Tư tưởng Hồ Chí Minh về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung và sự vận dụng, phát triển sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta
Tư tưởng Hồ Chí Minh về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung và sự vận dụng, phát triển sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta

1. Hồ Chí Minh dám nghĩ, dám làm cách mạng mở ra Thời đại Hồ Chí Minh dân tộc độc lập, tự do, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc

Bác Hồ tại Hội nghị toàn quốc xin lỗi toàn dân vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Ảnh: www.bqllang.gov.vn

Những tư tưởng mới vĩ đại, thật sự khoa học, cách mạng, khi vừa xuất hiện thường thuộc về thiểu số, bởi vượt trước nhận thức của số đông, nên chưa được chấp nhận ngay. Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ cách mạng vĩ đại, Nhà văn hóa kiệt xuất chính là hiện thân của sức mạnh dám nghĩ, dám làm cách mạng phá cái cũ đổi ra cái mới. Hồ Chí Minh sáng lập Đảng và vạch ra cương lĩnh chính trị đầu tiên hết sức đúng đắn và đầy tính sáng tạo. Thế mà sau đó suốt gần 8 năm trời, một số người trong Quốc tế cộng sản và trong Đảng chẳng những không thấy được giá trị đúng đắn sáng tạo trong cương lĩnh đầu tiên đó, mà còn phê phán. Song Người vẫn kiên định đường lối đúng đắn, sáng tạo, vượt qua mọi sóng gió, thử thách cho đến khi thực tiễn cách mạng Việt Nam đã làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo, là ngọn cờ dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đúng như đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”! Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt mọi chủ trương chính sách của Đảng là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo Cách mạng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Trong việc này cũng như mọi việc khác, cán bộ, đảng viên, và đoàn viên xung phong đi trước thì đồng bào sẽ tiến theo”2. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước Độc lập -Tự do - Hạnh phúc để bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Dám nghĩ, dám xé rào đặt tiền đề cho đổi mới. Trong những lúc gian khó của thời bao cấp đã từng “ló cái khôn”, đã xuất hiện nhiều điển hình dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, tạo cơ sở mở ra sự nghiệp đổi mới. Tiêu biểu như ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc từ năm 1966 đã dám đề ra chủ trương “khoán hộ”. Mà phải mãi đến 15 năm sau, quyết sách dũng cảm đó mới trở thành một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 100/CT-TW năm 1981. Sau đó đến năm 1988 Trung ương mới ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TW. Từ đó một nền nông nghiệp đang sản xuất không đủ gạo đã biến chuyển thành một nền nông nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ráo (Chị Ba Thi) với kỳ tích “cởi trói” cho hạt gạo tại TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long năm 1977 - 1978, góp phần vào việc bỏ chế độ bao cấp gạo và thực hiện thành công việc bán gạo một giá trên cả nước ta.

Đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, là học trò xuất sắc của Bác Hồ. Họ đã biết lắng nghe, tập trung trí tuệ của cán bộ và Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, có những quyết đoán tạo đột phá, như Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, v,v… Các quyết sách táo bạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kiệt xuất đó đã đáp ứng đúng yêu cầu của lịch sử, làm nên bước nhảy vọt quan trọng, chuyển tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam thoát khỏi trì trệ, khủng hoảng bước sang thời kỳ đổi mới đưa đất nước vững bước đi lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra quy luật của sự đổi mới và phát triển gắn liền với hành động dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới: Mọi vật không bao giờ ngừng lại, mà luôn luôn vận động, biến hóa, đổi mới, phát triển. Luôn luôn có cái đang sinh nở và phát triển; có cái đang suy đồi và chết đi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để tiến bộ kịp nhân dân.

Đã có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo nảy sinh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân mang lại lợi ích kinh tế - xã hội: nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác; cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, bảo vệ, nâng cao sức khỏe con người, v.v…

Thí dụ như GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật nội soi Châu Á - Thái Bình Dương, là một người tiên phong về phẫu thuật nội soi của Việt Nam. Ông có đóng góp lớn vào sự phát triển của đơn vị và ngành Y tế khi đưa các tiến bộ phẫu thuật nội soi vào điều trị một số bệnh ổ bụng, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào điều trị chấn thương nội tạng. Đặc biệt là trị béo phì bằng phẫu thuật nội soi đã trở thành phương pháp phổ biến ở hầu hết các bệnh viện trong cả nước, mang lại lợi ích to lớn cho người bệnh, tỉ lệ thành công cao, ít biến chứng, chi phí thấp. Đảng, Nhà nước phong tặng GS.TS. Trần Bình Giang danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” là tôn vinh tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong chuyên môn và lãnh đạo, quản lý một bệnh viện lớn đầu ngành về ngoại khoa. Tập thể Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đoàn kết, phát triển; có phong cách khám, chữa bệnh chuyên nghiệp, tận tình với người bệnh; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế đều mạnh; là một địa chỉ tin cậy của người bệnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và Nhân dân.

Đến hôm nay những thành tựu đáng tự hào của công cuộc đổi mới lại càng làm ta cảm thụ sâu sắc hơn tiếng thơ ngợi ca của nhà thơ lớn Chế Lan Viên cất lên từ năm 1965:

                    Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!

                    Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?

             Quả thực, Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hôm nay. Tuy nhiên, càng tự hào bao nhiêu, chúng ta càng nhận rõ bấy nhiêu sự đổi mới, sáng tạo vẫn chưa tạo ra được đột phá lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh xứng với tiềm năng con người, đất nước Việt Nam. Ngày 27/9/2023, tại Thụy Sĩ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã tổ chức lễ công bố báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index 2023). Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo. Đó là một thành tựu đáng kể của sự nghiệp đổi mới. Tuy vậy, chúng ta vẫn biết rằng số văn bằng phát minh, sáng chế của Việt Nam còn thấp so với thế giới. Vẫn có một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý không năng động, sáng tạo, không dám nghĩ, dám làm.

Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được làm rất tốt, rất nghiêm minh và giàu nhân văn, thúc đẩy tới có một bộ máy Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, xuất hiện một thực tế đáng buồn. Một số cán bộ thấy nhiều người lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật, xộ khám, đã nảy sinh tâm lý sợ mắc sai lầm, khuyết điểm, chỉ muốn “an phận thủ thường”, không dám đối diện giải quyết những công việc nhiều khó khăn, thách thức.

Song, phải khẳng định việc Đảng, Nhà nước ta xử lý các sai phạm của cán bộ là rất đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”3. Cán bộ gây thất thoát, lãng phí tài sản công, nhận hối lộ thì phải bị truy cứu không có vùng cấm. Việc xử lý sai phạm nghiêm minh cũng có tính răn đe lớn đối với những người đương chức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Trong Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, “nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm4.

Thực chất việc xử lý sai phạm, một mặt là đã có sự nghiêm minh với cái sai, mặt khác nữa chính là cổ vũ những người khác làm việc tốt và có tính nhân văn với toàn thể nhân dân. Nếu cán bộ có phẩm chất, năng lực thì sẽ càng cố gắng làm tốt hơn chức trách của mình sau các vụ kỷ luật cán bộ. Đất nước cần có nhiều hơn nữa các cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết đoán hành động, loại bỏ cái lạc hậu, cái sai, quyết vượt khó khăn, thách thức, tạo bứt phá để tiến lên, và sẵn sàng chịu trách nhiệm về các hành động của mình, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác.

Đồng thời, cũng cần thấy trên thực tế không có vinh quang, chiến thắng nào mà không có nước mắt. Tấm huân chương còn có mặt trái huống hồ đổi mới, sáng tạo là một việc rất khó, vượt lên trên cách tư duy thông thường. Vì thế, rủi ro, sai sót khó tránh khỏi. Nếu không chấp nhận rủi ro, sai sót như một thuộc tính trong sự phát triển thì sẽ không có đổi mới, sáng tạo và phát triển. Hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu thất bại, mới có thể đi tới thành công.

Song, Đảng ta muốn hết sức tránh cho cán bộ bị rủi ro, và muốn bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã khẳng định: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”5.

2. Đảng, Nhà nước ta vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung.

 

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay - Ảnh: dangcongsan.vn

Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: Cần “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.” Tiếp tục cụ thể hóa chủ trương nói trên của Đảng, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW, về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chungChỉ thị này đã làm sâu sắc thêm tính nhân văn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta.

Bộ Chính trị chủ trương trước hết khuyến khích những người đứng đầu, các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cấp ủy Đảng, chính quyền nêu gương thực hiện dám nghĩ, dám làm trước và biết bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm; tạo ra một môi trường thuận lợi cho toàn Đảng, toàn Dân đồng tâm dám nghĩ, hiệp lực dám làm để hoàn thành xuất sắc công việc của mình, thì nhất định Tổ quốc ta sẽ cất cánh bay lên cao hơn nữa trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Đảng khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách; dám làm những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Theo tinh thần Kết luận 14, các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần phải nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội nhằm không chỉ khuyến khích mà còn phải bảo vệ các cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Cần khởi lên ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã nêu ra nguyên tắc, cách đề xuất, thực hiện các ý tưởng đổi mới, sáng tạo một cách bài bản, an toàn cho cán bộ. Đó là: Cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo cần phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.

Để an toàn, việc đổi mới, sáng tạo gắn với dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của cán bộ phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Từ lúc đề xuất ý tưởng cho đến khi triển khai thực hiện và hoàn thành công việc, cán bộ cần tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, quy định của Nhà nước. Bởi đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là những việc mới, khó, chưa có tiền lệ, vì thế cần có quy trình xem xét, đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng với các cơ quan chuyên môn để hạn chế những rủi ro, sai sót hoặc ngăn chặn việc nhân danh đổi mới, sáng tạo cố ý vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để trục lợi. Hơn nữa, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ mới có đủ nguồn lực, huy động được sức mạnh và trí tuệ tập thể để biến ý tưởng đổi mới, sáng tạo thành hiện thực.

Những người đứng đầu, các cán bộ lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Như vậy là có thể phòng, chống rủi ro từ xa, hoặc ngăn chặn rủi ro tiến triển từ khi nó mới xuất hiện, để không tổn thất cho cán bộ.

Song, khi rủi ro đã xảy ra, Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã chỉ ra phương hướng xử lý rủi ro một cách sáng suốt, công minh để bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của nhân dân và đất nước, chứ không phải vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Khi cán bộ thực hiện thí điểm đổi mới mà kết quả không đạt, hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp. Nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Định hướng đó tạo chỗ dựa cho cán bộ vững tin hơn, yên tâm, dám nghĩ, dám triển khai những ý tưởng mới mẻ và hành động đột phá.

Việc lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải bị xử lý nghiêm. Kết luận 14 của Bộ Chính trị không những tạo chỗ dựa, niềm tin mà còn tạo động lực cống hiến cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và sáng tạo vì sự nghiệp chung xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng mạnh.

Bộ chính trị chỉ rõ: Cần định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hoá thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Đồng thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, trọng dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.

Làm tốt việc khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta cũng chính là góp phần vào việc phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường. Khuyến khích, bảo vệ những cán bộ vì sự nghiệp chung, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, phát hiện, tuyển dụng, trọng dụng nhân tài chính là cách xử lý tận gốc tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý mà lại chưa có đủ đức tài ngang tầm nhiệm vụ, thiếu bản lĩnh chính trị, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ đến đổi mới, né tránh nhiệm vụ khó khăn.

Trọng dụng nhân tài cũng là cách cổ vũ người lãnh đạo, quản lý trăn trở để có những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ được những nút thắt về thể chế, chính sách, nguồn lực. Đột phá vào những nội dung không phù hợp trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc dám làm những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện, v.v…

Hội thảo Góp ý kiến vào dự thảo các Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế; khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 24/3. (Ảnh: Anh Cao) 

Trên cơ sở định hướng của Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Nhà nước ta đã từng bước thể chế hóa Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung. Ngày 29/9/2023, Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ dám nghĩ, dám làm nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nghị định số 73 chỉ rõ: Khuyến khích là sự khích lệ, tin tưởng, tôn trọng, ghi nhận, động viên, tạo động lực, nguồn lực, điều kiện và môi trường để cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo. Bảo vệ là việc áp dụng các biện pháp cần thiết, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước và thực tiễn triển khai để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Vì lợi ích chung là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi.

Nghị định 73 đã xác định rõ những nguyên tắc cơ bản trong khuyến khích và bảo vệ cán bộ. Đó là: Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ.  Khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện, có kết quả đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Cơ quan sử dụng cán bộ báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp trước khi phê duyệt và đánh giá kết quả thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo.  Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với việc đề xuất và thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Nghị định này.

Để hiện tốt việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhân dân giám sát công việc này, Nghị định 73 của Chính phủ đã nêu rõ những điều kiện áp dụng chính sách khuyến khích bảo vệ cán bộ. Đặc biệt là chỉ rõ Những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Đó là: Lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cản trở, gây khó khăn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ năng động, sáng tạo, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện, hoàn thành đề xuất vì lợi ích chung. Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong trình tự, thủ tục phê duyệt và triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Không chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức về việc giao thực hiện đề xuất; thực hiện không đúng đề xuất được cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho thực hiện; không chấp hành chỉ đạo của cơ quan sử dụng cán bộ về việc tiếp tục, dừng hoặc chấm dứt thực hiện đề xuất; lợi dụng việc thực hiện đề xuất để né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan. Xử lý trách nhiệm đối với cán bộ năng động, sáng tạo, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện đề xuất đã được đánh giá là hoàn thành quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Để các cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ thực hiện đúng chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ của Đảng Nhà nước ta, Nghị định 73 của Chính phủ đã nêu rõ trình tự, thủ tục đề xuất và phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo; Chính sách cụ thể trong khuyến khích và các biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thí dụ như: Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.

Để tránh rủi ro cho các cán bộ, cơ quan trong đề xuất và thực hiện đề xuất, Nghị định 73 đã chỉ rõ; Trách nhiệm của cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo và cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm của cơ quan sử dụng cán bộ có đề xuất và thực hiện đề xuất. Thí dụ như trách nhiệm của cơ quan sử dụng cán bộ là: Kịp thời xem xét, phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Chịu trách nhiệm về việc phê duyệt đề xuất; về việc không theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện đề xuất hoặc theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện đề xuất không kịp thời, đánh giá việc thực hiện đề xuất chưa toàn diện, khách quan mà không yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt thực hiện đề xuất, để xảy ra thiệt hại.

Nghị định 73 đã nêu rõ: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ. Thí dụ như trách nhiệm theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện đề xuất; Đánh giá kết quả thực hiện đề xuất. Nghị định 73 cũng chỉ rõ: Các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất có hiệu quả.

Nghị định 73 của Chính phủ cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong Hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo. Tham mưu cho Chính phủ tuyên dương, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc đề xuất và hoàn thành đề xuất đổi mới, sáng tạo định kỳ 02 lần/05 năm và các trường hợp đột xuất (nếu có). Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong tổ chức thực hiện việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể theo thẩm quyền và theo quy định của Nghị định 73 của Chính phủ.

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức thực hiện tốt quan điểm của Đảng ta về khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là góp phần quan trọng vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, một nhân tố quyết định để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thế Thắng


1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Sự Thật, Hà Nội, 201, tr.109.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 340.

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 127.

4 https://viettimes.vn/neu-ai-cam-thay-can-tro-nhut-chi-thi-dep-sang-mot-ben-cho-nguoi-khac-lam-post75990.html

5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 313.

1. Hồ Chí Minh dám nghĩ, dám làm cách mạng mở ra Thời đại Hồ Chí Minh dân tộc độc lập, tự do, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc Bác Hồ tại Hội nghị toàn quốc xin lỗi toàn dân vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Ảnh: www.bqllang.gov.vn Những tư tưởng mới vĩ đại, thật sự khoa học, cách mạng, khi vừa xuất hiện thường thuộc về thiểu số, bởi vượt trước nhận thức của số đông, nên chưa được chấp nhận ngay. Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ cách mạng vĩ đại, Nhà văn hóa kiệt xuất chính là hiện thân của sức mạnh dám nghĩ, dám làm cách mạng phá cái cũ đổi ra cái mới. Hồ Chí Minh sáng lập Đảng và vạch ra cương lĩnh chính trị đầu tiên hết sức đúng đắn và đầy tính sáng tạo. Thế m&

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn