Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Người, xây dựng, chỉnh đốn Đảng không tách rời cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là cuộc đấu tranh không kém phần cam go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng - điều kiện để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng - điều kiện để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

nang-cao-dao-duc-cach-mang-quet-sach-chu-nghia-ca-nhan-gia-tri-ly-luan-va-thuc-tien-doi-voi-cong-tac-xay-1
GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ảnh nguồn tư liệu

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1969), tại ngôi nhà 67, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm cuối cùng về đạo đức, như một điều gửi gắm lại cho toàn thể cán bộ, đảng viên trước lúc đi xa. Theo Người, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là “hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”(1), cách tốt nhất là phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Đó là việc “cần thiết” và “trước hết” như lời Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “để giúp tất cả cán bộ, đảng viên đều tiến bộ, góp sức nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công”(2).

 

1. Chủ nghĩa cá nhân - biểu hiện và biện pháp đấu tranh trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề đạo đức, nâng cao đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền với những nguy cơ của Đảng cầm quyền lại càng đặt ra trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, để cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong, Đảng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, đi ngược lại đạo đức cách mạng là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong mỗi bước đường cách mạng. Đạo đức cách mạng là đề tài xuyên suốt trong toàn bộ di sản của Hồ Chí Minh, từ Chủ nghĩa cá nhân (1948), Cần kiệm liêm chính (1949), Đạo đức công dân (1955), Đạo đức cách mạng (1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969)… nhằm xây dựng, bồi đắp những giá trị đạo đức cao đẹp, đồng thời lên án, đấu tranh với những thói hư, tật xấu, những biểu hiện lệch lạc, sai trái - chủ nghĩa cá nhân. Vậy chủ nghĩa cá nhân là gì, biểu hiện của nó như thế nào và làm thế nào để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân?

 

Hồ Chí Minh trong tác phẩm cũng như toàn bộ di sản của mình, có lúc Người sử dụng cụm từ “chủ nghĩa cá nhân” có lúc người dùng “cá nhân chủ nghĩa” nhưng tựu chung đều có nội hàm là một. Thuật ngữ “chủ nghĩa cá nhân” được Hồ Chí Minh sử dụng đầu tiên khi viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947). Người coi đây là một thứ vi trùng rất độc, “do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”(3). Khi bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người chỉ ra một trong ba kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa cá nhân và khẳng định: “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(4).

 

Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là “việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ lo “mọi người vì mình”(5). Như vậy, đến đây, khái niệm chủ nghĩa cá nhân không chỉ dừng lại ở những tác hại, mức độ nguy hiểm, mà còn làm rõ hơn những biểu hiện của nó để chúng ta dễ nhận diện.

 

Khi bàn đặc điểm, tác hại của chủ nghĩa cá nhân là Hồ Chí Minh đã sử dụng phương pháp mâu thuẫn, đối lập chủ nghĩa cá nhân với đạo đức cách mạng. Nếu đạo đức cách mạng là “mình vì mọi người” thì chủ nghĩa cá nhân lại “mọi người vì mình”. Nếu đạo đức cách mạng là “vô luận việc gì cũng đặt lơi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”(6), là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”, là “Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc”(7), là “anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau” thì chủ nghĩa cá nhân lại là những gì “trái ngược với đạo đức cách mạng…, ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”(8). Nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân thì chỉ biết đặt lợi ích riêng của mình lên trước hết, việc gì cũng chỉ lo lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”(9).

 

Chủ nghĩa cá nhân rất nguy hiểm bởi đó là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, nó ẩn nấp trong mình, trong đồng chí mình, đáng sợ hơn giặc ngoại xâm. Hồ Chí Minh khẳng định: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”(10). Nó nguy hiểm bởi nhận diện và đấu tranh với chính mình và với đồng chí mình là điều không dễ dàng. “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”(11). Chủ nghĩa cá nhân là mảnh đất “dung dưỡng” cho những thói hư, tật xấu của mỗi người. Hồ Chí Minh đã ví chủ nghĩa cá nhân như “cỏ dại”, tự sinh sôi nảy nở mà không cần chăm sóc, nuôi dưỡng.

 

Người khẳng định: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm sóc rất khó nhọc mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng tốt lu bù”(12). Với bản tính tự nhiên như vậy, chủ nghĩa cá nhân sẽ trỗi dậy mạnh mẽ khi có “điều kiện” và “thời cơ”, khi đạo đức và phẩm chất của cán bộ, đảng viên “thấp kém”, khi có quyền lực trong tay tất sẽ không kiểm soát được quyền lực của mình. Chủ nghĩa cá nhân rất nguy hiểm bởi nó còn là căn bệnh “mẹ”, là căn nguyên đẻ ra hàng trăm thứ bệnh khác như “quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”(13). Do “cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”(14).

 

Hồ Chí Minh nêu lên những biểu hiện khi rơi vào chủ nghĩa cá nhân, sa sút về đạo đức cách mạng sẽ dẫn đến tình trạng “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”(15).

 

Biểu hiện tập trung nhất của chủ nghĩa cá nhân mà Hồ Chí Minh đề cập ở đây chính là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, sự tha hóa về nhân cách của người cách mạng, trở thành nguy cơ lớn của Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền. Và cũng do chủ nghĩa cá nhân mà gây nên “mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(16).

 

Theo đó, phòng, chống và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là một đòi hỏi tất yếu trong công tác xây dựng một Đảng mácxít chân chính, cách mạng. Chừng nào chủ nghĩa cá nhân còn tồn tại, tự bản thân nó sẽ triệt tiêu những giá trị tốt đẹp, chừng nào chủ nghĩa cá nhân còn tồn tại, sẽ còn là “trở lực”, “lực cản” cho mỗi cán bộ, đảng viên nỗ lực “một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”. Chừng nào nguy cơ về sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống trong đội ngũ cán bô, đảng viên vẫn còn, chừng đó còn phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, điều kiện cho sự đoàn kết, thống nhất ngoài xã hội không thực hiện được.

 

Vậy làm thế nào để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân? Theo Hồ Chí Minh, để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả cần thực hiện tốt các yêu cầu có tính bắt buộc. Trong tác phẩm, Người đã dùng từ “Phải” như một điệp từ để truyền tải sự “tất yếu” phải làm, phải thực hiện và thực hiện phải kiên quyết, có kết quả. Người nhấn mạnh, để “cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, “phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác của Đảng phải chặt chẽ”(17).

 

Theo đó, học tập lý luận, chống căn bệnh lười học, ngại học là yêu cầu của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Phải thực hành dân chủ, thực hiện tốt kỷ luật đảng là điều kiện để sớm đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất nhằm tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

 

Một trong những điều kiện để đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân theo Hồ Chí Minh, “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”(18). Đây được coi là nhiệm vụ, yêu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên, ý thức tự tu dưỡng rèn luyện, là sức mạnh nội sinh giúp cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trí lực, thể lực và tâm lực để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ và đoàn thể giao phó.

 

Như vậy, chủ nghĩa cá nhân là nguy hạilà kẻ thù, là trở lực đối với sự phát triển của xã hội, vì vậy đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là đòi hỏi cấp bách, tất yếu, là cuộc chiến đấu “khổng lồ” để chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, rác rưởi cặn bã, quét sạch “vi trùng” độc hại để cái tốt, cái tiến bộ, cái có giá trị có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng lưu ý trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cần phân biệt giữa chủ nghĩa cá nhân với việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Nếu lợi ích cá nhân không trái với lợi ích tập thể thì hoàn toàn không xấu mà đó là động lực của sự phát triển. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là không “giày xéo” lên cá nhân và ngược lại, nếu mỗi cá nhân cũng như lợi ích cá nhân được giải quyết hài hòa và bảo đảm sẽ là động lực để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của mỗi cá nhân.

 

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

 

Hồ Chí Minh đã khẳng định, đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, vì vậy, để nâng cao đạo đức cách mạng không thể tách rời yêu cầu chống chủ nghĩa cá nhân, tức xây phải đi với chốngxây là để nâng cao đạo đức cách mạng, chống là hướng tới mục tiêu quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Theo đó, muốn đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cần nhận diện chính xác các biểu hiện của nó.

 

Ngày nay, toàn cầu hóa, cách mạng khoa học - kỹ thuật và kinh tế thị trường đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các giá trị trong đó có giá trị, chuẩn mực đạo đức. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng đã và đang tạo nên nhiều biểu hiện mới, thách thức mới, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng, tác động vào nếp sống và các chuẩn mực đạo đức. Tác động tiêu cực từ truyền thông, từ âm mưu và thủ đoạn của “diễn biến hòa bình” trong việc khuyến khích lối sống thực dụng, hưởng thụ, những quan niệm đạo đức xa lạ, trái với văn hóa đạo đức của dân tộc và tiến bộ xã hội.

 

Bắt đầu từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (01/1994) Đảng ta đã chỉ ra bốn nguy cơ, trong đó có nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị. Hội nghị Trung ương 6, lần 2 (khóa VIII) đã nêu lên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng. Đại hội X của Đảng (04/2006) thừa nhận trong Đảng đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Đại hội XI của Đảng (01/2011) nhận định đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) nhận định, sự suy thoái đã xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, bao gồm cả cán bộ cấp cao và gia đình.

 

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) tiếp tục nêu lên vấn đề suy thoái về đạo đức, thẳng thắn chỉ ra 27 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, của suy thoái đạo đức trong giai đoạn mới. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) trên cơ sở kế thừa và bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các Nghị quyết Trung ương trước đây, tiếp tục chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý… chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật”(19).

 

Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã “thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng”(20), trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Rõ ràng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ đã tích tụ nhiều năm. Điều đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, ảnh hưởng đến tiền đồ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo đó, việc nghiên cứu và vận dụng những chỉ dẫn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là cần thiết và là vấn đề sống còn của một đảng cách mạng chân chính. Để giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh sinh - tử này đòi hỏi sự quyết liệt, tính kỷ luật cao và một hệ thống giải pháp đồng bộ, có vậy mới mang lại hiệu quả.

 

trung-uong-4102021
Ảnh sưu tầm Internet

Thứ nhấttăng cường giáo dục về lý tưởng cách mạng, về đường lối, chính sách của Đảng và nhiệm vụ, đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa cá nhân như Hồ Chí Minh đã chỉ ra là do “yếu lý luận”, “không chịu học tập để tiến bộ”(21) và để chống chủ nghĩa cá nhân, theo Người “phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”(22). Đây là giải pháp căn cốt nhằm thiết lập nền tảng tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam cho hành động, chống căn bệnh yếu lý luận, lười học tập của cán bộ, đảng viên hiện nay. Giáo dục là con đường, biện pháp cơ bản góp phần hình thành các phẩm chất, nhân cách của cán bộ, đảng viên.

 

Giáo dục nâng cao nhận thức sâu sắc về chỉ thị, nghị quyết, pháp luật. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân chỉ phát huy hiệu quả khi mỗi cán bộ, đảng viên hiểu, “giác ngộ” rõ mục tiêu, lý tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, hiểu rõ về tiêu chuẩn, tư cách, đạo đức cách mạng của mình, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, làm cho mỗi đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tạo động lực đấu tranh với những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, kịp thời ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

 

Thứ haiphát huy dân chủ, đề cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Tăng cường sự kiểm soát của nhân dân trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh luôn đề cao dân chủ và chấp hành kỷ luật. Theo Người, một trong những nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa cá nhân là mất dân chủ và thiếu kỷ luật. Vì vậy, phải đề cao tinh thần dân chủ tôn trọng tập thể, tôn trọng quần chúng nhân dân là điều kiện để nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, pháp luật, kỷ cương. Mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng là vũ khí sắc bén trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Thông qua tự phê bình và phê bình sẽ giúp khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng tăng. Theo Người, tự phê bình và phê bình đối với mỗi cán bộ, đảng viên như không khí để thở, cơm ăn, nước uống hàng ngày. Phải ráo riết, triệt để, không nể nang, không giấu bệnh, sợ thuốc. Kiên quyết đấu tranh chủ nghĩa cá nhân, chống lối sống hưởng thụ, lười biếng, vị kỷ, nói không đi đôi với làm, nói một đàng làm một nẻo. Nội dung đấu tranh, tự phê bình và phê bình cần bám sát 27 biểu hiện của sự suy thoái đạo đức và Quy định 37-QĐ/TW 2021 về những điều đảng viên không được làm.

 

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân theo phương châm “dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng(23), phải “để cho dân phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ”(24), cấp ủy đảng các cấp phải thực hiện có nền nếp và nghiêm túc việc lấy ý kiến phê bình của quần chúng đối với cán bộ đảng viên và coi sự đánh giá của quần chúng nhân dân là tiêu chí quan trọng. Đặc biệt, Đảng phải tạo được sự “đột phá” trên mặt trận chống tham nhũnglãng phí. Nếu không đẩy lùi được “quốc nạn”, không tẩy bỏ được những cán bộ thoái hóa, biến chất thì không thể lấy lại lòng tin của nhân dân mà mất lòng tin là mất tất cả. Theo đó, muốn chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng hiệu quả thì tất yếu phải dựa vào tai mắt và sự ủng hộ của nhân dân.

 

Thứ ba, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật ĐảngXây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát tốt quyền lực của cán bộ, đảng viên. Phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Sinh thời Hồ Chí Minh đòi hỏi, “Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh”(25). Thực hiện tốt kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng sẽ góp phần giáo dục, răn đe đối với cán bộ, đảng viên, đấu tranh ngăn chặn với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Hồ Chí Minh khẳng định: “kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước. Thực hành tốt công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ giúp cho “bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(26).

 

Cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và phải có trọng tâm, trọng điểm, phải phát hiện kịp thời, ngăn ngừa sớm những vi phạm, khuyết điểm. Phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội, thực dụng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực để chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện suy thoái không còn nơi để “dung dưỡng”, không có điều kiện để làm trái, để trục lợi, “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

 

Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật. Bổ sung và hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng. Pháp luật phải đảm bảo “không có vùng cấm”, vùng “hạ cánh an toàn”. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nói chung và tham nhũng nói riêng phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không được né tránh, cầm chừng. Phải thực hiện một cách đồng bộ, vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng, vừa phải luôn cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu của các thế lực thù địch, những phần tử xấu, cơi hội, lợi dụng cuộc đấu tranh để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước.

 

Chú trọng vai trò nêu gương của người đứng đầu, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”(27). Nêu gương trong công tác hàng ngày, nêu gương trong đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tránh tình trạng “dĩ hòa vi quý”, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” và nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Xem việc học và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu tự thân, thiết thực, có hiệu quả, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có khả năng “đề kháng” tốt, “miễn dịch” hiệu quả với chủ nghĩa cá nhân.

 

Có thể nói, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi Hồ Chí Minh viết tác phẩm, những lời di huấn của Người vẫn còn nguyên giá trị, như một lời gửi gắm đến các thế hệ tiếp nối “sứ mệnh”, trọng trách trước nhân dân và dân tộc. Mỗi bước đường thành công của cách mạng đều gắn với sự lớn mạnh và trưởng thành của Đảng, trong đó không thể tách rời nhiệm vụ đấu tranh chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đây là yêu cầu mang tính sống còn của người cộng sản, của một Đảng cách mạng. Tác phẩm đúng với tên gọi của nó vẫn đã và đang là kim chỉ nam cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay./.

____________________________________________________

(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.9, tr.412.

(2), (5), (6), (14), (15), (16), (17), (18), (21), (22), (25), (27) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.15, tr.548, 546-547, 547, 547, 547, 547, 547, 547, 547, 547, 547, 546.

(3), (10), (24), (26) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.5, tr.295, 278, 336, 327.

(4), (7), (8), (11), (13) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H., T.11, tr.609, 602, 602, 602, 611.

 (9) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.13, tr.90.

(12) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.12, tr.222.

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. CTQG, H., tr.89.

(20) https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012-2022.html

(23) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.8, tr.281.

 TS. Lê Thị Thảo

 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

  GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ảnh nguồn tư liệu Nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1969), tại ngôi nhà 67, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm cuối cùng về đạo đức, như một điều gửi gắm lại cho toàn thể cán bộ, đảng viên trước lúc đi xa. Theo Người, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là “hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”(1), cách tốt nhất là phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Đó là việc 

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn