Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; Quân đội nhân dân Việt Nam còn là đội quân sản xuất, đội quân công tác. Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, sự cố, thảm họa tiếp tục gia tăng, diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện tốt công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống thiên tai và nhiệm vụ của quân đội trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ này
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai, nhất là phòng chống bão lụt. Người chỉ rõ: thiên tai, bão lũ, hạn hán cũng là một thứ giặc cần phải đấu tranh: “Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm….. Các bộ đội, dân quân, tự vệ phải cố gắng giúp đồng bào những công việc đó”1. Để đấu tranh phòng, chống thiên tai, lũ lụt cần phải có sự đồng lòng, đoàn kết; phải có sự góp sức của toàn dân, trong đó có lực lượng quân đội. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự bắt nguồn sâu xa từ kinh nghiệm truyền thống trong việc trị thuỷ của dân tộc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Ngày 20-8-1945, nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội lên đến đỉnh điểm 11,92 m, hệ thống đê sông Hồng bị vỡ nhiều chỗ, làm ngập lụt gần hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Thực hiện sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, sự chỉ đạo của bộ máy chính quyền cách mạng các cấp, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân miền Bắc đã vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả lũ lụt. Chỉ trong thời gian ngắn (chưa đầy một tháng), nhân dân miền Bắc đã hàn khẩu được toàn bộ đê vỡ và kịp thời sản xuất cứu đói.
Ngày 11-10-1945, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định vừa dùng kinh phí Nhà nước, vừa kêu gọi toàn dân đóng góp để sửa đê và đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Giao thông công chính Đào Trọng Kim đi kiểm tra một số nơi đang sửa đê2.
Để huy động toàn dân tham gia phòng chống thiên tai, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng muốn chống thiên tai có hiệu quả, các cấp chính quyền phải có kế hoạch cụ thể, khoa học: “Các ủy ban phòng và chống bão lụt ở trung ương, tỉnh, huyện và xã phải có kế hoạch thật chu đáo, phân công thật rõ ràng, kiểm tra thật kỹ lưỡng”3. Đồng thời, phải có sự phân công rõ ràng, kiểm tra, đôn đốc chu đáo: “Trong việc đắp đê giữ đê, kế hoạch phải rất tỉ mỉ, phân công phải rất rành mạch, chuẩn bị phải rất chu đáo, lãnh đạo phải rất thống nhất. Cán bộ quân, dân, chính, đảng, những vùng ấy phải xem việc đắp đê giữ đê là việc chính. Phối hợp phải thật chặt chẽ. Chỉ đạo phải thật thiết thực. Tổ chức phải thật đầy đủ. Tuyệt đối chống cách khoán trắng, chống quan liêu, mệnh lệnh”4. Muốn vậy, phải hiểu rõ nhân dân, nắm chắc đặc điểm đối tượng người dân ở từng địa bàn để có công tác phân công tuyên truyền, tổ chức chặt chẽ chu đáo. Trong tổ chức vận động nhân dân tham gia phòng, chống thiên tai cần phải bám sát thực tiễn để tìm hiểu, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân. Người yêu cầu: “Cán bộ chính quyền và cán bộ Đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...”5.
 Đối với lực lượng quân đội, Người nhắc nhở, trong điều kiện tình huống cam go, nguy hiểm như bão, lũ lụt “bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân”6. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của quân đội ta trong giai đoạn này là nặng nề nhưng rất vẻ vang. Quân đội ta phải kiên quyết bảo vệ những thành quả của cách mạng, tích cực tham gia công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”7. Người đồng viên, khích lệ: “Tôi tin rằng, để giải quyết tình hình khó khăn đó, đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta đoàn kết chặt chẽ, đùm bọc lấy nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cố gắng tăng gia sản xuất, thì nhất định sẽ đánh thắng thiên tai đó cũng như đánh thắng địch họa”8.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống thiên tai và nhiệm vụ của lực lượng quân đội trong việc tham gia công tác này là cơ sở khoa học để lực lượng quân đội cùng với toàn dân tích cực triển khai đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trong tình hình hiện nay.
 
2. Quân đội vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn
Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng về nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới, Văn kiện Đại hội XIII (2021) của Đảng đều chỉ rõ: “Những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội.... tiếp tục diễn biến phức tạp”, cần phải “chủ động phòng ngừa là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”9. Để làm được điều đó, cần phát huy sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng “tinh, gọn, mạnh” giữ vai trò quan trọng”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 30-8-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, trong đó nhấn mạnh: “Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, đưa hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trở lại bình thường”10. Tiếp đó, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ thông qua Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 20-5-2023 “Quyết định phê duyệt Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Quyết định nêu rõ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn “được tổ chức thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”; phát huy sức mạnh của toàn dân, vai trò chủ động của lực lượng tại cơ sở với lực lượng vũ trang là nòng cốt”11.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, với vai trò là một trong các lực lượng nòng cốt trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Quốc phòng đã xây dựng kế hoạch triển khai thống nhất, đồng bộ việc thực hiện Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trong toàn quân; đồng thời, ban hành nhiều chỉ thị, thông tư, hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam “Vì nhân dân phục vụ”, “Vì nhân dân quên mình”, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Xác định “phòng chống lụt bão là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn có mặt ở những địa bàn khó khăn nhất giúp nhân dân ứng phó với bão lũ, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần ổn định cuộc sống của người dân. 
Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã chủ động tăng cường công tác xây dựng kế hoạch, phương án sát nhiệm vụ, trang bị, lực lượng và thường xuyên luyện tập; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của địa phương, doanh nghiệp để thống nhất phương án; trên cơ sở đó, tăng cường diễn tập nâng cao trình độ chỉ huy, điều hành ứng phó với từng loại hình thiên tai, thảm họa thường xảy ra trên địa bàn, trong ngành, lĩnh vực hoạt động,… Khi có tình huống thiên tai, dịch bệnh xảy ra, các cơ quan, đơn vị quân đội luôn chủ động tham gia với tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm cao cả, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong thời gian (1920-1921) diễn ra dịch bệnh COVID-19, đã có hàng ngàn lượt bộ đội thuộc nhiều đơn vị quân đội đã tích cực đi đầu trong chống dịch, được nhân dân tin yêu, góp phần vào hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. 
Trong năm 2023, các đơn vị quân đội đã điều động 108.838 lượt cán bộ, chiến sĩ và 10.585 lượt phương tiện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ứng phó, xử lý hiệu quả 2.978 vụ thiên tai, sự cố, cứu được 2.216 người, 166 phương tiện; hướng dẫn, hỗ trợ, di dời 962.933 người, 201.799 phương tiện từ nơi nguy hiểm về nơi an toàn; khắc phục, sửa chữa 3.856 nhà, 125km đường giao thông; thu hoạch 15.920ha lúa và hoa màu; chữa cháy 870 nhà và 1.190 ha rừng12.
Tháng 9-2024, trước sự nguy hiểm của siêu bão quốc tế Yagi - bão số 3, quân đội đã huy động lực lượng tinh nhuệ gồm các Quân khu 1,2,3,4, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Binh đoàn 18 đã tích cực chuẩn bị lực lượng với tổng số 383.672 người, trong đó bộ đội 74.030 người, dân quân tự vệ 284.054 người và dự bị động viên 25.588 người; chuẩn bị 5.318 phương tiện, trong đó có 313 xe đặc chủng, 3.412 ô-tô, 1.589 tàu, xuồng, 4 máy bay trực thăng sẵn sàng ứng phó bão số 313. Trong những ngày khó khăn chống bão, chống lũ tại các tỉnh trọng điểm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai,… đã có những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” quên mình trong mưa bão, nước xiết,… để thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để tiếp tục vận dụng và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn thời gian tới, lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tại, cứu hộ, cứu nạn
Cấp uỷ, tổ chức đảng, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội về truyền thống gắn bó máu thịt - quân với dân như cá với nước của Quân đội, vị trí, vai trò của Quân đội và đặc biệt là tinh thần “vì nhân dân quên mình” trong thiên tai, bão lụt của “Bộ đội Cụ Hồ”. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức cho bộ đội về tính chất mức độ quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà họ cần phải đối mặt khi tham gia phòng, chống thiên tai, giúp đỡ nhân dân; quan tâm thực hiện chế độ chính sách hậu phương quân đội, chính sách hỗ trợ đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ có công, anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở đó để mỗi cán bộ, chiến sĩ tự xác định quyết tâm, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn với tinh thần “nhân dân là người thân, địa phương là quê hương”.
Hai là, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân chủ động bám sát mọi tình huống của thiên tai, tích cực thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về tình hình mọi mặt 
Thông qua thông tin, tuyên truyền làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; xác định rõ động cơ, thái độ, trách nhiệm, quyết tâm trong tổ chức thực hiện; nêu cao tinh thần đoàn kết, vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cần tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cơ quan, đơn vị quân đội và các cơ quan tuyên giáo, dân vận của địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, dự báo, cảnh báo, thông báo về diễn biến tình hình thiên tai, dịch bệnh; phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống cho bộ đội và nhân dân. Kịp thời phản ánh kết quả hoạt động khắc phục hậu quả, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh; những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, những tấm gương dũng cảm trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, cần phê phán, xử lý nghiêm khắc những biểu hiện làm việc cầm chừng, thiếu trách nhiệm, vô cảm trước khó khăn của đất nước và nhân dân; tích cực, chủ động đấu tranh phản bác với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, lợi dụng khó khăn, thiệt hại do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh gây ra để lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân.
Ba là, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực có thiên tai chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn theo nguyên tắc: “Chủ động trong phòng ngừa; kịp thời, hiệu quả trong ứng phó; khắc phục khẩn trương, khôi phục, tái thiết bền vững và xây dựng lại tốt hơn”. Xây dựng quy chế phối hợp; cơ chế chỉ huy, điều hành giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với các lực lượng; cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của địa phương; phối hợp xây dựng và tổ chức luyện tập, diễn tập các tình huống, phương án nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Bốn là, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thường xuyên sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, tích cực cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương ổn định tình hình, khôi phục đời sống sau thiên tai 
Mỗi thiên tai, thảm hoạ đi qua đều để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Vì vậy, trên cơ sở quán triệt tinh thần đoàn kết “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân, các cơ quan, đơn vị quân đội cần chủ động tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Thông qua đó, đánh giá những ưu điểm, hạn chế và tìm ra những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ cần được nhân rộng. Thiên tai là yếu tố khách quan mà mỗi tình huống xảy ra trong đó đều diễn biến rất phức tạp, khó lường lại liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, vì vậy, rút kinh nghiệm sau mỗi lần ứng phó không phải để ghi nhận công lao mà là để mỗi cơ quan, đơn vị có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, chặt chẽ hơn cho những lần tiếp theo. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả bằng sức người, ngày công lao động hoặc thông qua những cuộc vận động, đóng góp ủng hộ vật chất, kinh phí cho các hộ dân, khu dân cư gặp khó khăn sau thiên tai.
Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đất nước hòa bình, Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Trong những năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần hạn chế tối đa những mất mát về người và tài sản của tổ chức, cá nhân khi có sự cố, thiên tai xảy ra.  

 

 
Ngày nhận bài: 20-8-2024     Ngày thẩm định: 28-9-2024     Ngày duyệt đăng: 30-9-2024
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 188
2. https://js.vnu.edu.vn/SSH/article/view/4275/3986, Phạm Quang Trung: “Cơn lũ năm Ất Dậu với vai trò của Nhà nước cách mạng trong những ngày đầu giành chính quyền ở Đồng bằng Bắc Bộ thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945”, ngày truy cập 19-9-2024
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 14, tr. 585
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 166
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 6, tr. 233
6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 10, tr. 596
7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 11, tr. 587
8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 15, tr. 494
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T.I, tr. 156
10. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-22-NQ-TW-2022-phong-thu-dan-su-den-2030-va-nhung-nam-tiep-theo-557691.aspx, ngày truy cập 19-9-2024
11. Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-535-QD-TTg-2023-De-an-Phat-trien-nang-cao-nang-luc-tim-kiem-cuu-nan-den-2030-566993.aspx; ngày truy cập 25-9-2024
12. http://tapchiqptd.vn/vi/chuyen-luan-chi-dao/toan-quan-tiep-tuc-xung-kich-trong-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-ho-cuu-nan/22037.htmlngày truy cập 19-9-2024.
13 https://nhandan.vn/quan-doi-tich-cuc-chuan-bi-luc-luong-phuong-tien-phong-chong-bao-so-3-post829216.html, ngày truy cập 19-9-2024.
VŨ MINH THÀNH
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống thiên tai và nhiệm vụ của quân đội trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ nàySinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai, nhất là phòng chống bão lụt. Người chỉ rõ: thiên tai, bão lũ, hạn hán cũng là một thứ giặc cần phải đấu tranh: “Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm….. Các bộ đội, dân quân, tự vệ phải cố gắng giúp đồng bào những công việc đó”1. Để đấu tranh phòng, chống thiên tai, lũ lụt cần phải có sự đồng lòng, đoàn kết; phải có sự góp sức của toàn dân, t

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn