Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng. Là người mở đường cho việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, chăm lo phát triển đạo đức, xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là hiện thân tiêu biểu nhất của sự kết hợp kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, kết hợp tính dân tộc với tính nhân loại trong văn hóa. Người đã đưa văn hóa dân tộc Việt Nam đến với văn hóa nhân loại và thời đại - điều này chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

Hồ Chí Minh Người mở đường xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam
Hồ Chí Minh Người mở đường xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam

Bác Hồ với các nghệ sĩ điện ảnh tại chiến khu Việt Bắc.

Người mang hình ảnh của một “nền văn hoá tương lai”

Những giá trị bền vững tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm; là tình đoàn kết, yêu thương gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, là tính cần cù, sáng tạo trong lao động, giản dị trong lối sống..., tất cả đều hội tụ và tỏa sáng ở vị Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Trong tư duy và trong hành động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng không chống lại những giá trị văn hóa của nhân dân Pháp, chống đế quốc Mỹ nhưng vẫn trân trọng những truyền thống văn hóa - cách mạng Mỹ. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh trong và ngoài nước khẳng định. Petghidapnhơ viết trên tờ Diễn đàn (Mỹ): “Cụ Hồ Chí Minh là một người yêu mến văn hoá Pháp trong khi chống thực dân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ khi Mỹ phá hoại đất nước của Cụ”.

Có thể nêu việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một số điểm trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791 để mở đầu cho bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 như một dẫn chứng nổi bật để minh họa cho những ý kiến trên.

“Trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới… Nguyễn Ái Quốc, cũng đang toả ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hoá, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai” - nhà thơ Ôxip Mandenxtam trong ghi chép “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc”.

Biểu tượng của tinh thần khoan dung văn hóa

Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nhận xét trong công trình Hồ Chủ tịch - hình ảnh của dân tộc: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn bất cứ người Việt Nam nào hết”. Nhưng ở “người Việt Nam này” luôn hiện diện thái độ trân trọng mọi giá trị văn hóa của nhân loại, không ngừng rộng mở tiếp nhận những yếu tố tích cực, tiến bộ để làm giàu thêm cho văn hóa Việt Nam.

Đất nước Việt Nam nằm ở ngã ba giao lưu của nhiều nền văn hoá, trước hết là hai nền văn hóa lớn ở phương Đông là văn hóa Trung Hoa và văn hoá Ấn Độ, các nền văn hóa khu vực Đông nam Á và sau này là Thiên chúa giáo cùng với văn hóa phương Tây. Những điểm tích cực, phù hợp của những dòng văn hóa du nhập được nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam chọn lọc tiếp thu, khai thác, sử dụng trên nhiều lĩnh vực: tư tưởng, tôn giáo, văn học, nghệ thuật... Những ảnh hưởng này được khúc xạ qua bề dày của văn hóa Việt Nam, tạo nên tính đa dạng, sự phong phú cho nền văn hóa Việt Nam.

Với phương châm tìm ra những điểm tương đồng làm cơ sở để thu nhận những giá trị, để hòa đồng, Hồ Chí Minh là người đưa bàn tay hữu nghị thân ái của nhân dân Việt Nam tới với các dân tộc khác, các nền văn hóa khác. Người luôn tìm được và nhấn mạnh những điểm tương đồng, những “mẫu số chung” - là điều có thể đưa những người đối thoại xích lại gần nhau, chấp nhận những điểm riêng, khác biệt để tìm được tiếng nói chung, để có thể đi chung một con đường, thậm chí chỉ một đoạn đường, cùng hướng tới cái đích chung trong khi vẫn bảo lưu những cái khác biệt. Những điểm chung đó là những giá trị mang tính phổ quát: là những nguyên tắc đạo đức, là lòng nhân, là tính thiện, là tình yêu tự do, là khát vọng độc lập dân tộc... “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau: Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”.

Với đối phương, những luận điểm của Hồ Chí Minh cũng đầy tính thuyết phục: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do. Lòng yêu nước thương nòi này làm vẻ vang các bạn vì nó là lý tưởng cao quý nhất của loài người. Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã tập hợp được sự ủng hộ rộng lớn của loài người tiến bộ, trong đó có cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ, vì cuộc chiến đấu của chúng ta mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo vệ những giá trị thiêng liêng trong lương tâm của nhân loại.

Tư duy văn hóa của Hồ Chí Minh luôn rộng mở. Ở Hồ Chí Minh luôn hiện diện một thái độ trân trọng những giá trị văn hóa nhân loại, rộng mở để thu nhận những yếu tố tích cực, tiến bộ và nhân văn nhằm làm phong phú cho nền văn hoá Việt Nam, giao lưu, đối thoại để đạt tới sự hoà đồng, hướng tới một tương lai hòa bình và phát triển của các dân tộc trên thế giới. Đây chính là tinh thần khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh. Tinh thần khoan dung này bắt nguồn từ truyền thống nhân ái, khoan hòa, từ đặc tính mềm dẻo, năng động chấp nhận những yếu tố mới của văn hóa Việt Nam đã được Hồ Chí Minh kế thừa và nâng cao.

Ở Người, văn hoá khoan dung luôn tỏa sáng trong tư tưởng, trong tình cảm và trong mọi hành động cách mạng và tinh thần khoan dung văn hóa trong tư tưởng của Người, đã cống hiến cho nền văn hoá Việt Nam cũng như cho văn hóa nhân loại nhiều giá trị. Tấm gương khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh được nhân loại ngưỡng mộ và tôn vinh

Tiến sĩ M. Admad, Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Duơng: “Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hoá vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Người làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hóa khác nhau”.

Người mở đường xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam

Trong Mục đọc sách ở phần cuối tập Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh nêu ra một định nghĩa về văn hóa: “Ý nghĩa của văn hoá: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Hồ Chí Minh đã định nghĩa văn hóa theo nghĩa rộng nhất và muốn xây dựng nền văn hóa dân tộc thì phải xây dựng tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội , đạo đức, tâm lý con người.

Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng lao động Việt Nam, (tháng 2/1951), khi xác định đường lối phát triển cho nền văn hóa mới Việt Nam, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng".

Trên nền vững chắc của văn hoá dân tộc để chiếm lĩnh, thu hóa những giá trị văn hóa bên ngoài, bản lĩnh văn hoá đó của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong lịch sử càng được Hồ Chí Minh phát huy mạnh mẽ trong việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam.

Khẳng định bản sắc dân tộc

Những nét khác biệt của văn hóa Việt Nam so với các nền văn hóa khác, đó cũng là những nét khác biệt của dân tộc Việt Nam so với các dân tộc khác. Nó được thể hiện trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, tính cách, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán, trong các loại hình văn học nghệ thuật, trong toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc... và tập trung nhất là trong những truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, tạo nên những giá trị tinh thần bền vững, có sức sống vượt qua mọi thử thách, không thể bị đồng hóa, vẫn tồn tại và phát triển, ngày càng phong phú hơn, thể hiện sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam. Lịch sử đã cho thấy rằng, trong những chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam có phần không nhỏ chiến thắng của sức mạnh văn hoá tiềm tàng được hun đúc qua bề dày truyền thống hàng ngàn năm của một dân tộc yêu tự do, đấu tranh kiên cường vì chính nghĩa trước những âm mưu của các thế lực xâm lược.

 Yếu tố dân tộc làm nên bản sắc của nền văn hóa. Hồ Chí Minh khẳng định “Gốc của văn hóa mới là dân tộc”. Văn hóa phải làm cho mỗi người Việt Nam hiểu sâu sắc và đầy đủ những giá trị truyền thống, trên cơ sở đó mà khẳng định bản sắc dân tộc, phát huy được sức mạnh tinh thần của quần chúng từ những giá trị của truyền thống để hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng.

Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/1946), Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Phải “trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam, phải lột cho hết tinh thần dân tộc”. “Nếu dân tộc hóa mà phát triển đến cực điểm thì tức là đến chỗ thế giới hóa nó, vì lúc bấy giờ văn hóa thế giới sẽ phải chú ý đến văn hóa của mình và văn hóa của mình sẽ chiếm được vị trí ngang với các nền văn hoá thế giới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao các giá trị truyền thống. Theo Người, một nền văn hóa cách mạng có sức sống phải gắn bó với sứ mệnh lịch sử của dân tộc, tình cảm dân tộc, các phong tục tập quán của dân tộc... - đó là những nhân tố cơ bản chi phối mạnh mẽ tính dân tộc của văn hóa.

Với Hồ Chí Minh, chăm lo đặc tính dân tộc trong văn hoá cũng chính là thể hiện khát vọng hòa bình, tình hữu nghị, tinh thần tự do của dân tộc Việt Nam, góp phần làm cho các giá trị văn hoá nhân loại hòa quyện chặt chẽ với nhau tạo nên một nền văn hóa có giá trị lịch sử, thích nghi và phát triển, biết gạn lọc và hấp thụ những tinh hoa của nền văn hóa thế giới.

Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Luôn chăm lo đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, Hồ Chí Minh cũng chống lại nguy cơ bảo thủ, khép kín. Người cho rằng: “Văn hóa các dân tộc khác phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”.

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, nền văn hóa Việt Nam có cả những tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây. “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại. Do đó, Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Đây cũng là xu hướng tất yếu của các nền văn hoá. Điều này phù hợp với quy luật phát triển của văn hóa luôn có sự giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau. Cho đến nay chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị những luận điểm này khi thế giới đang trở thành một môi trường cộng sinh về kinh tế và văn hóa, khi sự phát triển của một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia không tách rời sự phát triển của các cộng đồng khác, của các quốc gia khác và sự phát triển của toàn thế giới.

Đứng vững trên cái nền văn hóa dân tộc, Hồ Chí Minh đã thu hóa những tinh hoa của văn hóa phương Đông và phương Tây, rút ra những điều hay, điều hợp lý, điều tích cực. Người nhận xét: “Khổng Tử, Giêsu, Tôn Dật Tiên, Mác chẳng có những ưu điểm chung đó sao ?.

Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”.

Nền văn hóa mới Việt Nam thống nhất trong đa dạng, kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đây thực sự là sự thu hóa những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho những tinh hoa ấy trở thành “tinh thần thuần tuý Việt Nam”, tự nhiên như những yếu tố nội sinh của văn hóa Việt Nam.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một luận điểm quan trọng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhấn mạnh vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của cách mạng và của cả dân tộc. Người nhiều lần nhấn mạnh: Phải làm cho văn hóa bồi đắp những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, tình yêu thương con người, yêu chân, thiện, mỹ; yêu tính trung thực, chân thành, thủy chung, ghét những thói hư tật xấu, những sa đọa biến chất, căm thù mọi thứ “giặc nội xâm”...

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc phát triển văn hoá và xây dựng con người có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Phát triển văn hóa nhằm mục đích xây dựng con người, tạo điều kiện để con người ngày càng phát triển hoàn thiện. Xây dựng con người mới, có đủ tài, đủ đức là một nội dung quan trọng của phát triển văn hóa. Văn hóa là một mục tiêu trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới: “muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển cả kinh tế và văn hóa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng. “Đạo đức là gốc của người cách mạng”, từ năm 1927, trong tác phẩm Đường kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã đặt Tư cách người cách mệnh ở trang đầu tiên. Trên mỗi chặng đường cách mạng, Người đều nhấn mạnh đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng chăm lo bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách lành mạnh, luôn hưóng con người vươn tới chân, thiện, mỹ để không ngừng hoàn thiện bản thân mình. Người cũng nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để chúng ta học tập, cho đến hôm nay. Những chuẩn mực đạo đức được Hồ Chí Minh nêu lên, cả những chuẩn mực chung và những chuẩn mực cụ thể, phù hợp với từng đối tượng: công nhân, nông dân, bộ đội, công an, trí thức, thanh thiếu niên, phụ nữ; v.v... đã trở thành những tiêu chí, trở thành mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của nhiều thế hệ người Việt Nam. Cho đến hôm nay, những điều đó vẫn chưa hề “cũ”.

“Văn hóa văn nghệ là một mặt trận”

Văn hóa là một nguồn lực tinh thần nội sinh có sức mạnh to lớn. Lịch sử đã cho thấy rằng trong những chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ 20 có phần không nhỏ chiến thắng của sức mạnh văn hóa tiềm tàng được hun đúc qua bề dày truyền thống của một dân tộc yêu tự do, đấu tranh kiên cường vì chính nghĩa trước những âm mưu của các thế lực xâm lược phi nghĩa. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hoá có vị trí quan trọng. Cùng với cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế... cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa đưa cuộc kháng chiến - kiến quốc mau đến thắng lợi và góp phần xây dựng xã hội mới trong tương lai. Cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hoá không chỉ chống lại những âm mưu nô dịch về văn hóa của kẻ địch mà còn xây dựng một nền văn hóa mới cho nhân dân, xóa bỏ những tập quán hủ tục lạc hậu, xây dựng con người mới, đời sống mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận”. Mỗi người hoạt động trên lĩnh vực văn hoá: các văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học, nhà văn hóa phải “là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Văn hóa là một mặt trận không có tiếng súng nhưng không phải vì thế mà kém gay go ác liệt. Những người công tác trên mặt trận ấy phải có những đức tính, những phẩm chất của người chiến sĩ, “Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. “Chiến sĩ văn hóa” phải có đủ dũng khí, tri tuệ, và bản lĩnh để chống lai những phản văn hóa.

Kế thừa và phát triển tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh

Trên tinh thần kế thừa luận điểm của Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, phát triển đường lối văn hóa của Đảng, Nghị quyết  Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII đưa ra “phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa” nhằm “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội…”, coi văn hóa là nền tảng của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển. Nghị quyết Trung ương 5 đã đặt đúng vị trí, vai trò của văn hóa trong những nhân tố của phát triển, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. Nghị quyết này mang tầm của một Cương lĩnh văn hóa trong thời kỳ Đổi mới của Đảng. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tích cực và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Cũng trên cơ sở kế thừa tinh thần và những thành tựu đó, một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội XIII của Đảng là đã xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực, trong đó: Xác định ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục đào tạo; đẩy mạnh và thúc đẩy, đa dạng hóa các loại hình và hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam... Đây là định hướng quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới./.

Tổ chức thực hiện: Lê Mậu Lâm, Hồng Minh
Nội dung: Mậu Lâm, Vương Anh, Tuyết Loan

 

Bác Hồ với các nghệ sĩ điện ảnh tại chiến khu Việt Bắc. Người mang hình ảnh của một “nền văn hoá tương lai” Những giá trị bền vững tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm; là tình đoàn kết, yêu thương gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, là tính cần cù, sáng tạo trong lao động, giản dị trong lối sống..., tất cả đều hội tụ và tỏa sáng ở vị Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Trong tư duy và trong hành động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến chống thực dâ

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn