Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để ngày càng xứng đáng với vị thế, trọng trách Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền là một trong những nhiệm vụ then chốt được Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm và tiến hành một cách thường xuyên, nghiêm túc. Trong bài viết này, tác giả đã luận giải những tư tưởng sâu sắc của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng được Người nêu ra trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân. Theo tác giả, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần rèn luyện, bồi dưỡng Đảng ta thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Di chúc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Di chúc

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người trực tiếp sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng và toàn dân, Người đã khái quát những nhiệm vụ chiến lược, những vấn đề cốt lõi mà toàn Đảng, toàn dân ta phải nắm vững để tiếp tục thực hiện và đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Trong đó, nội dung bao trùm nhất làm nên giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc của Di chúc là tư tưởng đặc biệt quan trọng của Người về xây dựng Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng được Người đề cập trong Di chúc bao gồm những vấn đề rất cơ bản và phong phú: Giáo dục, rèn luyện đảng viên; nâng cao trình độ lý luận, nhận thức, năng lực trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; vận dụng sáng tạo nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ...(*)

Có thể nói, suốt từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin cho tới trước lúc bước vào cõi bất tử, Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền. Trong bản Di chúc, một trong những điều hệ trọng bậc nhất mà Người luôn trăn trở là cần phải tiếp tục xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng và vị thế một Đảng cầm quyền: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1).

Ngay sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở đó con đường để giải phóng dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho quần chúng cần lao - con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đảng chính trị đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Từ đó, Người đã bắt tay vào việc chuẩn bị mọi điều kiện, tiền đề cần thiết cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mở đầu cuốn Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã dẫn luận điểm nổi tiếng của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”; và Người khẳng định rằng, “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(2). Với sự nhạy bén chính trị và thiên tài của mình, Hồ Chí Minh đã thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin vai trò nền tảng lý luận của một đảng chính trị mang bản chất cách mạng và khoa học, làm cho Đảng ta trở thành lực lượng lãnh đạo, đội tiền phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam. Người khẳng định rằng, trong bối cảnh có nhiều chủ nghĩa khác nhau, “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất” mà Đảng ta lựa chọn, đi theo và lấy làm vũ khí tinh thần để thực hiện sứ mệnh lịch sử, làm tròn vai trò lãnh đạo cách mạng của mình là chủ nghĩa Mác - Lênin.([1])

Thực tế cho thấy, nhờ có chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường, chỉ lối, Đảng ta - dưới sự lãnh đạo và rèn luyện của Hồ Chí Minh, đã vượt qua những thử thách, những khó khăn vô cùng to lớn để giành và giữ vững quyền lãnh đạo cách mạng, trở thành Đảng cầm quyền. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên trong công tác xây dựng Đảng chính là ra sức học tập, không ngừng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, đấu tranh để bảo vệ, bổ sung, phát triển và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng của đất nước cho phù hợp với tình hình mới.

Suy ngẫm những điều tâm huyết trong Di chúc khi nói về Đảng, ta thấy từ những lời chỉ dẫn vô cùng quý báu và toát lên tinh thần trách nhiệm cao cả của Người chứa đựng một hệ thống những vấn đề rất căn cốtChủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, việc chăm lo, xây dựng, chỉnh đốn và đổi mới Đảng phải được xem là công việc thường xuyên, liên tục của Đảng. Thực tế cho thấy, xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, bản thân con người cũng có những sự thay đổi. Đảng tồn tại trong xã hội; cán bộ, đảng viên của Đảng cũng là những con người cụ thể và sống trong xã hội; do đó, họ cũng đều chịu ảnh hưởng của xã hội, cả cái tốt lẫn cái xấu, cả cái hay, cái đẹp lẫn cái dở, cái xấu xa. Nói về sự vận động, phát triển của Đảng với tư cách một lực lượng chính trị trong xã hội, Hồ Chí Minh cho rằng, một Đảng ngày hôm qua là vĩ đại không nhất thiết là ngày hôm nay vẫn như vậy nếu không còn trong sáng nữa...

Với nhãn quan duy vật biện chứng, với tầm nhìn của một lãnh tụ và trách nhiệm to lớn đối với Đảng và nhân dân, bằng thái độ rất chân thành  thẳng thắn, Hồ Chí Minh đã đưa ra những dự báo về một cuộc chiến đấu mới, rất khó khăn và phức tạp mà Đảng phải kinh qua và phải giành chiến thắng để khẳng định mình. Đó là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để mở đường cho những nhân tố mới mẻ, tốt tươi, cách mạng, tiến bộ được phát triển, tạo nên sức sống trường tồn của Đảng. Đó là cuộc đấu tranh để vượt qua chủ nghĩa cá nhân, để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, nâng cao uy tín và vị thế của Đảng với tư cách Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền.

Kinh nghiệm thực tiễn và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Đảng đã giúp Hồ Chí Minh nhận thức rõ những nguy cơ lớn đối với Đảng, đặc biệt là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Trong đó, sự sai lầm về đường lối và suy thoái về đạo đức cách mạng là những thách thức tiềm ẩn, đe dọa sự tồn vong của Đảng. Những sự vi phạm dân chủ, lạm dụng quyền lực và tư lợi nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên không thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư... sẽ khiến họ trở thành những ông “quan cách mạng” đè đầu, cưỡi cổ nhân dân thay vì là “người đầy tớ của nhân dân”. Người khẳng định rằng, vào Đảng không phải là để làm quan, phát tài, mà Đảng là một tổ chức phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Người đảng viên, do đó, phải đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và dân tộc lên trước hết và trên hết, đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng.

Trong Đường cách mệnh, với kinh nghiệm nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh đã từng khẳng định một cách dứt khoát: Trước hết phải có Đảng cách mạng, Đảng có vững cách mạng mới thành công. Vì vậy, trong những lời tâm huyết để lại cho đời sau, Người luôn canh cánh một điều là làm sao để Đảng ta mãi xứng đáng với vị thế người lãnh đạo, cầm quyền. Trong bản Di chúc, Người nhắc nhở “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(3).

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để làm được điều đó, Đảng cần giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Đảng trở thành những người vừa hồng, vừa chuyên. Trước đây, Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra sự đan xen giữa cái tốt và cái xấu trong mỗi con người. Người nói: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa...”. Chính vì vậy, Đảng phải thường xuyên “giáo dục đảng viên và cán bộ, kiên quyết cảm hóa những phần tử xấu, sửa chữa những thói xấu còn lại”(4) để Đảng ngày càng phát triển, vững mạnh.

Cách sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm ấy để tiến bộ mãi không gì hiệu quả hơn là thực hiện nghiêm túc việc “tự phê bình và phê bình”. Bởi lẽ, với Hồ Chí Minh, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng, chỉ có dũng cảm thừa nhận khuyết điểm, tìm ra đúng những nguyên nhân và biện pháp để sửa chữa khuyết điểm, sai lầm một cách hiệu quả mới có thể xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, mới đưa Đảng trở thành một Đảng cách mạng chân chính. Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh xác định là nguyên tắc sinh hoạt hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt là đối với một Đảng giữ trọng trách lãnh đạo, cầm quyền. Theo nguyên tắc đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhận thức rõ những ưu điểm và khuyết điểm của mình; từ đó cố gắng phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Muốn Đảng luôn vững mạnh, muốn mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tiến bộ thì phải tiến hành thường xuyên, tự giác việc tự phê bình và phê bình, như mỗi người phải rửa mặt hàng ngày. Hồ Chí Minh yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên của Đảng đều phải “thiết thực phê bình và tự phê bình” để với bản thân mình thì “khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm”, còn với Đảng thì “khiến cho Đảng càng mạnh khỏe, bình an”(5).

Tự phê bình và phê bình không chỉ là nguyên tắc sinh hoạt đảng, mà còn là nguyên tắc phát triển Đảng. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng, muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, thì phải thống nhất tư tưởng, phải mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình. Mục đích của việc thực hiện tự phê bình và phê bình không gì khác hơn là giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Việc phê bình phải được tiến hành với tinh thần xây dựng, “phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết. Đoàn kết, phê bình, tự phê bình thật thà để đi đến đoàn kết hơn nữa”(6). Để việc tự phê bình và phê bình thực sự phát huy hiệu quả, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, mọi tổ chức đảng không những phải tiến hành thường xuyên, “luôn dùng”, mà còn phải “khéo dùng” mới mang lại tác dụng tích cực. Theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên trong khi thực hiện tự phê bình và phê bình luôn phải trung thực, chân thành với chính mình cũng như với người khác. Đặc biệt, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến thái độ tự phê bình và phê bình; đòi hỏi thực hiện tự phê bình và phê bình phải thẳng thắn, chân thành, nghĩa là không nể nang nhưng cũng không thêm bớt. Và, điều quan trọng là phải “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Tự phê bình và phê bình trên tình đồng chí là nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm chứ không phải để xoi mói, công kích nhau, càng “không phải đập cho tơi bời”. Với thái độ tự phê bình và phê bình như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng mới luôn ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng là đội tiên phong lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh làm cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân và cùng xây dựng xã hội mới vì hạnh phúc của tất cả mọi người. Để làm tròn trọng trách đó, một trong những yêu cầu đặt ra là Đảng phải thực sự trở thành một khối thống nhất. Sự đoàn kết, thống nhất của Đảng phải được thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong bối cảnh cách mạng càng phát triển, nhiệm vụ càng nặng nề và sự khó khăn, thách thức càng lớn thì sự đoàn kết, thống nhất của Đảng về tư tưởng và hành động càng quan trọng, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Bởi lẽ, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cội nguồn tạo nên sức mạnh vô địch nhấn chìm mọi lũ bán nước và cướp nước, đưa đất nước vượt qua đói nghèo, lạc hậu để sánh vai với các cường quốc năm châu. Thực tế cho thấy, trong quá trình cách mạng, từ khi sáng lập Đảng cho đến trước lúc bước vào cõi vĩnh hằng, Người rất coi trọng xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, luôn đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, thường xuyên quan tâm đặc biệt đến vấn đề xây dựng Đảng, chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về phẩm chất đạo đức cách mạng nhằm xây dựng Đảng ta thành một Đảng cách mạng, trong sạch, đoàn kết, xứng đáng với vị thế một Đảng lãnh đạo và cầm quyền.(6)

Ảnh minh họa

Đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong bản Di chúc, Người đã nhấn mạnh sức mạnh to lớn của đoàn kết qua thực tiễn cách mạng nước ta: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Và, chính vì vậy, Người đã khẳng định rằng, “đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”(7).

Một nội dung quan trọng khác cần phải quán triệt một cách triệt để cả trong nhận thức lẫn hành động thực tiễn của công tác Đảng nhằm xây dựng Đảng ta thành một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, theo Hồ Chí Minh, là Đảng phải thực hiện thật tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng là tổ chức chính trị cao nhất của nhân dân, của dân tộc, các đảng viên đều tham gia tổ chức một cách tự giác, tự nguyện, việc giữ vững và thực hiện nghiêm minh các nguyên tắc của Đảng là trách nhiệm của mỗi đảng viên. Trong học thuyết của V.I.Lênin về chính đảng của giai cấp vô sản, nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo tư tưởng đó của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nguyên tắc này. Người chỉ rõ tập trung và dân chủ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Nói về mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ, Người nhấn mạnh: “Tập trung trên nền tảng dân chủ” và “dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung”(8). Theo đó, tập trung trong Đảng phải trên cơ sở của bảo đảm dân chủ, nghĩa là dân chủ càng tốt thì tập trung sẽ càng đúng hơn.

Về điều này, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”(9). Do vậy, Đảng cần phải “giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”(10). Tập trung là phải thống nhất về tư tưởng, tổ chức, hành động; trong Đảng thì thiểu số phải phục tùng đa số, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm nghị quyết, chủ trương của Đảng. Còn dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết thành công mọi công việc dù khó khăn đến mấy. Hồ Chí Minh cho rằng, “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”(11), là mọi người đều được bày tỏ ý kiến của mình để “góp phần tìm ra chân lý”; từ đó, chủ trương “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình...”(12).

Để việc thực hành dân chủ có hiệu quả, trước hết cần thực hành dân chủ trong Đảng, từ đó làm gương cho việc thực hành dân chủ trong toàn xã hội. Việc thực hành dân chủ rộng rãi sẽ khai thác và phát huy được sáng kiến, trí tuệ của mọi đảng viên trong Đảng, nhờ đó mà Đảng có thêm sức mạnh trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo, cầm quyền.

Kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và quan trọng của công tác xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mỗi tổ chức cơ sở Đảng đều phải thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ; mọi ý kiến của đảng viên đều phải được bày tỏ, được lắng nghe; mọi quyết định quan trọng đều phải được đưa ra tập thể để bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ. Thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và tiến hành một cách nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình là phương thức hiệu quả nhất, tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Vì, như Người đã khẳng định, “chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên - mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng...”(13).

Thực hiện di huấn của Người, Đảng ta đã xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên ngày càng đông đảo, vững vàng, từng bước nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong điều kiện mới. Một trong những bài học sâu sắc mà chúng ta rút ra được từ thực tiễn là chỉ khi nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta mới có thể xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, cùng với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 gắn với thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là phương thức hữu hiệu để chúng ta tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời, đó cũng là sự bảo đảm vững chắc để Đảng ta tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đi tới thành công.(13)

Hồ Chí Minh là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, là lãnh tụ của Đảng và của dân tộc. Tư tưởng của Người về xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là “cẩm nang” dẫn dắt Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”./.

Trần Minh Ngọc

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 



 Chú thích:

([1]) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.498.

(2) Hồ Chí Minh. Sđd., t.2, tr.259, 268.

(3) Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.503.

(4) Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.263.

(5) Xem: Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.262, 263.

(6) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.387.

(7) Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.497.

(8) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.240, 241.

(9) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.229.

(10) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.235.

(11) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.279.

(12) Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.118.

(13) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.223.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch (Ảnh tư liệu) Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người trực tiếp sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng và toàn dân, Người đã khái quát những nhiệm vụ chiến lược, những vấn đề cốt lõi mà toàn Đảng, toàn dân ta phải nắm vững để tiếp tục thực hiện và đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Trong đó, nội dung bao trùm nhất làm nên giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc của Di chúc là tư tưởng đặc biệt quan trọng của Người về xây dựng Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng được

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn