hịu ảnh hưởng rất lớn từ tấm gương hiếu học của người cha, từ mảnh đất quê hương được mệnh danh là “đất văn vật, chốn thi thư”, từ quan điểm “mở trí khôn cho dân”, “khai dân trí” của các bậc tiền bối, với tầm hiểu biết và sự trải nghiệm của một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà giáo dục lỗi lạc, Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động cách mạng đã hình thành nên hệ thống quan điểm phong phú và toàn diện về nâng cao dân trí, từ mục tiêu, điều kiện, chủ thể, đối tượng đến nội dung và biện pháp nâng cao dân trí. Là sản phẩm của một trí tuệ trác việt và trái tim nhân ái bao la, từng quan điểm, luận điểm trong di sản Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí cho đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và sức hấp dẫn bởi những nét đặc sắc, sáng tạo riêng có.

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí
Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí
img_huyen
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (năm 1963). Ảnh tư liệu
Nhà bác học nổi tiếng người Đức Gottfried Leibniz từng nói: “Ai làm chủ giáo dục, người đó thay đổi thế giới”. Thật vậy, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc đều liên quan đến sự phát triển giáo dục, đến vấn đề dân trí, bởi con người (có trí tuệ, có văn hóa) là động lực quan trọng nhất, quyết định sự hưng thịnh, tồn vong của quốc gia. Nhận thức rõ điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(1), hay “dân có giàu thì nước mới mạnh”(2).
Sự “giàu có” trong tư duy của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh không chỉ là đủ đầy về đời sống vật chất, là “no cơm ấm áo” mà quan trọng hơn còn là sự giàu có, phong phú về đời sống tinh thần, về trình độ dân trí, văn hóa. Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của dân trí và giáo dục, Hồ Chí Minh đã sớm đề xuất và hình thành hệ thống quan điểm phong phú và toàn diện về nâng cao dân trí. Nét đặc sắc của hệ thống tư tưởng này thể hiện qua năm luận điểm chủ yếu.
 
1. Hồ Chí Minh xác định đúng và trúng tầm quan trọng của vấn đề nâng cao dân trí, coi đó là một chiến lược quan trọng trong phát triển đất nước
 
Để xác định đúng và trúng tầm quan trọng của vấn đề nâng cao dân trí, trước hết, Hồ Chí Minh đã thể hiện quan niệm đúng đắn và tiến bộ về vấn đề dân trí. Người cho rằng dân trí không đồng nhất với học vấn và có mối liên hệ mật thiết với dân khí, với tinh thần dân tộc. Trong 15 tập Hồ Chí Minh Toàn tập, Người có hai lần sử dụng từ “dân trí”, ngoài ra là những từ gần nghĩa với “dân trí”: “trình độ văn hóa” 20 lần, “học vấn” 19 lần, “trình độ học vấn” 5 lần, “trình độ tri thức” 2 lần, “trình độ hiểu biết” 7 lần.
Mặc dù không có định nghĩa cụ thể nhưng qua các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, có thể thấy, theo quan điểm của Người, dân trí là trình độ hiểu biết, am hiểu của người dân về tư tưởng - pháp luật, về khoa học, về văn hóa, về đời sống mới trong những điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội cụ thể. Với Hồ Chí Minh, “dân trí” không chỉ hiểu giản hơn là trình độ học vấn trung bình của người dân, thể hiện ở bao nhiêu phần trăm biết đọc biết viết, bao nhiêu phần trăm có trình độ học vấn cao mà “dân trí” còn là tổng hợp những hiểu biết của con người trên các mặt của đời sống xã hội, là sự hiểu biết và ý thức về quyền và trách nhiệm của chính mình với tư cách là người làm chủ.
Như vậy, để đánh giá trình độ dân trí chúng ta phải căn cứ vào nhiều tiêu chí (trong đó có học vấn) và phải gắn chúng với những điều kiện lịch sử cụ thể của kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội…; gắn với sự giác ngộ về bổn phận của từng cá nhân đối với đất nước; gắn với bản chất của chế độ chính trị là vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển toàn diện của con người. 
Để nâng cao dân trí thì cần thiết phải đấu tranh loại bỏ sự dốt nát, u mê. Do vậy, nhà văn hóa Hồ Chí Minh từ rất sớm đã gọi đích danh dốt nát là một loại giặc. Trong lịch sử Việt Nam, thậm chí cả lịch sử nhân loại đã có những tư tưởng đề cao vai trò của giáo dục, khởi xướng sự nghiệp “khai dân trí”, “trồng người”… nhưng gọi đích danh dốt nát là một loại giặc thì mới chỉ có Hồ Chí Minh.
Khi coi dốt nát là một thứ giặc - giặc nội xâm, giặc trong lòng - Hồ Chí Minh muốn khẳng định đây là cuộc chiến sinh tử, một mất một còn, không thể cùng chung sống. Giặc ngoại xâm rất hung ác, tàn bạo nhưng giặc nội xâm cũng nguy hiểm không kém, nhất là khi chúng câu kết với nhau để cùng thống trị, đàn áp nhân dân ta. Giặc nội xâm làm gia tăng thêm sức mạnh cho giặc ngoại xâm và nhân khó khăn của nhân dân ta lên gấp bội. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, đất nước muốn phát triển thì phải kiên quyết đấu tranh chống sự ngu dốt, phải không ngừng nâng cao dân trí.
Từ chỗ hiểu đúng về tầm quan trọng của dân trí, Hồ Chí Minh đánh giá nâng cao dân trí vừa là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt của sự nghiệp cách mạng. Cấp bách bởi nó rất cần kíp, phải làm ngay, không thể chậm trễ, bởi hậu quả của chính sách ngu dân, mị dân đã khiến cho hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ và ở nữ giới con số này là 100%. Lâu dài, xuyên suốt bởi sự nghiệp cách mạng lúc nào cũng cần những con người có học vấn, có tri thức, có trách nhiệm với Tổ quốc, dân tộc - đó là chủ thể, đồng thời vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng.
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, thay mặt Chính phủ cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định “diệt giặc dốt” là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau này, Người nêu ra một luận điểm nổi tiếng chỉ đạo ngành giáo dục: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(3). Như vậy, nâng cao dân trí, phát triển giáo dục - đào tạo là chiến lược trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm của Hồ Chí Minh.
 
2. Mục tiêu nâng cao dân trí quan trọng nhất và xét đến cùng là cho con người, vì con người
 
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao dân trí có nhiều mục tiêu: để phát huy quyền làm chủ và năng lực làm chủ của nhân dân, xứng đáng với vị thế chủ nhân của đất nước; để đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc; để xây dựng chế độ mới, tăng cường sức mạnh dân tộc, thúc đẩy xã hội tiến bộ, đất nước phát triển nhưng mục tiêu bao trùm và cao nhất, đó là nhằm phát triển con người toàn diện, vì hạnh phúc của con người.
Mục tiêu này thể hiện chiều sâu, tính triết lý và bản chất nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh: luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, mọi chủ trương, chính sách là để phục vụ con người, cho con người và vì con người. Nâng cao dân trí nhằm trang bị những kiến thức, hiểu biết về mọi mặt của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, pháp luật, lịch sử, địa lý, tôn giáo, đạo đức,…), giúp con người được phát triển toàn diện, đủ đức đủ tài, vừa hồng vừa chuyên. Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu về khoa học - kỹ thuật, vừa có những phẩm chất đạo đức cao đẹp.
Trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 5.9.1945, Người viết: “Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”(4). Nâng cao dân trí cũng nhằm phục vụ chính cuộc sống lao động, học tập, sản xuất, chiến đấu của nhân dân: “Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”(5), cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân ngày càng đầy đủ, phồn vinh, đời sống tinh thần ngày càng phong phú, lành mạnh. 
Tính mục đích của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí thể hiện rõ nét nhất chính là để phục vụ con người. Đúng như nhận xét của một tác giả nước ngoài về Người: văn hóa và tri thức trong tay Cụ đã trở thành một loại vũ khí tích cực phục vụ cho quần chúng; và Hồ Chí Minh làm cách mạng không chỉ giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, mà cái cao quý nhất là để giải phóng con người thoát khỏi nền văn hóa nô dịch và xây dựng nền văn hóa của dân tộc.
Chính vì vậy mà thế giới đã ghi nhận và tôn vinh Người cùng một lúc hai danh hiệu - vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là nhà văn hóa kiệt xuất. Tiến sĩ Amét - nguyên Giám đốc UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng nhìn thấy sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tính “cách mạng” và chất “văn hóa” trong con người Hồ Chí Minh khi nhận xét: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(6).
 
3. Quan niệm về đối tượng nâng cao dân trí của Hồ Chí Minh thể hiện tính đại chúng rõ nét và tư tưởng nhân văn sâu sắc
 
Theo Hồ Chí Minh, đối tượng nâng cao dân trí là toàn dân bởi Người hiểu rõ quy luật “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, nhưng trong lực lượng toàn dân (bao gồm mọi giai cấp, mọi lứa tuổi, mọi giới tính, mọi ngành nghề) ấy, Hồ Chí Minh có sự quan tâm đặc biệt tới những đối tượng yếu thế, chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi.
Trong xã hội cũ với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” lạc hậu, phụ nữ là người bị áp bức, chịu nhiều đau khổ nhất. Còn trên thực tế, Hồ Chí Minh nhận thấy, phụ nữ cũng là người chủ nước nhà, cũng đóng góp và giữ vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, Người yêu cầu: “chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được”(7). Trong những bức thư gửi tặng các cháu gái có thành tích học tập tốt, Người luôn khen ngợi và nhắn nhủ “mong cháu cố gắng học thêm” dù các chị em đó đều đã thi đỗ nhất nhì trong tỉnh. 
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo, Người căn dặn: miền núi nước ta chiếm một vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, các ủy ban địa phương, các cô, các chú, phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của đồng bào các dân tộc. Với trẻ em miền núi, Người nhắc nhở: “Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”(8).
Với người cao tuổi - vốn là lớp người “cây cao, bóng cả”, là tấm gương cho các thế hệ con cháu noi theo, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích, động viên người cao tuổi phải tự mình học tập, nâng cao dân trí: Công việc ngày càng nhiều, càng mới… nên đảng viên già phải cố gắng mà học, để “chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam”(9).
Hay với những thương binh, người tàn tật, Người cũng nêu ra yêu cầu nâng cao dân trí để mở rộng hiểu biết, đồng thời có thực nghiệp để nuôi sống bản thân: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong,...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”(10).
Như vậy, khi bàn về đối tượng nâng cao dân trí, Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt tới các đối tượng yếu thế để tạo điều kiện cho họ vươn lên tiếp cận và làm chủ tri thức khoa học. Giữa bộn bề công việc và chồng chất khó khăn của nhà nước dân chủ non trẻ, Người vẫn dành thời gian và tình cảm tới từng cá nhân, từng con người cụ thể trong xã hội. Điều đó phản ánh bản chất nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí cũng như tính ưu việt, tiến bộ của chế độ mới, nền giáo dục mới.
 
4. Quan niệm về nội dung nâng cao dân trí vừa toàn diện vừa có chiều sâu
 
Trên cơ sở xác định khái niệm “dân trí” không chỉ là trình độ học vấn mà còn là tổng hợp hiểu biết của con người trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định nội dung nâng cao dân trí bao gồm: nâng cao hiểu biết về tư tưởng, chính trị, pháp luật; hiểu biết về khoa học; hiểu biết về văn hóa và hiểu biết về đời sống mới. Trong các nội dung nâng cao hiểu biết rất toàn diện đó, đáng lưu ý là:
Trước tiên, quan niệm về nội dung nâng cao dân trí của Hồ Chí Minh thể hiện sự tiến bộ khi Người coi ý thức, trách nhiệm công dân là một biểu hiện, một thước đo của dân trí. Nhận thức rõ vai trò của pháp luật là cơ sở để thực hiện các quyền tự do dân chủ; là cơ sở khẳng định quyền làm chủ nhà nước của nhân dân để tạo ra trật tự, kỷ cương cho xã hội; ngăn chặn tình trạng công dân xâm phạm quyền và lợi ích của nhau; Hồ Chí Minh đề cao việc nâng cao hiểu biết về pháp luật cho nhân dân và coi nội dung cốt lõi của dân trí chính là ý thức xã hội, ý thức, trách nhiệm công dân, tinh thần dấn thân theo phương châm “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Nói cách khác, cái “gốc” của “trí” chính là “đức”. Người từng nói: đã là người Việt Nam ai ai cũng phải đứng dậy chống thực dân Pháp để cứu nước, hoặc: “Dân ta phải giữ nước ta/ Dân là con nước, nước là mẹ chung”(11).
Ở đây, chúng ta bắt gặp sự tương đồng giữa quan điểm của Hồ Chí Minh và Phan Châu Trinh khi yêu cầu dân trí phải đi đôi với dân khí, với tinh thần dân tộc. Phan Châu Trinh cho rằng, dân khí là sức mạnh tinh thần của nhân dân. “Chấn dân khí” là nói đến việc làm cho người dân từ chỗ không nhất trí đến nhất trí, đồng lòng, hợp tác với nhau theo một mục đích chung là cứu nước, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân.
Còn Hồ Chí Minh quan niệm, dân trí cao không chỉ là học vấn cao, trình độ hiểu biết sâu rộng, mà cái nền, cái cơ sở vẫn là học vấn và hiểu biết ấy để phục vụ cho ai, đem lại lợi ích cho giai cấp nào. Nếu không có tinh thần dân tộc và ý thức công dân thì dù tài giỏi đến đâu, hiểu biết đến đâu cũng là vô ích, thậm chí nó còn gây hại cho dân, cho nước.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam trước năm 1945 mới thấy sự mẫn cảm chính trị tuyệt vời của Hồ Chí Minh, khi mà người dân Việt Nam có tới hơn 90% là mù chữ, trình độ học vấn thấp nhưng với ý thức, trách nhiệm cao với vận mệnh của Tổ quốc, chúng ta vẫn làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Đây là thời kỳ mà dân khí phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng cho sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp nâng cao dân trí nói riêng.
Thứ hai, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “trí” ở tầng sâu nhất của nó không chỉ là một trong bốn yếu tố phát triển con người toàn diện: đức - trí - thể - mỹ mà “trí” (trong cụm từ “dân trí”) còn vượt lên, bao hàm cả yếu tố đạo đức: có đạo đức thì mới có trí tuệ, có trí tuệ thì phải có đạo đức, người có trí tuệ cũng phải là người có đạo đức, người vô đạo đức thì không thể coi là người có trí tuệ. Giữa trí tuệ và đạo đức nó không biệt lập, tách rời nhau mà hòa quyện, thẩm thấu vào nhau.
Đồng thời, “trí” còn bao hàm cả yếu tố thẩm mỹ, con người có trí tuệ cũng là con người văn hóa, đẹp trong hành xử và lối sống. Bởi vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu, nâng cao nhận thức về văn hóa cho con người phải gắn liền với việc nâng cao trình độ thưởng thức thẩm mỹ bởi “văn” nghĩa gốc là cái đẹp, cái có giá trị. Người nói: “Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp”(12). Chữ “mỹ” nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang mà “trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(13).
Không nên hiểu hạn hẹp giáo dục thẩm mỹ là giáo dục năng khiếu hay giáo dục nghệ thuật, bởi nâng cao trình độ văn hóa thẩm mỹ là hướng con người đến nhu cầu xây dựng cuộc sống theo những giá trị thẩm mỹ cao đẹp ở mọi lúc, mọi nơi và cái đẹp, cái lý tưởng ấy gắn liền với yêu cầu về sự cân bằng, hài hòa giữa tinh thần và thể chất, với đòi hỏi về lối sống cao đẹp, về tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ đối với nhân dân.
Nâng cao nhận thức thẩm mỹ không chỉ để hình thành định hướng thẩm mỹ của nhân cách mà quan trọng hơn là để phát triển những tiềm năng sáng tạo - con người không chỉ hưởng thụ cái đẹp mà còn là chủ thể sáng tạo ra cái đẹp. Một xã hội tiến bộ là phải tạo ra những điều kiện và thiết chế đầy đủ để con người trở thành chủ thể sáng tạo văn hóa. 
Có thể thấy, chữ “trí” của Hồ Chí Minh không chỉ hiểu đơn giản là trí tuệ mà đó là tổng hợp các giá trị về đạo đức, thẩm mỹ, và cả thể lực, thể hình. Nâng cao dân trí cũng là để hướng tới xây dựng mẫu hình con người phát triển toàn diện. Đúng như nhận xét của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “đức và trí rất gắn với nhau, có thể đặt cái nào lên trước cũng được, và xét cho cùng, đức là một dạng của trí (hiểu theo nghĩa rộng). Thể và mỹ rất gắn với nhau, có thể xem thể là một dạng của mỹ và xét đến cùng, mỹ cũng là một dạng của trí (hiểu theo nghĩa rộng)”(14).
 
5. Hồ Chí Minh đề xuất hệ thống giải pháp nâng cao dân trí phong phú, toàn diện và khả thi
 
Là một nhà biện chứng thực hành, để thực hiện được mục tiêu nâng cao dân trí nêu trên, Hồ Chí Minh đã nêu ra hệ thống giải pháp toàn diện, từ phát triển giáo dục - đào tạo, trong nền giáo dục đó phải hình thành cho người học nhu cầu và khả năng tự học suốt đời; phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân bởi “có thực mới vực được đạo”, “dân dĩ thực vi thiên”; đẩy mạnh giao lưu, đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh đưa pháp luật vào cuộc sống; đến phát huy ý thức tự học và học tập suốt đời của mỗi cá nhân.
Ngoài những giải pháp khách quan đến từ phía các cơ quan lãnh đạo và quản lý, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng việc phát huy ý thức tự học bởi bản thân mỗi người vừa là chủ thể vừa là đối tượng nâng cao dân trí. Đây là một nội dung tiến bộ, có sự tương đồng với quan điểm giáo dục hiện đại được UNESCO nêu ra vào cuối thế kỷ XX(15) - đó là yêu cầu phải xây dựng xã hội học tập và mỗi con người phải biết tự động học tập, coi đó là cơ sở để học suốt đời; đạo đức mới của nền giáo dục là mỗi con người phải phấn đấu trở thành một nhà giáo dục cho chính mình và cho cộng đồng.
Hồ Chí Minh từng nhiều lần bày tỏ quan niệm, tự học và học tập suốt đời là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng, bởi: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”(16). Người nhiều lần nhắc lại câu nói của Lênin: “Học, học nữa, học mãi!” bởi vì đường đời là chiếc thang không có nấc chót, học tập là quyển vở không có trang cuối cùng. Để việc tự học đạt kết quả tốt, Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi người cần phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn: “Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành...”(17), đồng thời phải học tập với thái độ nghiêm túc, khiêm tốn, thật thà, biết đến đâu nói đến đó.
Người nghiêm khắc phê phán tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại, cho mình là giỏi nhất thiên hạ - kẻ thù số một của học tập. Hồ Chí Minh không chỉ nêu ra yêu cầu tự học và học tập suốt đời để nâng cao dân trí đối với mọi người mà chính bản thân Người cũng là một tấm gương mẫu mực. Mặc dù tuổi đã cao và phải đảm đương những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn sắp xếp thời gian để trau dồi kiến thức lý luận và thực tiễn, đi xuống cơ sở, học hỏi từ chính những người dân bình thường nhất. Điều đó thể hiện ý chí mãnh liệt của một người luôn tìm tòi học hỏi nhằm chiếm lĩnh tri thức nhân loại vì mục tiêu cao cả: Độc lập, tự do và hạnh phúc cho đồng bào của mình và những người cùng khổ - một trong những điều làm nên sự vĩ đại Hồ Chí Minh. 
“Dân trí nâng cao” cùng với “dân tộc độc lập”, “dân quyền tự do”, “dân sinh hạnh phúc” và “dân chủ thực hành” là năm chữ DÂN thường xuyên xuất hiện, cũng chính là những mục tiêu quan trọng chi phối cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Nâng cao dân trí không chỉ là tiền đề để xây dựng xã hội độc lập, tự do, hạnh phúc mà đó cũng chính là điều kiện đảm bảo cho sự phồn vinh, thịnh vượng của xã hội đó. Thời gian càng lùi xa thì tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng về nâng cao dân trí nói riêng càng khẳng định giá trị vững bền, đồng hành cùng dân tộc vững bước trên hành trình khẳng định mình để “sánh vai với các cường quốc năm châu”!./.
_______________________________________________
(1), (4), (11) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, H., T.4, tr.7, 34, 540.
(2), (10), (16) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.12, tr.316, 266, 333.
(3), (5) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.11, tr.528, 92.
(6) Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Tên phông: Bộ Giáo dục (1956-1991), hồ sơ số 359: Hồ sơ Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp diệt dốt, nâng cao dân trí ở Việt Nam” 1990, tr.28-29.
(7) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.14, tr.263.
(8) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.9, tr.375.
(9), (17) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.6, tr.188, tr.360-361.
(12), (13) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.10, tr.175, 453.
(14) Phạm Văn Đồng (1993), Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu, nước mạnh, Nxb. CTQG, H., tr.66.
(15) Báo cáo gửi UNESCO của Hội đồng quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI “Học tập là một kho báu tiềm ẩn” năm 1996.
 

 TS. Lê Thị Thúy Bình

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (năm 1963). Ảnh tư liệu Nhà bác học nổi tiếng người Đức Gottfried Leibniz từng nói: “Ai làm chủ giáo dục, người đó thay đổi thế giới”. Thật vậy, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc đều liên quan đến sự phát triển giáo dục, đến vấn đề dân trí, bởi con người (có trí tuệ, có văn hóa) là động lực quan trọng nhất, quyết định sự hưng thịnh, tồn vong của quốc gia. Nhận thức rõ điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(1), hay “dân có giàu th&igr

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn