Không chỉ nổi tiếng là một nhà chính trị, một lãnh tụ chính trị kiệt xuất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà chiến lược quân sự thiên tài. Là người trực tiếp sáng lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam nên hẳn Người có những lời huấn thị vô cùng sâu sắc mà giá trị còn trường tồn với thời gian. Lời ghi nhớ: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” nhân dịp Người về thăm Trường Chính trị trung cấp Quân đội (nay là Học viện Chính trị/Bộ Quốc phòng) ngày 25-10-1951 có ý nghĩa tuyên chiến trực diện với những luận điệu và âm mưu đòi “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch.

“Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”
“Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”

Lấy chính trị làm gốc nghĩa là gì?

Lập trường chính trị quân đội của một quốc gia dân tộc là phản ánh về bản chất giai cấp của quân đội đó. Nói ngắn gọn, lập trường chính trị của quân đội là trả lời cho câu hỏi: quân đội đó của ai? và phục vụ, bảo vệ ai? Vì trong chức năng, nhiệm vụ của mình nên quân đội không thể không mang bản chất của một giai cấp nhất định. Điều này Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Quân đội là một tập đoàn có tổ chức gồm những người được vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự”[1] và “quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó”[2]. Như vậy, quân đội luôn là của nhà nước, mà nhà nước luôn là của giai cấp thống trị, nên bản chất giai cấp của quân đội cũng luôn gắn với giai cấp thống trị nhà nước.

Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời xuất phát từ yêu cầu của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, do đó mang lập trường tính Đảng, tức mang bản chất giai cấp công nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”[3]. Chính trị của Đảng, chính sách của Đảng chính là kiên định và thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tại sao phải lấy chính trị làm gốc?

Từ khi có giai cấp, nhà nước, quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định. Quân đội luôn được “nhà nước tổ chức ra và nuôi dưỡng” nên tất yếu nó tồn tại và phát triển lệ thuộc vào bản chất, mục tiêu chính trị và tiềm lực của nhà nước đó.

Ngay trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh có ghi rõ: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”[4]. Trọng chính trị hơn vì sự giác ngộ chính trị, bản lĩnh chính trị - những nhân tố tinh thần đặc biệt như cội nguồn mọi chiến thắng của quân đội. V.I.Lênin từng nói: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”[5]. Lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười Nga còn nhấn mạnh, quân đội của giai cấp công nhân phải do những người cộng sản lãnh đạo, chỉ huy, nên “cần thiết phải thường xuyên và kiên trì tuyên truyền cổ động trong quân đội và thành lập các chi bộ cộng sản trong mỗi một đơn vị quân đội”[6], vì “không có các chính ủy, chúng ta sẽ không có Hồng quân”[7]. Trong sản xuất cũng như chiến đấu, không phải công cụ kỹ thuật hay vũ trang, khí tài là yếu tố quyết định mà sự thành công, chiến thắng chính nhờ nhân tố hàng đầu này: con người và những năng lực phẩm chất của họ. Chính vì thế, khi viết về nhiệm vụ “chấn chỉnh quân đội” trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II, tháng4/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc[8].

Dưới chỉ dẫn tư tưởng quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam qua tổ chức, hoạt động của các chi bộ, chính ủy, đường lối chính trị của Đảng - công cụ chỉ đường và giữ gìn bản chất giai cấp công nhân giúp góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tâm chiến đấu hy sinh của những người chiến sỹ nên sức mạnh của quân đội hẳn được tăng lên, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Khi quân đội ta vững về chính trị sẽ bảo đảm tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước. Giáo dục chính trị, lấy chính trị làm gốc của quân đội được ẩn dụ như khi gốc của cây được chăm bón vững bền, cây sẽ sum suê, đươm hoa kết trái. Ngược lại, sự tươi tốt của cây giúp che chở bảo vệ cho gốc và gia tăng sức mạnh, giá trị của nó. Quan hệ thống nhất biện chứng đó giống như giữa chính trị với quân đội ta, giữa quân đội ta với Đảng và Nhà nước sáng lập, lãnh đạo đã được thử thách, tôi luyện trong thực tiễn giúp cho “quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”[9]. Nhân dịp kỷ niệm lực lượng này tròn 20 tuổi, Bác Hồ đã khen ngợi và khái quát đầy đủ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả”[10].

Cây không có gốc thì cây héo úa và chết, quân sự mà không có chính trị, không phục tùng chính trị thì cũng cùng chung số phận như cây không có gốc, thậm chí Bác Hồ còn cho rằng nó vô dụng, lại có hại. Tại sao không dừng ở “vô dụng” mà Người còn nâng mức cảnh báo “lại có hại” - sự nguy hiểm khôn lường của nó? Bởi vì, quân đội luôn với tư cách là một công cụ bạo lực, nếu không có chính trị, tức đánh rơi mục tiêu, lý tưởng của nó là phục vụ cho giai cấp nào, bảo vệ quyền lợi của ai, hy sinh vì ai… thì quả thật sẽ rất bi đát cho số phận của quân đội đó cùng với đảng phái, nhà nước và dân tộc đã sản sinh ra nó. Sự “phi chính trị hóa” trong quân đội chính là đồng nghĩa với việc đảng của giai cấp cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và dân tộc đó vứt bỏ đi những công cụ tự vệ hữu hiệu nhất của mình; vai trò lãnh đạo, cầm quyền của đảng đó đã bị “vô hiệu hóa”… Chính vì thế, đây là con đường dẫn đến tử huyệt mà các thế lực thù địch biến thành thủ đoạn nham hiểm, thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng cách tung hô, cổ xúy cho cái gọi là “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “phi đảng hóa”, “phi chính trị hóa”, mưu toan tách quân đội ta ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam. Xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các nước tư bản phương Tây, luận điệu đòi “phi chính trị hóa”, “phi đảng hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã bị V.I.Lênin vạch trần tính giả tạo của nó trong trong bài báo “Quân đội và cách mạng” đăng trên báo “Đời sống mới” của nước Nga, ngày 16/11/1905: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động, biến binh lính Nga thành tôi tớ của bọn Trăm đen, thành những kẻ đồng lõa với cảnh sát”[11].

Về mặt thực tiễn, “phi chính trị hóa” quân đội thì hệ quả thế nào? Sự đổ vỡ của Liên bang Xôviết ở thập niên 90 của thế kỷ trước là câu trả lời chuẩn xác và điển hình nhất. Công cuộc cải tổ sai lầm với những quyết lệnh giải thể các cơ quan chính trị và chấm dứt những hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô trong quân đội của Gorbachev và các nhà lãnh đạo cao cấp đã làm cho một quân đội được đánh giá là mạnh nhất thế giới, với quân số đông, trang bị vũ khí hiện đại dần mất phương hướng chính trị, nhuệ khí, “cầm súng nhưng không biết bắn vào ai”. Đây cũng là bài học nhãn tiền chưa bao giờ cũ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta cần cảnh tỉnh và kiên quyết đấu tranh đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch chống phá nhằm “phi chính trị hóa” quân đội nhân dân Việt Nam./.


[1]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1994, tr.11.

[2]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.20, tr.240.

[3]. Hồ Chí Minh: Sđd , t.7, tr.217.

[4]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.3, tr.539.

[5]. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, t.41, tr.147.

[6]. V.I.Lênin: Sđd, t.41, tr.250.

[7]. V.I.Lênin: Sđd, t.41, tr.179.

[8]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.397-398.

[9]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr.434.

[10]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr.435.

[11]. V.I.Lênin: Sđd, t.12, tr.136.

Văn Hiền

Lấy chính trị làm gốc nghĩa là gì? Lập trường chính trị quân đội của một quốc gia dân tộc là phản ánh về bản chất giai cấp của quân đội đó. Nói ngắn gọn, lập trường chính trị của quân đội là trả lời cho câu hỏi: quân đội đó của ai? và phục vụ, bảo vệ ai? Vì trong chức năng, nhiệm vụ của mình nên quân đội không thể không mang bản chất của một giai cấp nhất định. Điều này Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Quân đội là một tập đoàn có tổ chức gồm những người được vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự”[1] và “quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó”[2]. Như vậy, quân đội luôn l&agrav

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn