Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. Tư tưởng của Người về phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong xây dựng quân đội về chính trị đã trở thành cơ sở, nền tảng cho sự trưởng thành, lớn mạnh cùng những chiến công hiển hách của quân đội suốt 80 năm qua. Ngày nay, những chỉ dẫn đó của Người vẫn còn nguyên vẹn giá trị và tính thời sự, tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; tinh, gọn, mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị

Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là quá trình xây dựng, củng cố giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; xây dựng và phát triển lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị và động viên tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội... nhằm đảm bảo cho quân đội luôn là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có tinh thần và ý chí quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đúng như Hồ Chí Minh đã khái quát: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”1. Để thực hiện được điều đó, việc phát huy tốt vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định.

Theo Hồ Chí Minh, tổ chức cơ sở đảng là gốc rễ, nền tảng của Đảng; là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; nơi trực tiếp quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước ở cơ sở. Đồng thời, tổ chức cơ sở đảng còn là nơi nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng để có đường lối lãnh đạo đúng đắn, phù hợp. Việc phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của các đơn vị quân đôi, nhất là nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Tư tưởng H Chí Minh về vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị ở đơn vị cơ sở

Nói về vai trò của tổ chức cơ sở đảng, trong bài Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt, đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 31-10-1963, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”2. Quan điểm này của Người được nhấn mạnh ở bài “Nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện, ngày 18-1-1967, Người nhấn mạnh: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”3... Rõ ràng, theo Hồ Chí Minh, chi bộ có vai trò hết sức quan trọng, là “nền tảng”, “nền móng”, là “gốc rễ”, là “hạt nhân” của Đảng ở cơ sở. Chi bộ tốt, chi bộ vững mạnh thì tổ chức cơ sở đảng tốt và Đảng vững mạnh.

Trong Đảng bộ Quân đội cũng vậy, tổ chức cơ sở đảng được thành lập ở các đơn vị cơ sở (trung đoàn, lữ đoàn, tiểu đoàn, đại đội trực thuộc sư đoàn và tương đương...) với nhiệm vụ chủ yếu là lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, làm tốt công tác vận động quần chúng, lãnh đạo công tác kiểm tra...4. Như vậy, tổ chức cơ sở đảng trong quân đội là gốc rễ, nền tảng của Đảng trong quân đội, là hạt nhân lãnh đạo ở đơn vị cơ sở, có nhiệm vụ lãnh đạo trực tiếp các nhiệm vụ chính trị ở các đơn vị cơ sở trong quân đội, nhất là lãnh đạo xây dựng đơn vị quân đội vững mạnh về chính trị.

Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, cần có sự lãnh đạo, định hướng chặt chẽ của tổ chức đảng từ Đảng ủy Quân sự Trung ương đến các tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, tổ chức cơ sở đảng giữ vai trò hết sức quan trọng và là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Bởi lẽ, tổ chức cơ sở đảng là nơi trực tiếp quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước ở các đơn vị quân đội. Tổ chức cơ sở đảng trực tiếp đề ra chủ trương, nghị quyết lãnh đạo đơn vị cơ sở thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị của quân đội. Mặt khác, tổ chức cơ sở đảng cũng là nơi trực tiếp nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết mọi vấn đề tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Vì thế, nếu tổ chức cơ sở đảng phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của mình thì không những xây dựng, củng cố và nâng cao sức mạnh nhân tố chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ mà mọi nhiệm vụ chính trị của đơn vị cũng được hoàn thành tốt. Ngược lại, không phát huy được vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng thì không những đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ mà tinh thần, tư tưởng, bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ cũng bị dao động.

Hai là, tổ chức cơ sở đảng là nơi trực tiếp lãnh đạo công tác giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị trong quân đội

Để cán bộ, chiên sĩ thấm nhuần và thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cách mạng đòi hỏi các tổ chức cơ sở đảng trong quân đội phải luôn luôn coi trọng lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ “có lập trường vững chắc”5. Bởi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người không hiểu biết chính trị, chỉ phất phơ cốt làm sao cho hết ngày, hết giờ thôi. Do đó, giáo dục chính trị, tư tưởng là một điều rất quan trọng”6. Người yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về quân sự và về mặt chính trị”7. Người nhấn mạnh: “Muốn cho quân đội ta quyết chiến, quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị”8.

Thực tế, thông qua lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tổ chức cơ sở đảng đã trực tiếp góp phần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng; xây dựng lòng yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc; rèn luyện bản lĩnh, tinh thần và ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ. Bằng các hoạt động giáo dục cụ thể như: Học tập chính trị; nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan; sinh hoạt chính trị, tư tưởng; thông báo chính trị - thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; ngày chính trị và văn hóa tinh thần ở cơ sở; học tập chính trị qua mạng máy tính nội bộ, tổ chức cơ sở đảng đã góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; về truyền thống văn hóa của dân tộc, truyền thống vẻ vang của quân đội; về mục tiêu, nhiệm vụ của quân đội; về tình hình chính trị thời sự trong nước, quốc tế và quân đội... Qua đó, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.

Ba là, tổ chức cơ sở đảng là nơi trực tiếp lãnh đạo công tác quản lý, giáo dục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, sĩ quan cấp phân đội làm nòng cốt để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị

Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”9; “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”10. Cho nên, Người nhấn mạnh: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”11, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”12. Vì thế, đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở có vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị mà còn đối với mọi mặt công tác khác của đơn vị. Từ thực tế, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm”13.

Thông qua hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, tổ chức cơ sở đảng ở các đơn vị cơ sở trong quân đội chính là nơi quản lý, giáo dục, rèn luyện, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của quân đội ngay từ cấp cơ sở. Từ việc trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện nâng cao về trình độ chuyên môn trong lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị cũng như xử trí các tình huống quân sự; rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị trước những khó khăn thử thách của thực tiễn công việc; gương mẫu về đạo đức, lối sống, chấp hành các quy định, nền nếp trong học tập, sinh hoạt và công tác... Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của đơn vị.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên là những người lãnh đạo chỉ huy ở các đơn vị cơ sở. Đây là lực lượng trực tiếp tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị nhằm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Thông qua việc tổ chức lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện các nhiệm vụ chính trị và tổ chức giáo dục, rèn luyện bộ đội ở đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã trực tiếp rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí, nghị lực và tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ cho bộ đội. Đặc biệt, thông qua vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã truyền cảm hứng, tinh thần cách mạng, bản lĩnh chính trị và quyết tâm cho bội đội. Qua đó, lòng yêu nước, sự trung thành, tinh thần và ý chí quyết tâm của bộ đội ngày càng được củng cố vững chắc; đơn vị ngày càng vững mạnh về chính trị.

Bốn là, tổ chức cơ sở đảng là nơi trực tiếp lãnh đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, rèn luyện bản lĩnh và ý chí cách mạng cho mọi cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở trong quân đội

Năm 1964, Hồ Chí Minh viết bài báo So sánh, đăng trên Báo Nhân Dân, số 3881, chỉ rõ: “chi bộ là người trực tiếp lãnh đạo quần chúng để thực hiện đường lối và chính sách của Đảng ta. Chi bộ tốt thì mọi việc đều tiến bộ. Chi bộ kém thì gặp nhiều khó khăn”14. Trước đó, trong bài Chi bộ ở nông thôn, đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 19-2-1957, Người viết: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt”15. Theo Người, với vai trò là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, tổ chưc cơ sở đảng trực tiếp lãnh đạo mọi mặt công tác ở cơ sở. Trong Đảng bộ quân đội cũng thế, tổ chức cơ sở đảng cũng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện mọi mặt công tác của đơn vị cơ sở từ chính trị, quân sự đến hậu cần, kỹ thuật.

Tổ chức cơ sở đảng không chỉ là nơi trực tiếp lãnh đạo tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị của đơn vị mà còn lãnh đạo chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội, qua đó góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tăng cường  ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị để bộ đội hàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong Bài nói tại hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18 (1951), Hồ Chí Minh căn dặn: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”16. Ở bài “Nói chuyện với các đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên nhân dịp tết Đinh Dậu (1957), Người khẳng định: “Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật của quân đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”17. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh nhất của ta. Phải đoàn kết nội bộ, giữa cán bộ và chiến sĩ, đoàn kết quân dân, đoàn kết với các nước anh em”18. Về giữ gìn mối quan hệ quân dân, Hồ Chí Minh căn dặn: “Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội”19...

Thực tế, thông qua việc lãnh đạo đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị như huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ tăng gia sản xuất, vận động quần chúng, tổ chức cơ sở đảng đã rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng công tác cho cán bộ, chiến sĩ quân đội để họ có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đơn vị và quân đội giao cho. Thông qua đó, tinh thần và bản lĩnh chính trị của họ cũng được củng cố và nâng cao, góp phần quan trọng xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị.

Đặc biệt, tổ chức cơ sở đảng đã lãnh đạo chặt chẽ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị quân đội góp phần quan trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Hay thông qua lãnh đạo công tác xây dựng đảng, xây dựng tổ chức quần chúng vững mạnh; lãnh đạo phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật xây dựng nền nếp chính quy trong đơn vị; lãnh đạo giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; lãnh đạo công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh phòng chống những biểu hiện tiêu cực và sự chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện..., tổ chức cơ sở đảng đã trực tiếp xây dựng các đơn vị quân đội vững mạnh toàn diện trong đó có vững mạnh về chính trị.

Tóm lại, sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam suốt 80 năm qua đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Song, một trong những nguyên nhân cơ bản, chủ yếu và có ý nghĩa quyết định là Đảng đã lĩnh hội đầy đủ, sâu sắc những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội về chính trị; đặc biệt, đã vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của Người về phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong xây dựng Quân đội về chính trị. Chính vì thế, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành để bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

 

Ngày nhận: 26-11-2024; ngày duyệt  2-12-2024; ngày đăng: 4-12-2024

1, 2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H2011, T. 14, tr. 435, 193

3. SđdT. 15, tr. 278

4. Xem Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa Quân sự: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb. QĐND, H2004, tr. 975

5, 8, 16, 19. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H2011, T. 7, tr. 397-398, 397, 76, 76

6. Sđd, T. 15, tr. 74

7. Sđd, T. 8, tr. 29

9, 10, 11, 12, 13. SđdT. 5, tr. 309, 68, 309, 280, 166

14. SđdT. 14, tr. 416

15, 17, 18. SđdT. 10, tr. 504, 489, 489-490.

TS PHẠM VĂN MINH
TS NGUYỄN LƯƠNG UYÊN

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là quá trình xây dựng, củng cố giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; xây dựng và phát triển lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị và động viên tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội... nhằm đảm bảo cho quân đội luôn là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có tinh thần và ý chí quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành tốt mọi n

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn