Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy với xã hội, với sự nghiệp trồng người. Bác xem việc dạy – học là một nghề đào luyện những thế hệ trẻ để xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Vì vậy, người thầy giáo phải hội đủ cả đức và tài, trong đó đức phải có trước tài – “Người Thầy phải chú ý cả tài và đức”. Lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đội ngũ nhà giáo Việt Nam thực hiện lời dạy của Bác “Người Thầy phải chú ý cả tài và đức”
Đội ngũ nhà giáo Việt Nam thực hiện lời dạy của Bác “Người Thầy phải chú ý cả tài và đức”

1. Ghi nhớ lời dạy của Bác “Người thầy phải chú ý cả tài và đức”

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục – đào tạo, vai trò của người thầy trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng, rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế – văn hóa1. Trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới đăng trên báo Nhân dân số 5299, ngày 16/10/1968, Người đã viết “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng, rất vẻ vang’’2. “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật3. Nền tảng giáo dục chính trị, tư tưởng tốt, chất lượng văn hóa và chuyên môn ở đây chính là hai phẩm chất cao quý mà Người thường nói tới: Đức và tài; hồng và chuyên; tâm và tầm.

Có thể nói, tài và đức đối với người thầy – người đưa đò thầm lặng, gánh trên vai trọng trách cao cả của một dân tộc đang vươn mình đứng dậy sau những tàn phá, mất mát đau thương của chiến tranh – là nền tảng cho một nền giáo dục cách mạng nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ở bất cứ xã hội nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Vì vậy, người thầy phải không ngừng rèn đức, luyện tài để hoàn thành trọng trách vẻ vang mà xã hội tin tưởng trao gửi.

Tài là khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của người thầy giáo. Tài thể hiện trình độ kiến thức, năng lực giảng dạy mà người thầy phải trang bị, trau dồi, học hỏi thông qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Dù ở vị trí nào trong ngành giáo dục, đã lựa chọn theo đuổi ước mơ, đam mê hay thực hiện nhiệm vụ, chức trách được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó, người thầy cũng phải tự ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nghề – Nghề sư phạm, nghề trồng người. Người thầy giỏi chuyên môn, vững tay nghề sẽ tạo ra những thế hệ học trò tương xứng, ngược lại, sẽ làm hỏng cuộc đời một con người, làm chậm bước phát triển, thậm chí là đưa đến bước thụt lùi cho cả một dân tộc. Chính vì vậy, người thầy luôn phải gương mẫu trong học tập, phát triển chuyên môn, tri thức khoa học đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới, đặc biệt trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật phát triển như hiện nay.

Về đức, theo Người là chính trị, đạo đức, tư tưởng tốt. Đức là lòng yêu nghề, trách nhiệm, lương tâm nhà giáo. Đạo đức của người thầy thể hiện ở tâm thế tự tin, nhân cách, lối sống có văn hóa cả trên bục giảng và khi hòa mình vào đời sống thực tiễn. Đức giúp người thầy luôn dạy bằng cả tấm lòng, yêu thương học trò, luôn tâm niệm là kỹ sư tâm hồn của các thế hệ học sinh. Dạy học là một nghề đặc thù, kết hợp lao động trí óc, lao động thể lực, mang tính khoa học và nghệ thuật… Người làm nghề dạy học phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng đáp ứng yêu cầu thời đại mới trên mọi phương diện, trở thành biểu tượng của văn hóa, đại diện cho văn minh thời đại, phải luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo.

Đức và tài đối với người thầy luôn song hành và quan hệ tương hỗ nhau, trong đó “đức phải có trước”, là “nền tảng”, cái gốc của người thầy. “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, nếu thầy giáo cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Đức phải có trước tài”4. “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó5.

Tài và đức phải cùng hội tụ song song trong một con người, đặc biệt đối với người thầy giáo. Bởi, nếu không hội đủ hai phẩm chất trên thì có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Học trò trước hết là sản phẩm của thầy giáo – Thầy giỏi sẽ tạo ra trò giỏi, thầy tốt tạo ra trò tốt và ngược lại. Người thầy có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những lớp người có trí tuệ và tài năng kế tiếp. Tuy nhiên, Bác cũng không đòi hỏi người thầy giáo phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại, vì năng lực mỗi người có giới hạn trước biển tri thức nhân loại. Vấn đề được đề cập ở đây là người thầy phải ưu tú hơn người khác ở chỗ luôn trau dồi kiến thức, thành thạo năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục – đào tạo và xu thế phát triển của thời đại.

Ngược lại, “Có tài mà không có đức thành người vô dụng”, bởi “Có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù có học giỏi đến mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn… Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào?6.

Những quan điểm, lời dạy của Bác đã định hướng sâu sắc cho ngành giáo dục và nhà giáo Việt Nam. Khắc ghi lời dạy của Bác, các thế hệ thầy giáo, cô giáo hôm nay luôn rèn đức luyện tài, giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp trồng người, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Trong đó, nhiều tấm gương cao quý được tôn vinh là Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đã góp phần đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển không ngừng.

 2. Nghĩ về tài và đức của đội ngũ nhà giáo

Trong bối cảnh hiện nay, nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, người thầy phải thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới. Nghề giáo là một nghề đặc thù, người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức cho học sinh, quan trọng hơn, người thầy phải cùng với gia đình và xã hội dạy các em cách thức trở thành một Người có ích cho xã hội, cộng đồng. Muốn vậy, các thầy, cô phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống, tác phong, chuẩn mực nhà giáo, tâm trong sáng, đức cao đẹp trên cơ sở nhận thức đúng đắn trước những biến động to lớn của thời cuộc để nêu gương cho học trò.

Điều 67 Luật Giáo dục năm 2019 quy định cụ thể tiêu chuẩn của nhà giáo, trong đó tiêu chuẩn hàng đầu là phẩm chất, tư tưởng đạo đức tốt, sau mới đến kỹ năng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ,… Phẩm chất đạo đức của nghề giáo là nền tảng trong nhân cách của người giáo viên, đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn: Người thầy phải chú ý cả tài và đức, trong đó đức phải có trước tài. Người thầy xứng đáng là người thầy phải vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng, vừa chuyên.

Với phương châm giáo dục mới: Dạy người, dạy chữ, dạy nghề (trước đây là dạy chữ, dạy người, dạy nghề), trong thời gian qua, ngành giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên, được quốc tế ghi nhận là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hệ thống giáo dục đại học xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp vào Top các trường đại học tốt nhất thế giới…7. Tất cả những thành tựu trên có sự đóng góp to lớn của các thế hệ thầy, cô giáo – những tấm gương sáng tạo cho học sinh khơi dậy tinh thần say mê học tập, ý thức trách nhiệm với công cuộc dựng xây đất nước hôm nay.

Hiện nay, vấn nạn “lệch chuẩn” trong đạo đức nhà giáo cũng đang là vấn đề đáng báo động, như sự tha hóa, biến chất về đạo đức, nhân cách, chạy theo đồng tiền, lợi dụng uy tín để trục lợi, thương mại hóa các hoạt động giáo dục, không chú trọng chất lượng, thậm chí vô tâm, phản cảm, bạo lực, xâm phạm nhân cách, danh dự học sinh, vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy…

Từ lời dạy của Bác Hồ, trong bối cảnh hiện nay, nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cần thực hiện một số giải pháp sau:

(1) Đối với ngành Giáo dục:

Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho nhà giáo nhằm khơi gợi khả năng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp phát triển đất nước. Cụ thể hóa các quy định về chuẩn mực nhà giáo – tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá giáo viên. Tiến hành thường xuyên công tác thanh, kiểm tra nhằm khen thưởng, động viên kịp thời những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, ưu tú, đồng thời, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nặng hơn cho ra khỏi ngành để làm gương.

Tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nêu cao khẩu hiệu mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo, dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho nhà giáo sống được với nghề, yên tâm làm việc, cống hiến, phát huy hết khả năng, trí tuệ phục vụ cộng đồng, xã hội.

(2) Đối với nhà giáo:

Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng động, tích cực tiếp thu, làm mới kiến thức, phương pháp giảng dạy. Đồng thời, trau dồi đạo đức, phong cách, cái “tâm” của nghề giáo. Ra sức rèn đức, luyện tài, vừa hồng, vừa chuyên, tận tụy với nghề, thuyết phục người học bằng sự uyên bác của trí tuệ, chuyên môn, về sự gương mẫu của bản thân nhằm hoàn thành sứ mệnh vẻ vang.

Nghiêm túc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là lời dạy của Bác về người thầy. Thực hiện nghiêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo, kiên quyết đấu tranh với những hành vi, biểu hiện tiêu cực trong giáo dục, nhất là trong thi cử, bệnh thành tích… Tránh sa vào cám dỗ vật chất tầm thường, giữ cho tâm trong sáng, đức cao đẹp, thể hiện tầm văn hóa của nhà giáo.

Để xứng đáng với vai trò trong sự nghiệp “trồng người”, mỗi người thầy trong xã hội hiện đại còn phải có đủ sức mạnh ý chí, bản lĩnh và lòng nhiệt thành cách mạng vượt qua những khó khăn, có lòng can đảm chống lại cái xấu, cái tiêu cực, luôn là tấm gương sáng, xứng đáng với danh hiệu Bác Hồ khen tặng: “Những anh hùng vô danh không tượng đồng bia đá, nhưng rất vẻ vang”.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 345.
2, 3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 508, 507.
4, 6. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 269, 269.
5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011 tr. 400.
7. Những thành tựu đổi mới sáng tạo trong giáo dục. http://nhandan.vn, truy cập ngày 31/3/2024.

ThS. Đặng Thị Bích Phượng
TS. Đặng Thị Minh Nguyệt
Học viện Chính trị khu vực II

 

 

1. Ghi nhớ lời dạy của Bác “Người thầy phải chú ý cả tài và đức” Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục – đào tạo, vai trò của người thầy trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng, rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế – văn hóa”1. Trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới đăng trên báo Nhân dân số 5299, ngày 16/10/1968, Người đã viết “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng, rất vẻ vang’’2. “Dù kh&oacut

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn