Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, có lúc làm cả nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, kiêm cả Bộ trưởng Ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, danh nhân chính trị, danh nhân ngoại giao… Trong 30 đi tìm đường cứu nước (1911-1941), Người đặt chân đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ[1].  Khi trở thành người đứng đầu, Đảng, Nhà nước, Hồ Chí Minh đã đi thăm chính thức 14 nước, trong đó có 5 quốc gia đã từng đến trước đó. Như vậy, Bác đã đến 65 nước và vùng lãnh thổ[2]. Bác tiếp xúc với các dân tộc khác nhau, các loại người khác nhau. Bác biết 29 ngoại ngữ[3]. Đó chính là điều kiện thuận lợi để  hình thành thiên tài ngoại giao.

Tư tưởng phương pháp, nghệ thuật và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh
Tư tưởng phương pháp, nghệ thuật và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

Trong quá trình gần 60 năm hoạt động cách mạng sôi động, phong phú, đa dạng, trong đó có hoạt động ngoại giao, Hồ Chí  Minh đã để lại tư tưởng, phương pháp, nghệ thuật và phong cách ngoại giao, là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bác là nhà ngoại giao thiên tài của dân tộc.

  Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là gì? Theo Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Toàn bộ những tư tưởng của Hồ Chí Minh về hoạt động ngoại giao như: biết đánh giá, dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ, tổ chức lực lượng, nhận rõ bạn thù, tranh thủ đồng minh, cô lập kẻ thù chủ yếu, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, biết thắng từng bước để tiến tới thắng lợi hoàn toàn, độc lập tự chủ gắn liền với đoàn kết quốc tế” 5… Đại tướng Võ Nguyên Giáp khái quát  tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “Là hệ thống quan điểm và đường lối chiến lược, sách lược (bao gồm mục tiêu, đối tượng, lực lượng, tổ chức và phương pháp) đối với các vấn đề quốc tế, chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, là bộ phận hữu cơ của tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối cách mạng Việt Nam”[4]. Nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên cũng đã viết: “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh, là một bộ phận hữu cơ tư tưởng của Người về cách mạng Việt Nam. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là hệ thống những nguyên lý, quan điểm, quan niệm về các vấn đề thế giới và thời đại, về đường lối quốc tế, chiến lược, sách lược đối ngoại và ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại. Tư tưởng này còn thể hiện trong hoạt động đối ngoại thực tiễn của Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước Việt Nam”[5].

Với nhận thức như trên, tư tưởng ngoại giao gồm 4 nội dung: tư tưởng, phương pháp, nghệ thuật và phong cách ngoại giao. Tư tưởng ngoại giao hay tư tưởng đối ngoại? Đối ngoại và ngoại giao là hai mặt của một vấn đề. Đối ngoại là đề ra chủ trương, chính sách trong quan hệ với các chủ thể khác nhau trên trường quốc tế, trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, còn ngoại giao là công cụ hòa bình thực mục tiêu đối ngoại. Đối ngoại và ngoại giao gắn bó chặt chẽ với nhau, có thể coi là hai từ đồng nghĩa, cho nên sử dụng khái niệm tư tưởng ngoại giao hay tư tưởng đối ngoại đều không có gì khác biệt.

 1.Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh

Một làlợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ ba (1/1964), Người căn dặn các nhà ngoại giao: “Muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm”[6].  Đây là tư tưởng nền tảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại và ngoại giao Việt Nam. Có thể, Người đã tiếp thu tư tưởng này của Henry John Temple Palmerston(1784-1865), Thủ tướng, Ngoại trưởng Anh quốc giữa thế kỷ XIX: “Chúng ta không có những người bạn Đồng minh vĩnh cửu, mà cũng không có kẻ thù vĩnh cửu. Chỉ có quyền lợi của chúng ta là vĩnh hằng không thay đổi. Theo đuổi quyền lợi đó chính là chức trách của chúng ta”[7]. Tư tưởng của Hồ Chí Minh  lần đầu tiên đã được Đại hội XI (2011) của Đảng tiếp thu và phát triển. Đại hội khẳng định: lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc chính sách đối ngoại Việt Nam. Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc”[8].

Tư tưởng lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết được thể hiện trong tất cả hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta.

Hai là, độc lập tự chủ, đoàn kết và hợp tác quốc tế

Theo Hồ Chí Minh, “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”[9]. Liên quan đến độc lập tự chủ, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh quan điểm tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa, do Nguyễn Ái Quốc thành lập (1921) Người viết: “Công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[10]. Trong “Đường cách mệnh” (1925) Người nêu quan điểm “…nếu thợ thuyền An Nam biết tổ chức thì Quốc tế đã hết lòng giúp cho mà làm cách mệnh. Nhưng muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”[11]. Nói chuyện với các nhà ngoại giao (1/1964), Người khẳng định: “cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”[12].

Độc lập tự chủ không có nghĩa là biệt lập, cô lập, trái lại gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, mà hợp tác quốc tế theo ngôn ngữ ngày nay là hội nhập quốc tế. Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đưa ra quan điểm gắn cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Người nêu quan điểm: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”[13].

Trong đoàn kết và hợp tác quốc tế cần phải có nguyên tắc. Trong nhiều thư gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chỉ cần  nước Pháp công nhận nền độc lập của chúng tôi thì nước Pháp sẽ chiếm được trái tim và tình cảm của tất cả những người Việt Nam”[14]. Với Chính phủ Mỹ, Người kiên quyết yêu cầu như vậy. Người còn lưu ý đoàn kết và hợp tác quốc tế phải trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Ba là, thêm bạn bớt thù, chính sách đối ngoại rộng mở

Tư tưởng chính sách đối ngoại thêm bạn, bớt  thù, rộng mở đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm. Khi Đảng chưa nắm được chính quyền, Bác đã chủ trương đoàn kết rộng rãi với giai cấp vô sản, với các dân tộc thuộc địa. Tháng 9/1947, trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Ely Maysi, Người nói: “Việt Nam “muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không thù oán với ai”15.

Tinh thần rộng mở quan hệ đối ngoại lại được Bác nhấn mạnh trong Tuyên bố 1/1950: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, để cùng bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”16.

Chính sách đối ngoại mở rộng còn thể hiện trong câu nói nổi tiếng của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Theo Bác, đó là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế, trước hết là giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Phương châm mở rộng quan hệ đối ngoại được Đảng vận dụng sáng tạo từ tuyên bố: “Việt Nam muốn là bạn”, rồi “sẵn sàng là bạn,” đến “là bạn, đối tác tin cậy và là  thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[15] vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Bốn làkết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Đây là một trong các luận điểm trung tâm trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên phá thế biệt lập của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, đặt nền móng vững chắc cho đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là dựa vào thực lực của dân tộc mình để tranh thủ hợp tác quốc tế và kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và lũ cướp nước”[16]. Sức mạnh thời đại bao gồm trước hết là những xu thế lớn, tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ… cùng những lực lượng quyết định chiều hướng của hoà bình, dân chủ, bình đẳng và thịnh vượng của các quốc gia. Cách mạng Tháng Mười mở ra thời đại mới, tạo điều kiện để gắn cách mạng Việt Nam vào dòng chảy chung của nhân loại.

Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc kết hợp yếu tố sức mạnh dân tộc với sự giúp đỡ, ủng hộ từ bên ngoài. Người nói: “Không có một sức mạnh thống nhất của cả nước, không có sự giúp đỡ mạnh mẽ của bên ngoài, công cuộc vận động giải phóng khó mà thành công được”[17]. Hồ Chí Minh đặt vấn đề sau khi giành chính quyền phải tranh thủ hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài kể cả của Pháp để xây dựng và phát triển đất nước. Cuối năm 1946, Hồ Chủ tịch gửi thư cho người đứng đầu các nước Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ và Liên hợp quốc nêu rõ Việt Nam thực hiện “chính sách mở cửa và hợp tác” và mời các nhà đầu tư công nghệ nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam. Ngày 22/6/1947, trả lời nhà báo nước ngoài, Người bày tỏ hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với Việt Nam.

 Kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Năm là, coi trọng và ứng xử khôn khéo với các nước lớn

Nước lớn đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới. Do vị trí địa chiến lược của nước ta, nên luôn có sự chú ý của các cường quốc. Theo Hồ Chí Minh, đời sống và xã hội hiện nay phụ thuộc trước hết vào những trung tâm công nghiệp lớn mạnh  và Người nhấn mạnh: “Hòa bình thế giới thực hiện được hay không là do nước lớn”[18]. Trong quan hệ với nước lớn, Người lưu ý việc ứng xử “dàn xếp cho đại sự thành tiểu sự và tiểu sự thành vô sự”. Đặc biệt, Bác đã dặn dò Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng Đoàn đàm phán của VNDCCH trước khi lên đường sang Paris, Bác nói: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc đàm phán, thương lượng là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khôn khéo, lúc cương, lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả…Chiến tranh sẽ còn kéo dài, đàm phán phải kiên trì, không được nóng ruột”[19]. Người khẳng định: sẵn sàng “trải thảm đỏ” hay nối “nhịp cầu vàng"[20] để Mỹ rút quân về nước. Năm 1968 khi Bác đi nước ngoài, có chủ trương dong giặc lái Mỹ bị bắt diễu các đường phố Hà Nội để cảnh cáo Mỹ. Khi về Bác đã phê phán gay gắt chủ trương này, gọi đó là việc làm “dại dột” sẽ không được dư luận thế giới ủng hộ [21]. Trường hợp các nước lớn vi phạm độc lập chủ quyền của chúng ta, nhân dân Việt Nam kiên quyết đứng lên chống xâm lược như đối với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sáu làHồ Chí Minh cũng rất coi trọng các nước láng giềng

Người ta có thể thay đổi bạn thù, song không ai thay đổi được láng giềng. Các nước láng giềng liên quan chặt chẽ đối với an ninh và phát triển của  mọi quốc gia. Quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu bền với láng giềng là quy luật của mối quan hệ địa chính trị quốc tế. Đó cũng là truyền thống “Bán anh em xa mua láng giềng gần” của cha ông ta. Trong quan hệ với các nước láng giềng, thì quan hệ với Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm trong những mối quan tâm đối ngoại của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã kiên trì hòa hoãn, lôi kéo, phân hoá tránh đối đầu và tránh xung đột với Tưởng. Hồ Chí Minh đã có cống hiến to lớn tạo dựng quan hệ Việt - Trung mới.

Với Lào và Cămpuchia: Việt Nam, Lào, Cămpuchia cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, có chung số phận, cùng chung kẻ thù, có ý nghĩa chiến lược đối với an ninh và phát triển của mỗi nước. Hội nghị cán bộ về công tác giúp đỡ Lào, Cămpuchia (2/1949) đề ra bốn phương châmi) Không đứng trên lợi ích của Việt Nam mà làm công tác Lào, Miên; ii) Nắm chắc nguyên tắc dân tộc tự quyết do Lào, Miên tự quyết định lấy; iii) Không đem chủ trương, chính sách và nguyên tắc của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy; iv) Cần giúp đỡ Lào, Miên để bạn tự làm lấy[22].  Đó chính là chỉ đạo của Bác trong quan hệ với Lào, Cămpuchia.

Hồ Chí Minh cũng dành quan tâm lớn cho quan hệ với các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Miến Điện, Inđônêxia… Năm 1947, trong thư gửi kiều bào ta ở Thái Lan, Hồ Chủ tịch đã dẫn câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Bẩy làngoại giao là một mặt trận

Ngoại giao có vị trí và vai trò quan trọng trong việc bảo vệ củng cố độc lập dân tộc, phát triển đất nước và phát huy ảnh hưởng quốc tế. Ngoại giao có quan hệ chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, với kinh tế, văn hóa. Ngoại giao truyền thống ra đời và phát triển cùng Nhà nước từ Văn Lang - Âu Lạc đến Đại Việt. Ngoại giao của ông cha có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, với chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo “trong xưng đế, ngoài xưng vương” với thiên triều và chính sách ngoại giao linh hoạt, kiên quyết với các nước láng giềng phía Nam, ông cha ta đã giữ gìn độc lập tự chủ, biên cương quốc gia, mở rộng lãnh thổ, phát triển đất nước. Trong thời chiến, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự vừa đánh vừa đàm, tiến hành ngoại giao tâm công, vừa mềm dẻo vừa cứng rắn góp phần đánh thắng kẻ thù kết thúc chiến tranh, giải quyết hậu quả, nhanh chóng bình thường hóa quan hệ.

Sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh và Đảng xác định: “Sau vấn đề phòng thủ, ngoại giao là một vấn đề cần yếu cho một nước độc lập”[23]. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta đã khẳng định "Tiến công ngoại giao là một mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược…"[24].

Sức mạnh của ngoại giao tùy thuộc vào nội lực quốc gia. Hồ Chí Minh viết: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”[25]. Đảng xác định: “…muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực”[26] . Hồ Chí Minh nhận xét: “... đánh thắng lợi thì ngoại giao thắng nhiều. Không cứ gì ở ta mà ở nước nào cũng vậy. Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng nhưng cái chính là mình phải đánh thắng”[27]. Ngược lại, thắng lợi ngoại giao tác động đến chiến trường; ngoại giao có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tháng 11/1945, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình về kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình”[28].

Cũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh việc phối hợp ngoại giao của VNDCCH và ngoại giao Mặt trận, “tuy hai là một, tuy một là hai”. Vận dụng tư tưởng ngoại giao là một mặt trận, Đảng ta chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Ngoài các tư tưởng trên, Người còn để lại những quan điểm rất sâu sắc về  quan hệ quốc tế, thêm bạn, thù; về bảo vệ chủ quyền biển đảo, và văn hóa hòa bình, …v.v.

2. Phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh

Phương pháp là “toàn bộ những cách thức, với tính chất là một hệ thống các nguyên tắc xuất phát từ các quy luật tồn tại và vận động của đối tượng, khách thể đã được nhận thức, để định hướng và điều chỉnh hoạt động nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn của con người, nhằm tác động vào đối tượng, khách thể để thực hiện mục đích đã định”[29]. Hồ Chí Minh nhấn mạnh các phương pháp sau đây:

Một là, dự báo thời cơ và nắm bắt, tạo thời cơ

Thời cơ là khái niệm phổ biến được bàn tới trong nhiều ngành khoa học: quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao… Đó là thời điểm hội tụ toàn diện các yếu tố khách quan, chủ quan, cả không gian, thời gian, cả thế và lực, cả bên trong và bên ngoài, để có thể hành động đột phá tạo ra những bước ngoặt lớn hay mở ra vận hội lớn đi đến thắng lợi.  Hay nói cách khác như ông cha ta đúc kết “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Khoa học chính trị, chính trị đối ngoại (ngoại giao) vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Người có những tiên đoán tài tình các bước phát triển của cách mạng Việt Nam và thế giới; tận dụng được các cơ hội đưa cách mạng tiến lên.

Hồ Chí Minh là người đi đầu trong dự báo sớm về khả năng bùng nổ cách mạng ở châu Á - Thái Bình Dương; phán đoán đúng nguy cơ Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ và khái quát khá chuẩn xác quy mô, chiều hướng phát triển cũng như những bước ngoặt và những hệ quả to lớn của chiến tranh thế giới đối với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Khi nước Pháp thua trận, từ Pác Bó (6-6-1941), Người đã đưa ra nhận định: “Nay cơ hội giải phóng đến rồi, đế quốc Pháp bên Âu đã không thể tự cứu, càng không thể cứu bọn thống trị Pháp ở ta”[30]. Tháng 2-1942, trong bài Diễn ca lịch sử nước nhà, Hồ Chí Minh khẳng định:“Việt Nam độc lập: 1945”. Tháng 10-1944, Người cho rằng phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp ta phải làm nhanh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi trên toàn quốc về cơ bản diễn ra như kịch bản về thời cơ cách mạng mà Hồ Chí Minh đã soạn thảo 4 năm về trước, với sự bố trí sắp xếp của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Người cũng dự báo kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhất định thắng lợi…

Ngoài dự báo  đúng, song quan trọng hơn là chuẩn bị tốt để đón thời cơ, không để tuột thời cơ, biến thách thức thành cơ hội….

 Hai là, ngoại giao tâm công

Ngoại giao tâm công là một trong các phương pháp ngoại giao cổ truyền của dân tộc đã được Hồ Chí Minh vận dụng một cách tài tình, khéo léo. Ngoại giao tâm công là đánh vào lòng người, chinh phục trái tim khối óc, mối thiện cảm của người, bằng chính nghĩa, lẽ phải, đạo lý, hoặc bằng những cách thức, cách biểu đạt có hướng đích. Cũng là “đánh bằng tấm lòng”.

Cơ sở của tâm công là bản tính hướng thiện của mỗi con người và sự chia sẻ các giá trị chung của nhân loại tiến bộ. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”[31]. Đối với Hồ Chí Minh, ngoại giao tâm công là:

Với các bạn bè quốc tế, láng giềng, Hồ Chí Minh thể hiện tình cảm chân thành “vừa là đồng chí, vừa là anh em” trên tinh thần trong sáng, thủy chung, phát huy đoàn kết, hữu nghị, hợp tác. Bác làm thơ khi tiễn Vua Lào thăm chính thức Việt Nam; khi thăm Ấn Độ, Hồ Chí Minh đem từ Hà Nội sang một cây đại để trồng tại nơi kỷ niệm Thánh Gandhi; đưa vòng hoa để tưởng niệm cụ thân sinh ra đương kim Thủ tướng Ấn Độ Nêru...

   Với đối phương, Hồ Chí Minh đấu tranh lý lẽ, đề cao chính nghĩa, lẽ phải, thức tỉnh lương tâm, đồng thời tỏ rõ lòng mong muốn hòa bình, hợp tác cùng có lợi, quan tâm đến lợi ích chính đáng của nước đối phương về kinh tế, văn hóa. Bác căn dặn: “Đối với người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng… Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ không vì tư thù, tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh”[32].  

Ngoài ra, có vô vàn những câu chuyện về sự quan tâm chu đáo, chân thành của Hồ Chí Minh, gây xúc động cho khách nước ngoài, như đưa mũ lông của mình đang đội cho Phó Chủ tịch Trung Quốc Tống Khánh Linh giữa trời tuyết rơi mùa Đông; cởi khăn của mình quàng vào cổ một bạn Đức thăm Việt Nam bị ho; tặng hoa hồng cho khách nữ; cởi áo khoác cho một tù binh Pháp đang lạnh run giữa thời tiết mùa Đông Việt Nam… Ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh đã tăng sức mạnh tiến công của ngoại giao Việt Nam.

 Ba là, “Dĩ bất biến ứng vạn biến”

Trong đời sống chính trị thường có những thay đổi hết sức nhanh chóng, thậm chí trong khoảnh khắc. Chính vì vậy, mà càng cần phải có những ứng biến mau lẹ, chuẩn xác. Ngày 31-5-1946, trước khi lên đường thăm chính thức nước Pháp, Bác đã nói với Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến’”[33].

“Dĩ bất biến” có nghĩa là luôn luôn kiên định mục tiêu chiến lược, bảo vệ lợi ích lớn của dân tộc, trung thành với lý tưởng cách mạng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình cách mạng Việt Nam, đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt, phù hợp yêu cầu của tình hình qua từng giai đoạn. Còn ‘ứng vạn biến’ có nghĩa là tùy thời thế, đối tượng mà có cách ứng phó, giải quyết vấn đề tinh tế, linh hoạt và có hiệu quả.

Đây là một nguyên tắc phổ biến và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đấu tranh ngoại giao đặc biệt là đối với Việt Nam, một nước nhỏ mà thường  phải đối phó với  đối thủ lớn  trong bối cảnh quốc tế phức tạp.

Bốn là, nhân nhượng có nguyên tắc

Trong đấu tranh ngoại giao, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, gắn chặt với thỏa hiệp, nhân nhượng. Nhân nhượng và thỏa hiệp phải trên cơ sở nguyên tắc và có đi có lại. Đây cũng là một trong các phương pháp ngoại giao của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã thực hiện “chính sách Câu Tiễn” đối với Tưởng và ký Hiệp định sơ bộ  Việt - Pháp (6/3/1946), mẫu mực nhân nhượng có nguyên tắc. Chúng ta phải nhân nhượng rất nhiều với Tưởng, đặc biệt phải chia sẻ quyền lực chính trị, song không làm thay đổi bản chất chính quyền cách mạng; với thực dân Pháp chấp nhận Việt Nam chỉ là quốc gia tự do, 15 nghìn quân Pháp ra Bắc, trưng cầu dân ý ở Nam Bộ,  song đều có nguyên tắc.

Năm là, lợi dụng mâu thuẫn đối phương, thêm bạn bớt thù

Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng, đặc biệt là trong hoàn cảnh phải đấu tranh với đối thủ mạnh hơn. Lênin nói: “Chỉ có thể thắng một kẻ địch mạnh hơn bằng một sự nỗ lực hết sức lớn, và với điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng một cách hết sức tỉ mỉ, hết sức chăm chú, hết sức cẩn thận, hết sức khôn khéo bất cứ một “rạn nứt” bé nhỏ nhất nào giữa kẻ thù, bất cứ những mâu thuẫn bé nhỏ nhất nào về lợi ích giữa giai cấp tư sản của từng nước, cũng như phải lợi dụng mọi khả năng dù bé nhỏ nhất để có được một bạn đồng minh mạnh về số lượng, dù đó là bạn đồng minh tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, ít chắc chắn và ít tin cậy... Người nào, trong một thời gian khá dài và trong những tình hình chính trị khác khác nhau, mà không chứng tỏ được trong thực tiễn rằng mình biết ứng dụng chân lý ấy vào thực tế thì người đó cũng chưa biết cách giúp đỡ giai cấp cách mạng trong cuộc đấu tranh của họ để giải phóng toàn thể nhân loại khỏi tay bọn bóc lột”[34].

Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lợi dụng thời cơ khi phe phát xít, nhất là Nhật đầu hàng Đồng minh và Nhật - Pháp bắn nhau để làm Cách mạng Tháng Tám. Người lợi dụng sự khác nhau trong quan điểm giải quyết vấn đề Đông Dương để tranh thủ Mỹ có lợi cho cách mạng.  Hồ Chí Minh đã khôn  khéo lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng cùng  mâu thuẫn trong nội bộ Tưởng, nội bộ Pháp giai đoạn 1945-1946, góp phần bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ, lợi ích cao nhất của nhân dân ta lúc đó.

 Sáu là, phối hợp quân sự, chính trị và ngoại giao

Nghị quyết 13/TW (01/1967) viết: “Đấu tranh  quân sự và đấu tranh chính trị ở Miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định giành thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi  trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”[35].

   Chúng ta kết hợp rất  khéo léo, tài tình  giữa chiến trường và đàm phán ngoại giao. Đánh thúc thúc đẩy đàm, đàm bó chân, bó tay địch trên chiến trường, củng cố thắng lợi quân sự và kết thúc cuộc chiến. Trong những năm 1965 - 1966, Mỹ đưa ra rất nhiều đề nghị hòa bình, song chỉ sau thắng lợi phản công  hai mùa khô năm 1965 - 1966 và 1966 - 1967, chiến lược tìm diệt của Mỹ, cũng như chiến tranh phá hoại Miền Bắc thất bại một bước, chúng ta mới quyết định mở mặt trận ngoại giao, kết hợp đánh, đàm. Cũng chỉ sau tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968, Mỹ mới  mới chịu chấm dứt ném bom và ngồi vào thương lượng. Năm 1971, Mỹ thúc  ép ta chuyển sang đàm phán thực chất, chúng ta không bị  động theo đối phương mà chỉ sau chiến thắng Xuân - Hè (1972) đánh địch trên khắp các mặt trận từ Bình Trị Thiên đến đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, tạo chỗ đứng cho chủ lực trở về, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ bị thất bại nghiêm trọng, phong trào đấu tranh ở đô thị lên cao, so sánh lực lượng thay đổi lớn, chúng ta mới quyết định  chuyển sang đàm phán thực chất. Đập tan chiến dịch ném bom B.52 cuôi năm 1972 trên bàu trời Hà Nội, chúng ta  đã buộc Mỹ ký hiệp định Paris theo điều kiện của ta.

  

 Bẩy là, biết giành thắng lợi từng bước

Đây là một phương pháp xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Việt Nam luôn phái chiến đấu với kẻ thù mạnh hơn nhiều lần, cho nên muốn thắng phải biết giành thắng lợi từng bước. Giành thắng lợi từng bước song, luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng.  Đấu tranh ngoại giao của chúng ta cũng đều theo phương sách này. Nếu Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), Việt Nam  chỉ được công nhận là quốc gia tự do, có chính phủ, quân đội, tài chính riêng, thành viên Liên bang Đông Dương. Đến Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Pháp và các nước phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Cămpuchia và Miền Bắc nước ta được giải phóng, là hậu phương lớn cho cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam. Đến Hiệp định Paris(1973), Điều 1 viết: “Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương đã công nhận”[36]. Ngoai ra, Hoa Kỳ còn phải công nhận Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai vùng kiểm soát, ba lực lượng chính trị. Ngày 30/4/1975, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối.

3. Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh

Nghệ thuật dùng để biểu đạt một hành động điêu luyện, hoàn thiện, hoàn mỹ, khéo léo tinh tế. Có ba yếu tố cơ bản cho việc hình thành nghệ thuật trong hoạt động của con người là uyên bác, tài năng bẩm sinh và sự khổ luyện. Ngoại giao là một hoạt động chính trị - xã hội, là khoa học và nghệ thuật. Đó là nghệ thuật của những khả năng, nghệ thuật ứng xử, nghệ thuật đàm phán… Nghệ thuật ngoại giao thể hiện tập trung ở phương pháp và phong cách vận dụng chiến lược, sách lược đối ngoại một cách nhạy bén, uyển chuyển và sáng tạo, đạt được hiệu quả có lợi nhất và cao nhất có thể có trên cơ sở tương quan lực lượng và điều kiện cụ thể tại những thời điểm lịch sử nhất định, đặt biệt là trong những tình thế hiểm nghèo.

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là tài năng trong hoạt động đối ngoại nhằm biến những điều khó có thể hoặc không thể đối với người khác thành hiện thực, trong đó có việc biến “nguy thành an”, biến “đại sự thành tiểu sự” và biến “tiểu sự thành vô sự”; là sự khéo léo, uyển chuyển trong ngoại giao tâm công; trong dự báo thời cơ, đặc biệt là tận dụng thời cơ, tạo thời cơ; trong “dĩ bất biến ứng vạn biến”, và nhân nhượng thỏa hiệp có nguyên tắc; trong lợi dụng mâu thuẫn đối phương để thêm bạn bớt thù tăng cường lực lượng của mình;  trong ứng xử ngoại giao, trong trả lời lời phỏng vấn báo chí… Như vậy, tất cả các phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh đều đã trở thành nghệ thuật.

Đặc biệt, ứng xử ngoại giao là nghệ thuật rất đặc sắc của Hồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu ngoại giao Vũ Dương Huân, giới thiệu 16 câu chuyện về nghệ thuật ứng xử của Hồ Chí Minh[37].

Xin được nêu ứng xử  với các tướng của Tưởng trong giai đoạn 1945 -1946.

Ngày 10/9/1945, Tướng Tiêu Văn đến Hà Nội, ngày 14/10/1945, Tướng Lư Hán, rồi Tướng Chu Phúc Thành, Tổng tham mưu trưởng Hà Úng Khâm với mục tiêu “diệt cộng cầm Hồ” để dựng lên Chính phủ tay sai. Người nói tiếng Tầu “kiểu cách Vân Nam” với Tướng Lư Hán; “kiểu cách Lưỡng Quảng” với Tướng Tiêu Văn; “kiểu cách Bắc Kinh” với Tướng Hà Ứng Khâm… Tiêu Văn đã từng biết Hồ Chí Minh từ lúc Người ở trong các nhà tù Quảng Tây và thán phục tầm hiểu biết uyên thâm quảng bác Đông Tây, Kim, Cổ của Người. Nhưng Tiêu Văn ngạc nhiên sao  Người biết ông gốc Quảng Đông, cấp bậc, chức vụ trong quân ngũ. Còn với lần gặp đầu tiên ngày 16/9/1945, Lư Hán gần như bối rối khi Người nói về nét đẹp y phục, phong tục, tập quán của bộ tộc Lôlô và những kỷ niệm đã từng được chung sống với người Lôlô Vân Nam. Tướng Lư Hán liền nói: Thưa Chủ tịch, bản nhân là bộ tộc Lôlô. Hồ Chủ tịch hé mở tiếp: Tôi cũng đã có dịp quen biết tướng Long Vân trước ngày Tướng Long Vân nhậm chức Thống đốc Vân Nam và tướng Long Vân có quan hệ họ hàng với tướng quân ?  Tướng Lư Hán gần như bị động, ông đứng dậy nâng ly Mai Đào: “Thưa Chủ tịch Hồ Chí Minh…thật hạnh ngộ…hạnh ngộ. Chủ tịch thật là thông quyền đạt biến. Thống đốc Long Vân là em của thân mẫu bản nhân”.  Tướng Lư Hán hai tay cầm chặt tay Bác Hồ: “Ngộ ngã lương bằng… Ngộ ngã lương bằng…” Và ông ta tiễn Hồ Chủ tịch ra tận xe và đứng đợi cho xe chuyển bánh đưa tay vẫy chào theo mới quay trở vào.

Từ phút ban đầu cho suốt cả cuộc hội kiến Tướng Lư Hán mất chủ động, ông ứng đáp theo Bác, không còn hạch sách kiểu nước lớn, giọng kể cả như trước và Tướng Lư Hán tỏ ra kính phục sự thông tuệ, lịch thiệp của Bác bằng cử chỉ đứng dậy. Bác nhận xét: nhiều người đồn đại Lư Hán là tướng rợ Lôlô, quân phiệt. Khi thấy Bác biết rõ quan hệ giữa Tướng Lư Hán và Tướng Long Vân, Thống đốc Long Vân ngộ nạn. Tướng Lư Hán bày tỏ: cả hai chúng ta ngộ biến. Sức mạnh của Thống đốc Long Vân là dựa vào thế lực của Tướng Lư Hán. Tướng Lư Hán bị điều sang Việt Nam là kế sách triệt hạ thế lực của Tướng Long Vân, Tướng Lư Hán đã phải thốt lên: “Ngộ ngã lương bằng” coi chúng ta là bạn tốt. Chứ không thế là “Diệt cộng cầm Hồ”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Hồ Chí Minh là bậc thầy trong việc nắm vững quy luật cách mạng, nắm vững thời và thế, biết cách tạo thời và thế, từ đó mà phấn đấu giành thắng lợi từng bước, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, biết tiến, biết thoái, có lúc thoái một bước để tiến hai bước, luôn nắm vững mục tiêu từng lúc, kiên trì phấn đấu, tập trung lực lượng đạt tới mục tiêu đó”[38].                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                      

4. Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

Theo nghĩa rộng, “phong cách là lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nền nếp ổn định của một người hay một lớp người, được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt… tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của chủ thể đó” [39]. Phong cách người cách mạng liên quan mật thiết với tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng. Tư tưởng, đường lối có tính chất quyết định, còn phương pháp là những cách thức có tính nguyên tắc để đưa đường lối vào cuộc sống. Phương pháp dù chung hay riêng chỉ được thông qua hoạt động cụ thể với những trình độ, khí chất và phong cách khác nhau.

Ngoại giao vừa là khoa học vừa là chính trị. Ngoại giao muốn đạt mục đích đề ra phải có phương pháp và nghệ thuật, qua đó tạo nên phong cách. Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh là “lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nền nếp ổn định” của Người trong công tác ngoại giao. Phong cách ngoại giao của Người liên quan chặt chẽ đến tư tưởng của Người về đối ngoại, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao. Tư tưởng đối ngoại chỉ đạo hành động còn phong cách, phương pháp và nghệ thuật biến tư tưởng đường lối chính sách đối ngoại thành hiện thực và hiệu quả.  Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh có các đặc trưng sau đây:

Một là, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo

Đây là nét độc đáo trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh; là cơ sở cho việc hình thành những luận điểm đặc sắc mang dấu ấn Hồ Chí Minh, tạo nên sự khác biệt giữa Hồ Chí Minh với nhiều nhà tư tưởng, tiền bối và đương thời. Độc lập là không phụ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi, giáo điều, tránh đường mòn và tự mình phải luôn tìm tòi, suy nghĩ. Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ, làm chủ bản thân và công việc của mình. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù; sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, lạc hậu, tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.

Nhờ tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật của cách mạng Việt Nam, dựa trên các quy luật phát triển chung. Người đã phát hiện nhiều luận điểm rất mới, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Người soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh  đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chủ trương tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng cả nước cũng như giải quyết vấn đề độc lập dân tộc  của Việt Nam, hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xu thế phát triển của thời đại, thể hiện tầm nhìn vượt thời gian. Về lĩnh vực đối ngoại, Người cũng có quan niệm rất khoa học về chủ thể chính của quan hệ quốc tế, là quốc gia - dân tộc,  không phải là các giai cấp, về bản chất quan hệ quốc tế không hẳn chỉ là đấu tranh một mất một còn giữa CNXH và CNTB theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Người có quan điểm mới về lợi ích quốc gia - dân tộc, coi trọng các nước lớn, nước láng giềng, ngoại giao là mặt trận...

Cơ sở để Hồ Chí Minh có tư duy độc lập tự chủ sáng tạo vì Người đều lấy thực tế Việt Nam làm điểm xuất phát; Bác cũng không ngừng học tập, nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn trong và ngoài nước, quá trình hoạt động thực tiễn sinh động, phong phú, với nhiều vị trí công tác, thăng trầm trong quá trình hoạt động cách mạng.

Hai là, trong đấu tranh ngoại giao Hồ Chí Minh rất cứng rắn, kiên định về các vấn đề chiến lược, các vấn đề nguyên tắc, lợi ích sống còn của quốc gia - dân tộc, song rất linh hoạt mềm dẻo về sách lược.

Ứng xử với Pháp, Tưởng những năm 1945 -1946 là ví dụ nổi bật của phong cách này của Hồ Chí Minh. Với danh nghĩa quân Đồng minh, Tưởng vào miền Bắc Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật, cho nên Hồ Chí Minh và Đảng ta rất mềm dẻo, nhân nhượng thỏa hiệp với Tưởng nhiều vấn đề như chấp nhận tiêu tiền Quan kim mất giá, cung cấp lương thực cho quân đội Tưởng ở Việt Nam, cho phép tay sai Tưởng có 70 ghế trong Quốc hội khoá I không qua bầu cử và tham gia chính phủ liên hiệp với nhiều bộ quan trọng. Song Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng kiên quyết không để Tưởng can thiệp sâu vào chính quyền,  không cho phép Tương đặt cố vấn quân sự trong Bộ Quốc phòng, giữ vững bản chất chính quyền và thế hợp pháp của chính quyền cách mạng, tập trung sức chống Pháp tái xâm lược ở miền Nam.

Trong đấu tranh với thực dân Pháp, Người rất kiên quyết giữ vững quan điểm, lập trường về những vấn đề cốt tử của quốc gia như độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quyết không đổi chác, nhân nhượng. Trước sau như một, Người đòi Pháp công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đồng thời, Người rất linh hoạt, mềm dẻo trong đấu tranh với Pháp, sẵn sàng nhân nhượng, thỏa hiệp với Pháp về những nội dung có thể thỏa hiệp được. Khi đàm phán về Hiệp định Sơ bộ với Pháp, chính vì Người linh hoạt dùng từ Việt Nam là “nước tự do” có quân đội, chính phủ riêng, tài chính riêng… thay cho từ “độc lập”, nhân nhượng cho Pháp nhiều lợi ích kinh tế, văn hóa, chấp nhận tham gia Liên bang Đông Dương… mà ký được Hiệp định Sơ bộ trong bối cảnh cực kỳ cấp bách.

Đối với Hồ Chí Minh, cứng rắn về nguyên tắc và mềm dẻo về sách lược, song cứng rắn và mềm dẻo đều có “độ”. Xác định điểm “dừng” của những nhân nhượng là nghệ thuật ngoại giao. Về điểm “dừng” ký Hiệp định Sơ bộ, Trung ương Đảng phân tích: “Vấn đề lúc này, không phải muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình, biết người, nhận một cách khách quan các điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”[40].

Ba là, Hồ Chí Minh rất quyết đoán, không do dự trong việc thông qua các quyết định, nhất là vào những thời điểm bước ngoặt quan trọng.

Những ngày cuối tháng 8/1945, mặc dù ốm mệt, song Người chỉ thị: phải quyết tâm giành cho được độc lập dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn. Theo nhận thức của Người, thời cơ đã chín muồi và nếu để muộn, quân Đồng minh vào Việt Nam, cách mạng sẽ khó thành công. Trong tình thế hiểm nghèo, trước sức ép của quân Tưởng, và ý kiến nội bộ rất khác nhau. Người quyết định “giải tán Đảng”  để có thể lập chính phủ liên minh với tay sai của Tưởng. Đàm phán Việt - Pháp thất bại, Người quyết định ký Tạm ước 14/9/1946 với Pháp, dù phải nhân nhượng nhiều hơn. …

Bốn là, chủ động tiến công, nhiều sáng kiến cũng là phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ và Đảng đã rất khẩn trương tổ chức Đại hội Quốc dân Tân Trào, chuyển ngay Ủy ban Giải phóng thành Chính phủ lâm thời, soạn thảo và tuyên đọc Tuyên ngôn Độc lập, ra mắt Chính phủ lâm thời… Đây là những biện pháp đối nội, song là giải pháp mang tính đối ngoại. Bác đã chạy đua với thời gian, triển khai các hoạt động trên nhằm đạt cho được cái đích là: trở thành người chủ,  để tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật. Trong những năm 1945 - 1946, Bác Hồ liên tiếp đưa ra các sáng kiến ngoại giao với Tưởng, với Pháp, và cả Mỹ, luôn chủ động tiến công…

Do mâu thuẫn, bất đồng với Liên Xô, năm 1964 gần đến sinh nhật Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, Khơrustxốp tròn 70 tuổi, Trung Quốc đề nghị các Đảng anh em từ nay không gửi điện chúc mừng. Để không làm mếch lòng Trung Quốc, và vẫn tỏ rõ tình cảm đối với Liên Xô, Bác đã mời Đại sứ Liên Xô lên gặp và gửi lời chúc mừng miệng đến nhà lãnh đạo Liên Xô. Triển khai Nghị  quyết Trung ương 13 về  kết hợp đánh đàm, chúng ta  thúc đẩy tiếp xúc, đàm phán với Mỹ để giải quyết chiến tranh Việt Nam. Trung Quốc  không ủng hộ “vừa đánh vừa đàm” nên tạm dừng các tiếp xúc chính trị giữa hai Đảng. Để có thể tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý cử Đoàn đại biểu Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn đầu thăm Trung Quốc để thông báo tình hình đấu tranh và quyết tâm chiến đấu của đồng bào miền Nam Việt Nam.  Trung Quốc không thể không nhận đón Đoàn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham gia Đoàn. Sau khi tiếp Đoàn, Chủ tịch Mao Trạch Đông nhận xét: Việt Nam đánh giỏi mà đàm cũng giỏi, biểu thị ủng hộ chủ trương đánh đàm của Việt Nam[41].

Năm là, trong giao tiếp với khách nước ngoài, phong thái ung dung, nho nhã, kiến thức uyên thâm, cùng với sự chân thành, giản dị, khiêm nhường của Hồ Chí Minh có tính thuyết phục rất cao đối với người đối thoại.

   Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo quốc gia, Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, tiếp xúc, đàm phán với nhiều đối tượng khác nhau: bạn bè, đồng chí, kẻ thù, nhà lãnh đạo quốc gia, các nhà chính trị có các xu hướng khác nhau, sĩ quan, nhà khoa học, nhà văn hóa, người dân bình thường… song tất cả đều nể trọng, cảm phục, bị Người thuyết phục. Samdec Norodom Sihanúc viết: “Từ lâu, tôi đã rất ngưỡng mộ “Bác Hồ”. Người không chỉ thuộc về Việt Nam, mà cả Đông Dương, cả châu Á và có thể cả thế giới, vì Người luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa… Đối với riêng tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến, và tôi cũng đã luôn ước mong được gặp Người”[42].

Thay lời kết luận

Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao thiên tài, là danh nhân ngoại giao của dân tộc Việt Nam. Người đã để lại cho hậu thế những di sản lớn không chỉ về tư tưởng, phương pháp, nghệ thuật và phong cách ngoại giao rất đặc sắc, là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tạo thành Trường phái Ngoại giao Hồ Chí Minh[43]. Chúng ta có nhiệm vụ vận dụng sáng tạo và phát triển di sản của Người trong bối cảnh mới. Đó chính là nguồn gốc của thành công trong công tác đối ngoại của chúng ta. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: "Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì thắng lợi, đi chệch con đường đó thì gặp khó khăn và dẫn đến thất bại"[44].

Tài liệu tham khảo chính:

1)Ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao: Một số tài liệu  tham khảo về Hồ Chí Minh, Hà Nội-2008.

2) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính  trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội-1996.

3)Bộ Ngoại giao: Bác Hồ và hoạt động ngoại giao. Một vài kỷ niệm về Bác, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội-2008.

4) Lady Borton: Hồ Chí Minh-Một hành trình, Nxb. Thế giới, Hà Nội-2012

5) Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, Nxb, Chính trị quốc gia- Hà Nội- 2000.

6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội-2000, tập 8.

7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội-2003, tập  28.

8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XIII, Nxb. Chính trị quốc gia,  Hà Nội-2021, tập 1.

9) Trần Đương, Nguyễn Thị Minh Hương: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế,  Nxb. Thông Tấn, (Tái bản lần thứ nhất), Hà Nội 2007.

10) Học viện Quan hệ quốc tế: Bác Hồ nói về ngoại giao, Hà Nội -1994.

Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội- 2016.

11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội-2011.

12) Vũ Dương Huân: Đôi điều về Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, http://nghiencuuquocte.org/2021/09/08/doi-dieu-ve-truong-phai-ngoai-giao-ho-chi-minh/.

13) GS TS Vũ Dương Huân: Tư tưởng Hồ Chí minh về đối ngoại, ngoại giao, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội-2022.

14) GS Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội- 1997.

 15) Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội- 2002.

16) Ông Nguyễn Dy Niên: Cố Tổng Bí thư Trường Chinh gọi tới nhà khóa cửa hỏi về đổi mới đối ngoại, https://nld.com.vn/chinh-tri/doi-moi-tu-duy-doi-ngoai-co-luc-rat-gian-truan-mat-an-mat-ngu

17) Trần Triều, Hồ Lễ Trung: Thập đại tùng thư. 10 nhà ngoại giao lớn thế giới, Nxb., Văn hóa Thông tin, Phong Đảo dịch từ tiếng Trung Quốc, Hà Nội-2003

18) Từ điển tiếng Việt 1997, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng-1997.

19) Nguyễn Minh Vỹ: Hồi ký Tuần báo Quốc tế, số 20, tháng 5/1995.

Hà Nội, ngày 27/3/2023.

 

[1] Lady Borton: Hồ Chí Minh-Một hành trình, Nxb. Thế giới, Hà Nội-2012, tr.21.

[2] GS TS Vũ Dương Huân: Tư tưởng Hồ Chí minh về đối ngoại, ngoại giao, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội-2022, tr. 307.

[3] Tác giả Vũ Khoan cho rằng Bác  thành thạo 9 ngoại ngữ, https://dantri.com.vn/the-gioi/nguyen-pho-thu-tuong-vu-khoan-tiet-lo-bi-quyet-luyen-ngoai-ngu-cua-bac-ho-20200228000316270.htm.   Còn theo GS Hoàng Chí Bảo, Bác biết 29 ngoại ngữ, http://www.baobinhthuan.com.vn/…/nghe-giao-su-hoang-chi-bao…

[4] Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, Nxb, CTQG- Hà Nội- 2000, tr. 130-131.

[5] Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội- 2002, tr. 89.

[6] Học viện Quan hệ quốc tế: Bác Hồ nói về ngoại giao, Hà Nội -1994, tr.13.

[7] Trần Triều, Hồ Lễ Trung: Thập đại tùng thư. 10 nhà ngoại giao lớn thế giới, Nxb., Văn hóa Thông tin, Phong Đảo dịch từ tiếng Trung Quốc, Hà Nội-2003, tr. 70.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội-2021, t 1, tr.161.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội-2011, t. 5, tr.162.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.138.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.320.

[12] Bộ Ngoại giao: Bác Hồ và hoạt động ngoại giao. Một vài kỷ niệm về Bác, Nxb. CTQG, Hà Nội-2008,  tr. 61.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t 2, tr. 329.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd,  t. 4 , tr.348.

15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 3. tr. 459.

16 Hồ Chí Minh: Toàn tâp, t. 6, tr. 8.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập: Sđd, t. 7,  tr. 38.

[17] Hồ Chi Minh: Toàn tập, Sđd,  t.3, tr. 480.

[18] Hồ Chí Minh: Toàn  tập, Sđd, t. 8, tr. 475.

[19] Hồi ký Nguyễn Minh Vỹ: Tuần báo Quốc tế, số 20, tháng 5 /1995.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t.14, tr. 450.

[21] Hoàng Tùng: Những kỷ niệm về Bác Hồ,  trong sách Ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao: Một số tài liệu tham khảo về Hồ Chí Minh, Hà Nôi-2008,  tr. 13. 

[22] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh  trực thuộc Bộ Chính  trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội-1996, tr. 389.

[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nộ-2000, t.8, tr. 290.

[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập (Nghị quyết của BCT số 188-NQ/TW ngày 10/5/1969  về tình hình và nhiệm vụ) Nxb. CTQG, Hà Nội-2004, t. 30, tr.134.

[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t, 4, tr.147.

[26] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.8, tr. 27.

[27] Bộ Ngoại giao: Bác Hồ  và  hoạt động ngoại giao…, Sđd, tr. 72.

[28] Hồ Chí Minh:  Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, Hà Nội-2016,  t.3, tr.72.

[29] GS Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội- 1997, tr.24-25.

[30] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t. 3, tr. 230.

[31] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.397.

[32] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 29-30.

[33] Hồ Chí Minh:  Biên niên tiểu sử, Sđd, t.3, tr. 197 .

[34] V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr.69.

[35] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,  28 , tr. 174.

[36] Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, sách Bộ Ngoại giao: Cuộc đàm phán lịch sử, Nxb. CTQG, Hà Nội-2009, Phụ lục II.

[37] GS TS Vũ Dương Huân: Tư tưởng đối ngoại /ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội- 2022, tr. 230-249.

[38] Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội- 1998, tr.33.

[39] GS Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh…, Sđd, tr. 154.

[40] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 43-44.

[41] Ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao: Tư liệu đã dẫn.

[42] Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế (Biên soạn: Trần Đương, Nguyễn Thị Minh Hương), Nxb. Thông Tấn, (Tái bản lần thứ nhất), Hà Nội 2007, tr. 134.

[43] Vũ Dương Huân: Đôi điều về Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, http://nghiencuuquocte.org/2021/09/08/doi-dieu-ve-truong-phai-ngoai-giao-ho-chi-minh/.

[44]Ông Nguyễn Dy Niên: Cố Tổng Bí thư Trường Chinh gọi tới nhà khóa cửa hỏi về đổi mới đối ngoại, 

GS.TS Vũ Dương Huân

 

Học viện Ngoại giao

Trong quá trình gần 60 năm hoạt động cách mạng sôi động, phong phú, đa dạng, trong đó có hoạt động ngoại giao, Hồ Chí  Minh đã để lại tư tưởng, phương pháp, nghệ thuật và phong cách ngoại giao, là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bác là nhà ngoại giao thiên tài của dân tộc.   Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là gì? Theo Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Toàn bộ những tư tưởng của Hồ Chí Minh về hoạt động ngoại giao như: biết đánh giá, dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ, tổ chức lực lượng, nhận rõ bạn thù, tranh thủ đồng minh, cô lập kẻ thù chủ yếu, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, biết thắng từng bước để tiến tới thắng lợi hoàn to&a

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn