Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Người chủ trương thiết lập quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, bình đẳng và cùng có lợi trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết những bất đồng thông qua hòa bình, thương lượng. Những quan điểm đó vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và sự vận dụng trong đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay
Quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và sự vận dụng trong đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay

1. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, Hồ Chí Minh luôn kiên trì đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Người coi độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường…”1. Có thể khái quát những nội dung cơ bản quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ như sau:

Thứ nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là vấn đề hệ trọng, thiêng liêng và bất khả xâm phạm. 

Chủ quyền và lãnh thổ quốc gia Việt Nam (bao gồm cả trên đất liền và trên biển) được hình thành và xác lập trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước gắn liền với giữ nước của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo, “Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa… Nhiệm vụ của dân tộc trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”2.  Thực hiện lời thề trong Tuyên ngôn Độc lập: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”3, nhân dân Việt Nam vượt qua nhiều thách thức, khó khăn to lớn để bảo vệ những quyền dân tộc cơ bản, thiêng liêng: độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Trước âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại bang, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình… Để giữ quyền tự do độc lập của Tổ quốc, chúng ta phải kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”4. Phát biểu tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa III, ngày 10-4-1965, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta”5. Vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý chí, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời Người cũng bày tỏ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam, sẵn sàng “trải thảm đỏ” và “rắc hoa” cho quân Mỹ về nước nếu họ từ bỏ mưu đồ xâm lược Việt Nam. Ngày 25-8-1969, đúng một tuần trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon, nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”6.  

Nói chuyện với các đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng (2-6-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Rừng vàng, biển bạc là của ta, do nhân dân ta làm chủ”7. Theo Người, “làm chủ vùng biển”, bên cạnh phát huy tiềm năng, khai thác các nguồn lợi kinh tế biển, đảo phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, vươn ra biển để phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và nâng cao đời sống cho nhân dân. Người nhấn mạnh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”8. Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, không thể tách rời, không thể chia cắt; do đó bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Thứ hai, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, bình đẳng và cùng có lợi.

Tư tưởng hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác của Hồ Chí Minh hướng đến điều hòa sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, qua đó mở rộng sự hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp bày tỏ mong muốn tìm ra các giải pháp để chấm dứt chiến sự, thực hiện sự hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. “Nhân dân Việt Nam đã bị chính sách vũ lực, chính sách xâm lăng của một vài người đại diện Pháp ở Đông Dương xô đẩy vào một cuộc chiến tranh tự vệ thảm khốc. Những người đại diện đó đã tìm mọi cách để chia rẽ dân tộc chúng tôi, cắt xén Tổ quốc chúng tôi, xâm phạm chủ quyền quốc gia của chúng tôi, ngăn cản không cho chúng tôi độc lập và phá hoại sự hợp tác thành thực của hai dân tộc Việt-Pháp”9. Hai mươi năm sau, trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 8-2-1966, Charles de Gaulle viết: “Giá có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay”10.

Tháng 9-1947, trả lời câu hỏi của nhà báo Mỹ S.Êli Mâysi về “đại cương chính sách đối ngoại của nước Việt Nam”, Hồ Chí Minh xác định: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”11. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ sở để thiết lập quan hệ hòa bình, hữu nghị là các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới nhưng hòa bình, hữu nghị không thể tách rời các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới, ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”12. Tháng 6-1955, khi thăm Trung Quốc, một lần nữa, Người khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình”13. Những tuyên bố và quan điểm của Hồ Chí Minh thể hiện rõ lập trường nhất quán trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam là hòa bình, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, chống mọi sự áp đặt, cường quyền, nước lớn.

Thứ ba, tạo lập môi trường quan hệ quốc tế hòa bình, hợp tác thân thiện, giải quyết các vấn đề bất đồng, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ thông qua đối thoại, đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Sau năm 1945, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại, đưa ra các quan điểm và nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế: nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không phân biệt đối xử trong các quan hệ quốc tế; nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi; nguyên tắc giải quyết những bất đồng, xung đột bằng con đường ngoại giao, đàm phán hòa bình với những thiện chí và nỗ lực của các bên. Người nhiều lần tuyên bố: “thực hiện chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau”14. Phát biểu tại lễ Quốc khánh lần thứ 10 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong quan hệ đối với các nước khác, chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là rõ ràng và trong sáng: Đó là một chính sách hòa bình và quan hệ tốt. Chính sách đó dựa trên năm nguyên tắc vĩ đại nêu trong các bản tuyên bố chung Trung-Ấn và Trung-Miến, tức là: Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm phạm, không can thiệp vào các công việc nội bộ, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chung sống hòa bình”15. Người nêu rõ: “Về quan hệ quốc tế, chúng tôi luôn luôn trung thành với chính sách hòa bình và hợp tác giữa các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình”16

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn thể hiện quan điểm nhất quán, mong muốn thực hiện sự đoàn kết, hợp tác thân thiện với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, sắc tộc, địa lý. Theo Người, muốn giữ được độc lập dân tộc và phát triển đất nước, phải tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế, lấy tinh thần hòa bình, thiện chí để giải quyết những bất đồng, tranh chấp trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo quốc gia. Người thường xuyên nhắc nhở: “Tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng bằng nhiều hình thức ngoại giao nhà nước đến việc thiết lập quan hệ với chính quyền và nhân dân các địa phương sống chung cùng đường biên giới, giải quyết xung đột bằng đàm phán thương lượng”17. Trên quan điểm các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, Việt Nam sẵn sàng đàm phán, có lý có tình, tôn trọng sự thật, đề cao lẽ phải để giải quyết các bất đồng, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, xây dựng đường biên giới, vùng biển, đảo hòa bình, hữu nghị bền vững lâu dài. 

 

 

2. Những tuyên bố chủ quyền18 và hành động của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam làm cho tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường. Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền để củng cố lập trường và yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông; tăng cường xây dựng, tôn tạo một số bãi đá ngầm chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, có quy mô lớn. Những hành động của Trung Quốc đã vi phạm pháp luật quốc tế, Tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại hoàn toàn tuyên bố về “con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc”, chính sách láng giềng thân thiện, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi của Trung Quốc. Cuộc đấu tranh của Việt Nam “bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn”19 trong điều kiện Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, tiến tới độc chiếm Biển Đông. 

 

Quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nắm vững phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên quyết đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cái “bất biến” là kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh hải và toàn vẹn lãnh thổ; cái “vạn biến” là vận dụng sáng tạo mọi đối sách, kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo, nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh chính nghĩa, đề cao lẽ phải để bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Việt Nam đấu tranh trên cơ sở pháp luật của quốc tế, giữ vững nguyên tắc, đồng thời kiên trì phương châm hòa hiếu, hòa bình, “vừa đấu tranh, vừa hợp tác”. Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản có thể xảy ra, không để Tổ quốc “bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”20. Là thành viên của Hiến chương Liên hợp quốc, của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cũng như Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, kiên trì con đường giải quyết các vấn đề phát sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước. “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông, lệ thuộc nào đó”21.  

Thứ hai, tăng cường sức mạnh nội lực và tiềm lực của đất nước, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng trong các tầng lớp nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, “Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”22. Những căn cứ khoa học và cơ sở lịch sử-pháp lý vững chắc khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cơ sở cho sự đồng thuận, đoàn kết trong nước và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng, dư luận quốc tế.  Do đó, cần nâng cao hiểu biết của nhân dân về vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên Biển Đông, về cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý về chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ quyền, lãnh thổ của đất nước, làm cho mọi người dân nhận thức đúng đắn về chủ quyền quốc gia, chủ quyền lãnh hải với nội dung toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Chủ trương xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa tại thành phố Đà Nẵng làm nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là nơi minh chứng về sự thật trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cổ vũ tinh thần đấu tranh, ý chí bảo vệ chủ quyền trong mọi tầng lớp nhân dân23.  

Trước những thách thức mới của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bài học không bao giờ cũ là tăng cường đoàn kết dân tộc và sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp đất nước, “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị-xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”24

Thứ ba, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, giúp đỡ quốc tế, chú trọng “mở rộng tập hợp lực lượng quốc tế, thêm bạn bớt thù” với phương châm: “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết” để tập hợp lực lượng quốc tế25. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhiều khó khăn, phức tạp và lâu dài nhưng đây là sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Việt Nam chủ trương đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các phương tiện, biện pháp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, pháp lý và ngoại giao, trong đó công tác thông tin, tuyên truyền là một mặt trận quan trọng. Cần có chiến lược thông tin đối ngoại đúng đắn, tăng cường công tác thông tin, trưng bày, triển lãm các hình ảnh, tư liệu, bản đồ, hiện vật để  nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc có cái nhìn khách quan về sự thật không thể phủ nhận là từ lâu đời, các Nhà nước Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với các quy định liên quan của luật pháp quốc tế; lãnh thổ Trung Quốc từ bao đời nay chỉ kết thúc ở đảo Hải Nam, không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với việc triển khai mạnh mẽ, chủ động mặt trận đấu tranh ngoại giao, nhất là ngoại giao pháp lý trên các diễn đàn và trong các tổ chức khu vực, quốc tế, cần kịp thời đấu tranh phản bác lại những thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, đấu tranh làm rõ sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trước công luận quốc tế, qua đó làm cho dư luận thế giới thấy rõ lẽ phải và chính nghĩa của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Cộng đồng ASEAN và các nước trên thế giới. 

Hơn 70 năm trước (7-1946), trong lời đáp từ buổi chiêu đãi của Chủ tịch Chính phủ Pháp G.Biđôn, Hồ Chí Minh nêu rõ: “sự thành thực và sự tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại… Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác)”26. Theo đó, một đất nước, một dân tộc biết quý trọng, giữ gìn độc lập, thống nhất của dân tộc mình, không thể không tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc khác. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, với cơ sở lịch sử và những bằng chứng pháp lý vững chắc, với sức mạnh của chính nghĩa và lẽ phải, với sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của thời đại, “cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam để bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng”27 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 10/2016

1. Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQG-Nxb Thanh niên, H, 1994, tr. 105

2. Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946. Xem Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), Nxb CTQG, H, 1995, tr. 7

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 3

4. Sđd, T. 8, tr. 272-273 

5, 14. Sđd, T. 14, tr. 532, 282-283

6. Sđd, T. 15, tr. 602

7. Sđd, T. 9, tr. 504

8. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với bộ đội Hải quân, ngày 15-3-1961. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H, 1985, tr. 71

9. Thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, ngày 7-1-1947. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 11

10. Dẫn theo Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb CTQG, H, 2002, tr. 91

11. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 256

12. Sđd, T. 6, tr. 311

13, 15. Sđd, T. 10, tr. 12, 113-114

16. Sđd, T. 11, tr. 271

17. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác biên phòng, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 262

18. Ngày 7-11-2015, nhân chuyến thăm Singapore, ông Tập Cận Bình khẳng định: “các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ xưa”; do đó, Bắc Kinh phải “giữ gìn chủ quyền và lợi ích biển của mình”. Xem Nguyễn Nhâm: “An ninh toàn cầu năm 2016: Từ góc nhìn dự báo”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 1-2016, tr. 109

19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 75

20, 24. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2013, tr. 169, 169

21. Trả lời phỏng vấn hãng AP và Reuters tại Manila (Philippines), ngày 22-5-2014, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tạp chí Người làm báo, số 82 (373), 3-2015, tr. 34

22. Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, ngày 25-11-2011. Kỷ yếu Hoàng Sa (tái bản có chỉnh sửa, bổ sung), Nxb Thông tin và Truyền thông, H, 2014, tr. 69

23. Xem UBND Thành phố Đà Nẵng: Quyết định phê duyệt Đề cương chi tiết Nhà Trưng bày Hoàng Sa, 4-2016

25. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 8, tr. 27

26. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 304

27. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa-bộ phận lãnh thổ của Việt Nam, Nxb ST, H, 1982, tr. 54.

 

1. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, Hồ Chí Minh luôn kiên trì đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Người coi độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường…”1. Có thể khái quát những nội dung cơ bản quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ như sau: Thứ nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là vấn đề hệ trọng, thiêng liêng và bất khả x

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn