Trong cuộc đời cách mạng phong phú và gian lao, cao đẹp và trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân là sự kiện thể hiện sinh động đạo đức, bản lĩnh của Người; trở thành tấm gương mẫu mực, thiết thực cho công tác xây dựng, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Gương sáng đạo đức, bản lĩnh cho cán bộ, đảng viên
Gương sáng đạo đức, bản lĩnh cho cán bộ, đảng viên

Đạo đức, bản lĩnh của nhà ái quốc vĩ đại

Nhận thức điều kiện và yêu cầu mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh không bị lệ thuộc vào quan điểm của các thế hệ tiền bối mà đưa ra quan điểm riêng của Người: Phải đi ra nước ngoài, xem cho rõ, sau khi đã xem rõ, trở về giúp đồng bào. Điều cần nhấn mạnh ở đây là Nguyễn Ái Quốc đã ý thức được tư duy cứu nước truyền thống không thể giúp chiến thắng được thực dân Pháp-một kẻ thù hoàn toàn mới và hơn hẳn dân tộc Việt Nam về trình độ phát triển của phương thức sản xuất (phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa so với phương thức sản xuất phong kiến).

Do đó, Người từ chối con đường Đông du của cụ Phan Bội Châu, chọn hướng đi sang phương Tây để học hỏi tư duy mới, cách thức mới; học hỏi để tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính chứ không phải là cầu viện, trông chờ, lệ thuộc vào sự giúp đỡ của bên ngoài. Trong hành trình đó, bằng tư duy độc lập, tự chủ, óc phê phán tinh tường, Người đã gạn lọc và tiếp thu những hạt nhân hợp lý, làm giàu thêm vốn văn hóa của bản thân để vươn lên đến đỉnh cao của văn hóa nhân loại, trở thành nhà văn hóa vừa mang đậm chất Á Đông vừa hết sức cởi mở, hòa hợp với văn hóa phương Tây.

Ra đi với hai bàn tay trắng và chỉ có một mình, nhưng với tấm lòng yêu nước nhiệt thành, Nguyễn Ái Quốc phải làm nhiều công việc lao động vất vả. Khi các nước đế quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất họp hội nghị ở Versaille (Pháp), Người đã khởi xướng việc gửi đến hội nghị bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gồm 8 điểm, đòi các quyền tự do, dân chủ-một việc làm đầy bản lĩnh của một người dân thuộc địa ở ngay tại sào huyệt của những kẻ đang thống trị dân tộc mình.

Sau khi gửi bản yêu sách, dù bị mật thám Pháp theo dõi ráo riết, thậm chí bị Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarraut gọi đến gặp, vừa đe dọa vừa dụ dỗ, nhưng Người không hề bị khuất phục trước cường quyền hay sự cám dỗ của cuộc sống “vinh thân phì gia”, mà vẫn kiên định với mục tiêu cứu nước, cứu dân đã chọn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội (1966). (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Nguyễn Ái Quốc phải đối mặt với bao gian nan, hiểm nguy và Người đã vượt qua bằng tấm lòng yêu nước nồng nàn, trong sáng, bằng bản lĩnh vững vàng. Người khâm phục cách mạng Mỹ (1776); cách mạng Pháp (1789) nhưng nhận thức rõ về bản chất, các cuộc cách mạng này là “không đến nơi”, chỉ thay thế chế độ bóc lột cũ bằng chế độ bóc lột mới tinh vi hơn, hiện đại hơn. Người cũng nhận thấy lúc này còn có sự tồn tại những trào lưu tư tưởng khác nhau trong giai cấp công nhân, trong đó đặc biệt là tư tưởng của tầng lớp “công nhân quý tộc” và các “nghiệp đoàn vàng”, không quan tâm đến đời sống cực khổ của người dân ở các thuộc địa.

Giữa nhiều trào lưu tư tưởng của thế giới khi đó, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra và tìm đến Chủ nghĩa Mác-Lênin, “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”. Người đã tìm ra con đường đúng cho bản thân, cũng là con đường đúng cho toàn thể dân tộc, trở thành sự lựa chọn của chính dân tộc.

Ngày nay, nhìn lại sự kiện Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta càng thấy tầm vóc lớn lao và ý nghĩa trọng đại của sự kiện này. Với lòng yêu nước nồng nàn và bản lĩnh phi thường, vượt lên những khó khăn, thách thức của hoàn cảnh cùng những định kiến đương thời, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã quyết chí đi tìm và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với dân tộc-con đường cách mạng vô sản, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Đạo đức, bản lĩnh của Người chính là sự kết tinh và nâng tầm những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh lịch sử mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cán bộ, đảng viên phải tích cực rèn luyện, làm theo gương sáng Bác Hồ

Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, bên cạnh nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà cách mạng, dân tộc đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót và đối diện với các nguy cơ, thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó đáng chú ý là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật và kỷ luật đảng của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã gây hậu quả kinh tế-xã hội nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến hết năm 2023 đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Hiện nay, mặt trái của quyền lực kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường đã tạo thành một sự cộng hưởng có tác động sâu sắc, là thử thách lớn đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên.

Trước tình hình đó, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, đi vào thực chất chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngày 9-5-2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định 144), với 5 điều, 19 nội dung cụ thể, là một chỉnh thể thống nhất định hướng việc xây dựng, rèn luyện chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để đứng vững trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn, thử thách hay thuận lợi, thành công, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ.

Việc ban hành quy định này kết hợp với các nghị quyết, quy định trước đó của Trung ương Đảng về nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; về những điều đảng viên không được làm; về kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời góp phần rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trước sự biến đổi sâu sắc và phức tạp của đời sống xã hội hiện nay, sự tác động mạnh mẽ của tình hình thế giới, gương sáng đạo đức cách mạng của Bác trên hành trình tìm đường cứu nước vẫn luôn là bài học mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tấm lòng son sắt vì nước, vì dân, sẵn sàng cống hiến, không quản gian khổ, hy sinh, đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết và trước hết, lấy độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân làm lý tưởng phấn đấu.

Đó cũng là bài học sâu sắc của bản lĩnh, của tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám bỏ qua những lối mòn, những yếu tố không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tế; đồng thời chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa giá trị của dân tộc và nhân loại, từ đó vận dụng và bổ sung, phát triển trong điều kiện cụ thể, lấy kết quả thực tiễn phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm, đánh giá.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, cán bộ, đảng viên là gốc của mọi công việc; vấn đề cán bộ quyết định mọi việc; mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Việc ban hành và triển khai thực hiện Quy định 144 là sự vận dụng, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ cách mạng mới với nhiệm vụ mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện đúng đắn, đầy đủ những nội dung trong quy định này chính là để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác xây đắp nền, gốc, bản lĩnh chính trị của bản thân, không ngừng bồi đắp và tăng cường sức mạnh nội sinh nhằm đẩy lùi các hiện tượng suy thoái, tiêu cực; đấu tranh với cái xấu, cái ác để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Quy định 144 sẽ tạo ra bước chuyển biến mới, tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước thềm đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

PGS. TS. LÝ VIỆT QUANG

Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

TS. LÊ THỊ HẰNG

 

Cán bộ Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Đạo đức, bản lĩnh của nhà ái quốc vĩ đại Nhận thức điều kiện và yêu cầu mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh không bị lệ thuộc vào quan điểm của các thế hệ tiền bối mà đưa ra quan điểm riêng của Người: Phải đi ra nước ngoài, xem cho rõ, sau khi đã xem rõ, trở về giúp đồng bào. Điều cần nhấn mạnh ở đây là Nguyễn Ái Quốc đã ý thức được tư duy cứu nước truyền thống không thể giúp chiến thắng được thực dân Pháp-một kẻ thù hoàn toàn mới và hơn hẳn dân tộc Việt Nam về trình độ phát triển của phương thức sản xuất (phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa so với phương thức sản xuất phong kiến). Do đó, Người từ chối con đường Đông du của cụ Phan Bội Châu, chọn hướng đi sang phương Tây để h

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn