Sinh thời Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Người khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người đã đưa ra nhiều chỉ dẫn quý báu về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về mối quan hệ giữa những yếu tố này. Những chỉ dẫn của Người là cơ sở để Đảng và Nhà nước vận dụng vào xây dựng chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp - nông dân - nông thôn và sự vận dụng của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp - nông dân - nông thôn và sự vận dụng của Đảng trong giai đoạn hiện nay

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có mỗi quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó nông dân là chủ thể, nông nghiệp là nguồn sống và nông thôn là địa bàn sinh sống của nông dân. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tư tưởng của Người về mối quan hệ giữa những vấn đề này tập trung ở những nội dung sau:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh cho rằng muốn nâng cao đời sống của nông dân, muốn xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ phát triển nông nghiệp

Theo Hồ Chí Minh nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu ở nông thôn và là  nguồn thu nhập chính cho nông dân. Nông nghiệp phát triển thì đời sống của nông dân được đảm bảo, nông thôn ổn định, phát triển và ngược lại nông nghiệp không phát triển thì đời sống của nông dân và gặp nhiều khó khăn, bộ mặt nông thôn không được cải thiện. Người khẳng định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn.  Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”1.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp trong đảm bảo các điều kiện cơ bản nhất cho sự sinh tồn của người nông dân, đó là ăn, mặc và ở. Để người nông dân có cơm ăn, cần phải phát triển nông nghiệp: “Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn (rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác). Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng2. Hồ Chí Minh phê phán những người không quý trọng nông nghiệp và chỉ rõ, chỉ có nông nghiệp mới đảm bảo được nhu cầu sống còn của con người là cơm ăn. Người viết: “Thấy hạn thì bỏ ruộng đi buôn, vậy thử hỏi có tiền mà không có gạo thì có ăn được không? Nếu ai cũng bỏ ruộng đi buôn cả thì dù có ngồi trên đống vàng cũng không có gì mà ăn. Thóc lúa ăn được, vàng có ăn được không?”3. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ và quốc dân, Hồ Chí Minh yêu cầu đặt lên hàng đầu nhiệm vụ “chống giặc đói” với giải pháp lâu dài là tăng gia sản xuất, phát triển nông nghiệp.

Để có áo mặc, cũng cần phải phát triển nông nghiệp. Ngày 8-12-1961, trong bài nói chuyện với Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Người đã chỉ rõ: “nếu chú trọng lương thực mà không có bông thì tức là có ăn chứ chưa có mặc. Mình có cần mặc không? Cần… Thế cho nên, vừa phải chú trọng cái ăn, vừa phải chú trọng cả cái mặc”4.

Để có nhà ở, nông nghiệp cũng góp phần quan trọng. Theo Hồ Chí Minh “Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng. Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây”5.

Một vai trò rất quan trọng khác của nông nghiệp trong bối cảnh nông thôn là địa bàn chủ yếu và nông dân chiếm tới 90% dân số, được Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, đó là nhờ có phát triển nông nghiệp, quyền kinh tế của nông dân được bảo đảm, và nhờ đó quyền chính trị của nông dân ở nông thôn cũng được nâng cao và bảo đảm. Phát triển nông nghiệp là cơ sở trực tiếp của quyền kinh tế, và sâu xa hơn, là cơ sở của quyền chính trị của nông dân, thậm chí là của cả chế độ chính trị. Người khẳng định: với phát triển nông nghiệp, “nông dân lao động đã thành cột trụ của chính quyền ở nông thôn, do đó mà nhân dân dân chủ chuyên chính và công nông liên minh trở nên vững chắc”6.

Thứ hai, theo Hồ Chí Minh nông dân là chủ thể của nền kinh tế nông nghiệp, chủ thể của điạ bàn nông thôn. Muốn phát triển nông nghiệp, muốn xây dựng nông thôn, phải chú trọng phát triển nông dân

Một là, cần nâng cao tri thức và thay đổi cung cách sản xuất của người nông dân.

Để phát triển nông dân, Hồ Chí Minh nêu rõ cần tập trung vào các nội dung sau:

Phải nâng cao trình độ của nông dân, phải tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào quản lý và sản xuất nông nghiệp

Người chỉ rõ một thực tế, đó là “Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu... mấy triệu nông dân và ngót một nửa triệu thợ thủ công … hiện vẫn dùng những đồ rất thô sơ để sản xuất. Như vậy thì làm sao cho đời sống nhân dân thật dồi dào được?”7; “Hiện nay, sức lao động của nông dân ta ít nhất cũng là 50%, 60% bị lãng phí vào việc gánh gồng, cày cấy... Bởi vì nông cụ của ta quá lạc hậu. Cho nên, công nhân giúp đỡ nông dân, trước hết nên giúp việc cải tiến nông cụ8. Để khắc phục hạn chế đó, cần phải công nghiệp hóa nông nghiệp. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu...”9.

Nền nông nghiệp nước ta quy mô sản xuất nhỏ, lạc hậu vì vậy, theo Hồ Chí Minh muốn đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn, cần phải tổ chức lại sản xuất, đưa nông dân vào các hợp tác xã, phát triển nông nghiệp từng bước đi lên sản xuất lớn.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, công cuộc cải cách ruộng đất tiếp tục được thực hiện, người nông dân được chia ruộng đất. Tuy vậy, sau khi có ruộng đất, người nông dân vẫn cứ làm ăn theo cách cũ thì sản xuất không thể gia tăng được, xã hội không tiến lên được. Cần tổ chức đưa nông dân vào các hợp tác xã. Cách thức xây dựng hợp tác xã là phải tiến hành dần dần từ tổ đổi công, đến xây dựng hợp tác xã bậc thấp và tiến tới hợp tác xã bậc cao. Hợp tác xã phải được xây dựng trên tinh thần tự nguyện của nông dân.

Hai là, xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ việc xây dựng người nông dân mới và đời sống mới của người nông dân

Xây dựng nông thôn mới (NTM) thực chất và trước hết là xây dựng những người nông dân mới. Đó là những người có tinh thần tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Đó là những con người có tinh thần làm chủ, coi việc của hợp tác xã như việc của nhà mình. Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh nước ta là nước dân chủ, xã viên phải nâng cao tinh thần làm chủ. Nêu cao tinh thần làm chủ là làm chủ xóm làng, làm chủ hợp tác xã, làm chủ đất nước, làm chủ thiên nhiên. Muốn có tinh thần làm chủ, người nông dân phải không ngừng nâng cao tri thức và rèn luyện đạo đức

Muốn xây dựng NTM thì từng người phải có đời sống mới. Theo Hồ Chí Minh người làm đúng đời sống mới trước hết phải sốt sắng yêu nước. Việc gì có lợi cho nước, cho làng dù nhỏ mấy cũng gắng hết sức làm. Việc gì có hại cho làng, cho nước, dù nhỏ mấy cũng tránh. Phải làm cho cả làng biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm công dân. Phải cấm hẳn rượu chè bê tha, cờ bạc, hút sách, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho làng không còn hiện tượng đánh chửi nhau, kiện cáo nhau.

Thứ ba, Hồ Chí Minh cho rằng xây dựng nông thôn mới chính là xây dựng môi trường sống lành mạnh cho người nông dân và chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho phát triển nền nông nghiệp toàn diện

Để phát triển sản xuất và người nông dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, trước hết người nông dân phải có sức khỏe. Muốn thế, nông dân phải giữ gìn vệ sinh, ăn chín, uống sôi, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, giữ nhà cửa, vườn tược sạch sẽ, thoáng mát. Nông dân phải tích cực học tập văn hóa nâng cao hiểu biết, tích cực phòng bệnh.

Người cho rằng, cần xây dựng NTM để đảm bảo có đủ các điều kiện phát triển nông nghiệp toàn diện. Tập trung vào 5 nhiệm vụ sau:

Một là, phải đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và các cơ sở vật chất khác để chủ động tưới tiêu, kết hợp việc giữ nước với dẫn nước và tháo nước.

Hai là, xây dựng các trung tâm giống và khoa học kỹ thuật nông nghiệp.

Ba là, xác định quy hoạch vùng nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao.

Bốn là, phát triển công nghiệp chế biến.

Năm là, giúp nông dân tìm thị trường tiêu thụ nông sản.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đầu tư, xây dựng người nông dân mới chính là sự chuẩn bị tốt nhất về chủ thể cho nông nghiệp và nông thôn. Phát triển nông nghiệp chính là điều kiện để xây dựng nông thôn mới và nông dân mới. Phát triển nông thôn chính là đảm bảo môi trường sống cho nông dân và đảm bảo những điều kiện cho phát triển nông nghiệp toàn diện. Người nông dân giữ vai trò chủ thể, vai trò trung tâm của mối quan hệ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải bắt đầu thay đổi từ nếp nghĩ, lối sống, cung cách làm ăn của người nông dân. Phải trí thức hóa nông dân. Phải đưa khoa học kỹ thuật, đưa các nhà khoa học về với nông dân. Phải làm cho nông dân có tinh thần, tri thức và bản lĩnh làm chủ.

2. Đảng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở lý luận của Đảng trong xây dựng chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn  giai đoạn hiện nay. Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được thể hiện ở những nội dung sau:

Một là, xác định tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn hiện nay

Tiếp thu quan điểm của Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng đất nước, Đảng khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn “có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”10.

Từ nhận thức đó, ngay sau Đại hội XIII (2021) của Đảng, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ-/TW ngày 16-6-2022 “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết 18-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết 20-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách cụ thể, trong đó có: Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27-2-2023 “về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”;  Quyết định số 417/QÐ-TTg ngày 22-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Ðề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 1658/QÐ-TTg ngày 1-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”;  Quyết định số 150/QÐ-TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”;  Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”;  Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ “ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới, quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ “ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 687/QÐ-TTg ngày 7-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Ðề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”;  Quyết định số 858/QÐ-TTg ngày 20-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030”; Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14-9-2023 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hai là, xác định  mối quan hệ không thể tách rời giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời”11 trong đó, nông dân là chủ thể, nông nghiệp là nền tảng, nông thôn là địa bàn. Mục tiêu hướng tới là xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Để xây dựng được nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, cần “Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị”12.

Đảng khẳng định: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”13. Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, để tạo nên bộ mặt mới của nông thôn hiện đại, cần đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái, Đảng chủ trương: “Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”14. Phát triển nông nghiệp gắn với nâng cao đời sống, đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp cho nông thôn.

Để phát triển được nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, cần xây dựng nông thôn hiện đại. Theo đó cần: “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các địa bàn chiến lược trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân”15.

Ba là, xác định  nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Để  nâng cao vai trò, vị thế và năng lực làm chủ của nông dân cần nâng cao nhận thức, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn giúp cư dân nông thôn có đủ năng lực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và người dân sống ở nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa, gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm hiệu ứng nhà kính. Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên công trình dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng NTM, bổ sung, cụ thể hóa tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM cấp thôn, bản. Quy hoạch kiến trúc nông thôn (nhà ở, công trình công cộng...) phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, thông tin, văn hóa, giáo dục, y tế, nước sạch... từng bước tiệm cận với đô thị.

Phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể tại địa phương; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Cùng với các giải pháp riêng cho từng lĩnh vực, Đảng xác định các nhóm giải pháp chung bao gồm các giải pháp: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn.

3. Một số kết quả của sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay

Chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) của Đảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Đến nay, diện tích lúa cả năm đạt khoảng 7,12 triệu ha đã tăng 10,1 nghìn ha so với năm 2022. Năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha và tăng 1 tạ/ha, nhờ đó sản lượng lúa đạt tới 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn. Bên cạnh đó, một số loại cây trồng lâu năm cũng tăng như sản lượng điều tăng 4%, cà phê tăng 1%, chè búp tăng gần 2%, sầu riêng tăng 37%, xoài và nhãn cùng tăng 5% . Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 39% về giá trị so với năm 2022, xuất khẩu rau quả đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 66%16.

Trong lĩnh vực xây dựng NTM, tính đến tháng 6-2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM17.

Đời sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên. Theo Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng khu vực nông thôn năm 2022 đạt 3,86 triệu đồng/tháng, tăng gấp 2,45 lần so với 1,57 triệu đồng (năm 2012). Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn giảm dần, năm 2012, thu nhập của khu vực thành thị là 2,98 triệu đồng, gấp 1,9 lần khu vực nông thôn; đến năm 2022 giảm xuống còn 1,5 lần (thu nhập khu vực thành thị đạt 5,94 triệu đồng, khu vực nông thôn đạt 3,86 triệu đồng)18

Những thành tựu to lớn nêu trên khẳng định những thành tựu không thể phủ nhận trong thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng giai đoạn hiện nay. Đó cũng là minh chứng khẳng định giá trị của sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp với nông dân và nông thôn của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Với việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, các nghị quyết của Đảng về “tam nông” đã khơi dậy khát vọng vươn lên của người nông dân, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp sinh thái và xây dựng nông thôn hiện đại. Các Nghị quyết của Đảng tiếp tục khẳng định và tạo động lực để giai cấp nông dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển nông nghiệp thịnh vượng, giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

 

Ngày nhận bài: 11-7-2024; ngày thẩm định: 25-7-2024; ngày duyệt đăng: 31-7-2024

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 246

2, 4, 5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 13, tr. 375, 255, 225

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 11 tr. 228

6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 24

7, 8, 9. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 12, tr. 444, 631, 445

10, 11, 12. 13, 14, 15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb CTQGST, H, 2022, tr 92-93, 92, 94, 95, 94-95, 95-96

16. “Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023”, https://www.gso.gov.vn/bai-top/2023/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2023, truy cập ngày 28-7-2024

17. Theo: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=79758truy cập ngày 28-7-2024

18. “Thông cáo báo chí Kết quả khảo sát mức sống dân cư 2022https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/05/thong-cao-bao-chi-ket-qua-khao-sat-muc-song-dan-cu-2022truy cập ngày 28-7-2024.

 

ThS NGUYỄN THỊ QUYẾN
Học viện Chính trị Khu vực I

 

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có mỗi quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó nông dân là chủ thể, nông nghiệp là nguồn sống và nông thôn là địa bàn sinh sống của nông dân. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tư tưởng của Người về mối quan hệ giữa những vấn đề này tập trung ở những nội dung sau: Thứ nhất, Hồ Chí Minh cho rằng muốn nâng cao đời sống của nông dân, muốn xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ phát triển nông nghiệp Theo Hồ Chí Minh nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu ở nông thôn và là  nguồn thu

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn