Xây dựng đạo đức công dân cũng là những nội dung quan trọng nhất và có tính xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập đến giáo dục đạo đức công dân trong chế độ mới. Người coi giáo dục đạo đức công dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách song song với các nhiệm vụ khác của chính quyền dân chủ. Những tư tưởng cách mạng, khoa học của Người đặt cơ sở, nền tảng cho sự nghiệp giáo dục đạo đức công dân ở Việt Nam.

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức công dân ở Việt Nam hiện nay dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức công dân ở Việt Nam hiện nay dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức công dân ở Việt Nam hiện nay dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Xây dựng đạo đức công dân cũng là những nội dung quan trọng nhất và có tính xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập đến giáo dục đạo đức công dân trong chế độ mới. Người coi giáo dục đạo đức công dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách song song với các nhiệm vụ khác của chính quyền dân chủ. Những tư tưởng cách mạng, khoa học của Người đặt cơ sở, nền tảng cho sự nghiệp giáo dục đạo đức công dân ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6.1960. (Ảnh: nguồn TTXVN)

Là lãnh tụ cách mạng, toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà Người còn kiên trì giáo dục, rèn luyện và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xây dựng con người mới XHCN. Giáo dục đạo đức công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền cũng nằm trong chiến lược chung đó. Bằng những phương thức đặc biệt, vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã tổ chức thực hiện công việc hệ trọng này. Theo Hồ Chí Minh, trong chế độ dân chủ nhân dân không chỉ cần đề cao trách nhiệm của nhà nước, “đạo đức công vụ” của cán bộ, công chức mà cần phải phát huy ý thức trách nhiệm công dân với tư cách là những thuộc tính căn bản nhất của người dân trong chế độ mới. Người chỉ rõ “nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm  chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”[1]. Với cách tiếp cận như vậy có thể hiểu: Đạo đức công dân là những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi của công dân trong quan hệ với nhà nước, nó được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống, sức mạnh của dư luận xã hội và pháp luật. Nhưng nguyên tắc, chuẩn mực này không chỉ định hình, thôi thúc công dân nêu cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm cố gắng hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình mà nó cần thường xuyên được củng cố và phát triển cho phù hợp với thực tiễn xã hội, bảo đảm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái đạo đức. Giáo dục đạo đức công dân chính là phương thức và quá trình chuyển hóa các nguyên tắc, chuẩn mực, quan điểm và lý tưởng đạo đức công dân của xã hội thành những phẩm chất đạo đức của cá nhân công dân, thành tình cảm và tri thức đạo đức, thành niềm tin và ý chí, thành trách nhiệm và nghĩa vụ, thành nhu cầu và động cơ bên trong, thành năng lực thực hiện và đánh giá đạo đức của mỗi người. Do đó, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, để đẩy mạnh giáo dục đạo đức công dân cần tập trung thực hiện những nội dung biện pháp chủ yếu sau đây:

Một là, đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục đạo đức công đân phù hợp với thực tiễn xây dựng xã hội mới. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội tất yếu được nảy sinh trên cơ sở tồn tại xã hội. Do đó, nội dung giáo dục đạo đức công dân cũng phải phản ánh và có tác dụng cải tạo tồn tại xã hội. Đây cũng chính là vai trò tích cực của đạo đức công dân đối với tồn tại xã hội. Trong điều kiện thực tiễn ở nước ta hiện nay, với chủ trương đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, yếu tố quan trọng hàng đầu đó là phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh của toàn dân tộc chỉ được phát huy khi mỗi công dân nhận thức đúng vấn đề lợi ích, thấy rõ sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích xã hội.. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “… chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí; quyền lợi của công dân và nghĩa vụ của công dân là nhất trí; đã là người chủ của nước nhà thì phải phụ trách đối với Tổ quốc”[2]. Quán triệt tư tưởng trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hoà quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”[3]. Vì vậy, cần phải trang bị cho mọi công dân những tri thức hiểu biết về vấn đề lợi ích trong xã hội mới, vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân, đề cao trách nhiệm công dân... từ đó củng cố niềm tin, thúc đẩy hành động tự giác của mỗi công dân.

Thông qua giáo dục đạo đức công dân cần làm cho mọi công dân hiểu rõ bản chất của nền dân chủ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng và sự khác nhau về chất với các chế độ dân chủ khác. Bản thân công dân phải thấy rõ, nếu như ở các chế độ phi vô sản, đặc biệt là chế độ tư bản con người tìm kiếm lợi ích cá nhân bằng mọi giá, kể cả trà đạp lên lợi ích của xã  hội, coi việc tìm kiếm lợi nhuận là điều kiện sống còn của mỗi cá nhân thì dưới chế độ xã hội chủ nghĩa lợi ích cá nhân gắn liền với lợi ích cộng đồng. Trong chế độ mới, chế độ do nhân dân lao động làm chủ, mỗi người là một bộ phận của tập thể, có vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao cho sự phát triển của xã hội, “Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn”[4]. Đây chính là cách ứng xử hợp đạo lý làm người của mỗi công dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, một xã hội mà “mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình”[5].

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại Thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội, tháng 7-1960. Ảnh: Tư liệu

Đồng thời, cần đẩy mạnh giáo dục cho mọi công dân hiểu rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và tính chất hạn chế của chủ nghĩa tư bản trong việc giải quyết các quan hệ lợi ích. Trong xã hội, mỗi cá nhân đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình, trong khi mỗi người lại là thành viên của cộng đồng xã hội. Nếu không có cái riêng của con người nữa thì xã hội sẽ mất hết ý nghĩa, mất cơ sở tồn tại. Song không phải chế độ nào, lợi ích cá nhân, lợi ích xã hội cũng có sự hài hòa, thống nhất. Cần vạch rõ tính chất hạn chế của các xã hội có giai cấp bóc lột trong giải quyết vấn đề lợi ích. Trong xã hội có giai cấp bóc lột thống trị thì bất cứ giai cấp nào cũng mưu toan vĩnh viễn hóa đặc quyền, đặc lợi của chúng. Cho nên cái gọi là “lợi ích chung”, lợi ích xã hội thực chất là lợi ích của giai cấp thống trị. Do đó, tuyệt đại đa số nhân dân lao động, bị áp bức bóc lột, buộc phải phục tùng cho cái gọi là “lợi ích chung” đó bởi vì điều kiện căn bản đem lại lợi ích cho cá nhân công dân là quyền sở hữu tư liệu sản xuất, lại nằm trong tay giai cấp thống trị. Vì vậy, trong các xã hội phi vô sản không có cơ sở cho sự dung hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng.

Giáo dục cho mọi công dân hiểu rõ yêu cầu đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về cơ bản lợi ích chung và lợi ích riêng là nhất trí, nhưng trong quá trình phát triển ở những điều kiện, hoàn cảnh nhất định vẫn không tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột. Cho nên, cách ứng xử của những công dân có đạo đức đó là phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Lợi ích chung được bảo đảm là cơ sở bảo đảm lợi ích của mỗi cá nhân.

Đạo đức công dân được hình thành thông qua quá trình giải quyết quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của công dân. Do đó, giáo dục công dân về quyền và nghĩa vụ cũng như cách thức giải quyết hài hòa mối quan hệ trên chính là nhằm phát huy cao nhất năng lực làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của từng đối tượng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mỗi người cần ý thức rõ danh dự, lương tâm và trách nhiệm của bản thân mình, từ đó giữ cho bản thân mình luôn luôn trong sáng, có bản lĩnh, có lòng nhân ái và sự khoan dung độ lượng; mặt khác, phải ý thức được sự tồn tại của các cá nhân khác trong cộng đồng, ý thức về cuộc sống của cộng đồng, của dân tộc và nhân loại để trên cơ sở đó ý thức về nghĩa vụ và quyền lợi, về trách nhiệm cá nhân với tập thể, xã hội.

Trong giáo dục đạo đức công dân cũng cần đặc biệt chú trọng giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật. Đây là chuẩn mực quan trọng bậc nhất trong thang giá trị đạo đức công dân. Do đó, bên cạnh việc trang bị kiến thức tri thức, hiểu biết, cần giáo dục, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, rèn luyện ý thức tôn trọng pháp luật thông qua duy trì nghiêm kỷ cương, phép nước. Xây dựng nhà nước pháp xuyền XHCN chính là nhằm nâng cao ý thức và thực hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật”, hình thành thói quen “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong mọi đối tượng công dân.

Hai là, kết hợp chặt chẽ “gia đình - nhà trường - xã hội” trong giáo dục đạo đức công dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định nhiệm vụ của ngành giáo dục “…không những dạy đọc, dạy viết, mà còn phải chú trọng dạy đạo đức công dân”[6]. Là một môn học đặc biệt chủ yếu nhằm trang bị kỹ năng ứng xử của công dân trong quan hệ với nhà nước, cần nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân. Khắc phục triệt để thái độ coi thường, xem nhẹ của cả người dạy và người học thông qua đổi mới, cải cách toàn diện. Đổi mới giáo dục đào tạo nói chung, nhất là với môn học giáo dục công dân nói riêng cần tập trung chuẩn hóa tất cả các khâu: đào tạo giáo viên; xác định nội dung, chương trình giảng dạy; thi, kiểm tra, đánh giá xếp loại kết quả; tài liệu nghiên cứu học tập… theo hướng thiết thực, hiệu quả, tránh các biểu hiện hình thức, kém tác dụng.

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi ươm mầm những nhân cách đầu tiên của công dân. Trong xã hội dân chủ, càng cần đến giáo dục đạo đức trong gia đình. Mỗi người không chỉ tìm thấy ở gia đình niềm vui, ý nghĩa trong sáng của cuộc sống, điểm tựa vững vàng và nguồn sinh lực mạnh mẽ để bước vào xã hội mà còn thu nhận từ gia đình những chuẩn mực đạo đức cao quý của người công dân để vững vàng bước ra ngoài xã hội với địa vị người làm chủ. Do đó, nội dung giáo dục đạo đức trong gia đình hiện nay không chỉ tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử của các thành viên trong gia đình “trên kính dưới nhường” và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.. mà cần tập trung giáo dục con em mình biết tôn trọng lợi ích xã hội và những nguyên tắc của đời sống xã hội, giáo dục tình cảm yêu Tổ quốc, yêu nhân, yêu chủ nghĩa xã hội. Đồng thời rèn luyện cho con em mình những tính cách cần thiết của người công dân như: tính ngay thẳng, lòng trung thực, dũng cảm, khiêm tốn, thái độ tự chủ dám làm dám chịu trách nhiệm, đặc biệt là ý thức tôn trọng pháp luật…

Bên cạnh việc giáo dục các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp trong nhà trường, gia đình, yêu cầu xây dựng chế độ mới cũng đòi hỏi phải phát huy vai trò tích cực của xã hội trong việc ngăn chặn những mặt trái của đạo đức công dân như: tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, lối sống hưởng thụ, lười động… Tham nhũng đang trở thành quốc nạn, là bài toán khó đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong khi hầu hết các vụ việc tham nhũng chủ yếu được phát hiện, bị tố giác nhờ dư luận xã hội… thì hầu như có rất ít các vụ án được phát giác từ các cơ quan nhà nước. Do đó cần tập trung đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương xã hội nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc xây dựng đạo đức công dân. Việc thúc đẩy đa dạng hóa các hình thức dân chủ cũng là yêu cầu cấp bách, cấp thiết trong điều kiện hiện nay. Việc thực hiện các hình thức dân chủ cơ bản như: trực tiếp, dân chủ đại diện, thực hiện trưng cầu dân ý… trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể nhân dân chính là biện pháp nhằm phát huy vai trò của mọi công dân trong tham gia quản lý nhà nước đồng thời khẳng định vai trò làm chủ của họ trong chế độ mới.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức công dân với giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin. Lý luận Mác - Lênin chẳng những là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho cho các đảng cộng sản và công nhân quốc tế trong cuộc đấu tranh thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình mà còn là “chất đề kháng” hữu hiệu nhất trong cuộc đấu tranh phòng ngừa nguy cơ suy thoái đạo đức của mỗi công dân. Do đó, để tránh những biểu hiện hình thức, giáo điều trong giáo dục lý luận Mác - Lênin, tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và đoàn thể chính trị xã hội cần lựa chọn nội dung học tập phù hợp, sát thực tế, gắn với từng đối tượng công dân cụ thể, với đặc thù nghề nghiệp của từng công dân. Trong đó, yếu tố cốt lõi nhất là bồi dưỡng cho công dân động cơ, thái độ học tập đúng đắn học “để phụng sự Tổ quốc và nhân dân”[7]. Trên cơ sở đó, làm cho mọi công dân “ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”[8].

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức công dân với tăng cường kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của việc giữ vững kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Người cho rằng: “Không giữ vững kỷ luật của Đảng, không kiên quyết chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, không thiết tha quan tâm đến lợi ích của Đảng - là trái với nghĩa vụ của đảng viên”[9]. Do đó, tăng cường kỷ luật Đảng nhằm xây dựng Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” có tác dung giáo dục đạo đức công dân trong quần chúng rất lớn. Quần chúng chỉ thực sự tin Đảng, yêu Đảng và tự giác làm tròn bổn phận của mình khi mỗi đảng viên của Đảng thực sự là tấm gương mẫu mực về đạo đức lối sống. Muốn tăng cường kỷ luật Đảng không chỉ giới hạn trong việc chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức mà cần phải phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của mọi công dân thông qua các cơ quan báo chí, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… hình thành cơ chế giám sát quyền lực của nhân dân. Cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh rằng: vì Đảng liên hệ mật thiết với quần chúng do đó hầu hết những suy thoái trong Đảng đều được người dân nhìn thấy rõ nhất. Nhân dân có hàng triệu người, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác, giống như “những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”[10]

Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức nhằm làm trong sạch bộ máy gắn với việc mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giúp loại bỏ nguy cơ “tha hóa quyền lực” trong các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là cơ chế giám sát có nhiều ưu điểm, thông qua lấy phiếu tín nhiệm giúp cán bộ công chức, đặc biệt là những người đứng đầu thấy rõ hơn trách nhiệm phục vụ nhân dân. Niềm tin của nhân dân với nhà nước,với cán bộ công chức nhà nước chính là mệnh lệnh đạo đức, là danh dự, nhân phẩm của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên khi niềm tin ấy bị sói mòn và không còn tồn tại nữa chính là căn cứ để luân chuyển và bãi miễn, sa thải cán bộ. Vấn đề ở chỗ, Đảng và Nhà nước phải thực sự tin dân, tin vào trí tuệ sáng suốt, công tâm của người dân trong các lá phiếu. Cần phải có những quy định pháp luật thích ứng chặt chẽ cùng với việc tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật. Vai trò đó thuộc về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, cần phải đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện Nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Năm là, phát huy vai trò nêu gương đạo đức công dân. Nêu gương về đạo đức trước hết là một yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên và những người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội. Việc nêu gương đạo đức của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”[11]. Ngược lại, sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, đặc biệt là sự thoái hóa, biến chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, pháp luật của công dân. Truyền thống dân tộc Việt Nam, luôn đề cao vai trò nêu gương của mỗi người dân, đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Để có được những tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo, đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, tự mình gương mẫu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tư tưởng và hành động của từng đảng viên phải thống nhất, nếu không “khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng. Lời nói và việc làm của đảng viên rất quan hệ đến sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng”[12]. Cần lựa chọn, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt trong các đối tượng công dân để mọi người tự giáo dục lẫn nhau.

Sáu là, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”[13]. Mặt trái của kinh tế thị trường là môi trường thuận lợi làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân. Do đó, để củng cố đạo đức công dân tất yếu phải tẩy trừ căn bệnh đó ra khỏi nhận thức và hành vi của mỗi người. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì nó đòi hỏi sự hy sinh, tổn thất cả tính mạng và danh dự, đặc biệt là đấu tranh với tự mình cho nên nếu không có quyết tâm, không nêu cao tinh thần tự giác sẽ phản tác dụng càng làm sâu sắc thêm tình trạng mất niềm tin trong nhân dân. Phát huy truyền thống “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, toàn Đảng phải là tấm gương mẫu mực trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Như vậy, giáo dục đạo đức công dân trong điều kiện hiện nay là phải xây dựng cho công dân những chuẩn mực, những yêu cầu đạo đức phù hợp với yêu cầu của sự phát triển xã hội, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cần phải xác định nội dung, tạo ra những hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp nhằm huy động tối đa các nguồn lực của nền kinh tế thị trường mang lại đồng thời phải tính đến những tác động vừa tích cực vừa tiêu cực mà cơ chế thị trường và toàn cầu hóa đến việc hình thành các quan hệ, nhân cách đạo đức công dân./.

ThS Nguyễn Trung Thành

Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011tập 9, tr.258.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd, t. 9, tr.259.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H. 2016, tr.159.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSddt.11, tr.610.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd, t.11, tr.610.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd, t.10, tr.126.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd, t.9, tr.275.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd , t.8, tr.284

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd , t.8, tr.284.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd, t.2, tr.289.

[11] Hồ Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd, t.6, tr.130.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd, t11, tr.606.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tậpSdd, t.13, tr.90.

  Đẩy mạnh giáo dục đạo đức công dân ở Việt Nam hiện nay dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh (LLCT) - Xây dựng đạo đức công dân cũng là những nội dung quan trọng nhất và có tính xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập đến giáo dục đạo đức công dân trong chế độ mới. Người coi giáo dục đạo đức công dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách song song với các nhiệm vụ khác của chính quyền dân chủ. Những tư tưởng cách mạng, khoa học của Người đặt cơ sở, nền tảng cho sự nghiệp giáo dục đạo đức công dân ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn