Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta. Người để lại một di sản tư tưởng quan trọng về công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh. Trong đó, tư tưởng của Người về công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận cơ bản, đến nay vẫn có giá trị làm nền tảng tư tưởng và định hướng cho đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

1. Kiểm tra, giám sát là một nội dung cơ bản trong công tác lãnh đạo của Đảng

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, khi bàn về CÁCH LÃNH ĐẠO, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ kiểm tra, giám sát là một trong ba nội dung cơ bản trong phương thức  lãnh đạo của Đảng. Theo Người:

"Lãnh đạo đúng nghĩa là:

1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng...

2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng....

3. Phải tổ chức sự kiểm soát..."1.

Điều đó có nghĩa là quyết định mọi vấn đề, ra nghị quyết, có đường lối, chính sách đúng là việc đầu tiên trong phương thức lãnh đạo. Song, để cho đường lối, chính sách, nghị quyết đi được vào cuộc sống và biến thành hiện thực thì công tác tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát là khâu tất yếu và có ý nghĩa quyết định thành công.

Kiểm tra, giám sát là một biện pháp quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng, cho nên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết một bài báo hết sức xúc tích về công tác kiểm tra, yêu cầu các cơ quan lãnh đạo của Đảng cần thực hành ngay việc kiểm tra. Bởi vì, như Người phân tích:

Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích"2.

Đây là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của Lênin rằng: khi mục đích, nhiệm vụ chính trị đã được xác định đúng, thì nhiệm vụ tổ chức thực hiện phải đặt lên hàng đầu. Điều chủ chốt là chuyển trọng tâm từ việc soạn thảo các chỉ thị, nghị quyết sang việc lựa chọn cán bộ và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, công tác kiểm tra, giám sát càng quan trọng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:

"Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra.

Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm"3.

2. Mục đích, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ mục đích của công tác kiểm tra, giám sát là giúp các cấp ủy Đảng nắm được thực chất tình hình lãnh đạo của Đảng, để xem xét những chỉ thị, nghị quyết của Đảng được thực hiện ra sao? Ưu điểm, khuyết điểm của các chỉ thị, nghị quyết và việc tổ chức thực hiện chúng. Có kiểm tra, giám sát  mới biết rõ cán bộ, đảng viên tốt hay xấu, mới biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của các cơ quan. Và, đặc biệt là, công tác kiểm tra, giám sát là một biện pháp cơ bản trong phòng chống bệnh quan liêu, bàn giấy và các tiêu cực khác trong sự lãnh đạo của Đảng. Người chỉ rõ:

"Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi"4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán "một sai lầm rất to" trong phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng là "quên kiểm tra". Cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Vì thế mà "đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị" mà công việc vẫn không chạy.

Người chỉ rõ mục đích và vai trò của công tác kiểm tra, giám sát là: "Động viên toàn thể nhân dân hăng hái thi hành chính sách đã định. Mục đích lựa chọn cán bộ là dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ "dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn" và cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Mà muốn biết sự động viên ấy và sự thực hành ấy đã đến mức nào, thì phải có kiểm tra. Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời"5.

Kiểm tra, giám sát có tác dụng thúc đẩy cán bộ, Đảng viên và các tổ chức Đảng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và gương mẫu trước nhân dân. Kiểm tra, giám sát góp phần củng cố Đảng vững mạnh về tư tưởng và tổ chức. Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29-7-1964, Người vạch rõ:

"Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức"6.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định các cấp ủy đảng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng một cách nghiêm ngặt kết hợp với sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất sẽ góp phần làm cho Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh:

 "- Một mặt trong có Đảng kiểm tra đôn đốc.

  -  Một mặt có anh em ngoài kiểm tra đôn đốc.

 Như thế đảng viên và cán bộ ngoài Đảng cùng được giáo dục.

 ... Những phần tử đầu cơ vào Đảng có sự đôn đốc, kiểm tra của Đảng và nhân dân, sẽ bị lật ra và Đảng sẽ thành trong sạch, kiểu mẫu, thành tâm thành ý phụng sự nhân dân, cách mạng và tất cả các đảng viên mới thành người kiểu mẫu, đoàn kết giúp đỡ được anh em ngoài Đảng"7.

3. Nội dung công tác kiểm tra, giám sát

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách khái quát nội dung cần kiểm tra. Đó là kiểm tra, giám sát việc và kiểm tra, giám sát người.

Kiểm tra, giám sát việc chủ yếu là kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiểm tra, giám sát  tình hình thực tế, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Kiểm tra, giám sát người là kiểm tra, giám sát công tác của các tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.

Nói một cách cụ thể hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ 4 nội dung mà các các cấp ủy đảng cần nghiêm ngặt kiểm tra, giám sát.

Một là: Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo;

Hai là: Kiên quyết chống thói nể nang và che dấu khuyết điểm, chống thói"trước mặt thì nể, kể lể sau lưng;

Ba là: Kiên quyết thực hành kỷ luật. Cá nhân phục tùng tổ chức, số ít phục tùng số nhiều, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung ương;

Bốn là: Mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, kiên quyết chống bệnh chủ quan, tự mãn, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa, phải thực hiện đạo đưc cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Người không chỉ yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, mà còn cần kiểm tra việc xây dựng và triển khai các chương trình hành động, kịp thời khắc phục cách làm việc thiếu kế hoạch và phân công, tổ chức một cách khoa học.

Người đặc biệt nhấn mạnh phải thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức, cán bộ. Bởi vì: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém"8. "Phải kiểm tra công tác của cán bộ, nếu chỉ nghe báo cáo, có khi cán bộ báo cáo không đúng thì lãnh đạo sẽ sai lệch"9. Trong công tác cán bộ, nếu chỉ giao việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ.

Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ. Có người lúc phong trào cách mạng cao, họ vào Đảng, họ làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào hơi khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí hoá phản cách mạng, làm mật thám. Muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt. Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ. Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt.

4. Phương pháp công tác kiểm tra, giám sát

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và trở thành một Đảng cầm quyền, kiểm tra, giám sát trở thành một nghề, một loại công tác cần phải được tiến hành một cách khoa học, bài bản. Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định công tác kiểm tra, giám sát cần phải được tiến hành một cách hệ thống, linh hoạt, thường xuyên và phải đạt đến độ "khéo kiểm tra".

Kiểm tra, giám sát một cách có hệ thống, nghĩa là khi đã có nghị quyết, chỉ thị thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành và kiểm tra, giám sát việc thực hành nghị quyết, chỉ thị ấy để biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn.

Kiểm tra phải thường xuyên. Phải kết hợp đồng bộ, hài hòa các biện pháp kiểm tra. Kiểm tra từ trên xuống kết hợp với kiểm tra từ dưới lên. Kiểm tra từ trên xuống, tức người lãnh đạo kiểm tra kết quả những công việc của cán bộ mình, kiểm tra cấp dưới. Kiểm tra từ dưới lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm tra sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: "Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc và kiểm tra công việc cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ. Như vậy, thì chúng ta tránh khỏi nhiều khuyết điểm, phát triển được nhiều ưu điểm, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tổng động viên để chuyển mạnh sang tổng phản công, kháng chiến sẽ mau đến ngày thắng lợi hoàn toàn"10.

Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng kiểm tra trực tiếp và kiểm tra thường xuyên. Người yêu cầu cán bộ lãnh đạo các cấp không nên chỉ căn cứ vào giấy tờ, công văn, nghe báo cáo, mà cần phải thường xuyên đi kiểm tra và phải đến tận nơi kiểm tra để hướng dẫn, giúp đỡ, giải quyết công việc tại chỗ, chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều mà công việc không chạy. Người chỉ rõ: "Các cấp từ trung ương đến huyện phải lãnh đạo chặt chẽ, thiết thực, phải đến tận nơi kiểm tra, đôn đốc và phải đi đúng đường lối quần chúng, không được quan liêu, chỉ lãnh đạo phong trào trên giấy tờ"11.

Để công tác kiểm tra thực sự nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo  của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra phương châm và phong cách công tác cần có của cán bộ kiểm tra: "Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ"12.

Một chính sách đúng là phải đáp ứng đúng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được lòng nhân dân. Cho nên, Người rất quan tâm và đánh giá cao vai trò của quần chúng nhân dân trong kiểm tra, giám sát nghị quyết, chỉ thị, khẩu hiệu cách mạng của Đảng. Người chỉ rõ: Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng. "Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng"13.

Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài. "Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế, thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách"14.

5. Ủy ban Kiểm tra và người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Kiểm tra, giám sát là một nội dung cơ bản, quan trọng  trong phương thức lãnh đạo của Đảng, cho nên bộ máy làm công tác kiểm tra, giám sát phải được tổ chức khoa học, chặt chẽ và người làm công tác kiểm tra là những người được tin cẩn, có phẩm chất tốt, có năng lực, kinh nghiệm, có trách nhiệm cao và có uy tín trong công tác Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm"15.

Trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, khi tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý nêu cao ưu điểm, chỉ rõ khuyết điểm, sai lầm của các cấp ủy Đảng, ủy ban kiểm tra và người làm kiểm tra  trong thực hiện công tác kiểm tra của Đảng. "Nói chung các cấp ủy đảng đã chú ý lãnh đạo công tác kiểm tra và chấn chỉnh ủy ban kiểm tra. Tuy vậy, hiện nay còn có một số cấp ủy đảng coi nhẹ và không chú ý lãnh đạo công tác kiểm tra. Thậm chí có ủy viên tỉnh và huyện cho công tác kiểm tra là "vạch lá tìm sâu", làm giảm thành tích của địa phương mình, v.v.. Đó là thành kiến sai lầm, cần phải sửa chữa. Ủy ban kiểm tra các cấp cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, đã cố gắng trong việc giúp các cấp ủy giữ gìn kỷ luật của Đảng và đóng góp vào công tác xây dựng Đảng. Đó là những ưu điểm của các cán bộ kiểm tra"16.

Bên cạnh những ưu khuyết điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý nhấn mạnh 2 khuyết điểm cơ bản cần khắc phục.

Một là: Chưa chủ động về việc giải quyết toàn diện vấn đề giữ gìn kỷ luật và chấp hành Điều lệ của Đảng, để nâng cao ý thức của đảng viên và cán bộ một cách căn bản và lâu dài. "Công tác kiểm tra còn bị động và nặng về giải quyết những vụ vi phạm kỷ luật trước mắt"17.

Hai là: "Việc xử lý kỷ luật, xét thư khiếu nại làm còn chậm chạp. Kiểm tra đảng viên phạm sai lầm còn chưa chủ động. Việc hướng dẫn vận dụng phương châm kỷ luật chưa được chặt chẽ, để cho kỷ luật đảng có chỗ bị buông lỏng, vì vậy mà thiếu tác dụng giáo dục và ngăn ngừa đảng viên khỏi phạm kỷ luật"18.

Nhìn toàn cục sự nghiệp cách mạng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ ưu điểm của đại đa số cán bộ đảng viên và chỉ ra khuyết điểm và nguyên nhân khuyết điểm trong một số cán bộ đảng viên. Tuyệt đại đa số đảng viên và cán bộ ta giữ gìn tốt kỷ luật của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Chính vì vậy mà Đảng ta đoàn kết và lãnh đạo được toàn dân, giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Nhưng cũng còn một số cán bộ và đảng viên phạm kỷ luật. Đó là do cá nhân chủ nghĩa làm cho họ mù quáng. Đảng phải giáo dục họ, giúp đỡ họ sửa chữa để xứng đáng là người đảng viên.

Từ thực trạng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra sự cần thiết phải phối hợp công tác tư tưởng, tổ chức của Đảng với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Người chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các ủy ban kiểm tra; chỉ ra những phẩm chất, năng lực cần thiết của cán bộ kiểm tra trong thực hiện công tác kiểm tra của Đảng.

"Các ủy ban kiểm tra phải góp phần xứng đáng vào công tác đó. Muốn làm được như vậy, các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra"19.

6. Theo định hướng của tư tưởng Hồ Chí Minh, hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam  đã và đang tiếp tục coi trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm. Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp đổi mới Đảng ta đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Ngăn chặn, đẩy lùi một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả, nhất là ở cấp Trung ương. Hoạt động của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp được tăng cường, ngày càng siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Tuy vậy công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng chuyển biến chưa đều. Tại Đại hội XIII, nhằm đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định rõ cần:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi, trong đó tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật đảng“20.

Đảng cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; công tác hướng dẫn, chỉ đạo của uỷ ban kiểm tra cấp trên đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc nổi cộm, dư luận quan tâm. Xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên đối với cấp dưới.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh cần: “Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với giám sát, thanh tra của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả“21.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ trong việc thể chế hoá và thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Chú trọng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra  các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Kiên định đường lối đổi mới của Đảng, kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát là góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đầu của Đảng, đưa sự nghiệp đổi mới đi tới thành công./.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thế Thắng

 CHÚ THÍCH

 


 1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tr 325.

 2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, s.đ.d, tr 637-638.

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, s.đ.d, tr 327.

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, s.đ.d, tr 327.

5  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tr 59-60.

6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, s.đ.d, tr 636.

7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tr 59-60.

8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, s.đ.d, tr 280.

9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 9, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tr 309.

10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tr 397.

11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tr 397.

12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, s.đ.d, tr 249.

13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, s.đ.d, tr 290.

14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, s.đ.d, tr 637.

15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, s.đ.d, tr 637.

16 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 14, s.đ.d, tr 362.

17 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 14, s.đ.d, tr 363.

18 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 14, s.đ.d, tr 363.

19 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 14, s.đ.d, tr 363-364.

20 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1,NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2021, tr. 188-189.

21 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, S.đ.d,  tr.190.

1. Kiểm tra, giám sát là một nội dung cơ bản trong công tác lãnh đạo của Đảng Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, khi bàn về CÁCH LÃNH ĐẠO, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ kiểm tra, giám sát là một trong ba nội dung cơ bản trong phương thức  lãnh đạo của Đảng. Theo Người: "Lãnh đạo đúng nghĩa là: 1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng... 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng.... 3. Phải tổ chức sự kiểm soát..."1. Điều đó có nghĩa là quyết định mọi vấn đề, ra nghị quyết, có đường lối, chính sách đúng là việc đầu tiên trong phương thức lãnh đạo. Song, để cho đường lối, chính sách, nghị quyết đi được vào cuộc sống và biến thành hiện thực thì công tác tổ chức thực hiện v&ag

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn