Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới
Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (năm 1963). Ảnh tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu,“nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta”[7, tr.7]. Vì thế, cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức thực dân giành tự do, độc lập cho dân tộc, giành lại quyền làm người và bảo vệ những giá trị của con người bao gồm cả cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức về trí tuệ, giành lại quyền được học tập, quyền được nâng cao trình độ nhận thức của mỗi người. Ngược lại, sự giác ngộ của quần chúng về con đường cách mạng, dân trí được nâng cao sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng phát triển.

1. Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thấu hiểu nguy cơ của nạn thất học này. Người coi “dốt cũng là một thứ giặc”, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[7, tr.7]. Do đó, ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại phiên họp, Người nêu 6 nhiệm vụ cấp bách mà một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là mở chiến dịch chống nạn mù chữ mà Người gọi là “Diệt giặc dốt”. Người đã nâng công tác xóa mù chữ lên thành cấp chiến dịch - cấp cao nhất trong tác chiến, điều đó đã cho ta thấy được vai trò của trình độ dân trí, vai trò của giáo dục - đào tạo đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước quan trọng như thế nào. Trình độ dân trí hay trình độ học vấn, mặt bằng dân trí cần được ngày càng nâng cao để tạo ra lực đẩy trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Không những thế, việc nâng cao trình độ dân trí còn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh đã từng kêu gọi:

“Quốc dân Việt Nam!

Muốn giữ vững nền độc lập,

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”[7, tr.40].

Nhận thức được tính chất quan trọng và then chốt của tri thức đối với sự phát triển của đất nước, đối với sự hưng thịnh của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến vấn đề chấn hưng dân tộc, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân.

Hồ Chí Minh nhận định: “Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực. Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng”[8, tr.469]. Từ những thực trạng đó, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vai trò và sự cần thiết của việc nâng cao dân trí, vực dậy tinh thần, trình độ, trí tuệ của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Và đó cũng chính là giành lại nền độc lập nước nhà, thủ tiêu ách thống trị của thực dân Pháp đối với dân tộc, mang lại quyền sống, quyền làm chủ cho Nhân dân, thì việc mở mang và nâng cao dân trí đã thực sự giải phóng tinh thần của Nhân dân, đặt người dân vào vị trí xứng đáng là chủ nhân đích thực của đất nước.

Suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn mong muốn xây dựng được một xã hội mới về chất, cao hơn hẳn xã hội cũ - xã hội Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa. Và để xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo Người, “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[9, tr.66]. Đào tạo con người xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác ngoài giáo dục tri thức khoa học và lý tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đó là nền giáo dục nhằm phát triển con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên” trong thời đại mới. Hồ Chí Minh quan niệm rằng, muốn phát triển kinh tế - xã hội cần phải huy động được trí tuệ của Nhân dân, bởi Nhân dân là những con người sáng tạo nhất, thông minh nhất, quần chúng Nhân dân có thể giải quyết được mọi khó khăn; nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[8, tr.335]. Nhưng với Người, đó không phải là những người dân bất kỳ, mà phải là những người được giáo dục, được giác ngộ và tổ chức, những người vừa có đức, vừa có tài. Vì vậy, việc quan trọng và cần thiết là phải bồi dưỡng sức dân, giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài để có thể “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”[7, tr.81].

Ngay từ năm 1925, khi Đảng còn chưa ra đời, trực tiếp Nguyễn Ái Quốc – lãnh tụ cách mạng của Đảng đã mở các lớp học để tuyên truyền, đào tạo những lớp thanh niên Việt Nam. Chính Tập bài giảng tại các lớp học này của Nguyễn Ái Quốc đã trở thành cuốn giáo khoa mở đầu cho nền giáo dục cách mạng. Nó hướng tới việc nâng tầm nhận thức và đào tạo những con người có đạo đức và trí tuệ, có lý tưởng và tinh thần yêu nước đúng đắn.

Ngay sau phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chiến dịch chống nạn mù chữ chính thức được phát động từ ngày 8-9-1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra các sắc lệnh - số 17 lập Nha bình dân học vụ để phục trách việc chống mù chữ và đặt ra quy định bình dân học vụ trên toàn đất nước; Sắc lệnh số 19 quy định mỗi làng phải mở lớp học bình dân, trong đó thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; Sắc lệnh số 20 cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền; đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để phục vụ chiến dịch xóa mù chữ, Nha Bình dân học vụ chính thức ra đời ngày 18-9-1945. Khóa huấn luyện cán bộ bình dân học vụ đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh đã mở tại Hà Nội.

Ngày 04-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi “chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Người nhấn mạnh: “…Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học”[7, tr.40]. Bởi theo Người, nếu dân không biết đọc, không biết viết thì làm sao người dân có thể nắm được thông tin Cách mạng, làm sao thực hiện được quyền dân chủ. Khi dân trí được nâng cao sẽ tạo tiền đề, mở lối cho những tư tưởng cách mạng thấm nhuần vào quần chúng, tôn thêm nền móng vững chãi để chính quyền non trẻ vượt qua những thử thách sống còn.

Thực hiện sắc lệnh và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Bình dân học vụ, từng bước nâng cao dân trí nhanh chóng được triển khai, lan rộng và ăn sâu vào từng thôn xóm, bản làng. Người học bao gồm đầy đủ các thành phần, từ trẻ em đến thanh niên, phụ nữ và các cụ già. Giáo viên là thầy giáo dạy ở các trường học, là cán bộ các ngành, là học sinh, bộ đội, từ mọi tầng lớp nhân dân đã biết chữ và cả những người vừa thoát nạn mù chữ; người biết chữ dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít…

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ lâm thời, mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong một thời gian ngắn, nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Sau một năm thực hiện phong trào xóa nạn mù chữ, đã có 75.805 lớp học xóa mù chữ được tổ chức, với sự tham gia giảng dạy của 97.664 người. Có hơn 2,5 triệu học viên đã biết đọc, biết viết. Các trường học từ hệ tiểu học, trung học, đến đại học bắt đầu được khai giảng trở lại. Năm học 1945-1946, chỉ tính riêng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đã có 5.654 trường tiểu học được mở, với 206.784 học sinh và 25 trường trung học, với 7.514 học sinh. Ở bậc đại học và cao đẳng, các trường Y khoa, Dược khoa, Cao đẳng Kỹ thuật, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng Canh nông, Thú y được mở lại. Đồng thời, trường Đại học Văn khoa, lớp chính trị xã hội được mở thêm[10, tr.36-37].

Phong trào Bình dân học vụ cứ thế phát triển, đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, theo các đoàn dân công tiếp vận cho các chiến trường... Những lớp bổ túc văn hóa, tiếp sau bình dân học vụ xóa mù chữ đã đưa 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến (1946-1954) vừa lo chống giặc giữ nước, vừa học tập, thoát nạn mù chữ, và 5 năm sau, năm 1959, tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du miền Bắc đều hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân ở độ tuổi 12-50. Kết thúc kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965) các vùng thấp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho Nhân dân các dân tộc thiểu số.

Những con số trên là kết quả bước đầu trong chiến dịch khởi đầu của tiến trình tiêu diệt giặc dốt, khơi dậy sức mạnh trí tuệ trong mỗi con người. Mục tiêu đầu tiên trong công cuộc nâng cao dân trí cho Nhân dân của Hồ Chí Minh chính là khắc phục sự dốt nát mà khâu đầu tiên là ở trình độ cơ bản: biết đọc, biết viết. Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu lớn hơn của chiến lược phát triển giáo dục, nâng cao dân trí do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng khởi xướng và lãnh đạo là đưa tri thức đến với đông đảo các tầng lớp, các giai cấp trong xã hội, đặc biệt là công – nông để nhằm công nông hóa trí thức, trí thức hóa công nông.

2. Sự vận dụng của Đảng trong việc nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân trong thời kỳ đổi mới

Tiếp nối các thành quả trong phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, chấn hưng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng lãnh đạo từ những ngày đầu mới lập nước, ngày nay, trong bối cảnh mới, ngay từ những năm đầu đổi mới, trong Văn kiện Đại hội VI, Đại hội VII, Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.Tại đại hội Đảng lần VIII (năm 1996), Đảng đưa ra mục tiêu: “Nâng cao mặt bằng dân trí, bảo đảm những tri thức cần thiết để mọi người gia nhập cuộc sống xã hội và kinh tế theo kịp tiến trình đổi mới và phát triển đất nước. Đào tạo bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá...” [1, tr.465]. Để đạt được mục tiêu này, Đảng đã tiếp tục tập trung công tác thanh toán nạn mù chữ cho Nhân dân lao động, mở rộng phạm vi, biên độ nhân dân biết chữ ở các độ tuổi khác nhau, đồng thời tích cực xóa mù chữ cho Nhân dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và những vùng có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh công tác xóa mù chữ, Đảng đã nâng cao một bước bằng việc trang bị cho Nhân dân những kiến thức cần thiết về khoa học, văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, tin học cho học sinh từ cấp học phổ thông nhằm tạo ra nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và thứ X, Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng”[2, tr.347], từ đó Đảng đã có những chính sách cụ thể nhằm trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước; xây dựng và hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài… Từ mục tiêu nâng cao dân trí mà Đảng thực hiện tập trung vào những năm trước đổi mới, sau đó là mục tiêu đào tạo nhân lực và cao hơn nữa là bồi dưỡng nhân tài cũng đã được Đảng xác định là nhiệm vụ rất cần thiết. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, Đảng vẫn tiếp tục nhất quán những chủ trương về nâng cao dân trí đã được nêu ra trước đó, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, thông qua những chủ trương cụ thể nhằm nâng cao trình độ cho các đối tượng cụ thể, từ trình độ đội ngũ giáo viên các cấp, cho đến việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học và cao đẳng; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và đào tạo đội ngũ lao động có trình độ cao, nhất là đội ngũ lao động trong các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn, các ngành công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhân tài của đất nước trong quá trình công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Nghị quyết Trung ương 8, Đảng xác định, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Chủ trương này đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách bằng việc tập trung phát triển mạng lưới trường, lớp đến các xã, thôn, bản, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị; các chế độ, chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên công tác ở các vùng này, các trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số và các chính sách cho người học là người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách, đảm bảo cơ hội học tập cho mọi người.

Nhận thức sâu sắc về vai trò của giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời k quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng đã xác định rõ: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”[3, tr.77].

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng tiếp tục chủ trương về phát triển giáo dục và đào tạo nhằm mục tiêu nhất quán nhưng gắn với yêu cầu của thời đại mới: “Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học - công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”[4, tr.232-233]. Từ những chủ trương nhất quán của Đảng đến việc cụ thể hóa thành chính sách pháp luật của Nhà nước và tinh thần thực hiện của các tầng lớp nhân dân, tính đến cuối năm 2020, Hệ thống giáo dục và đào tạo của nước ta hiện có 53.000 trường, với 23 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, số lượng cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng là hơn 440 trường; giáo dục nghề nghiệp khoảng 2.000 cơ sở. Tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm 9,19%; khối đại học có tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập cao nhất 27,7%, tiếp theo là khối mầm non, trung học phổ thông, tiểu học và trung học cơ sở. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục gồm 1,5 triệu người, gia tăng cả số lượng và chất lượng so với nhiệm kỳ trước. Riêng đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở bậc phổ thông đã có 70% đạt chuẩn[6], những con số này đã phần nào minh chứng cho kết quả vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự kiên quyết thực hiện mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” xuyên suốt qua các thời kỳ của Đảng.

Đến nay, Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước đã trải qua 35 năm đổi mới, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tiềm lực quốc gia dân tộc được tăng cường về mọi mặt. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, thế giới đang chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều quốc gia đang dần tiến đến nền kinh tế tri thức và kinh tế số thì yêu cầu về việc phải xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày trở nên cấp thiết. Đảng nhấn mạnh, phải “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao...”[5, tr.231] và cụ thể trách nhiệm của giáo dục và đào tạo phải hướng đến xây dựng những con người “có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”[5, tr.54].

Kết luận

Từ sự vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí, quá trình thực hiện mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” của Đảng qua các thời kỳ đã thể hiện sự nhất quán trong đường lối, chủ trương, chính sách chấn hưng dân tộc, phát triển đất nước nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 55, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 65Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] GS, TS Hoàng Ngọc Hòa (2022), “Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (2016-2020)”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, http://lyluanchinhtri.vn

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[10] Lý Việt Quang (2017), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
  Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (năm 1963). Ảnh tư liệu Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu,“nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta”[7, tr.7]. Vì thế, cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức thực dân giành tự do, độc lập cho dân tộc, giành lại quyền làm người và bảo vệ những giá trị của con người bao gồm cả cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức về trí tuệ, giành lại quyền được học tập, quyền được nâng cao trình độ nhận thức của mỗi người. Ngược lại, sự gi&aac

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn