Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo những giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay
Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay

Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa _Ảnh: Tư liệu

 
Nhà nước pháp quyền (NNPQ) là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hàng trăm năm, thể hiện khát vọng một nhà nước dân chủ, bình đẳng, đề cao pháp luật. C. Mác và Ph. Ăngghen đã xây dựng nên một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, nhất là về một NNPQ dân chủ, bảo đảm tính thượng tôn của hiến pháp và pháp luật, triệt để giải phóng con người, đề cao vai trò chủ thể và vị trí trung tâm của con người trong xã hội.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về NNPQ là kết quả của quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
 

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền

 
Bản chất của NNPQ là “dân chủ”, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.
 
Nếu như vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền, thì vấn đề cơ bản của một chính quyền là ở chỗ nó thuộc về ai, bảo vệ cho quyền lợi của ai. Về quyền lực nhà nước, từ năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xác định “quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” [1]. Khi xây dựng nhà nước dân chủ mới, Hồ Chí Minh xác định bản chất dân chủ của Nhà nước ta: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” [2]. Theo Người, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do Nhân dân; vấn đề cốt lõi là làm sao để nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh của đất nước.
 
 Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người làm Trưởng ban soạn thảo đã ghi nhận và bảo đảm các quyền của người dân. Điều 1 Hiến pháp 1946 khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp năm 1946 cũng xác định các quyền tự do, quyền làm chủ xã hội là của người dân và có nhiều chương, điều thể hiện rõ tinh thần đó. Điều 10 của bản Hiến pháp này quy định rõ ràng các quyền tự do cá nhân: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quy định về quyền tự do cá nhân một cách rộng mở và tiến bộ này của Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện được đầy đủ tính nhân văn của một Hiến pháp dân chủ - một bản văn bảo vệ quyền con người, quyền của người dân.
 
Để quyền làm chủ của Nhân dân được bảo đảm và thực thi trong cuộc sống, trước hết phải xác định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nhằm bảo đảm Nhà nước luôn thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Bên cạnh đó, cần xây dựng nền dân chủ XHCN, trong đó Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Theo đó, Nhân dân vừa là người bầu ra chính quyền các cấp, vừa là người quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của bộ máy quyền lực đó.
 
Chú trọng tính hợp hiến và “thượng tôn pháp luật” của Nhà nước.
 

 

Hồ Chí Minh luôn chú trọng vấn đề xây dựng nền tảng pháp lý cho Nhà nước Việt Nam mới. Người đã sớm thấy rõ tầm quan trọng của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống chính trị - xã hội. Từ năm 1919, khi nước ta vẫn đang trong xiềng xích của thực dân xâm lược, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị Véc-xây bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam”. Yêu cầu thứ 7 của Người gửi đến Hội nghị Véc-xây là: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” [3]. Và như vậy, Người xem Hiến pháp là linh hồn của pháp quyền, là công cụ quan trọng nhất để xác lập và phân định các quyền và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ.
 
Khi nước đã được độc lập, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người chủ trương phải tổ chức sớm tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội, rồi từ đó lập ra Chính phủ và các cơ quan, bộ máy nhà nước, thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân, bảo đảm tính hợp hiến, tính chính danh của Nhà nước. Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc ta đã diễn ra để bầu ra Quốc hội khóa I. Ngày 9-11-1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công nhận, đảm bảo quyền dân chủ thiêng liêng của công dân, phù hợp với tình hình, đặc điểm cách mạng Việt Nam và xu hướng tiến bộ, văn minh trên thế giới. Hiến pháp năm 1946 là bản văn thấm đẫm tư tưởng pháp quyền của Người.
 
Bên cạnh đó, Người luôn chăm lo xây dựng một nền pháp chế XHCN để đảm bảo quyền làm chủ thật sự của nhân dân. Các cơ quan của Nhà nước phải gương mẫu chấp hành một cách nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, mọi người phải hiểu và tuyệt đối chấp hành pháp luật, bất kể người đó giữ chức vụ, cương vị nào. Với tinh thần: tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ với Nhân dân, chuyên chính với kẻ địch. Triệt để chấp hành mọi chế độ và pháp luật của Nhà nước” [4]. Bản thân Người luôn là một tấm gương sáng trong việc khuyến khích Nhân dân phê bình, giám sát công việc của Chính phủ; đồng thời, nhắc nhở cán bộ các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ thuộc ngành Hành pháp và Tư pháp phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật.
 
Xây dựng đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước đủ đức, đủ tài
 
Hồ Chí Minh quan niệm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [5]; “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” [6]. Vì vậy, Người đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đặt yêu cầu cao với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước để tiến tới một NNPQ mạnh mẽ. Người chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật, biết quản lý nhà nước, thành thạo nghiệp vụ hành chính và nhất là phải có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận tâm, tận lực suốt đời phục vụ Nhân dân. Đồng thời, luôn đề phòng và chủ động khắc phục những tiêu cực trong hoạt động của Nhà nước, kiên quyết chống 3 thứ giặc nội xâm, là: tham ô, lãng phí, quan liêu.
 
Coi trọng kiểm soát quyền lực Nhà nước.
 
Nếu pháp quyền là những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của Nhân dân được bảo vệ, thì Hiến pháp 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó. Hiến pháp 1946 là phương tiện phân công, phân nhiệm quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và góp phần kiểm soát quyền lực Nhà nước.
 
Trước hết, theo quy định của Hiến pháp 1946, nước ta không có Quốc hội mà chỉ có Nghị viện Nhân dân với nhiệm kỳ 3 năm: “Nghị viện nhân dân (lập pháp) là cơ quan có quyền cao nhất... do công dân Việt Nam bầu ra. Ba năm bầu một lần” (Điều 22, Điều 24), có nhiệm vụ: “giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài” (Điều 23); “Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc” (Điều 43), có nhiệm vụ trực tiếp quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội trong cả nước (Điều 52), “Tòa án là cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (Điều 63), có nhiệm vụ xét xử.
 
 Ngoài cơ chế kiểm soát giữa các quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý thanh tra, kiểm tra, tự phê bình và phê bình, coi đây là các phương thức kiểm soát được quyền lực nhà nước. Người chỉ rõ: “chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm” [7], và “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời” [8]. Đồng thời, Người còn đề cập đến vai trò của các ban thanh tra trong bộ máy nhà nước và tính độc lập của các cơ quan này. Trong Sắc lệnh số 64/SL, ngày 23-11-1945, đã quy định rất rõ quyền hạn của Ban thanh tra đặc biệt trong việc đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay Chính phủ đã phạm tội và sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một Tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của các Ủy ban nhân dân hay các cơ quan Chính phủ do Ban thanh tra truy tố. Những quy định trong này đã thể hiện tư tưởng triệt để của Người về xây dựng bộ máy nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh.
 

Kế thừa và phát triển giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về NNPQ trong xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam hiện nay

 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về NNPQ là tài sản tinh thần quý báu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
 
Trước hết, nắm vững mục tiêu là tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời bảo đảm trách nhiệm hai chiều giữa Nhà nước và công dân. Trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011) và các văn kiện của Đảng và Hiến pháp đều khẳng định, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” [9]. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ. Đồng thời, cũng cần tuyên truyền, giáo dục về quyền và nghĩa vụ của công dân, nâng cao trách nhiệm công dân chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng quyền và tự do dân chủ để phá rối trật tự, trị an, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của xã hội và công dân.
 
Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Có như vậy thì quyền lợi của người dân ngày càng được đảm bảo, pháp luật cũng được thực thi tốt hơn, sự bình đẳng giữa các thành phần trong xã hội trước pháp luật được rút ngắn khoảng cách, quyền tự do của người dân hay các quyền chính đáng của người dân được bảo vệ bằng pháp luật.
 
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng NNPQ XHCN đòi hỏi tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, nâng cao năng lực xây dựng pháp luật, bảo đảm có hệ thống pháp luật dân chủ, đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
 
Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn, trợ giúp pháp lý để pháp luật được triển khai thực hiện trong cuộc sống. “Đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực thi công bằng, văn minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” [10]. Đồng thời, cần thường xuyên tiến hành tổng kết thi hành pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật, kịp thời phát hiện và khắc phục những điểm bất cập, thiếu sót, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
 
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước. Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất. Xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền, mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Đồng thời, quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền. Tiếp tục phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước Trung ương, địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.
 
Kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, những năm qua, theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo cả hệ thống chính trị và toàn xã hội kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
 
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng NNPQ. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp để thực thi đầy đủ trách nhiệm công vụ, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành tốt nhiệm vụ; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài.
 
Thứ năm, tăng cường vai trò lãnh đạo và đổi mới phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Thực tiễn đã chỉ rõ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là nhân tố quyết định để bảo đảm NNPQ XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, bảo đảm cho hệ thống chính trị có đủ khả năng đưa đất nước ta từng bước vượt qua nguy cơ, thách thức, vững vàng đi theo con đường cách mạng XHCN. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng, phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước; thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".
 
Xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, là ước mơ, khát vọng và sự lựa chọn của những cân nhắc kỹ lưỡng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, cần nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo những giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề nhà nước.
 
 Chú thích:
 
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 292.
 
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232.
 
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 473.
 
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 258.
 
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 309.
 
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 280.
 
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 638.
 
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 636.
 
[9] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 174.
 
[10] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.51.
 

Ths. Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa _Ảnh: Tư liệu   Nhà nước pháp quyền (NNPQ) là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hàng trăm năm, thể hiện khát vọng một nhà nước dân chủ, bình đẳng, đề cao pháp luật. C. Mác và Ph. Ăngghen đã xây dựng nên một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, nhất là về một NNPQ dân chủ, bảo đảm tính thượng tôn của hiến pháp và pháp luật, triệt để giải phóng con người, đề cao vai trò chủ thể và vị trí trung tâm của con người trong xã hội.   Tư tưởng Hồ Chí Minh về NNPQ là kết quả của quá trình vận dụng, phát triển s&aa

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn