Suy thoái về tư tưởng, chính trị chính là sự phai nhạt lý tưởng, xa rời mục đích, lý tưởng của Đảng, không chấp hành các nguyên tắc, Điều lệ Đảng, từ đó sa vào chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nói không đi đôi với làm, lợi ích nhóm, làm giàu bằng mọi giá. Bài viết tập trung làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và giải pháp tăng cường thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tăng cường thực hành đạo đức Hồ Chí Minh góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay
Tăng cường thực hành đạo đức Hồ Chí Minh góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay

1. Quan điểm của Đảng về ngăn ngừa, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra những căn bệnh nảy sinh từ sự suy thoái tư tưởng chính trị như: cá nhân chủ nghĩa, tham ô, lãng phí trong cán bộ, đảng viên… và coi đó là thứ giặc nội xâm, là kẻ thù của Đảng, của chế độ và nhân dân. Người chỉ rõ: “…mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”1. Như vậy, ngay từ những ngày đầu nắm chính quyền, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đấu tranh chống những căn bệnh nảy sinh từ sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, từ tháng 12-1986 đến nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cán bộ, đảng viên diễn biến ngày càng phức tạp, do nhiều nguyên nhân, đã được Đảng nêu rõ trong các kỳ đại hội và nhiều văn kiện khác của Đảng.

Đại hội VI (12-1986) của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng nhận định: “Vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách”2. Tiếp đó, Nghị quyết HNTƯ 3 khóa VII (6-1992) “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng” đã đánh giá về sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên: “Tệ tham nhũng, hối lộ, ăn chơi phung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại rất lớn, làm tổn hại thanh danh, uy tín của Đảng”3. Tháng 1-1994, Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã chỉ ra bốn nguy cơ của đất nước đó là: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch”4. Trong bốn nguy cơ đó, nguy cơ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn ra rất trầm trọng và là nguyên nhân dẫn tới các nguy cơ khác. Nghị quyết nhấn mạnh: “… Tình trạng suy thoái, hư hỏng cùng với sự bất cập về năng lực, sự lỏng lẻo về ý thức tổ chức, kỷ luật và tệ quan liêu, cửa quyền của không ít cán bộ trong các tổ chức đảng và chính quyền ở các ngành, các cấp, cả lĩnh vực quản lý nhà nước và lĩnh vực kinh doanh, đang vô hiệu hóa nhiều chủ trương, chính sách, cản trở công cuộc đổi mới, làm giảm lòng tin của nhân dân. Đây là trở lực lớn nhất đối với công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước ta, là thách thức gay gắt nhất đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước5. Đến các kỳ đại hội sau đó, Đảng tiếp tục khẳng định lại những nguy cơ này, và chỉ rõ nguy cơ không những không được khắc phục, mà còn diễn biến phức tạp hơn.

Đại hội XII (2016) của Đảng nhấn mạnh: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”6. Đặc biệt, tại HNTƯ 4, khóa XII (10-2016) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”, nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước7. Nghị quyết đã nhận diện một cách rõ ràng cụ thể về các căn bệnh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Về suy thoái về tư tưởng, chính trị, HNTƯ 4, khoá XII của Đảng chỉ rõ: Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức. Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Thiếu gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị và đời sống sinh hoạt hằng ngày8.

Nghị quyết HNTƯ 4, khoá XII của Đảng nêu rõ 9 biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đó là: cá nhân chủ nghĩa; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; tham nhũng, hối lộ, bòn rút của công; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình cơ quan, đơn vị mình; vi phạm thuần phong, mỹ tục; đạo đức nghề nghiệp sa sút, đặc biệt, trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh9.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết HNTƯ 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”, Đại hội XIII (2021) của Đảng tiếp tục nêu lên những tồn tại hạn chế: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"… “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”10.

Từ sự nhận diện đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, qua các kỳ đại hội và hội nghị Trung ương của Đảng khi bàn đến nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng đó là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, nói không đi đôi với làm, không tuân thủ nguyên tắc, Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, Đảng đã đề ra một hệ thống các giải pháp, trong đó nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc học tập, vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào công tác đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và coi đó là một giải pháp cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu, rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”11, chú trọng thường xuyên “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng”12.

2. Tăng cường thực hành đạo đức Hồ Chí Minh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Đối chiếu sự nhận diện của Đảng về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và thực tế tình hình tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cho thấy những biểu hiện đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ rất sớm và có những chỉ dẫn để sửa chữa những căn bệnh đó. Trong nhiều tác phẩm Người viết nhằm mục đích giáo dục đạo đức, huấn luyện đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Hồ Chí Minh đã nêu lên những phẩm chất đạo đức cách mạng cơ bản mà người cán bộ, đảng viên cần phải có là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo Người, đạo đức cách mạng là nền tảng của người cách mạng, cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, muốn cho dân tin, dân yêu, dân phục thì không phải viết lên trán chữ cộng sản là được quần chúng yêu mến, quần chúng chỉ thực sự yêu mến những cán bộ, đảng viên có tư cách đạo đức trong sáng. Người quan niệm “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”13. Thực tế hiện nay có rất nhiều văn bản về đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên như:  Điều lệ Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm. Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn thiện góp phần quản lý xã hội, chế định hành vi của từng con người. Vậy tại sao tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của công ở cán bộ, đảng viên nhất là đảng viên có chức, có quyền diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi. Đó là do sự tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên không được thực hiện nghiêm túc, nói không đi đôi với làm, không gương mẫu trong công việc và đời sống hằng ngày, học tập mà không làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Để nhanh chóng khắc phục và đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong một số cán bộ, đảng viên hiện nay cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần và thực hành đạo đức Hồ Chí Minh với các tiêu chuẩn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, để đạo đức cách mạng thấm sâu vào từng con người, trở thành nền tảng đạo đức của toàn Đảng.

Để hiểu và thực hành tốt, các chi bộ, tổ chức đảng cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt chữ “cần”, tức là làm chức trách, nhiệm vụ của mình, siêng năng hoàn thành công việc, yêu lao động, yêu thương con người, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền nêu cao đạo đức cách mạng chân chính, thực hiện lối sống giản dị, tận tụy với công việc, tránh xa những cám dỗ đời thường. Có như vậy cán bộ, đảng viên mới không sa vào những việc làm bất chính, tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn thực hành tốt chữ “liêm”, “trong sạch, không tham lam”; giữ đúng bổn phận của mình, giữ mình trong sạch, không tham lam, thì tất yếu không thể xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ ba, thực hành chữ “chính” theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đối với mình không tự kiêu tự đại, phải khiêm tốn, cần tiến bộ; đối với người phải chân thành, phải trọng người, trọng dân, thật thà, đoàn kết; đối với việc phải luôn đặt lợi ích của Đảng lên trước lợi ích cá nhân, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, không ngại khó khăn, gian khổ, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”14.

Thứ tư, cán bộ, đảng viên cần phải “chí công vô tư” tức là trong công việc luôn phải hết sức công bằng, không vì lợi ích cá nhân mà có lòng thiên tư, thiên vị. Phải “chí công vô tư” là đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân, có như vậy cán bộ, đảng viên mới không sa vào chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, chủ nghĩa cơ hội, vụ lợi…

Hai là, cán bộ, đảng viên cần làm tốt việc nêu gương trong thực hành đạo đức cách mạng

Nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa 5 Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam (1-1945), Hồ Chí Minh nói: “phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái. Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được?”15.

Đạo lý ở đây là cán bộ, đảng viên càng giữ vị trí cao đều cần phải làm gương, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ cấp dưới, cán bộ làm gương cho đảng viên, đảng viên làm gương cho nhân dân; “nói phải đi đôi với làm”. Trong bài nói chuyện tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hòa bình thống nhất nước nhà. Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”16.

Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên “miệng nói tay phải làm mới được”17. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện đúng phương châm nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực hành. Đồng thời cần tránh: nói nhiều, làm ít, nói thì hay làm thì dở, nói một đằng làm một nẻo, nói mà không làm.

Ba là, cán bộ, đảng viên cần sống và làm việc theo cương lĩnh, đường lối, quan điểm, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù luôn đề cao vai trò của đạo đức, nhưng Người cũng đề cao pháp luật, chỉ có tuân thủ pháp luật và chịu sự tiết chế của pháp luật, cán bộ, đảng viên mới thực hành nghiêm túc đạo đức cách mạng. Nói về vai trò pháp luật, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”18Điều này cho thấy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, trung thực và trách nhiệm cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và quy định, quy chế cơ quan, đồng thời, trong quá trình đó cán bộ, đảng viên cần tôn trọng những giá trị tốt đẹp, thuần phong mỹ tục của nhân dân, của dân tộc đề cao cái đẹp, cái thiện, lên án cái xấu, cái ác; thực hiện “miệng nói, tay làmđảng viên đi trước, làng nước theo sau.

Bốn là, cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính tự giác tu dưỡng rèn luyện đạo đức Hồ Chí Minh.

Hiện nay các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật, nguyên tắc, Điều lệ Đảng và những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội thực dụng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Song, thực tế hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vẫn diễn ra ngày một phức tạp, tinh vi hơn ở tất cả các cấp, các lĩnh vực. Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ, đảng viên chỉ học tập mà không làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, học không đi đôi với hành, không tự giác tu dưỡng rèn luyện. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất trong thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là ý thức tự giác của mỗi cá nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì chắc chắn sẽ ngăn chặn đẩy lùi được suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực là mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hành đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hiện lời huấn thị của Người: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”19.



Ngày nhận bài: 7-5-2024; ngày thẩm định:18-6-2024; ngày duyệt đăng:28-6-2024

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H, 2011, T. 5, tr. 278

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, T. 47, tr. 461

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá VIInguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-vii/nghi-quyet-so-03-nqtw-cua-hoi-nghi-lan-thu-ba-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vii-ve-mot-so-nhiem-vu-doi-1121

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Nxb CTQG, H, 1994, tr. 25

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, T. 53, tr. 274

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016, tr. 185

7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII, nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/14839/nghi-quyet-hoi-nghi-trung-uong-4-khoa-XII

10, 11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. 1, tr. 92-93, 183, 184

13. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 11, tr. 612

14, 15, 17. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011T. 4, tr. 51, 117, 117

16. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H, 2011, T. 14, tr. 223

18. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 6, tr. 127

19. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 1, tr. 284.

TS NGUYỄN DUY HẠNH
ThS CAO DUY TIẾN

 

Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Quan điểm của Đảng về ngăn ngừa, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra những căn bệnh nảy sinh từ sự suy thoái tư tưởng chính trị như: cá nhân chủ nghĩa, tham ô, lãng phí trong cán bộ, đảng viên… và coi đó là thứ giặc nội xâm, là kẻ thù của Đảng, của chế độ và nhân dân. Người chỉ rõ: “…mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó ph&a

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn