55 năm đã qua (2/1969 – 2/2024), nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vẫn vẹn nguyên giá trị, để lại những bài học quý báu cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân
Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Nâng cao đạo đức cách mạng

Theo Hồ Chí Minh, con người cần đạo đức, cách mạng cần đạo đức. Người là một lãnh tụ đặc biệt quan tâm tới đạo đức cách mạng; quan tâm hàng đầu, nhất quán, xuyên suốt đến tận cuối đời. Bắt đầu sự nghiệp cách mạng, Người giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng cho mọi người yêu nước Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục mà còn hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân ta. Người yêu nhất điều thiện, ghét nhất điều ác.

Theo Hồ Chí Minh tất cả mọi việc đều do con người làm ra. Mọi sự thành bại của cách mạng liên quan đến con người tốt hay xấu. Cách mạng là thay cũ đổi mới, thay xấu thành tốt. Vì vậy, việc vũ trang cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên những giá trị đạo đức mới có ý nghĩa rất quan trọng như nguồn của sông, gốc của cây, sức mạnh của con người gánh nặng đường xa.

Đạo đức cách mạng có nội dung sâu rộng. Đó là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên hết, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân; là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Tiếp cận dưới góc độ hệ thống, đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; là cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, trí, dũng, chí công vô tư. Những phẩm chất đạo đức đó cần trong mọi lúc, mọi nơi, mọi giai đoạn cách mạng.

Vì sao phải nâng cao đạo đức cách mạng? Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa hội diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tốt và cái xấu, cái tiến bộ và cái lạc hậu, cái tích cực và cái tiêu cực. Kiến thiết, xây dựng bao giờ cũng khó hơn xóa bỏ. Chống cái lạc hậu, cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi là cuộc chiến đấu khổng lồ, khó hơn chuyện đánh giặc. Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất vì phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc[1]. Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì.

Theo Hồ Chí Minh, người đảng viên, cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà ưu điểm ngày càng thêm. Có chí công vô tư thì lòng dạ mới trong trẻo, đầu óc mới sáng suốt để chăm làm những việc ích quốc lợi dân. Nếu tâm không chính thì hại đến dân, làm mất lòng dân, mà mất lòng dân là mất tất cả. Cốt lõi của đạo đức cách mạng là chí công vô tư mà cao nhất là đặt lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, trước hết. Đó là bổn phận cao quý, thiêng liêng của người cách mạng.

Trong mối quan hệ đức - tài, có đạo đức cách mạng trước thì học tập để dần dần có trình độ, tài năng; ngược lại, có tài năng mà không có đạo đức thì dễ mai một, nguy hại hơn là có thể bị dùng vào những việc xấu xa gây tác hai không lường được cho cách mạng. Hồ Chí Minh dạy: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng… Đức phải có trước tài”[2].

Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.

Theo Hồ Chí Minh, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc; khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.

Đạo đức cách mạng là thước đo lòng cao thượng của con người. Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng.

Đạo đức cách mạng là một đặc trưng cơ bản của chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa; là thước đo “chất người”, “trình độ người” của một con người; là sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, liên quan đến sự thành bại của cách mạng. Chúng ta “đem tinh thần mà chiến thắng vật chất, chúng ta vì nước, vì dân mà chịu khổ, một cái khổ rất có giá trị, thì vật chất càng khổ tinh thần càng sướng”[3]. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không.

“Đảng ta không phải trên trời sa xuống, mà từ trong xã hội sinh ra”[4]. Mỗi đảng viên đều còn có ít nhiều vết tích về tư tưởng và tập quán của xã hội cũ và họ mang vào Đảng. Đó là câu chuyện “lội bùn thì nhất định có hơi bùn. Cần phải tắm rửa lâu ngày mới sạch”[5]. Theo Hồ Chí Minh, hơi bùn, tính xấu “của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến Nhân dân”[6]. Cái hại lớn hơn là cán bộ có chức có quyền mà không có đạo đức thì dễ tha hóa. Nói tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực là như vậy. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”[7]. Hoặc “những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”[8].

Cần, kiệm, liêm, chính là thước đo trình độ văn minh, tiến bộ của một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”[9]. Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, của thi đua ái quốc, là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Phạm Văn Đồng cho rằng “cần kiệm liêm chính là đặc điểm của xã hội hưng thịnh. Những điều trái lại là đặc điểm của xã hội suy vong”.

Quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Chủ nghĩa cá nhân là một loại địch. Nó là tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Chủ nghĩa cá nhân là ít nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân, mà thường lo cho lợi ích riêng của mình. Tham danh lợi, hay suy tị. Có chút thành tích thì tự cao tự đại, kiên ngạo, công thần, gây lủng củng trong nội bộ. Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Chủ nghĩa cá nhân là những người giữ thái độ bàng quan, họ như con ốc tù, chui vào vỏ rồi mặc. Tóm lại, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân là một thứ gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là một thứ vi trùng rất độc đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như tham ô, lãng phí, quan liêu, tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành.... Nó phá từ trong phá ra, là bạn đồng minh của chủ nghĩa đế quốc và thói quen truyền thống lạc hậu, nguy hiểm hơn kẻ thù bên ngoài.

Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của Nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ.  Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta, làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính. Nó phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của Nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám.

Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”. Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”[10].

Chủ nghĩa cá nhân là mối nguy hại cho đảng và cả dân tộc: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[11].

Tóm lại, theo Hồ Chí Minh, “chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của  chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân[12]. Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân và các loại kẻ địch khác.

Chống chủ nghĩa cá nhân là cách mạng. Chống chủ nghĩa cá nhân là dân chủ. Chống chủ nghĩa cá nhân là làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc văn minh, tiến bộ. Vì vậy phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.

Những bài học quý báu đối với cán bộ, đảng viên hiện nay

Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là cái cẩm nang thần kỳ, kim chỉ nam, mặt trời soi sáng con đường cách mạng đi tới thắng lợi; có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ tận tâm, tận lực, tận hiến cho Tổ quốc và Nhân dân. Cán bộ, đảng viên hiện nay phải nhận thức sâu sắc, học và làm thật sự theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chống giặc nội xâm thì mới góp phần đưa công cuộc đổi mới đến thành công; ngược lại, không hiểu thấu và làm đúng tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì đổi mới khó khăn, dẫm chân tại chỗ.

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là tham nhũng, tiêu cực “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[13].

Không là định mệnh nhưng là quy luật - ở đâu Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu xa rời nguyên lý tự hoàn thiện mình, không “chính tâm tu thân”, tự trui rèn thì ở đó sớm hay muộn không tránh khỏi tai họa.

Thứ hai, cán bộ cách mạng, đảng viên cộng sản tức làm người có trình độ cao. Vì vậy phải nhận thức việc nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân ở cấp độ “kép”. Tuy là trình độ cao, nhưng vẫn trên cái nền “làm người”. Vì vậy trước hết phải rèn tư cách làm người, rèn nhân tính. Đổ vỡ cái này là đổ vỡ tất cả, là không thành người. Đồng thời, “đảng viên, cán bộ và lãnh tụ khác với những người thường. Họ là những người chiến sĩ tiên phong của giai cấp, của dân tộc. Vì vậy, họ hoàn toàn không được đại biểu cho lợi ích cá nhân, mà phải đại biểu lợi ích của dân tộc, của giai cấp”[14].

Thứ ba, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được Nhân dân khen là người “đi trước” để làng nước “theo sau”. Họ phải xứng danh, thể hiện trong nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Ngược lại, họ “bất chính” thì hạ “tắc loạn”; họ không “chính ngôi”, dưới sẽ “hỗn hào”. Đạo đức cách mạng là điều danh dự cao quý, thiêng liêng. Nếu người đứng đầu không thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương về đạo đức, để mất niềm tin là mất tất cả.

Thứ tư, điều có ý nghĩa quan trọng nhất là nêu gương, làm thật. Điều đó có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Kết hợp chặt chẽ “nâng cao” với “quét sạch”, nhưng trước hết phải “quét sạch”, vì “muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được”[15].

 [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.92.

[2] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.269.

 [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.176.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.295.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.303.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.294.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.127.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.122.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.128.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.127.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.609.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.234.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.291.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.113.

 

 

Nâng cao đạo đức cách mạng Theo Hồ Chí Minh, con người cần đạo đức, cách mạng cần đạo đức. Người là một lãnh tụ đặc biệt quan tâm tới đạo đức cách mạng; quan tâm hàng đầu, nhất quán, xuyên suốt đến tận cuối đời. Bắt đầu sự nghiệp cách mạng, Người giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng cho mọi người yêu nước Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục mà còn hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân ta. Người yêu nhất điều thiện, ghét nhất điều ác. Theo Hồ Chí Minh tất cả mọi việc đều do con người làm ra. Mọi sự thành bại của cách mạng liên quan đến con người tốt hay xấu. Cách mạng là thay cũ đổi mới, thay xấu thành tốt. Vì vậy, việc vũ trang cho các tầ

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn