Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã để lại những bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam, trong đó có bài học về thực hiện đoàn kết quốc tế. Quá trình lãnh tụ Hồ Chí Minh thiết lập mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là cơ sở cho Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế sau này. Bài viết góp phần tìm hiểu quá trình Lãnh tụ Hồ Chí Minh liên lạc, phối hợp đặt quan hệ với Hoa Kỳ trong Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám và bài học giá trị đối với công tác đối ngoại của Việt Nam hiện nay.

Quá trình lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ý nghĩa đối với việc mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam hiện nay
Quá trình lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ý nghĩa đối với việc mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam hiện nay

1. Đặt vấn đề

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Những mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới do Người đặt nền móng đã trở thành bệ đỡ cho Việt Nam trong xây dựng quan hệ đối ngoại hợp tác quốc tế hiện nay. Đoàn kết, hợp tác quốc tế trở thành nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước hoạch định và thực hiện đường lối đối ngoại. 

Ngay từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân lao động nhiều quốc gia trên thế giới, như: Anh, Pháp, Mỹ, Nga… Người nhận ra rằng: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản1. Chính vì vậy, Người nhận thức rằng, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam nhất thiết phải thực hiện đoàn kết quốc tế. 

Trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945), Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh luôn tranh thủ mọi thời cơ để xây dựng khối đoàn kết quốc tế. Điển hình là sự nỗ lực thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ để tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ cho Mặt trận Việt Minh.

2. Hoạt động của Lãnh tụ Hồ Chí Minh khi thiết lập quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Thực hiện nhiệm vụ thiết lập quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của quốc tế, tháng 8/1942, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lên đường sang Trung Quốc. Ngày 28/8/1942, Người bị chính quyền Quốc dân đảng bắt giữ, vì vậy chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong chuyến đi này, Người đã mở đường cho mối quan hệ quốc tế của cách mạng Việt Nam; đồng thời, Người đã làm quen với một số sĩ quan Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc.

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai có lợi cho Mỹ chống phát xít, thời điểm này ở trong nước, mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật ngày càng gay gắt, phong trào cách mạng lan rộng, thời cơ cho Tổng khởi nghĩa đang đến gần. Chính vì vậy, Lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trương liên hệ với Mỹ nhằm tham gia vào Mặt trận Đồng Minh chống phát xít Nhật và nhận sự giúp đỡ về vũ khí, trang bị, huấn luyện cho các đơn vị vũ trang cách mạng. Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với trung úy Hải quân Charles Fen, cả hai đều nêu rõ vấn đề hợp tác. 

Trong chuyến đi lần thứ hai, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đạt được mục đích thiết thực hơn, đó là tiếp xúc với người Mỹ trên đất Trung Quốc để họ hiểu cuộc chiến đấu của Nhân dân Việt Nam chống phát xít Nhật dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Đồng thời, tranh thủ được sự giúp đỡ về vật chất cho cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam, tạo mối quan hệ thân thiện giữa người Mỹ và những người cách mạng Việt Nam trong tổ chức bộ đội Việt – Mỹ. 

3. Ý nghĩa việc mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước hiện nay

Thực tiễn lịch sử giai đoạn 1939 – 1945 cho thấy, việc tranh thủ tối đa sự giúp đỡ từ bên ngoài để cô lập kẻ thù và tăng thêm sức mạnh bên trong là sách lược thể hiện sự tài tình, khéo léo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. 

Thắng lợi về mặt ngoại giao trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là một minh chứng hùng hồn về tính đúng đắn của sách lược “thêm bạn, bớt thù” của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sự hợp tác của Việt – Mỹ chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám không phải là sự nhân nhượng, thỏa hiệp mà là một sách lược mềm dẻo, khôn khéo của Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong điều kiện quốc tế phức tạp để đạt được mục tiêu chiến lược của cách mạng.

Quá trình hợp tác đó, Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn giữ vững độc lập, tự chủ, tận dụng thời cơ, chủ động đặt vấn đề hợp tác giúp đỡ của nước Mỹ. Chủ trương sẵn sàng thân thiện và thiện chí, chân thành hợp tác với các nước để chống phát xít đã làm cho một số người Mỹ nhận thức được phong trào kháng chiến của Việt Minh là giành độc lập, chống phát xít Nhật. Tuy nhiên, Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn xác định, phải tự lực cánh sinh, phát huy tối đa nội lực của dân tộc, coi sức mạnh nội lực là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của cách mạng. Chính tinh thần chiến đấu, bảo vệ độc lập dân tộc, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân cũng đã làm cho người Mỹ phải khâm phục.

Hiện nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam diễn ra trong xu thế hội nhập, vì vậy, Việt Nam đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực. Đại hội lần thứ IX của Đảng đã nhận định: “Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia; xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực; vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh”2

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam chịu tác động của nhiều yếu tố, như: những biến động lớn về kinh tế thế giới, đó là sự suy thoái kinh tế của nhiều quốc gia, nhất là những năm bị đại dịch Covid-19; xu hướng tự do hóa thương mại diễn ra mạnh mẽ; sự tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn ra phức tạp, căng thẳng… Với những nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, Đại hội XI của Đảng đã đánh giá: “Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương với một số đối tác quan trọng; mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác, góp phần quan trọng vào việc tạo dựng và mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tranh thủ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn tài trợ quốc tế khác”3

Trong hoạt động đối ngoại, Việt Nam luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, kiên định nguyên tắc bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội là giữ vững độc lập, tự chủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, tháng 12/2021, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tiến hành nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị đã khẳng định đường lối đối ngoại, ngoại giao “Cây tre Việt Nam”: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Ngoại giao “Cây tre” chính là sự phát triển lên một bước tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện, tình hình mới của đất nước và thế giới.

Trong quá trình hội nhập, Việt Nam luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo, linh hoạt về biện pháp, đó chính là thực hiện phương châm đối ngoại “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Với gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã tạo được môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện4. Việc thực hiện mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa và tích cực tham gia các tổ chức quốc tế góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEAN và Liên hiệp quốc, như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc 2023 – 2025, Ủy ban liên chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023 – 2027…5

Việt Nam tham gia vào tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế luôn kiên định tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. 

Mặc dù có quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng trong các mối quan hệ Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ gắn lợi ích của dân tộc với lợi ích của các nước khác. Quan điểm của Việt Nam là cân bằng giữa các nước lớn, đó là bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam. 

Năm 2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia, trong đó có 3 nước là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ). Việt Nam có thể trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện với cả 5 nước trong Hội đồng Bảo an, vì nước Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là nhà đầu tư lớn thứ 2 của EU tại Việt Nam; giữa Việt Nam và Vương quốc Anh hiện đang có mối quan hệ đối tác chiến lược. 

Trong quan hệ quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: “Dựa vào nguồn lực trong nước chính là đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài”6. Nhận định đó thể hiện sự nhất quán của Đảng, đó là trong mọi hoàn cảnh phải luôn coi sức mạnh nội lực là yếu tố quyết định. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”7.

Trên cơ sở đường lối đối ngoại rộng mở, theo tinh thần “thêm bạn, bớt thù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến thăm Việt Nam, chuyến thăm đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam – Trung Quốc. Có thể thấy, trong điều kiện quốc tế tồn tại nhiều cơ hội và cả thách thức như hiện nay, việc mở rộng quan hệ đối ngoại sẽ mang lại lợi thế cho sự phát triển của đất nước, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, góp phần khẳng định bản sắc Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

4. Kết luận

Nhìn lại quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có thể thấy rõ, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chính là người đặt nền móng xây dựng, kiên trì, bền bỉ trong cuộc đấu tranh chống phát xít. Điều đó cũng chứng minh sự thiện chí hòa bình, mong muốn mở rộng quan hệ giao lưu và hợp tác với các nước trên thế giới của dân tộc Việt Nam. Những nỗ lực của Người đã đạt được kết quả to lớn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của dân tộc Việt Nam. Mặc dù, sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ trong khoảng thời gian tương đối ngắn nhưng đã để lại nhiều bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam sau này. Đó là bài học về kiên định mục tiêu đã đề ra, tìm mọi cơ hội để tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài; bài học về kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính trong quan hệ đối ngoại, những bài học đó còn nguyên giá trị đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 287.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005). Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX). H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 617.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019). Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần II (Đại hội X, XI, XII). H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 381.
4, 5. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao 32. https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-ngoai-giao-32.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 74.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 161 – 162.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Nguyễn Phú Trọng (2023). Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Trần Thị Kim Dung (2019). Vai trò lãnh đạo của Đảng trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-90-nam-lich-su-dang/vai-tro-lanh-dao-cua-dang-trong-tong-khoi-nghia-thang-tam.
4. Trần Trí Trung – Vũ Thị Hoài. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ: từ chiều sâu lịch sử đến hiện đại và tương lai. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-hoa-ky-tu-chieu-sau-lich-su-den-hien-tai-va-tuong-lai.

TS. Trịnh Thị Hạnh
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
ThS. Thân Thị Thu Ngân
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên

1. Đặt vấn đề Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Những mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới do Người đặt nền móng đã trở thành bệ đỡ cho Việt Nam trong xây dựng quan hệ đối ngoại hợp tác quốc tế hiện nay. Đoàn kết, hợp tác quốc tế trở thành nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước hoạch định và thực hiện đường lối đối ngoại.  Ngay từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân lao động nhiều quốc gia trên thế giới, như: Anh, Pháp, Mỹ, Nga… Người nhận ra rằng: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này ch

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn