩm sinh học ủ cát san hô trở thành đất trồng trọt.
Ðề tài này vẫn đang trong quá trình thực nghiệm, nhưng đã có những gợi ý hiệu quả cho cán bộ, chiến sĩ và người dân đối với vấn đề cải tạo đất. Vườn ươm của đảo Sinh Tồn Ðông là một thí dụ, ngoài các loại rau xanh, các chiến sĩ đã ươm trồng nhiều loại cây lưu niên như phi lao, bàng vuông, phong ba, tra… Từ vườn ươm này đã cung cấp nhiều giống cây quý trồng ở các đảo lân cận.
Thiếu tá, QNCN Bùi Quang Chung nói: Chúng tôi đinh ninh lời Bác dạy tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất (1951): Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Làm theo lời Bác, quân, dân Trường Sa tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phủ xanh quần đảo.
Ðảo Song Tử Tây cũng có một vườn ươm do Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, chính trị viên Cụm chiến đấu 3, phụ trách. Anh cùng đồng đội đã lựa chọn, ươm trồng nhiều loại cây lưu niên và các loại rau màu phù hợp với thổ nhưỡng Trường Sa. Từ vườn ươm này đã chọn được nhiều loại rau thích hợp để tăng gia sản xuất phù hợp với điều kiện các đảo như rau muống, mồng tơi, rau ngót, cải xanh, cải bẹ…; cùng các loại củ, quả bí ngô, bầu, mướp, cà tím…
Bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa giờ không khác mấy so với đất liền. Hiện tại, nhiều đảo nhỏ đã bảo đảm tự cung cấp rau xanh. Các đảo nhỏ như Len Ðao, Ðá Thị, Cô Lin… cũng đã tự túc 90% lượng rau xanh so với nhu cầu.
Bí quyết ở đây chính là việc cải tạo đất và sử dụng nguồn nước ngọt hợp lý. Thời gian trước, bộ đội thường dùng cách bóc sạch lớp cát san hô, rồi thay vào đó lớp màu mang từ đất liền ra. Cách làm này vừa tốn công sức, đất cũng bị bạc màu nhanh nếu không được bổ sung.
Cách làm mới chú trọng việc cải tạo và ủ đất san hô với mùn, rác hữu cơ, sau khi đạt được độ ngấu nhất định sẽ đưa vào sản xuất. Tiếp đến là quy trình tạo nguồn đất, từ tạo độ ẩm đến ủ phân tạo màu cho đất, các giai đoạn giữ ổn định cho cát, phủ xanh tạo thảm thực bì. Trong quá trình chăm sóc cây phải chú ý đến yếu tố nước ngọt. Ở một số đảo cũng có nguồn nước lấy từ giếng, có thể sử dụng sinh hoạt, nhưng nguồn nước này thường bị nhiễm mặn, không phù hợp với hầu hết các loại cây trồng.
Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh cho biết: Chống lại sự di chuyển của cát, chúng tôi trồng cây phong ba phía trước và cây bão táp phía sau, tiếp đến là các loại cây tạo độ ẩm cho đất. Khi đã giữ được cát, chúng tôi mới tính tiếp đến việc tạo màu cho đất. Ngoài ra phải lựa chọn giống cây phù hợp với điều kiện tự nhiên. Chẳng hạn việc trồng rau, ưu tiên các loại như rau ngót và rau muống có thể phát triển trên đất bạc màu, đồng thời thân, rễ của chúng cũng góp phần cải tạo đất.
Vườn ươm cây giống trên đảo Song Tử Tây. |
Mỗi chiến sĩ trồng 5 cây non, mỗi hộ dân trồng một vườn hoa
Thăm các hộ gia đình trên các đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn, nhiều người như gặp khung cảnh của “nông thôn mới” trên đất liền. Ðó là những đường hoa. Ðảng viên Phạm Văn Toản cùng gia đình định cư trên đảo Sinh Tồn từ tháng 3/2023. Lúc mới đến, khu vực đất trống trước nhà là một bãi đá san hô xơ xác lơ thơ cỏ dại. Anh Toản đã đề xuất với Ðảng ủy, Ban Chỉ huy đảo cải tạo phần đất này để trồng hoa.
Vậy là đảng viên đi trước, các hộ dân trên đảo cũng làm theo, cải tạo mảnh đất trước nhà thành một vườn hoa. Vườn hoa hộ gia đình được “cá tính hóa” mỗi vườn một vẻ. Vườn hoa của gia đình chị Hồ Thị Mỹ Hưng còn có các loại cây cảnh trong đất liền được đưa ra trồng để làm đẹp cho đảo. Các hộ khác tìm kiếm các loại hoa dại mọc quanh đảo về trồng trong vườn tạo ra những tiểu cảnh đẹp mắt.
Từ đảo Song Tử Tây, đảng viên Trần Thị Châu Úc hào hứng: Mô hình vườn hoa được nhiều gia đình học tập, cải biên cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh nhằm tạo thêm sắc màu cho đảo. Ðiểm chung của hai cụm dân cư này còn có vườn rau tăng gia sản xuất phía sau nhà. Vườn rau mỗi hộ chỉ rộng chừng 20 m2 nhưng cũng đủ cung cấp rau xanh theo mùa, ăn quanh năm.
Vườn rau của các hộ gia đình đạt năng suất cao như vậy là nhờ kinh nghiệm của bộ đội. Nước mưa là nguồn nước ngọt chủ yếu ở đảo. Nhiều người cho rằng, nước mưa sẽ giúp tưới cây một cách tự nhiên nhưng trên thực tế trong nước mưa giữa biển luôn chứa đựng lượng muối nhất định, nếu trực tiếp rơi xuống cây trồng sẽ khiến cho các loại rau xanh bị táp, hay còn gọi là cháy muối. Qua quá trình quan sát và tích lũy kinh nghiệm, bộ đội truyền nhau sáng kiến sử dụng hồ lắng mặn.
Những hồ lắng này được làm bằng những loại thùng phuy cắt dọc thân, hoặc đơn giản hơn là đào hố, lót một tấm ni-lông như cách bộ đội trữ nước khi hành quân dã ngoại. Quá trình tích tụ nước mưa lâu ngày sẽ sinh ra các loại rêu, tảo, vi sinh vật trung hòa chất muối có trong nước mưa. Ðây mới là nguồn nước tưới cho cây, nhất là các loại rau màu ngắn hạn.
Chúng tôi đến thăm đảo Ðá Thị. Ở đây có 3 vườn rau, tổng cộng diện tích 78 m2 trồng các loại rau cải, ngót, muống, cà tím, mồng tơi… Diện tích canh tác được tận dụng tối đa. Hệ thống hồ lắng nước mưa, nước sinh hoạt được tổ chức liên hoàn dẫn nước từ phía ngoài vào trong vườn. Vườn ở các đảo nhỏ này đều được quây kín gió, phủ nhựa trong trên mái để cây có đủ nắng cho quá trình sinh trưởng. Nước qua quá trình lắng muối, sẽ được tưới thẳng vào gốc cây giữ ẩm, giống với quy trình tưới nhỏ giọt trên đất liền.
Tuy nhiên trên đảo lại không có đủ trang thiết bị cần thiết nên “quy trình” này phải dựa vào sức lực của bộ đội. Mỗi cán bộ, chiến sĩ dù vất vả song ý thức trách nhiệm hơn đối với việc chung của đảo. Ngoài vườn rau tập trung, tất cả các góc khuất gió và có nắng cũng được tận dụng trồng các loại rau thơm, rau gia vị… Chứng kiến tinh thần lao động này chúng tôi có thêm niềm tin về mục tiêu “xanh hóa Trường Sa” sẽ có nhiều đột phá.
Trong quá trình thực hiện nghị quyết xanh hóa Trường Sa, đảng ủy, chi bộ các đảo tùy vào điều kiện hoàn cảnh đưa ra chỉ tiêu đối với từng cán bộ, đảng viên và chiến sĩ. Ở những đảo lớn có nhiều diện tích trồng cây lưu niên, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quá trình công tác phải trồng mới 5 cây lưu niên. Có đảo đã hết diện tích trồng mới, nên được giao chỉ tiêu bảo vệ cây non trong quá trình sinh trưởng. Khi thực hiện nhiệm vụ này, bộ đội có sáng kiến sử dụng các túi ươm cây. Ðây là cách che chắn gió, mưa cho cây non trồng ngoài thực địa. Chiến sĩ dùng các loại lưới, bạt che chắn từng gốc cây. Khi cây non vươn cao, túi ươm cũng vươn cao.
Nghị quyết về xanh hóa Trường Sa được quân, dân huyện đảo thực hiện hơn một năm qua đã có kết quả bước đầu đáng ghi nhận với nhiều mô hình cải tiến kỹ thuật, phong trào thi đua trong tăng gia sản xuất tại các đảng bộ, chi bộ. Ðã có hơn 80% diện tích đảo được phủ xanh. Và, sau “Tết trồng cây” của Xuân Giáp Thìn, diện tích cây xanh sẽ tiếp tục được mở rộng.
Ðại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân
Thời gian qua, Ðảng ủy Vùng 4 Hải quân và Huyện ủy Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã có nhiều nghị quyết chỉ đạo quân, dân huyện đảo Trường Sa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm hậu cần cho đơn vị, địa phương. Trong đó, nghị quyết về xanh hóa Trường Sa được thực hiện từ đầu năm 2023 đã góp phần phủ xanh phủ xanh nhiều đảo, tạo lợi ích thiết thực cho đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Ðầu xuân mới, quân, dân huyện đảo nô nức thi đua trồng cây, tích cực tăng gia rau màu, là một trong những việc làm thiết thực thực hiện lời Bác dạy.