Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng cho thế hệ mai sau của đất nước. Trong hệ thống các quan điểm của Người, chiến lược “trồng người” là một nội dung quan trọng. Bài viết tập trung làm rõ cơ sở hình thành, nhiệm vụ của chiến lược “trồng người” theo quan điểm Hồ Chí Minh và vận dụng những quan điểm đó trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên Việt Nam hiện nay.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người” vào giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên Việt Nam hiện nay
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người” vào giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên Việt Nam hiện nay

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh vui đón Xuân Mậu Thân với các cháu nhi đồng (30/12/1967). (Ảnh:hochiminh.vn)

Đặt vấn đề

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược, đặc biệt quan tâm đến “trồng người”, đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước. Người khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”[5, tr.528]. Tư tưởng của Người về chiến lược “trồng người”, bồi dưỡng thế hệ trẻ, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau luôn mang tính thời sự, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người” đã được Đảng và nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy không ngừng, đặc biệt trong giáo dục thanh niên hiện nay.

1Cơ sở hình thành quan điểm Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người”

 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Là người suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến những quyền của con người, quyền xứng đáng được hưởng, những quyền “không ai có thể xâm phạm”, đó là “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[2, tr.1]. Khát vọng giải phóng con người trở thành ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh với chiều sâu văn hóa, chiều sâu đó xét ra chính là chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân văn cao cả, đó là sự tôn trọng, đề cao và nâng cao những giá trị thuộc về con người.

Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nêu ra yêu cầu tất yếu phải xây dựng một xã hội mới, chế độ mới tốt đẹp hơn - chế độ xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh cho rằng: “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”[3, tr.281], Người cũng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[6, tr.66], theo Hồ Chí Minh những con người xã hội chủ nghĩa này phải “vừa hồng, vừa chuyên”, thực chất chính là hai mặt đức và tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng, là yếu tố căn cốt của con người mới xã hội chủ nghĩa và là nhân tố thể hiện ưu việt của chủ nghĩa xã hội. 

Vậy, muốn có những con người mới xã hội chủ nghĩa thì cần phải làm gì? Hồ Chí Minh cho rằng: “vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[5, tr.528], muốn có những con người đủ đức, đủ tài để đảm đương những nhiệm vụ trọng đại của dân tộc thì phải “trồng người” đó là lợi ích trăm năm, là kế sách lớn cho sự phát triển. Trong bản “Di chúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”[8, tr.622]. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và chiến lược "trồng người" chính là sự kết tinh những tinh hoa cao đẹp của truyền thống dân tộc, nhân loại và tư tưởng của thời đại.

2. Nhiệm vụ của chiến lược “trồng người” 

Thứ nhất, chiến lược “trồng người” phải làm sao đào tạo được những con người có đạo đức cách mạng, đó là lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, không ngừng bồi dưỡng, trau dồi những phẩm chất đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có lòng yêu thương con người và tinh thần quốc tế vô sản, có ý thức và tinh thần làm chủ tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”[6, tr.66], đồng thời Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải đấu tranh chống lại những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân sinh ra như tham ô, lãng phí, quan liêu, đó chính là một thứ giặc nguy hiểm, nó phá hoại sự nghiệp của chúng ta từ bên trong, nó là “kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội” vì vậy phải kiên quyết “quét sạch”.

Thứ hai, chiến lược trồng người là phải tạo nên những con người có ý chí học hỏi, cầu tiến, không ngừng vươn lên làm chủ những thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật, những hiểu biết mới của thời đại. Trong “Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai trường năm 1945, Người đã chỉ ra nhiệm vụ cho thế hệ trẻ đó là “phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta”, để “cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”, đó là một trách nhiệm rất nặng nề song cũng vô cùng vẻ vang. Trong nhiệm vụ giáo dục, đào tạo vẻ vang ấy, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Nhà nước phải hết sức quan tâm, chú ý vì đó là tiền đồ, là tương lai của dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ trong sự nghiệp cách mạng to lớn ấy là “cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào đạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[7, tr.622].

Thứ ba, chiến lược trồng người phải tạo nên những con người có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, “Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được. Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp”[1, tr.464]

3. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người” trong quá trình giáo dục thanh niên Việt Nam hiện nay

Hiện nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường, những thách thức của hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt những âm mưu thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch đang tác động mạnh mẽ đến thanh niên, khiến cho không ít người chạy theo lối sống thực dụng, sa ngã, hư hỏng, xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có thái độ thờ ơ, bàng quan trước các sự kiện kinh tế, chính trị của đất nước. Một số thanh niên mơ hồ về bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Trong xã hội xuất hiện một bộ phận thanh niên tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, coi đồng tiền là trên hết. Cá biệt có một số thanh niên phạm vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Hơn bao giờ hết, tiếp tục phát huy vai trò to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng là việc làm quan trọng và cấp thiết. Giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình và toàn xã hội với nội dung sâu rộng, hình thức phong phú đa dạng. 

"Trồng người" là công việc "trăm năm", không thể nóng vội "một sớm một chiều", không phải làm một lúc là xong, cũng không phải tùy tiện, đến đâu hay đến đó. Nhận thức và giải quyết vấn đề này có ý nghĩa thường trực trong suốt cuộc đời mỗi con người, trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện chiến lược "trồng người", cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng nhất. Giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thanh niên. Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh niên. Nội dung giáo dục phải toàn diện về cả đức, trí, thể, mỹ, phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. Đức và tài thống nhất với nhau, trong đó đức là gốc, là nền tảng cho tài năng phát triển. Phải kết hợp giữa nhận thức và hành động, lời nói với việc làm... có như vậy mới có thể "học để làm người". Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thế hệ trẻ phải hết sức tránh xa ba sự ham muốn đó là ham muốn về tiền tài, danh vọng và quyền lực. Người còn cho rằng “thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị, chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”[4, tr.265], có làm được như thế thì thanh niên mới xứng đáng là chủ nhân tương lai của nước nhà. Người căn dặn thế hệ trẻ phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện không ngừng các phẩm chất của đạo đức cách mạng đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, những tác phong đẹp đẽ của đạo đức như khiêm tốn, giản dị, siêng năng, gan dạ, sáng tạo và những đức tính tốt đẹp như trung thành, thật thà, chính trực. Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin và sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[9, tr.45]. Với Hồ Chí Minh, tiền đồ và tương lai của dân tộc Việt Nam gắn bó chặt chẽ với tiền đồ và tương lai của đội ngũ thanh niên.

Tình yêu thương quý trọng con người ở Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người” vào giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên trong điều kiện hiện nay cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp dưới đây:

Một là, thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho thanh niên. Đây là giải pháp cơ bản nhằm xây dựng, hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa cho thanh niên, vì đạo đức là “gốc của người cách mạng”. Trước hết cần quan tâm giáo dục những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng cho thanh niên thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Chú trọng giáo dục làm cho thanh niên nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhà trường, gia đình, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho thanh niên những tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước: “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân”, quên mình vì nghĩa lớn… Từ đó hình thành cho họ lối sống trong sạch, lành mạnh, những hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại.

Hai là, phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên, hình thành phẩm chất cao đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa. Thanh niên ngày nay đang sống trong thời kỳ bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng. Thanh niên đã và đang chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực và mặt tiêu cực từ môi trường kinh tế, xã hội. Vì vậy các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang cần quan tâm định hướng tạo môi trường thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để thu hút, tập hợp thanh niên, rèn luyện thanh niên theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Kịp thời biểu dương, nhân rộng cách làm hay và kiên quyết uốn nắn những thiếu sót, lệch lạc, những biểu hiện lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của thanh niên.

Ba là, phát huy vai trò tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của thanh niên. Thanh niên là lớp người trẻ, khoẻ, có nhiệt tình cách mạng, nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ. Phát huy vai trò của thanh niên trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức lối sống là biện pháp quan trọng giúp họ nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành. Đó còn là điều kiện quyết định kết quả rèn luyện của mỗi cá nhân. Trước hết phải hình thành cho thanh niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của thanh niên về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để thanh niên rèn luyện đạo đức, lối sống. Mỗi thanh niên phải xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Bản thân mỗi người tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và tiêu cực xã hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, lợi mình hại người. Thanh niên cần phải tự tin vào chính mình, giữ vững niềm tin trong cuộc sống, vào các giá trị chân, thiện, mỹ; vượt qua mọi khó khăn gian khổ như Bác Hồ đã dạy: “gian nan rèn luyện mới thành công”.

Thực hiện tốt một số giải pháp giáo dục rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế thế giới là góp phần đào tạo, giáo dục thế hệ thanh niên vừa "hồng", vừa "chuyên", chủ nhân tương lai đưa nước nhà vững bước tiến cùng các dân tộc tiên tiến, xứng đáng với mong ước của Bác Hồ kính yêu.

Kết luận

Quan điểm của Hồ Chí Minh về chiến lược "trồng người" là một giá trị to lớn đã để lại cho dân tộc Việt Nam, là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt, mang tính nhân văn sâu sắc và có giá trị to lớn đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với những quan điểm và chủ trương đúng đắn của Đảng về con người và chiến lược "trồng người" thời kỳ đổi mới, tiềm năng sáng tạo to lớn của con người Việt Nam đang ngày càng được khơi dậy, được nhân lên và phát triển, tạo ra nguồn lực nội sinh to lớn quyết định sự phát triển toàn diện đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[9] Đinh Xuân Dũng (2006), Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

PHẠM THỊ QUẾ

 

Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc

 

  Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh vui đón Xuân Mậu Thân với các cháu nhi đồng (30/12/1967). (Ảnh:hochiminh.vn) Đặt vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược, đặc biệt quan tâm đến “trồng người”, đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước. Người khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”[5, tr.528]. Tư tưởng của Người về chiến lược “trồng người”, bồi dưỡng thế hệ trẻ, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau luôn mang tính thời sự, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người”

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn