Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tài sản tinh thần to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hành vi, bản chất, nguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực; những tác hại nguy hiểm của thứ “giặc nội xâm”, phá hoại sự nghiệp cách nạng của Đảng và nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua, bài viết đề xuất một số biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay

Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Ngay từ khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra những quan điểm về tham nhũng, tiêu cực. Tư tưởng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Người được thể hiện qua các tác phẩm, bài phát biểu, qua thực tiễn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thông qua chính tấm gương thực hành của Người. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực; vạch ra nguyên nhân; tác hại khôn lường và các biện pháp để đấu tranh phòng chống, đẩy lùi “căn bệnh” này. Những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh, cương quyết, “không có vùng cấm” và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ nhấtbiểu hiện của tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo Hồ Chí Minh tham nhũng là sự không trong sạch, tham lam, Người coi đó là hành vi “bất liêm”. Có thể nói, biểu hiện của tham ô, tham nhũng là: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên; Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”. Tất cả những hành vi lấy “của công” làm “của riêng”, muốn ăn của “đút lót”, “hối lộ” của cấp dưới, của dân; sử dụng tài sản của nhân dân đóng góp không đúng mục đích để phục vụ nhu cầu cá nhân được coi là những hành vi tham ô, tham nhũng, lãng phí. Hồ Chủ tịch khẳng định: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội”[6, tr.141].

Thứ hainguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực dưới những góc độ và hình thức khác nhau nhưng trước hết hết là từ cán bộ. Cán bộ, và nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ cao mà mắc bệnh quan liêu, xa rời thực tế công tác, xa rời đời sống quần chúng nhân dân. Điều này dẫn tới tác phong làm việc chung chung, buông lỏng quản lý, thiếu nguyên tắc, tạo lỗ hổng cho tham nhũng, tiêu cực. Không lắng nghe, thấu hiểu, gần dân gây mất dân chủ, không yêu thương dân nên lãng phí tiền của đóng góp của nhân dân. Người chỉ rõ: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”[5, tr.357]. Hai là, từ phía người dân. Người dân chưa sát sao trong việc kiểm tra cán bộ, thực hiện hiệu quả cơ chế dân chủ cơ sở, quyền kiểm tra - giám sát. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra liêm. Vì vậy “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ thực hiện chữ liêm”[1].

Thứ ba, tác hại của tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo Hồ Chí Minh, nạn tham nhũng và các hành vi tiêu cực là những xấu xa của xã hội cũ, cần phải phòng, chống và đấu tranh loại bỏ trong xã hội hiện đại. Người chỉ rõ: Tham ô, lãng phí, quan liêu ngăn trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng; tài sản của Nhà nước, của cải, công sức của nhân dân bị chiếm đoạt, lãng phí; đội ngũ cán bộ cách mạng bị tha hóa, suy thoái đạo đức, sút giảm tính chiến đấu. Do vậy, đấu tranh chống tham ô, lãng phí chính là để loại bỏ những trở lực của cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng[7]. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chống “ giặc nội xâm” bởi nó không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế mà còn làm suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước. Từ đó gây mất uy tín, niềm tin của quần chúng nhân dân.

Thứ tưcác biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh 

Hồ Chí Minh chỉ ra yếu tố quan trọng, quyết định hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là công tác lãnh đạo. Cũng như trong tất cả các hoạt động khác của cách mạng Việt Nam, sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, thông qua các chủ trương, chính sách mang tính chỉ đạo, thông qua các tổ chức, các cấp ủy Đảng, chính là mấu chốt, quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống bệnh quan liêu. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”[5, tr.362].

Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh trong cuộc đấu tranh chống nhũng, tiêu cực phải kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế, trong đó lấy tuyên truyền, giáo dục là nền tảng, cơ sở. Người nói: “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”[5, tr.361]. Nhưng khi cần thiết, đối với những kẻ đã suy thoái về đạo đức, không chịu rèn luyện, ăn năn hối cải, cố tình tư lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng, phải trừng trị thẳng tay, đúng pháp luật để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật và để răn đe, làm gương[7].

2. Thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua

2.1. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, nhận thức của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng cao

Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”[2, tr.206]

Từ năm 2014 đến nay, Quốc hội đã xây dựng, bổ sung, sửa đổi và thông qua 94 luật, pháp lệnh; 88 nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành hàng trăm nghị định, nghị quyết, quyết định tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng[1].

Xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài và cũng rất khó khăn, phức tạp, từ khi bắt đầu đổi mới đất nước đến nay Đảng và Nhà nước đã tập trung lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng. Đổi mới càng đi vào chiều sâu, tình trạng tham nhũng, tiêu cực bộc lộ ngày càng rõ nét, diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra quan điểm về công tác nâng cao nhận thức và thực hiện đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trên cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vừa qua các cơ quan chức năng đã phối hợp ngày càng hiệu quả, thống nhất cao trong hành động, có kết quả thiết thực, nhân dân theo dõi và bày tỏ đồng tình.

Thứ hai, Đảng và Nhà nước thực hiện đa dạng các hình thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Các cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng Nhà nước, nghiêm túc tổ chức sinh hoạt tuyên truyền, quán triệt pháp luật, cơ chế riêng của đơn vị về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, báo chí, truyền thông đã làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội; tập trung nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt. Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây. Chúng ta đã thực hiện đấu tranh với tinh thần: không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ; làm từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó. 

Thứ ba, Đảng và Nhà nước chỉ đạo đấu tranh xử lý triệt để làm hạn chế tối đa tác hại của các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). “Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 4 vụ án/24 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 11 vụ án, kết thúc điều tra 3 vụ án/88 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 8 vụ án/153 bị can, xét xử sơ thẩm 6 vụ án/51 bị cáo. Nhất là, đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân”[9].

Thứ tư, nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ghi nhận

Theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, Việt Nam là 1 trong số 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội, với 42 điểm, tăng 9 điểm kể từ năm 2018. Báo cáo của TI cho thấy, năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 (với 0 là tham nhũng nhất và 100 là trong sạch nhất). “Trong bảng xếp hạng CPI 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022), cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng trong nước năm qua đã được ghi nhận. Cùng với Maldives, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nepal, Việt Nam là quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có cải thiện đáng kể về CPI - chỉ số đánh giá mức độ tham nhũng khu vực công”[8].

2.2. Những mặt còn hạn chế, yếu kém

Một là, nhận thức và công tác triển khai thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập

Cơ chế chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước vẫn còn có những bất cập, thiếu sót, chưa được hoàn thiện. Các yếu tố công khai minh bạch, quyết liệt xử lý đã quy định trong chính sách nhưng trên thực tế chưa được thực hiện hiệu quả. Việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể, nhân dân chất lượng còn chưa được như mong muốn . Do vậy chưa phát huy được tối đa vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác quán triệt Nghị quyết, chương trình hoạt động liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở một số cơ quan, địa phương còn hạn chế, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Vai trò, trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng chưa được cao.

Hai là, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra phổ biến, hiệu quả công tác phòng, chống chưa đạt như kỳ vọng

Hành vi tham nhũng, tiêu cực hiện nay biến tướng tinh vi và phức tạp. Những cán bộ có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi này có sự tổ chức khép kín, che chắn, cấu kết, móc nối chặt chẽ với quy mô không chỉ trong cơ quan, mà còn giữa các bộ, ngành. Hình thức biểu hiện về “lợi ích nhóm” ngày càng phổ biến. Số vụ tham nhũng, giá trị tài sản do tham nhũng rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi… Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Ba là, nguyên nhân của các hành vi tham nhũng, tiêu cực chưa được khắc phục triệt để

Sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ là thách thức lớn trong công tác phát hiện, đấu tranh, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề cơ bản trong công tác bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ Đảng viên hiện nay. Không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, có nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng.

Bốn là, âm mưu thực hiện diễn biến hòa bình, chống phá của các thế lực thù địch

Những năm qua các thế lực thù địch không ngừng triển khai các hành động chống phá, thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa ra các luận điệu vô cùng gian xảo hòng lôi kéo, thay đổi tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng... Mặt khác, hội nhập quốc tế đặt ra những khó khăn, thách thức cho công tác phòng chống tham nhũng nhất là trong việc xác định hành vi tham nhũng và các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

3. Một số biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh 

Một là, giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân

Tiếp tục học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Chú trọng nội dung đào tạo, giáo dục nhân cách, ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Tạo sự đồng thuận trong dư luận bằng biện pháp lên án và đấu tranh mạnh mẽ những hành vi mang tính “chủ nghĩa cá nhân”, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời tích cực nêu gương, biểu dương những tấm gương điển hình về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Khơi dậy lòng tự hào, tự tôn trong bản thân mỗi cán bộ, giúp họ luôn phải tự giác liêm chính, công tâm. Thực hiện nghiêm túc phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc trong Đảng, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đẩy mạnh xây dựng cơ chế nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản... Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương xứng đáng với cống hiến của người cán bộ nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế bớt tình trạng tham nhũng vặt.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa quần chúng và cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao năng lực giám sát, phản biện, sớm phát hiện hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện cơ chế điều tra, truy tố, xét xử, trừng trị nghiêm minh những trường hợp vi phạm. 

Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, nhân dân

Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW (15/5/2016) của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, người dân.

Đa dạng hóa các hình thức truyên truyền trên phương tiện truyền thông, báo chí. Trong sinh hoạt Đảng, các tổ chức Đảng cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nêu gương, thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Đề cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong cơ quan làm công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân, cán bộ đối với toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước. 

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hiệu quả công việc trong thực tiễn công tác của cán bộ trong các cơ quan, qua đó nắm bắt tác phong, năng lực làm việc của cán bộ, kịp thời uốn nắn, khắc phục biểu hiện quan liêu, tiêu cực. Nghiêm khắc phê bình, xử lý tùy vào mức độ nếu có vi phạm về tham nhũng, tiêu cực.

Kết luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hệ thống quan điểm và các biện pháp đấu tranh cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Là kim chỉ nam định hướng cho Đảng, Nhà nước thực hiện đấu tranh phòng, chống hiệu quả tệ tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã xác định đây là một việc làm cần thiết, một xu thế không thể đảo ngược để bảo vệ sự tồn vong của Đảng và chế độ. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là một phương pháp thiết thực, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa Hồng, vừa Chuyên. Từ đó góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình (2020), Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, https://thaibinh.gov.vn

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Nguyễn Nga (2014), Tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, https://vksndtc.gov.vn

[8] Hoài Phương (2023), Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2022: Việt Nam tiếp tục tăng điểm, thuộc nhóm nước có tiến bộ nổi bật, https://thanhtra.com.vn

[9] Thông tấn xã Việt Nam (2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tiếp tục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, hiệu quả hơn, https://bocongan.gov.vn

[10] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[11] Nguyễn Quang Vinh (2019), Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, https://www.quanlynhanuoc.vn

NGÔ THỊ MAI

 

Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.
Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (nguồn: vnanet.vn) Đặt vấn đề Ngay từ khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra những quan điểm về tham nhũng, tiêu cực. Tư tưởng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Người được thể hiện qua các tác phẩm, bài phát biểu, qua thực tiễn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thông qua chính tấm gương thực hành của Người. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực; vạch ra nguyên nhân; tác hại khôn lường và các biện pháp để đấu tranh phòng chống, đẩy lùi “căn bệnh” này. Những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng và Nh&agra

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn