Hồ Chí Minh là một nhà báo lỗi lạc, người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí, người khai sáng dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Qua đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng như đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh phát triển của xã hội thông tin hiện đại ngày nay, việc phát huy vai trò của báo chí cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức cấp thiết.

Phát huy vai trò của báo chí cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Phát huy vai trò của báo chí cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí cách mạng

Thứ nhất, báo chí là phương tiện, vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người

Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị. Với Người, báo chí trước hết là phương tiện được sử dụng trong đấu tranh chính trị và sự nghiệp báo chí của Người luôn theo sát tiến trình cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc. Người khẳng định: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”1Từ việc nhận thức một cách sâu sắc vai trò to lớn của báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh đã sáng lập ra nhiều tờ báo và trực tiếp viết báo, sử dụng báo chí là diễn đàn tố cáo và tiến công địch, tuyên truyền cách mạng. Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản Báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh niên, trên thực tế là tờ báo tuyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đã là nhà báo, chiến sĩ cách mạng, bất cứ người cầm bút nào cũng phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là gì? Từng giai đoạn lịch sử đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau. Khi đất nước còn trong vòng nô lệ, báo chí phải làm thức tỉnh và động viên nhân dân đứng lên làm cách mạng đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Khi có chính quyền thì báo chí động viên sức mạnh toàn dân tộc giữ gìn chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập thống nhất, đưa đất nước tiến lên một giai đoạn phát triển mới. Báo chí cách mạng được Đảng trao cho sứ mệnh là người tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nói chuyện với các thế hệ nhà báo Việt Nam, Người khẳng định: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là "đề tài", thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”2Để thực hiện được nội dung đó, báo chí cách mạng phải có tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng nhằm tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Vì vậy, dù viết về đề tài nào, bằng hình thức, thể loại nào, các bài báo của Người đều là vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, là công cụ giác ngộ và thức tỉnh; là phương tiện hữu hiệu để “thắp lửa” cho quần chúng cách mạng và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

Thứ hai, báo chí góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa mới, con người mới

Báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hóa, vừa là một phương tiện chuyển tải, truyền bá, tổ chức, giao lưu, đấu tranh trên trận địa văn hóa và thực thi chính sách văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới. Do vậy, báo chí là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng văn hóa. Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí cách mạng có chức năng giáo dục, giúp cho dân chúng “mở mắt, mở tai”, hiểu biết đúng, sai; góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, giúp cho người đọc bổ sung vốn kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới, giúp cho người dân có kiến thức mới xây dựng lối sống mới, xây dựng nền văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc

Với chức năng cung cấp thông tin, báo chí cách mạng luôn luôn giữ vị trí tiên phong, giương cao ngọn cờ đi trước mở đường trong việc truyền bá những tư tưởng và tri thức tiến bộ. Hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, người làm báo có nhiệm vụ hết sức cao quý. Người nhận định: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”3. Việc “phò chính”, tức bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải; việc “trừ tà”, tức lên án cái xấu cái ác, chống lại sự phi nghĩa. Như vậy, “phò chính trừ tà” là cuộc đấu tranh phức tạp, rộng lớn, bền bỉ nhằm xây đắp cho giá trị tốt đẹp, vạch trần, phê phán và tẩy trừ những gì sai trái, cũ kỹ, hư hỏng; nhằm mục tiêu cao cả là phụng sự nhân dân, phải dựa vào lợi ích quốc gia, phụng sự Tổ quốc. Nhà báo phải góp sức tích cực vào việc khai tâm, khai trí cho đồng bào mình; góp sức đấu tranh và xây dựng dân tộc độc lập, giàu mạnh, văn minh và tiến bộ.

Thứ ba, báo chí cung cấp thông tin, tổ chức, hướng dẫn quần chúng và định hướng dư luận xã hội

Với chức năng khai thác, đưa tin, phản ánh, báo chí là kênh cung cấp thông tin rất quan trọng về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hồ Chí Minh có yêu cầu khắt khe với việc đưa tin, thông tin, phải “chân thực, chính xác,” phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc, “phải đúng sự thật. Không được bịa ra”4; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”5 phải “thận trọng” đến từng chi tiết, từng số liệu trích dẫn trong bài.

Thông tin báo chí tác động vào tư tưởng, tình cảm của quần chúng, từ đó làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng. Do đó, báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh tất cả các lĩnh vực đa dạng, phong phú của đời sống xã hội, mà còn phải là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ các hiện tượng xã hội. Chính vì vậy, các nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị đều nắm lấy báo chí để công bố, bày tỏ quan điểm, chính kiến, định hướng dư luận xã hội để góp phần cải tạo và phát triển xã hội. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không biết lãnh đạo dư luận, không biết thúc đẩy và nâng cao tinh thần tranh đấu của nhân dân”6 là một trong những khuyết điểm của báo chí. Báo chí cách mạng có vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận, cho nên Người yêu cầu rất cao về việc làm báo phải hết sức cẩn thận về quan điểm chính trị, về hình thức, về nội dung, về cách viết. 

Bên cạnh đó, Người còn nêu lên nhiệm vụ quan trọng của báo chí là phải lãnh đạo, tổ chức các phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Người rất tâm đắc những quan điểm của Lênin: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”7. Người đã thực hiện đúng lời chỉ dẫn của V.I.Lênin: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”8 trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và báo chí. Người sáng lập tờ Báo Người cùng khổ (1922), nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc, cổ vũ phong trào đấu tranh ở các xứ thuộc địa. Tờ Báo Thanh niên, tuyên truyền tư tưởng cách mạng vô sản, góp phần đưa phong trào cách mạng sang giai đoạn mới. Tờ Việt Nam độc lập, cổ động quần chúng và hướng dẫn phong trào cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

2. Phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong giai đoạn hiện nay

Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí, trong gần 100 năm qua, báo chí cách mạng nước ta luôn là công cụ sắc bén, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển đất nước. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đất nước, báo chí đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, như: Thông tin, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước, quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; biểu dương người tốt, việc tốt; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; bảo vệ chủ quyền quốc gia; tuyên truyền đường lối đối ngoại… Phần đông những người làm báo thực sự là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, của dân tộc, đã và đang chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có tác động đến hoạt động báo chí, đan xen cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí cách mạng, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí

 Hồ Chí Minh khẳng định: Hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, nội dung quan trọng nhất và có ý nghĩa trên báo chí là nội dung chính trị. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đảng đã khẳng định: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị-xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật”9. Có thông qua sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động của báo chí mới đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng, mới đi đúng hướng và thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm xã hội của mình.

Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền

Báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trước mắt, báo chí tập trung thông tin, tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, những nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; kết quả thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng ở các cấp, các ngành, các địa phương; nội dung và kết quả công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác tổ chức cán bộ; nội dung và kết quả triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây vừa là nội dung tuyên truyền hết sức quan trọng, vừa là nhiệm vụ chính trị vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, thiết thực đóng góp vào thành công của các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 Tiếp tục tăng thời lượng phát thanh, truyền hình, báo điện tử ra các nước, các khu vực, đưa được nhiều thông tin và sản phẩm văn hóa có nội dung tốt đến đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới.

Ba là, chủ động, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Báo chí cần nâng cao sức đề kháng, khả năng đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn. Thường xuyên duy trì, thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các cơ quan chức năng để tạo thế trận rộng khắp, chặt chẽ trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ động tăng cường thông tin tích cực, đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả những thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. Tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên

Tích cực và chủ động, kiên quyết và kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên với quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần Nghị quyết HNTƯ 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãnh phí.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung trong Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bởi đây là những văn bản hết sức quan trọng thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí mạnh về chất, đủ về lượng

Đảng đã nhận định: Đa số cán bộ làm công tác báo chí có lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gương mẫu; có ý thức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; năng động, sáng tạo, say mê với nghề, thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập. Tuy nhiên, cũng còn một số cán bộ suy thoái về phẩm chất đạo đức, quan liêu, xa dân, xa thực tế, coi thường tổ chức, vi phạm kỷ luật Đảng, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

 Trong giai đoạn hiện nay, cần xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí mạnh về chất và đủ về lượng. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ để những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận cao, khả năng diễn đạt, thuyết phục, có nhiệt huyết, dũng khí đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN và nhân dân.

Quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện để những người làm báo tiếp cận công nghệ hiện đại trong thời kỳ chuyển đổi số, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra.

 

Ngày nhận bài: 28-2-2024; ngày thẩm định: 18-5-2024; ngày duyệt đăng: 30-5-2024

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 14, tr. 540

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 12, tr. 171

3, 5, 6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.5, tr. 157, 346, 481

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.15, tr.673

7. Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb CTQG, H, 2013, tr.46

8. Mác, Ănghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, Nxb CTQG, H, 2004, tr. 366

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQGST, H, 2018, T. 66, tr. 419

PGS,TS NGUYỄN THỊ KIM DUNG, TS LÊ THỊ HẰNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí cách mạng Thứ nhất, báo chí là phương tiện, vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị. Với Người, báo chí trước hết là phương tiện được sử dụng trong đấu tranh chính trị và sự nghiệp báo chí của Người luôn theo sát tiến trình cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc. Người khẳng định: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu l&agrave

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn