Thuật ngữ kinh tế xanh (Green Economy) lần đầu tiên được các nhà kinh tế môi trường của Chính phủ Anh sử dụng trong báo cáo có nhan đề “Kế hoạch chi tiết cho nền kinh tế xanh” (Blueprint for a Green Economy) năm 1989. Tuy nhiên, phải đến năm 2008, thuật ngữ này mới có ý nghĩa trên toàn cầu. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã thúc đẩy các gói kích thích xanh, truyền cảm hứng cho các chính phủ đưa các sáng kiến xanh vào kế hoạch phục hồi kinh tế của họ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên với phát triển kinh tế xanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên với phát triển kinh tế xanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

1. Khái quát một số vấn đề lý luận về kinh tế xanh và bền vững

Nội hàm của thuật ngữ kinh tế xanh được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, có nội dung và hình thức biểu hiện khá phong phú. Tựu trung lại, có thể hiểu, kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Khác với mô hình kinh tế truyền thống, kinh tế xanh tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và tính bền vững sinh thái, thừa nhận tính chất hữu hạn của các nguồn tài nguyên trong phát triển bền vững. Kinh tế xanh hướng tới mục đích tạo ra sự phát triển kinh tế và tạo việc làm đồng thời đảm bảo con người không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của trái đất. Nó khuyến khích phát triển bền vững hơn, chống lại biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện hệ sinh thái, tăng cường sự công bằng.

Với nội hàm và mục đích nêu trên, một số nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển bền vững .

Như vậy, “kinh tế xanh” là vấn đề còn khá mới mẻ và đang “mở” về nội hàm, tuy nhiên một trong những nội dung quan trọng của kinh tế xanh là việc bảo vệ môi trường tự nhiên trong phát triển kinh tế bền vững. Sự phát triển kinh tế trong quá khứ đã gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, nước và đất. Nếu không có những biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường, nhân loại sẽ gặp những hậu quả nghiêm trọng như sự tàn phá của nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, các ngành công nghiệp phải đóng cửa do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội. Phát triển kinh tế xanh có thể đóng góp vào phát triển bền vững, giúp đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, ở hầu hết các quốc gia đều xảy ra một thực trạng là sự phát triển kinh tế - xã nhiều khi lại đi ngược chiều với với chất lượng của môi trường tự nhiên. Điều này đã đặt ra một yêu cầu mang tính bắt buộc đối với tất cả các nước là phải hướng tới xây dựng một xã hội có sự phát triển bền vững. Để xã hội đạt được sự phát triển bền vững thì không thể tách rời với việc giải quyết các vấn đề về môi trường tự nhiên. Chính kinh tế xanh tạo cơ sở, động lực để bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội phát triển theo hướng bền vững về mọi mặt từ kinh tế đến xã hội, văn hoá, môi trường và cả con người. Đến lượt mình, môi trường tự nhiên và xã hội phát triển bền vững cũng có sự ảnh hưởng, tác động trở lại, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh, tạo điều kiện để kinh tế xanh ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên, phát triển xanh

Mặc dù, khái niệm “kinh tế xanh” chưa đề cập trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, song có thể nhận diện được nội hàm của kinh tế xanh trong tư tưởng của Người khi bàn về vấn đề môi trường tự nhiên, về “phát triển xanh”, thể hiện trên ba phương diện: (1) Nhận thức được vị trí, vai trò của môi trường tự nhiên đối với đời sống xã hội, con người; (2) Tình yêu của con người đối với môi trường tự nhiên; (3) Trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên trong hoạt động thực tiễn của con người.

Thứ nhất: Về vị trí, vai trò của môi trường tự nhiên đối với đời sống xã hội, con người. Khi bàn về vị trí, vai trò của môi trường tự nhiên đối với đời sống xã hội, con người, Hồ Chí Minh luận giải rất sâu sắc mối quan hệ hữu cơ giữa đất – nước – con người. Theo Người, non sông đất nước luôn được đặt lên trên hết, đó là Tổ quốc, đó là thiên nhiên rất gần gũi với mỗi con người. Người viết: “… Việt Nam ta có hai tiếng “Tổ quốc”, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc, có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh… Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội” . Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, môi trường tự nhiên có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống con người, phải có đất và nước thì sự sống của con người mới sinh sôi, nảy nở và phát triển, do vậy, theo Người: “phải biết khai thác và sử dụng thiên nhiên một cách hợp lý và sáng tạo”, cụ thể là phải biết “làm cho đất và nước điều hòa với nhau” nhằm mục đích “để nâng cao đời sống nhân dân” và gắn liền với sự phát triển của xã hội, “xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Cả cuộc đời, Hồ Chí Minh gắn bó với thiên nhiên, thể hiện trong mọi sinh hoạt ăn, mặc, ở của Người. Người rất am hiểu thiên nhiên, đất nước Việt Nam: không chỉ là giàu đẹp, thuận lợi mà còn có cả sự khắc nghiệt và thất thường, luôn đe dọa sự sống của người dân và xã hội. Khi về với Việt Bắc, Người đã nhận thấy thiên nhiên ở đây là “rừng vàng, núi bạc”, vì rừng Việt Bắc có rất nhiều gỗ, lâm sản quý có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hóa; còn núi ở Việt Bắc có nhiều quặng có thể xây dựng công nghiệp để phát triển kinh tế . Do vậy, Hồ Chí Minh cho rằng con người phải hiểu biết tự nhiên, phải sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phải biết chăm sóc và gìn giữ môi trường sống. Người nhắc nhở cán bộ, nhân dân, công nhân… phải khai thác và sử dụng “vàng bạc” của rừng một cách có trách nhiệm, nếu không hậu quả sẽ không lường hết được. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Người nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” . Người cũng nhắc nhở: “Ta thường nói rừng vàng, biển bạc, thế mà đồng bào (…) chẳng những bảo vệ kém mà còn một số lại tự do chặt phá, làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân, của Nhà nước. Chặt phá thì dễ nhưng trồng lên thì khó, phải tốn hết nhiều công, nhiều của” .

Thứ hai: Phải có tình yêu thực sự với thiên nhiên để có thái độ ứng xử đúng đắn với môi trường tự nhiên. Tình yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên chiếm một phần lớn trong trái tim Hồ Chí Minh. Với Người, quan niệm về thiên nhiên mang đậm màu sắc của văn hóa sinh thái – nhân văn của phương Đông. Quan niệm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của Trung Hoa cổ đại ảnh hưởng khá sâu đậm tới người dân Việt Nam nói chung và đối với Hồ Chí Minh, điều đó đã trở thành một trong những phương châm sống và hoạt động cách mạng của Người. Trong từng hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, dù nhỏ nhất, kể cả trong cuộc sống đời thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách khéo léo, tài tình phương châm “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. Nhờ vậy, kết quả thường đạt được hết sức to lớn.

Hồ Chí Minh là người “yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa”. Tình yêu thiên nhiên của Người hết sức lớn lao nhưng cũng vô cùng giản dị. Người sống giản dị, gần gũi với hoa cỏ, thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh. Khi đến thăm Hồ Chí Minh, nhà thơ Cuba P. Rodrighet sau đã nhận xét: "Chúng tôi được biết có hai điều Bác Hồ yêu thích, đó là hoa và tiếng chim ca. Hoa và tiếng chim hót luôn luôn ở bên Người. Ngôi nhà nhỏ của Bác nhìn ra phía nào cũng có một ô cửa sổ, một bức tranh bằng ánh sáng, trong đó hiện ra những cành cây và khi gió nhẹ thổi qua, bức tranh như có sức sống" .

Chính vì vậy, Hồ Chí Minh rất đau lòng trước cảnh môi trường tự nhiên bị tàn phá, nhất là rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi, Người cho rằng, những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông, “khác nào đem vàng đổ xuống biển” . Người cảnh báo nhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt phá, khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến khí hậu, đời sống sản xuất. Những cảnh báo của Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, đang là hiện hữu đối với tình trạng phá rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến biến đổi khí hậu ngày càng xấu đối với sản xuất, đời sống của chúng ta.

Thứ ba: Bảo vệ môi trường tự nhiên là trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và phải thể hiện trong hoạt động thực tiễn của mỗi con người. Với tầm nhìn rộng, bao quát và khát vọng làm cho Tổ quốc Việt Nam xanh tươi bền vững, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra những tác động tiêu cực của con người trong ứng xử với tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống. Do đó, Người rất coi trọng việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống, thể hiện trong tư tưởng và hành động bảo vệ, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản, rừng và biển đảo, khí hậu và môi trường. Người luôn quan niệm, từng ngọn cỏ, cành hoa, mỗi hạt cát, giọt nước… dù nhỏ cũng là tài nguyên, đều phải quý trọng, giữ gìn; từng giọt nắng, cơn mưa, ngọn gió cũng đều có ích nếu con người biết chấp nhận, chung sống và lựa theo thời tiết. Bầu trời, mặt đất và lòng đất, biển, đảo, thềm lục địa, không gian của Việt Nam là “ý trời đã định”, đó là tài sản vô giá, mọi người dân phải có trách nhiệm vừa xây dựng, vừa bảo vệ trên mọi phương diện, ý niệm, lĩnh vực, để tài nguyên - thiên nhiên phát triển bền vững cho hôm nay, cho mai sau và mãi mãi sau này.

Đối với ngành nông nghiệp, theo Hồ Chí Minh, luôn phải làm tốt công tác thủy lợi, bởi có như vậy năng suất lúa mới cao; đối với lâm nghiệp, Người đặc biệt quan tâm đến “trồng cây, gây rừng”, bởi vì rừng không những cho ta cây ăn quả, cây làm củi, cây công nghiệp, mà rừng còn chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn, tạo khí ô xy điều hóa không khí, bảo vệ sức khỏe nhân dân . Nói chuyện với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (12-1961), Người nhấn mạnh: "Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy" . Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (6-1-1960), Người ra Lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây. Sau khi Lời kêu gọi được đăng trên các báo, toàn dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo, từ nhà máy đến công trường, xí nghiệp, trường học, đơn vị bộ đội …, đã hưởng ứng nhiệt liệt, hăng hái thi đua trồng cây, gây rừng, mở đầu một tập quán tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt của nhân dân ta. Từ đây, “tết trồng cây” do Hồ Chí Minh khởi xướng đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước cứ mỗi dịp tết đến xuân về: “Mùa Xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” .

Trong nhiều bài viết, bài nói, Hồ Chí Minh xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" .

Có lẽ chỉ có Hồ Chí Minh mới có tư tưởng gắn “trồng cây” với việc “trồng người”. Ở đây, “trồng” là nghĩa gốc của thuật ngữ Culture, tức là văn hóa. “trồng cây” và “trồng người” trong quan điểm của Hồ Chí Minh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đều vì lợi ích của con người, của cộng đồng, xã hội. Đó chính là cội nguồn, bản chất nhân văn trong tư tưởng văn hóa của Người. Cái nguồn gốc, cái bản chất nhân văn của văn hóa đó nằm ở nơi tầng sâu của lợi ích “mười năm trồng cây” và lợi ích “trăm năm trồng người”. Và cho đến khi Người ra đi về với “thế giới người hiền”, trong bản Di chúc lịch sử, Người vẫn không quên nhắc đến việc trồng cây: "Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp" .

Những tư tưởng của Hồ Chí Minh có giá trị kinh tế xanh hết sức lớn lao. Những tư tưởng đó không chỉ dừng lại ở lý luận, mà đã được thực hiện trên thực tiễn hoạt động của người dân, thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể thấy, tư tưởng về bảo vệ môi trường tự nhiên, “phát triển xanh” của Hồ Chí Minh đã vượt trước thời đại, có giá trị lâu dài không chỉ đối với Việt Nam mà có tính toàn cầu. Ngày nay, thế giới và Việt Nam đều lấy tiêu chí “xanh” làm định hướng, mục tiêu phát triển; làm tiền đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, đảm bảo tính đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu “xanh” đã trở thành cam kết chính trị của Đảng, cam kết pháp lý của Nhà nước và hành động của toàn dân đối với phát triển bền vững môi trường thiên nhiên. Trong quá trình phát triển của đất nước, đặc biệt là những năm gần đây, khi tình trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mục tiêu xanh trong phát triển kinh tế xanh, bền vững ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Tư tưởng về bảo vệ môi trường tự nhiên, phát triển xanh của Hồ Chí Minh là những cơ sở quan trọng trong xây dựng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế xanh, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững đất nước ngày càng nhanh, hiệu quả.

3. Quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phát triển nền kinh tế xanh, bền vững theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong Văn kiện Đại hội XIII.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trước yêu cầu của cộng đồng quốc tế và thực tiễn phát triển nền kinh tế xanh, bền vững của đất nước, nhiều năm qua, Đảng ta hết sức quan tâm đến phát triển kinh tế xanh trên cơ sở bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Một là:  Bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống là mục tiêu hàng đầu trong quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế xanh, bền vững

Kể từ khi đổi mới, một hệ thống các quan điểm về bảo vệ môi trường của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Các nhiệm kỳ đại hội thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm cho phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước và thời đại đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ môi trường. Tại Đại hội XIII, vấn đề coi bảo vệ môi trường sinh thái đối với phát triển nền kinh tế xanh, bền vững được đề cập khá toàn diện “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Hai là: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, “kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” là giải pháp cấp bách đưa đất nước phát triển bền vững

Trên cơ sở nhận thức rõ về việc bảo vệ môi trường thiên nhiên là nhiệm vụ sống còn đối với sức khỏe nhân dân, với phát triển bền vững đất nước, Đảng ta còn nhận thấy những thách thức lớn đến từ biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Đây là ba vấn đề gắn bó hữu cơ với nhau, cần phải có giải pháp khắc phục kịp thời. Đảng ta đã ban hành một Nghị quyết chuyên đề riêng để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đồng thời ba vấn đề cấp bách này (Nghị quyết 24-NQ/TW (3/6/2013) “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường). Quan điểm “lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu” và dứt khoát “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện Đại hội tiếp theo. Tuy nhiên, trên thực tế những vấn đề nêu trên còn nhiều thách thức . Do vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trên cơ sở tổng kết các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh việc cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” . Đồng thời, quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” , “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Chủ trương, đường lối nêu trên của Đảng đã được Nhà nước từng bước cụ thể hóa trong các chương trình nghị sự, chính sách, luật pháp. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chính sách pháp luật của Nhà nước. Tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 (14-11-2021), Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường “xanh,” phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu . Để đạt được cam kết này, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Với những quyết sách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, Luật Bảo vệ môi trường sẽ tạo đột phá đưa công tác bảo vệ Môi trường thực sự là trụ cột của quá trình phát triển, đây sẽ là tiền đề để tăng cường công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ đã xây dựng, ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.

Luật Bảo vệ môi trường và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2050 đều thống nhất bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường xác định rõ chủ thể là Nhà nước, bằng chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của mình đưa ra các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế - xã hội quốc gia. Từ sau COP 26, “Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh” của Chính phủ đã được thành lập đây là cơ quan chuyên trách của Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (QĐ số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện các nhiệm vụ khác về tăng trưởng xanh do Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, là thành viên có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các quốc gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, bền vững./.

PGS.TS Đỗ Thị Thạch

Học viện CTQG Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS Vi Thái Lang, TS. Trần Thị Hồng Loan: Văn hóa sinh thái trong sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay. Nxb. CTQG, H.

2. GS.TS Chu Văn Cấp: Hồ Chí Minh về mối quan hệ con người – thiên nhiên với phát triển xã hội và tiến bộ nhân loại. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”, Nxb. Chính trị - Hành chính. H.2010, tr. 589 – 598.

3. Trần Lê Bảo (chủ biên) – Hoàng Duy Chức, Vũ Minh Tâm, Phạm Thị Ngọc Trầm: Văn hóa sinh thái – nhân văn (Giáo dục môi trường), Nxb. Đại học Sư phạm, H.2005.

4. Hùng Võ: Việt Nam ưu tiên cao nhất cho “tương lai xanh”. Nguồn: https://special.vietnamplus.vn/2021/11/25/viet-nam-danh-uu-tien-cao-nhat-cho-tuong-lai-xanh/.

5. Vũ Minh Tâm: Văn hóa môi trường sinh thái - nhân văn và giáo dục nhân cách. Tạp chí Giáo dục, số 21, 2000.

6. Linh Lê: Quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển xanh và bền vững. Nguồn: https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/quyet-tam-dua-viet-nam-tro-thanh-nuoc-phat-trien-xanh-va-ben-vung.html, ngày 5-8-2022

7. TS. Nguyễn Chí Thiện: Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sinh thái và ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường hiện nay. Nguồn: https://khoalyluanchinhtri.neu.edu.vn/vi/cac-bai-viet-nckh-cua-gv-3028/ts-nguyen-chi-thien-quan-diem-cua-ho-chi-minh-ve-bao-ve-moi-truong-sinh-thai-va-y-nghia-doi-voi-viec-bao-ve-moi-truong-hien-nay, ngày 30-7-2022.

1. Khái quát một số vấn đề lý luận về kinh tế xanh và bền vững Nội hàm của thuật ngữ kinh tế xanh được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, có nội dung và hình thức biểu hiện khá phong phú. Tựu trung lại, có thể hiểu, kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Khác với mô hình kinh tế truyền thống, kinh tế xanh tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và tính bền vững sinh thái, thừa nhận tính chất hữu hạn của các nguồn tài nguyên trong phát triển bền vững. Kinh tế xanh hướng tới mục đích tạo ra sự phát triển kinh tế và tạo việc làm đồng thời đảm bảo con người không làm cạn kiệt t&ag

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn