Bằng những tư tưởng đúng đắn, sáng tạo, độc đáo được chắt lọc từ chính thực tiễn chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là những chỉ dẫn quan trọng, “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá” làm nền tảng tư tưởng để Đảng ta hoạch định chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc “từ sớm, từ xa” - nền tảng tư tưởng của chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc “từ sớm, từ xa” - nền tảng tư tưởng của chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

 

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19-9-1954 (Ảnh: hochiminh.vn)

Là người hoạch định và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi bảo vệ Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Ngày 19/9/1954, nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), tại Đền Giếng (thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ), Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đối với Người, bảo vệ Tổ quốc không phải chỉ khi chiến tranh xảy ra mà phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện cần thiết trong thời bình nhằm sẵn sàng giành thế chủ động, đánh bại mọi âm mưu, hành động chống phá, xâm lược của kẻ thù. Người chỉ rõ: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, thấy trước, chuẩn bị trước”.

1. Đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Với những trải nghiệm phong phú và đầy khắc nghiệt từ thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch  Hồ Chí Minh luôn nhận thức đầy đủ ý nghĩa của quyền độc lập, tự chủ. Theo Người, “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Trong “Lời kêu gọi nhân ngày kỷ niệm Độc lập” (2/9/1948), Người khẳng định: “Độc lập mà không có quân đội riêng, ngoại giao riêng, kinh tế riêng. Nhân dân Việt Nam quyết không thèm thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy”. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chính quyền nhân dân non trẻ đã cùng một lúc phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách. Tình thế cách mạng lúc này như “Ngàn cân treo sợi tóc”. Chính quyền dân chủ nhân dân - thành quả của cuộc đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh đang đứng trước nhiều thử thách, có nguy cơ bị lật đổ, nền độc lập dân tộc vừa mới giành được có nguy cơ bị mất. Thấm nhuần tư tưởng giành được chính quyền đã khó, nhưng bảo vệ chính quyền còn khó hơn của V.I. Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ vững chắc chế độ xã hội mới.

Theo Người, để bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước phải quan tâm giải quyết vấn đề gốc rễ đó là ra sức nâng cao sức mạnh “tự bảo vệ” của Tổ quốc. Bởi vì, “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”. Trong điều kiện chính quyền vừa được xây dựng, còn non trẻ, muốn bảo vệ được chính quyền thì trước hết phải chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh về mọi mặt để đủ sức “tự bảo vệ” trước dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp và Đồng minh. Vì vậy, trong nhiều nhiệm vụ cần kíp đặt ra ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ củng cố chính quyền cách mạng và chăm lo bồi dưỡng sức dân.

Trong xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nhiệm vụ quan trọng trước tiên là phải xây dựng cho chính quyền mới một cơ sở pháp lý vững chắc. Theo Người, đã là một nước dân chủ thì chính quyền phải do nhân dân lập ra, do dân lựa chọn đó là cơ sở để nhân dân “đem hết tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải” để góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” và “phải có một hiến pháp dân chủ”.

Người nhấn mạnh đến mối quan hệ khăng khít bền chặt giữa Nhà nước và công dân, đồng thời xác định tư cách của từng chủ thể. Theo Người, Chính phủ và các cơ quan công quyền là công bộc của dân, cán bộ, công chức vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân. Người thường xuyên nhắc nhở: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”. Đã là nước dân chủ, thì mọi lợi ích đều là của dân, mọi phấn đấu của Chính phủ, của cán bộ đều vì dân, chính quyền từ xã đến Trung ương do dân cử ra. Do đó, mọi “quyền hành và lực lượng” của Chính phủ đều ở nơi dân. Nhà nước có nghĩa vụ với công dân, đồng thời có những quyền theo quy định của Hiến pháp, pháp luật để thực thi công quyền mà nhân dân giao phó, ngược lại công dân vừa có quyền, đồng thời có nghĩa vụ đối với Nhà nước. Năm 1955, trong bài viết với tiêu đề “Đạo đức công dân”, Hồ Chí Minh đã chi ra các chuẩn mực đạo đức mà mọi công dân phải có nghĩa vụ thực hiện đó là: “- Tuân theo pháp luật Nhà nước. - Tuân theo kỷ luật lao động. - Giữ gìn trật tự chung. - Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung. - Hăng hái tham gia công việc chung. - Bảo vệ tài sản công cộng. - Bảo vệ Tổ quốc”. Trong đó, bảo vệ Tổ quốc vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người dân. Đây là sự tiếp nối truyền thống “tận dân vi binh”, “cử quốc nghênh địch” trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Song song với nhiệm vụ củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, Hồ Chí Minh luôn chú trọng quan tâm chăm lo bồi dưỡng sức dân. Trong mọi nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của Nhà nước, nhất là khi “Tổ quốc lâm nguy”, sức dân chính là yếu tố nền tảng, động lực chủ yếu để chủ động bảo vệ Tổ quốc, không bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Người chỉ rõ: “Có lực lượng dân chúng việc to tát đến mấy cũng làm được. Không có, việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”; “Dễ mười lần không dân cũng chịu; khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Để chăm lo bồi dưỡng sức dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng, Chính phủ hoạch định các chính sách phục vụ lợi ích của dân tộc, tự do, ấm no hạnh phúc của nhân dân, bao quát các vấn đề của đời sống xã hội, nhất là an sinh xã hội, đồng thời thi hành hệ thống chính sách xã hội hướng tới con người, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân và lợi ích tập thể, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Vận động, tuyên truyền, giáo dục để hình thành động cơ, mục đích đúng đắn cho nhân dân thông qua các phong trào cách mạng. Nhiệm vụ trung tâm của các phòng trào cách mạng xét đến cùng là “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

2. Tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc - sức mạnh vô địch nội sinh để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)

Khi tổng kết kinh nghiệm giữ nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Đây là vấn đề lý luận và thực tiễn hệ trọng trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến đứng lên chống đế quốc, thực dân. Theo Người, để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc phải tuân theo nguyên tắc tối thượng đó là phải dựa trên cơ sở sự thống nhất giữa lợi ích của quốc gia, dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng trong xã hội. Lợi ích tối cao của dân tộc chính là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là bình đẳng, dân chủ, tự do. Lợi ích tối cao này là ngọn cờ đoàn kết, là sức mạnh dân tộc và là nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là nguyên tắc bất biến để Người tìm ra những phương pháp để thực hiện nguyên tắc đó trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của mình. Đồng thời, để đại đoàn kết dân tộc thực sự là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải có Đảng cách mạng lãnh đạo, để trong thì vận động, tổ chức đoàn kết dân chúng, ngoài thì liên minh với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản ở mọi nơi. Vai trò lãnh đạo khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng phải bắt nguồn từ uy tín của Đảng trước quần chúng. Người nói: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thật nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Mặt khác, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh yêu cầu toàn Đảng “giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” làm cơ sở để củng cố và phát triển đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Vai trò lành đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc được thực hiện thông qua Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong đó, Đảng vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh chỉ khi nào Đảng đề ra chính sách mặt trận đúng thì khi đó sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giành được thắng lợi vẻ vang. Ngược lại, khi nào Đảng không có chính sách mặt trận đúng cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại.

3. Kiên trì phương châm “thêm bạn, bớt thù” trong quan hệ đối ngoại

 “Thêm bạn, bớt thù” là phương châm chiến lược, là kim chỉ nam trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là cơ sở khoa học để chủ động bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Theo Hồ Chí Minh, “thêm bạn, bớt thù” chỉ có thể thực hiện trên cơ sở xác định đúng mâu thuẫn vì nhận thức đó sẽ giúp người cách mạng xác định đúng nhiệm vụ, xác định chính xác những lực lượng nòng cốt của cách mạng. Với nhãn quan chính trị sắc bén và tinh thần dân tộc cao cả, Hồ Chí Minh xác định mâu thuẫn xã hội bằng cách đặt các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ lên trên hết. Từ đó, Người nhận ra mâu thuẫn chủ yếu, nổi bật trong xã hội Việt Nam luôn là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thế lực đế quốc xâm lược và vì vậy, kẻ thù chính yếu của nhân dân Việt Nam là đế quốc cướp nước, áp bức bóc lột dân ta.   

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà ngoại giao quốc tế tại Thủ đô Hà Nội

Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”. Đó là nguyên tắc chung của mọi cuộc cách mạng, đối với một dân tộc nhỏ lại phải đối đầu với các kẻ thù mạnh và thâm độc thì việc “làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết” càng trở nên cấp thiết.

Bẳng trí tuệ vượt thời đại, V.I.Lênin từng chỉ dẫn kế sách: “Chỉ có thể thắng một kẻ thù mạnh hơn bằng một nỗ lực hết sức lớn và với một điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng một cách hết sức tỷ mỷ”. Không chỉ thâu thái và thấm nhuần những chỉ dẫn đó, Hồ Chí Minh còn phát triển thêm những phương cách mới phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam để đưa tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” đi vào thực tiễn cách mạng với những chủ trương hết sức linh hoạt và phong phú như: lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù; nhân nhượng có nguyên tắc để lôi kéo đồng minh; phân biệt chính phủ hiếu chiến với nhân dân yêu chuộng hòa bình của nước đối phương; độ lượng, khoan dung, lôi kéo những người con của dân tộc đã lầm lạc đi theo đế quốc... Đối với Hồ Chí Minh, “thêm bạn, bớt thù” vừa là tư tưởng trong dạng thức các luận điểm lý luận, vừa là phương pháp với tư cách là “là hợp điểm giữa lý luận và thực tiễn, giữa nhận thức và hành động”, vừa là nghệ thuật để chủ động bảo vệ Tổ quốc từ khi tổ quốc chưa lâm nguy.

Trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Hồ Chí Minh xác định nguyên nhân của Chiến tranh thế giới II là do chính sách hiếu chiến, phản động của lực lượng phát xít. Từ đó, Người xác định cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam lúc này là một bộ phận trong phe dân chủ chống phát xít và quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh. Việc lựa chọn con đường đúng đắn thuận lợi cho dân tộc bằng cách đứng về phe chính nghĩa để chống phe phi nghĩa, trên cơ sở tiên tri chính xác diễn tiến lịch sử đã thể hiện tầm nhìn sáng suốt và hành động mau lẹ, khôn ngoan của Hồ Chí Minh. Từ đó, Hồ Chí Minh chủ động tranh thủ tìm bạn đồng minh cho Mặt trận Việt Minh non trẻ. Việc thiết lập quan hệ với Quốc dân Đảng Trung Hoa và Mỹ trước thềm Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra những điều kiện quốc tế thuận lợi cho chính quyền cách mạng, vì theo Hồ Chí Minh, “một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.     

Sau Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước muôn vàn khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là “nguy cơ giặc ngoại xâm” khi trên mảnh đất Việt Nam nhỏ bé cùng hiện diện quân đội của các quốc gia hùng mạnh như Nhật, Anh, Pháp và quân đội Tưởng Giới Thạch. Trong tình thế đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không nên cùng một lúc đánh tay 5, tay 6 với lũ cướp nước và bán nước. Đấm bằng cả hai tay một lúc là không mạnh”. Chân lý hiển nhiên đó như một lẽ phải thông thường của cuộc sống đã được Hồ Chí Minh vận dụng, cụ thể hóa vào thực tiễn và trở thành mẫu mực tuyệt vời của sách lược lêninnít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ  địch…  

Theo Hồ Chí Minh, để thực hiện tư tưởng “thêm bạn, bớt thù”, người cách mạng phải biết thỏa hiệp, biết nhân nhượng để bảo toàn lực lượng, để lôi kéo đồng minh; thấy cuộc đối đầu trực diện là không thể thắng do tương quan lực lượng bất lợi mà vẫn cứ đối đầu thì “đó là tội ác”. V.I.Lênin từng chỉ rõ: “Tinh thần tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản phải được kết hợp với nghệ thuật biết thỏa hiệp” để tránh ngọn đòn của kẻ địch, bảo toàn lực lượng, tiếp tục cuộc đấu tranh trong tương lai. Nghệ thuật “biết thỏa hiệp, biết nhân nhượng” có nguyên tắc được cụ thể hoá bằng các biện pháp tổng hợp như: tiến hành các cuộc tiếp xúc ngoại giao với tinh thần trọng thị và chấp nhận nhân nhượng một số quyền lợi về kinh tế, chính trị và quân sự... để có thêm thời gian chuẩn bị thực lực, từng bước loại bớt kẻ thù nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Biết thỏa hiệp để bảo toàn lực lượng là sáng suốt; biết nhân nhượng đúng mức, không quá “tả” để phá vỡ đàm phán, không quá “hữu” để tổn hại đến lợi ích cơ bản của dân tộc chính là đỉnh cao của nghệ thuật thương thuyết trong đấu tranh ngoại giao.       

4. Phát triển lực lượng vũ trang nhân dân “cách mạng, tiến lên chính quy, hiện đại” - lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

 Là người sáng lập, tổ chức và rèn luyện lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng củng cố và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân làm lực lượng nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt khi Cao trào kháng Nhật cứu nước phát triển mạnh mẽ, lực lượng vũ trang nhân dân đã trở thành lực lượng nòng cốt cho toàn dân toàn dân đánh giặc. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cùng một lúc cách mạng nước ta phải đương đầu với nhiều kẻ thù, nhiều đội quân xâm lược có tiềm lực mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Tuy mỗi kẻ thù toan tính một kế hoạch riêng nhưng chúng đều thống nhất một mục tiêu là tiêu diệt quân đội và chính quyền cách mạng Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và sẵn sàng đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù là vấn đề hết sức cấp thiết, được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều quan điểm có tính chất nguyên tắc như: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích),…. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc, che chở của nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, lập lên những chiến công hiển hách “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu” bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bất luận trong mọi điều kiện hoàn cảnh nào, việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân chính là cơ sở để nâng cao sức mạnh răn đe của đất nước, là sự chuẩn bị chu đáo cho việc tiến hành phương thức bảo vệ Tổ quốc bằng vũ trang.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trao Quyết định của Chủ tịch nước cho 7 sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Ngày nay, dưới ánh tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cơ đô, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước, trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột “từ sớm, từ xa”; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”; “Thực hiện dĩ bất biến, ứng vạn biến, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt;... giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước “từ sớm, từ xa”, từ khi nước chưa nguy”. Để thực hiện thắng lợi quan điểm trên, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nâng cao nhận thức, chủ động, sáng tạo quán triệt và vận dụng sáng tạo với từng lĩnh vực công tác, kiên quyết khắc phục tình trạng “nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề”, hoặc “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi, đuôi chuột” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng./.

Lê Quang Hưng, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh,

Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng

  Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19-9-1954 (Ảnh: hochiminh.vn) Là người hoạch định và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi bảo vệ Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Ngày 19/9/1954, nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), tại Đền Giếng (thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ), Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đối với Người, bảo vệ Tổ quốc không phải chỉ khi chiến tranh xảy ra mà phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn