Từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, công tác tuyên truyền đã trở thành một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp kháng chiến và giải phóng dân tộc. Ngày nay, công tác tuyên truyền không chỉ giúp người dân nhận thức rõ về tầm quan trọng của biển, đảo mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm, sẵn sàng chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Sức mạnh tuyên truyền - từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến công tác tuyên truyền biển, đảo hiện nay
Sức mạnh tuyên truyền - từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến công tác tuyên truyền biển, đảo hiện nay

Từ “Đội tuyên truyền” theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh

Cách đây 80 năm, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Với văn phong giản dị, ngắn gọn, súc tích bởi 318 từ, nhưng Chỉ thị của Bác đã hàm chứa đầy đủ nội dung của một Cương lĩnh quân sự lịch sử, vạch rõ nguyên tắc, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; là những tư tưởng cơ bản, cốt lõi nhất, không chỉ có tác dụng chỉ đạo, định hướng việc xây dựng Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân lúc đó, mà còn nguyên giá trị trong định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Mở đầu, Bác viết:“Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”[1]. Đây là tư tưởng xuyên suốt trong cả quá trình chuẩn bị, chỉ đạo và phương châm hoạt động của Đội sau ngày thành lập. Vì theo nhận định của Bác Hồ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy phong trào đi tới. Nhưng phát động khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên”[2].

Khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về tên đội là “Đội Việt Nam Giải phóng quân”, Bác Hồ đã chỉ thị thêm vào hai chữ “Tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ chính trị lúc này còn trọng hơn quân sự.

Quán triệt Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, chiều ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đây là cột mốc, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng nước ta - bước chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương để giành chính quyền.

Bản diễn từ của đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên đọc tại buổi lễ đã nêu rõ: “Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này...”[3].

80 năm đã trôi qua, tư tưởng “đội tuyên truyền” đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, để Quân đội ta luôn nắm vững chức năng: là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Đó là điểm khác biệt với quân đội nhà nghề của các nước, bởi mọi quân đội sinh ra đều làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ một chế độ, một tập đoàn chính trị, một nhà nước. Nhưng đối với Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, ngoài chức năng đó, đã đảm đương và làm tốt chức năng mà không phải một đội quân nào cũng có được. Đó là chức năng vận động quần chúng theo phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”[4]. Phương châm hoạt động đó không có nghĩa là Đội chỉ làm công tác tuyên truyền xung phong, chỉ giải thích đường lối, chính sách, mà còn là một đội quân chủ lực, vừa đánh giặc, vừa làm tốt nhiệm vụ vận động cách mạng trong quần chúng.

Bởi vậy, chỉ sau ngày thành lập, Đội đã xuất quân và giành thắng lợi giòn giã trong hai trận đánh Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu, đã ra quân là đánh thắng của quân đội ta. Tiếp đó, đội tiến hành hoạt động vũ trang tuyên truyền phát triển phong trào cách mạng ở Việt Bắc và chỉ chưa đầy nửa năm sau ngày thành lập, vừa chiến đấu vừa vũ trang tuyên truyền, từ đội quân chủ lực nhỏ bé với 34 chiến sĩ đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, xứng đáng với sự tin cậy của của Đảng, nhà nước và nhân dân.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay có bối cảnh khác với ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; nhưng những nội dung trong Chỉ thị vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; tiếp tục soi rọi cho sự nghiệp xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục khai thác, vận dụng một cách phù hợp.

Sứ mệnh tuyên truyền trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Từ những ngày đầu Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời với sứ mệnh khơi dậy tinh thần yêu nước, công tác tuyên truyền đã chứng minh vai trò to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Qua từng thời kỳ lịch sử, tuyên truyền không chỉ là công cụ kết nối ý chí quần chúng mà còn là ngọn lửa lan tỏa tinh thần đoàn kết, đấu tranh vì độc lập dân tộc.

Ngày nay, trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn trên Biển Đông, công tác tuyên truyền biển, đảo lại tiếp tục giữ vai trò quan trọng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước,lòng tự hào dân tộc, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nhân lên sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Bởi với Việt Nam, biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ, một phần máu thịt không thể tách rời và có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, mang giá trị chiến lược to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Tầm quan trọng của công tác tuyên truyền đã được thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu và thắng lợi của quân đội ta minh chứng và dù ở bất kỳ giai đoạn nào, thì công tác tuyên truyền đều là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Từ ngọn lửa cách mạng được thắp lên bởi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cho đến hôm nay, khi những con sóng Biển Đông vẫn không ngừng vỗ, tuyên truyền vẫn tiếp tục là sợi dây kết nối, quy tụ sức mạnh từ lòng dân để bảo vệ Tổ quốc.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, kế thừa và phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúngtrong suốt 80 năm qua, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng thế trận quốc phòng toàn toàn dân trên biển, Hải quân nhân dân Việt Nam luôn xác định công tác tuyên truyền biển, đảo là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục, chỉ có mở đầu không có kết thúc; coi đây là nội dung quan trọng của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, gắn chặt với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ...

Những năm qua, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn của của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân nhân Việt Nam về công tác tuyên truyền biển, đảo; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung công tác tuyên truyền biển, đảo (TTBĐ) đúng chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng.

Đến nay, Quân chủng Hải quân đã ký kết chương trình phối hợp TTBĐ với 63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan Trung ương, cơ quan thông tấn, báo chí với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền thiết thực, phù hợp, sát với điều kiện thực tiễn đơn vị và từng địa phương, như: Tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị, các tổ, đội truyên truyền lưu động; cấp phát tài liệu, tờ rơi, các ấn phẩm; tổ chức tham quan, triển lãm, giao lưu, tọa đàm, thăm hỏi, tặng quà... Phạm vi tuyên truyền được triển khai rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên đất liền và tất cả các tuyến biển, kể cả ngoài khơi xa và trên các vùng biển giáp ranh.

Hằng năm, Quân chủng tổ chức khoảng 150-200 buổi TTBĐ cho hơn 250.000 lượt người. Từ năm 2007 đến nay, Quân chủng đã giới thiệu và tổ chức cho trên 15.000 lượt phóng viên các cơ quan Trung ương, địa phương đến các đơn vị trong Quân chủng và các vùng biển, đảo nước ta thâm nhập lấy tư liệu tuyên truyền; trung bình hằng năm có khoảng 15.000 - 20.000 tin bài, phóng sự về biển đảo, người chiến sĩ Hải quân được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để công tác tuyên truyền trở nên đa dạng, phong phú và hiệu quả Quân chủng Hải quân đã tổ chức hơn 25 cuộc triễn lãm mỹ thuật, 40 chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống cấp Quân chủng; mở 18 trại sáng tác và tổ chức cho gần 1.000 văn nghệ sĩ thâm nhập thực tiễn ở các đơn vị và quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và cơ quan, đơn vị trong Quân chủng để sáng tác các tác phẩm về chủ đề “Biển, đảo Việt Nam - Người chiến sĩ Hải quân”; in, phát hành hàng vạn băng đĩa hình, tranh cổ động, tuyên truyền với các chủ đề về luật biển, chủ quyền biển đảo Việt Nam và hoạt động của Hải quân nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã huy động hơn 3 triệu ngày công, hơn 5.000 phương tiện các loại, hỗ trợ các địa phương tham gia làm hơn 400m đường bê tông nông thôn mới, sửa chữa xây dựng 40 nhà văn hóa, 50 trường học, 30 trạm y tế, tặng đồ dùng và sách vở cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng giá trị trên 150 tỷ đồng.

Hoạt động phối hợp TTBĐ đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị có điều kiện nghiên cứu, nắm bắt tình hình thực tiễn, những diễn biến trên biển, những động thái mới của các nước có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về biển, đảo nói chung và hoạt động TTBĐ nói riêng. Vì vậy, có rất nhiều phong trào, hoạt động do các ban ngành, đoàn thể của các tỉnh, thành phố, cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức, phát động tạo sức lan tỏa lớn trong nhân dân cả nước như Cuộc vận động “Trường Sa vì cả nước”, “Vì biển đảo quê hương”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Trường Sa xanh”, “Hát cùng DKI thân yêu”...

Từ tháng 4/2019, Quân chủng Hải quân đã chủ động phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Để nâng cao nhận thức cho ngư dân, Quân chủng Hải quân đã chủ động xây dựng đề cương, cử hơn 500 lượt báo cáo viên trực tiếp đến các cảng cá, âu tàu, khu neo đậu để thông tin, tuyên truyền cho trên 95.000 lượt chủ tàu và ngư dân. Các tổ, đội lưu động tại các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển sử dụng gần 1.000 lần phát loa tuyên truyền cho hơn 3.500 lượt tàu thuyền ngư dân hoạt động trên các vùng biển xa bờ; biên soạn, in ấn và cấp phát hơn 100.000 bộ tài liệu, tờ rơi, tờ gấp cho chủ tàu và ngư dân.

Cùng với đó, Quân chủng đã huy động trên 300 phương tiện tổ chức cứu nạn được 400 tàu thuyền cùng hơn 1.000 lượt ngư dân gặp nạn trên các vùng biển, đảo; tặng cờ Tổ quốc, áo phao cứu sinh, đèn pin đi biển, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh và tặng quà ngư dân có hoàn cảnh khó khăn… với tổng giá trị trên 25 tỷ đồng.

Đặc biệt, Quân chủng đã phối hợp với các địa phương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Cục Kiểm ngư Việt Nam triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá ngư dân đánh bắt trái phép trên vùng biển của nước khác, không đăng ký, không khai báo theo Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ góp phần giảm thiểu số tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.

Ngoài ra, từ tháng 12/2022, Quân chủng triển khai thực hiện hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng tình đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân, củng cố, tăng cường niềm tin, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Công tác phối hợp TTBĐ đã góp phần bồi đắp tình cảm, phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, tăng cường niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, vào sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Đồng thời, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận cho cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân ta, kiều bào Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về biển đảo, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, những chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam, về hoạt động đối ngoại quốc phòng... tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội trong các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền từ thời kháng chiến đến nay luôn là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, gắn kết lòng dân với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với những bản hùng ca giữa rừng núi đến công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hôm nay, công tác tuyên truyền luôn là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc; không chỉ khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết mà còn xây dựng ý thức trách nhiệm cho mỗi người dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi những thách thức về biển, đảo ngày càng phức tạp, công tác tuyên truyền càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó là cầu nối để mỗi người dân thấu hiểu giá trị thiêng liêng của từng tấc đất, tấc biển và chung tay gìn giữ. Phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, thế hệ hôm nay và mai sau cần tiếp tục nỗ lực, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ gìn hòa bình và phát triển bền vững cho đất nước.

 

 Đức Thương - Mạnh Quỳnh

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr. 539.

[2] Dẫn theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 83

[4] https://nvsk.vnanet.vn/phat-bieu-cua-dong-chi-vo-nguyen-giap-tai-le-thanh-lap-doi-tuyen-truyen-viet-nam-giai-phong-quan-ngay-22-12-1944-1-159108.vna

Từ “Đội tuyên truyền” theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh Cách đây 80 năm, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Với văn phong giản dị, ngắn gọn, súc tích bởi 318 từ, nhưng Chỉ thị của Bác đã hàm chứa đầy đủ nội dung của một Cương lĩnh quân sự lịch sử, vạch rõ nguyên tắc, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; là những tư tưởng cơ bản, cốt lõi nhất, không chỉ có tác dụng chỉ đạo, định hướng việc xây dựng Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân lúc đó, mà còn nguyên giá trị trong định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Mở đầu,

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn