Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021) đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật và đặc biệt nhấn mạnh đến 7 “dám”: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”. Bài viết luận giải những điều kiện, yêu cầu khiến cán bộ “cả gan”, “có gan” theo tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện yêu cầu 7 “dám” của Đảng đối với cán bộ trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để cán bộ “dám” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để cán bộ “dám” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

 

Chủ tịchHồ Chí Minh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960. (Ảnh: TTXVN)

Đặt vấn đề

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[3, tr.280], “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[3, tr.309]. Người chỉ rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”[3, tr.309]. Vì thế, Người đặt ra yêu cầu, cũng như tính đến các điều kiện để người cán bộ “cả gan” nói, “cả gan” làm. Đây là chỉ dẫn quan trọng để thực hiện yêu cầu cán bộ “dám”: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”[1, tr.187] mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra.

1. Những yêu cầu chung đối với cán bộ, đảng viên của Đảng

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng thường xuyên quan tâm, giáo dục, đặt ra những yêu cầu về phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, tư tưởng, lập trường cách mạng, đặc biệt nhấn mạnh đến lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và lợi ích của nhân dân thể hiện bằng hành động cụ thể.

Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, yêu cầu đặt ra đối với Đảng, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên càng lớn hơn. Bối cảnh đó đòi hỏi người cán bộ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng thời phải có sự linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Người cán bộ phải dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ và dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật và đặc biệt nhấn mạnh đến 7 “dám”: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”[1, tr.187]. Đặt ra yêu cầu này, bởi vì trong thực tế của sự nghiệp đổi mới đã có nơi, có lúc cán bộ chưa dám nói với cấp trên ý kiến của mình, chưa đề đạt nguyện vọng của nhân dân, cũng như chưa dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích của nhân dân. Có nhiều nguyên nhân đưa đến thực trạng không “dám” của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để khắc phục điều đó, Đảng đặt ra yêu cầu “xây dựng cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ”[2, tr.147-148].

2. Một số chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Với yêu cầu của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên với tinh thần “dám”, có thể thấy những chỉ dẫn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, huấn luyện, về công tác cán bộ trong các bài viết, bài nói của Người. Tư tưởng của Người về cán bộ, công tác cán bộ là cơ sở để vận dụng vào thực hiện yêu cầu cán bộ, đảng viên “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” mà Đảng đã đặt ra.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, khi bàn về “Đạo đức cách mạng”, Người chỉ rõ: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”[3, tr.292].

Người giải thích: “DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”[3, tr.292]. Người chỉ ra: “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”[3, tr.275]. Như vậy, “dũng” gắn liền “trí”, phải có “trí” mới “có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn”. Điều đó thống nhất với quan điểm “đức” gắn với “tài”, “hồng” gắn với “chuyên” trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Rõ ràng, chỉ những cán bộ có lòng tận trung với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, thì mới hăng hái làm hết mình vì công việc của Đảng, cách mạng mà không ngại gian khó, sẵn sàng hy sinh quyền lợi, tính mạng của mình vì sự nghiệp cách mạng, vì nhân dân mới đủ “dũng” để mà “cả gan”, “dám” khi thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, bổn phận của mình. Đồng thời, cán bộ phải có trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng công tác tốt mới là cơ sở để không “làm liều”, không mù quáng, không hy sinh vô ích, công việc của Đảng mới hiệu quả, mới đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Để phát huy tinh thần “dám”, tính tốt “dũng”, trong công tác cán bộ, sử dụng cán bộ, Người chỉ rõ là: “phải khéo dùng cán bộ”, tức là phải biết bố trí cán bộ vào đúng chỗ, đúng người, đúng việc. Tạo môi trường làm việc tốt, tránh vì mục đích cá nhân mà triệt tiêu động lực phấn đấu của người cán bộ. Phải vì công việc mà dùng người, biết đặt cán bộ đúng vị trí để họ phát huy hết năng lực, sở trường của mình. Muốn làm được điều này, đòi hỏi những người làm công tác cán bộ phải chính trực, công tâm, để phân biệt được cán bộ tốt với bọn vu vơ, những kẻ cơ hội, bọn dao động trước thời cuộc, thậm chí phản cách mạng.

Từ kinh nghiệm của quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng những người làm công tác cán bộ cần phải chú trọng nhìn nhận những ưu điểm, cống hiến của người cán bộ và tìm mọi cách giúp đỡ cán bộ khắc phục khuyết điểm của họ. Người cũng đã dạy: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở, dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, gỗ nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Người phê phán cách dùng người không hợp lý làm cho cán bộ không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Muốn đạt được mục đích nêu trên, theo Hồ Chí Minh, cái “khéo” của người làm công tác cán bộ là phải tạo mọi điều kiện để khiến cán bộ “cả gan”: cả gan nói, cả gan phụ trách, cả gan làm việc, và cả gan nhận khuyết điểm.

 Cả gan nói: Tức là người cán bộ phải mạnh dạn chỉ ra khuyết điểm của cấp trên trên cơ sở khoa học, với tinh thần xây dựng, để nhằm mục đích khắc phục sửa chữa khuyết điểm để làm việc cho tốt hơn. Người cán bộ “cả gan” phê bình cấp trên nhưng phải trên nguyên tắc chân thành, đúng mực, tuyệt đối không mỉa mai, bới móc, báo thù, cũng không nên vì sợ cấp trên mà phê bình chiếu lệ.

 Cả gan phụ trách: là tính quyết đoán của người cán bộ trong công việc, dám nhận những nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng lưu ý: nếu công việc được giao to quá, làm không nổi, tốt nhất là giao đổi việc khác cho thích hợp với họ mà không cần cho họ biết là họ không làm nổi việc kia, đó là để giữ lòng nhiệt tình, hăng hái của họ, để cho họ khỏi nản lòng. Đây chính là cái “khéo” trong cách dùng cán bộ, tuyệt đối không nên vì thiếu tin tưởng đối với cán bộ rồi ôm đồm công việc mà làm thay, hoặc không nhất quán trong giao việc, gây nên sự nản chí trong cán bộ.

 Cả gan nhận khuyết điểm: người cán bộ lãnh đạo thực sự muốn trở thành người lãnh đạo tốt thì phải nhận rõ ưu, khuyết của mình khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề đạt ý kiến vào góp ý phê bình mình. Nhưng là cấp trên, phải biết chú ý lắng nghe, phải có tiếp thu, có tính cầu thị để sửa sang mình tiến bộ hơn. Nếu ý kiến của họ chưa đúng, cũng không dùng thái độ phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt họ, mà nên dùng thái độ thân thiết, bình tĩnh giải thích cho họ hiểu.

Về phía cán bộ: trước khi nhận nhiệm vụ cần phải nghiêm túc xác định rõ khả năng thực hiện thành công nhiệm vụ của mình. Khi đã nhận nhiệm vụ rồi phải có trách nhiệm, phải bằng lương tâm và nghề nghiệp, tận tụy với công việc. Cần tránh tình trạng vì: “sĩ diện” mà gánh những việc không tương xứng với sức mình, không nên vì chữ “danh” mà nhận vào mình công việc ngoài khả năng, hoặc đùn đẩy cho người khác. Có gan phụ trách phải có gan nhận trách nhiệm và khuyết điểm. Chứ cán bộ nhát gan, “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách, thì mọi việc đều thất bại.

Bác Hồ thăm lớp học Bổ túc văn hóa của cán bộ, công nhân Nhà máy ô tô 1-5. (Ảnh: https://baotanghochiminh.vn)

Cùng với việc bố trí cán bộ, đúng người, đúng việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ lãnh đạo phải có gan cất nhắc cán bộ, đề bạt cán bộ, tức là phải có cách nhìn người. Không nên có lòng đố kỵ, sợ cấp dưới giỏi hơn mình, vượt mặt mình, rồi sẽ lãnh đạo mình và mình “mất ghế”. Đề bạt cất nhắc cán bộ phải luôn được thể hiện với suy nghĩ: “Nếu có cán bộ không yên tâm làm việc thì phải thuyết phục và khuyên gắng người đó. Nếu vì công việc, công tác nhiệm vụ không hợp với năng lực người đó, thì phải tìm công việc phù hợp hơn cho họ làm. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại”.

3. Một số yêu cầu của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh để cán bộ “cả gan”, “có gan”: cả gan nói; cả gan đề ra ý kiến; có gan phụ trách; có gan làm việc, cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, cán bộ phải được đào tạo, huấn luyện cán bộ thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ; nhận thức khoa học, thực tế về con đường cách mạng của Đảng, của dân tộc để luôn kiên định, vững vàng về tư tưởng chính trị, lập trường cách mạng

Người cán bộ, đảng viên chỉ có thể “dám” khi nắm chắc lý luận cách mạng, cụ thể là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ có như vậy mới có thể dám nói, nói đúng, dám làm và làm đúng, làm hiệu quả, là cơ sở để tự tin, để cả quyết mà làm, để cả quyết hy sinh lợi ích cá nhân, hy sinh bản thân khi thực hiện công việc, đặc biệt đối với những công việc khó khăn, nguy hiểm đến tiền đồ, sự nghiệp của bản thân, sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Thứ hai, cán bộ cấp trên phải vui vẻ, thân mật, gần gũi với cán bộ cấp dưới

Người chỉ rõ, cán bộ: “Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình”[3, tr.319]. Chỉ có gần gũi, thân mật thì cán bộ mới cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Người viết “không phải họ không có gì để nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ”. Vì thế, “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình”[3, tr.319].

Thứ ba, cán bộ cấp trên phải thật thà nhúng tay vào việc, thường xuyên chỉ bảo, góp ý và giúp đỡ cán bộ cấp dưới

Người chỉ rõ: “Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ”[3, tr.319]. Bởi “năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”[3, tr.320]. Những góp ý đó phải thuyết phục, phải của người đã kinh qua công tác, hiểu rõ vấn đề. Cán bộ lãnh đạo “cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, không chỉ bảo kiểu mệnh lệnh, chỉ thị hay làm chiếu lệ cho qua chuyện, nói một đường, làm một nẻo không giúp đỡ chỉ bảo đến nơi đến chốn đối với cán bộ cấp dưới. Thông qua công việc với sự gần gũi, thân thiện của lãnh đạo mà cán bộ “cả gan nói”, trình bày ý tưởng, góp ý cho lãnh đạo điểm cần sửa chữa, thay đổi.

Thứ tư, cán bộ cấp trên phải hiểu, phải khéo dùng, khéo cất nhắc cán bộ cấp dưới cho phù hợp với công việc

 Người chỉ ra: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ”[3, tr.320]. Vì thế, phải khéo dùng cán bộ. Khéo dùng cán bộ là để phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm, bởi không phải ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay, “người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tuỳ chỗ mà dùng được”[3, tr.88].

Thứ năm, cán bộ cấp trên phải sáng suốt trong lựa chọn và tin tưởng giao việc cho cán bộ cấp dưới

Cán bộ tốt là: “Những người tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng; Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn; Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”[3, tr.315]. Vì thế có khi bị nói xấu, bị bao vây, lãnh đạo nghi ngờ. Lãnh đạo: “Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”[3, tr.319]. Khi thấy rõ phẩm chất, năng lực, lựa chọn vào việc, giao việc thì phải tin cán bộ: “nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí”[3, tr.320].

Thứ sáu, cán bộ lãnh đạo phải khen thưởng kịp thời đối với những người: cả gan nói; cả gan đề ra sáng kiến; có gan phụ trách; có gan làm việc và nghiêm khắc phê bình những cán bộ không “cả gan”

Khen phải đúng, khen để cho cán bộ phát huy năng lực, tinh thần làm việc, dám nói, dám làm. Khen không được quá, bởi: “năng lực của mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công cũng chớ kiêu ngạo, kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”[3, tr.323]. Lãnh đạo phải: “thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”[3, tr.316]. Như thế, mới đào tạo, huấn luyện được cán bộ, mới khiến cán bộ cả gan nói, cả gan nêu ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc.

Kết luận

Yêu cầu nâng cao năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước là đòi hỏi thường xuyên, liên tục. Nâng cao năng lực, phẩm chất, bản lĩnh cán bộ là trách nhiệm của Đảng, đặc biệt trong thực hiện các nội dung của công tác cán bộ, công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát huy “tính tốt” “dũng” của người cán bộ, đảng viên là điều kiện để cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung theo yêu cầu của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

VŨ THỊ THU HÀ

 

Trường Đại học Thương mại Hà Nội
  Chủ tịchHồ Chí Minh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960. (Ảnh: TTXVN) Đặt vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[3, tr.280], “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[3, tr.309]. Người chỉ rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”[3, tr.309]. Vì thế, Người đặt ra yêu cầu, cũng như tính đến các điều kiện để người cán bộ “cả gan” nói,

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn