Đầu những năm 20 (thế kỷ XX), hệ thống luận điểm cách mạng làm nền móng cho con đường cách mạng Hồ Chí Minh được xác lập. Đó là: cách mạng Việt Nam vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, là một bộ phận của cách mạng thế giới, xóa bỏ áp bức giai cấp, áp bức dân tộc. Độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội là lý tưởng, là mục tiêu, là những thành tố của con đường cách mạng Hồ Chí Minh. Những đường nét chính yếu của con đường cách mạng Việt Nam được xác định trong tác phẩm Đường Kách mệnh, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng và được tiếp tục cụ thể hóa, phát triển sâu sắc, hướng tới hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Con đường cách mạng Hồ Chí Minh
Con đường cách mạng Hồ Chí Minh

1. Hồ Chí Minh kết tụ và hòa quyện những phẩm chất tinh túy, tốt đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản

Khi Hồ Chí Minh bước vào độ tuổi thành niên với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đuổi giặc cứu nước, cũng là lúc các con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám đang được kiểm nghiệm trong thực tiễn và bộc lộ những hạn chế rất cơ bản không thể vượt qua được trước sự đàn áp của chính quyền thực dân. Đó cũng là sự kiểm nghiệm sức sống của các học thuyết chính trị được sử dụng làm nền tảng tư tưởng của các con đường cứu nước ấy. Vì thế, Người muốn đi tìm con đường cứu nước mới nhằm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của các con đường cứu nước mà các thế hệ trước đã đi qua, để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi.

Trước lúc khởi hành trên con đường vạn dặm tìm kiếm chân lý, học thuyết và phương pháp đấu tranh chiến thắng kẻ thù xâm lược, Hồ Chí Minh đã tích lũy được vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam, về văn hóa phương Đông, nhất là vốn Hán học và một số kiến thức về văn hóa Pháp rất cần thiết để đi vào một thế giới mới mà Người đang cần khám phá do sự thôi thúc cấp bách của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào.

Cuộc hành trình gần mười năm đưa Hồ Chí Minh đến nhiều vùng thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, đã giúp Người quan sát, nhận biết sâu sắc diện mạo của thế giới TBCN, trong đó hiện lên rõ rệt những đặc trưng cơ bản của sự phân hóa, đối địch giữa người giàu và người nghèo, giữa những người bị áp bức, bóc lột và những kẻ thống trị nắm quyền uy, giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với một số ít dân tộc đế quốc chủ nghĩa xâm lược và thống trị. Đó cũng là quá trình Người học tập tích lũy tri thức, nghiên cứu lý luận và đối chiếu lý luận với thực tế, tham gia hoạt động trong một số tổ chức chính trị-xã hội.

Ở chặng cuối của cuộc hành trình tìm đường cứu nước, năm 1919, Hồ Chí Minh đã vào Đảng xã hội Pháp, chính đảng lớn nhất và duy nhất ở nước Pháp lúc bấy giờ bênh vực quyền lợi của giai cấp công nhân. Song trong chương trình hoạt động của đảng này, vấn đề giải phóng dân tộc thuộc địa cũng chưa được đề cập tới, mặc dù Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI”1.

Cũng vào khoảng thời gian đó, Hồ Chí Minh thay mặt “Nhóm những người Việt Nam yêu nước” gửi đến Hội nghị Vécxây bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Người cũng mong nhận được sự ủng hộ của các nước Đồng minh. Bản Yêu sách không được chấp nhận, điều đó bóc trần tính giả dối, lừa bịp của chủ nghĩa Uynxơn về quyền dân tộc tự quyết được đưa ra trong thời gian tiến hành Hội nghị Vécxây.

Cho đến mùa Hè năm 1920, khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Người mới tìm thấy ở đó cái cẩm nang giải phóng cho dân tộc Việt Nam.Văn kiện đó đã luận giải ngắn gọn, sáng tỏ những nội dung chính yếu về cách mạng giải phóng dân tộc, soi tỏ hướng đi và biện pháp quan trọng nhất đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc thuộc địa giành được thắng lợi hoàn toàn.

Trước hết, V.I.Lênin bóc trần bản chất lừa dối của CNTB về quyền bình đẳng nói chung, trong đó có quyền dân tộc bình đẳng. V.I.Lênin chỉ rõ sự khác biệt giữa lợi ích của giai cấp bị áp bức, của những người lao động, của những người bị bóc lột với lợi ích của giai cấp thống trị, phân biệt rõ những dân tộc bị áp bức với những dân tộc đi áp bức, bóc lột. Tiếp đó, V.I.Lênin nêu rõ: “Chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng”2. V.I.Lênin cũng nêu lên những nhiệm vụ quan trọng của các đảng cộng sản là phải trực tiếp ủng hộ phong trào cách mạng của những dân tộc thuộc địa; giai cấp công nhân ở nước tư bản đang thống trị dân tộc chậm tiến trước tiên có nhiệm vụ ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng các dân tộc ấy; phải đặc biệt ủng hộ phong trào nông dân ở các nước chậm tiến chống bọn địa chủ, chống chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất, chống chế độ phong kiến, phải liên minh chặt chẽ nhất giữa tất cả các phong trào giải phóng dân tộc với nước Nga Xôviết.

Qua tác phẩm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy cho dân tộc mình một “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất; đã nhận biết một tổ chức chính trị mà mình cần tham gia, Quốc tế III, do V.I.Lênin sáng lập và lãnh đạo, rất coi trọng vấn đề giải phóng thuộc địa và tiến hành đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, như câu trả lời của Người khi nữ đồng chí Rôdơ hỏi:

- Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III?

- Rất giản đơn. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”3.

Đồng thời, cũng qua chủ trương và hoạt động thực tế của V.I.Lênin và Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh tìm thấy giai cấp vô sản, nhân dân các dân tộc thuộc địa, các đảng cộng sản, nước Nga Xôviết là những người bạn thân thiết, là những đồng minh tin cậy, ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp giải phóng các nước thuộc địa, trong đó có dân tộc Việt Nam.

Sự kiện quan trọng trên làm bừng nở ở Hồ Chí Minh những năng lực và sức sáng tạo mới trong hoạt động lý luận và thực tiễn để hoạch định con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam và góp phần vào sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ đây, ở Hồ Chí Minh đã kết tụ và hòa quyện những phẩm chất tinh túy, tốt đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản.

 

 

2. Hệ thống luận điểm cách mạng làm nền móng cho con đường cách mạng Hồ Chí Minh được xác lập

 

Từ đầu thập kỷ 20 (thế kỷ XX), hoạt động của Hồ Chí Minh được triển khai trên một phạm vi rộng lớn, trong nhiều lĩnh vực rất đa dạng và phong phú. Trong đời sống chính trị sôi động của Đảng Cộng sản Pháp, của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh luôn luôn tuyên truyền và đấu tranh đưa vấn đề thuộc địa vào chương trình hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Anh, làm sáng tỏ nhu cầu bức bách giải phóng thuộc địa và khả năng cách mạng của nhân dân thuộc địa. Người phê phán thái độ và quan điểm coi nhẹ vấn đề thuộc địa và ít quan tâm nghiên cứu để hiểu tình hình thuộc địa. Người khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa; phải làm cho các dân tộc phương Đông hiểu biết lẫn nhau, phối hợp, đoàn kết với nhau trong mặt trận chống chủ nghĩa thực dân. Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm lực xây dựng và phát triển phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa và báo Le Paria thể hiện sinh động tài năng và sức sáng tạo của Người về tổ chức, đoàn kết, tập hợp các chiến sĩ cách mạng xuất thân từ các dân tộc thuộc địa và lên án chủ nghĩa thực dân, kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa đoàn kết, đấu tranh xóa bỏ chế độ thuộc địa.

Song song với những hoạt động trên, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin để nghiên cứu tình hình Việt Nam và Đông Dương dưới ách thống trị của đế quốc Pháp, đánh giá thực trạng phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam và chỉ ra phương hướng tất yếu mà cách mạng Việt Nam cần tiến theo. Những bài báo, những lời phát biểu, những tác phẩm của Hồ Chí Minh mang đến cho nhân dân Việt Nam và nhân dân nhiều nước thuộc địa khác những luận điểm cách mạng, vạch hướng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đi đúng đường lối cách mạng vô sản; gạt bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa cải lương mà thực dân Pháp đang tung ra và sử dụng cả những đảng viên xã hội như Varen để ru ngủ dân bản xứ, hòng tách họ khỏi những người Bônsêvich, bằng cách hứa hẹn thực hiện nhiều cải cách.

Cũng trong những năm đầu thập kỷ 20 (thế kỷ XX), hệ thống luận điểm cách mạng làm nền móng cho con đường cách mạng Hồ Chí Minh được xác lập. Đó là: cách mạng Việt Nam vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, hòa nhập vào trào lưu phát triển của thời đại; cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, xóa bỏ sự áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, trên nền tảng của CNXH và CNCS. Cách mạng Việt Nam phải được tiến hành triệt để, đưa tới sự giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng đồng bào, giải phóng nhân dân lao động và xác lập vai trò làm chủ xã hội của họ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”4. Luận điểm đó xác định ranh giới phân biệt cách mạng vô sản với cách mạng tư sản và cũng khẳng định tầm cao giá trị nhân văn của cách mạng vô sản. Và xét ở một phương diện khác, quyền tự do, bình đẳng của nhân dân cũng chỉ có thể giành được bằng cách mạng, không có con đường nào khác có thể thực hiện được điều đó.

Để đưa sự nghiệp cách mạng tới thành công phải có đảng cách mạng lãnh đạo. Đó là đảng của giai cấp công nhân được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đoàn kết, thống nhất, có đủ năng lực lãnh đạo nhân dân và đoàn kết phối hợp với các dân tộc bị áp bức, với giai cấp vô sản và các phong trào cách mạng thế giới để thực hiện các mục tiêu cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, trong đó giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là lực lượng nòng cốt, là “gốc của cách mạng”. “Bầu bạn cách mạng của công nông” là học sinh, là nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ, là tiểu tư sản trí thức, trung nông; phải lôi kéo, lợi dụng phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản... Luận điểm đó là nền tảng của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh. Quần chúng công nông cần được tổ chức và đồng tâm hiệp lực tiến hành cách mạng thì sẽ thành công. Đảng của giai cấp công nhân cần tiến hành thường xuyên việc tuyên truyền giác ngộ quần chúng làm cách mạng, bóc trần mọi thủ đoạn lừa bịp, ngu dân, đe dọa bằng sức mạnh của kẻ thù; cần giáo dục lý luận cách mạng, đường lối, chủ trương cách mạng cho nhân dân, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, tạo nên sức mạnh trí tuệ sáng tạo và ý chí đấu tranh của quần chúng.

Sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng quần chúng lao động phải được tiến hành bằng sự nỗ lực của quần chúng. Nguyễn Ái Quốc đã viết trong Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa, năm 1922: “Vận dụng công thức của Các Mác chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”5. Nhân dân các dân tộc thuộc địa nói chung và nhân dân Đông Dương nói riêng chất chứa một nguồn lực cách mạng dồi dào được tạo nên từ nỗi bất bình cao độ của họ đối với chế độ thuộc địa tàn bạo. Sức mạnh đó sẽ gia tăng gấp bội khi họ nhận được sự giáo dục của những người XHCN và lúc thời cơ tới sẽ gây nên bão táp cách mạng dữ dội, đánh đổ chế độ thực dân. Hồ Chí Minh phê phán, bác bỏ luận điểm cho rằng người Đông Dương bị chủ nghĩa thực dân đầu độc về tinh thần và thể xác, bị giam hãm trong vòng nô lệ và tối tăm đã mất hết khả năng cách mạng, cải tạo xã hội. Người khẳng định đanh thép: “Không: Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi”6. Họ khát khao được giải phóng, nhưng tự họ thì không thể thực hiện được mục đích ấy. Những người XHCN phải có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn, tổ chức họ đấu tranh tự giải phóng: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”7.

Cách mạng thuộc địa có vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Mục tiêu đó được thực hiện bằng sức mạnh đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản ở chính quốc. Các dân tộc thuộc địa cần đoàn kết chặt chẽ, tạo nên một cái cánh vững mạnh của cách mạng vô sản quốc tế. Thành công của cách mạng giải phóng dân tộc sẽ tước bỏ nguồn sinh lực chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc và giúp cho giai cấp vô sản phương Tây những điều kiện thuận lợi để giải phóng hoàn toàn.

Những luận điểm trên định hướng cho việc hình thành con đường cách mạng Hồ Chí Minh.

 

 

3. Độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội là lý tưởng, là mục tiêu, là những thành tố của con đường cách mạng Hồ Chí Minh

 

Những đường nét chính yếu của con đường cách mạng Hồ Chí Minh

Những đường nét chính yếu của con đường cách mạng Hồ Chí Minh được xác định trong tác phẩm Đường Kách mệnh; trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng và được tiếp tục cụ thể hóa, phát triển sâu sắc hơn trên những chặng đường, những nấc thang hướng tới các mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tổng kết các cuộc cách mạng trên thế giới, trong Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh phân định thành hai thứ cách mạng và cách mạng Việt Nam cũng vận động theo quy luật cách mạng ấy. Đó là cách mạng dân tộc “đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình”8 và cách mạng thế giới do công nông toàn thế giới liên hiệp lại “để đập đổ tất cả tư bản trong thế giới, làm cho nước nào, dân nào cũng được hạnh phúc, làm cho thiên hạ đại đồng”9. Hai thứ cách mạng ấy liên quan chặt chẽ với nhau. Chánh cương vắn tắt của Đảng, sau khi phân tích nền kinh tế Việt Nam đã phát triển theo kinh tế TBCN, nhưng quan hệ phong kiến vẫn còn, đã chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng (Révolution démocratique bourgeoise) và thổ địa cách mạng (révolution agraire) để đi tới xã hội cộng sản.

Các mục tiêu cách mạng trên được xác định cụ thể hơn trong Báo cáo Chính trị do Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội II (1951) của Đảng: “Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội”10. Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam bị đặt dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định rõ mục tiêu cách mạng của cả nước là: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, nâng cao không ngừng đời sống nhân dân và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Hai việc đó gắn liền với nhau.

Độc lập tự do và CNXH là lý tưởng, là mục tiêu, là những thành tố của con đường cách mạng Hồ Chí Minh.

Đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc là mục tiêu và nghĩa vụ quan trọng nhất, thiêng liêng nhất của các thế hệ người Việt Nam yêu nước dẫu phải hy sinh tài sản và tính mệnh. Đó là điểm đồng nhất về tư tưởng và hành động của những chiến sĩ yêu nước và chiến sĩ cộng sản Việt Nam.

Nét đặc trưng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập tự do là ở chỗ đồng bào được hưởng hạnh phúc, tự do là hạt nhân, là thước đo giá trị của độc lập tự do. Hồ Chí Minh coi mục tiêu đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, tự do của đồng bào là lẽ sống của mình; quyền độc lập dân tộc không tách rời quyền con người và độc lập là điều kiện tiên quyết để mang lại hạnh phúc cho đồng bào. Đó là điều Hồ Chí Minh không chỉ nói với bạn bè, đồng chí mà là câu trả lời của Người đối với Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, năm 1922: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”11.

Mục tiêu đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và CNXH nổi bật lên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đồng thời đó cũng là ngọn cờ mà Đảng Cộng sản Việt Nam giương cao. Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng đã thể hiện rõ điều đó; và trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội II của Đảng, Người nhấn mạnh: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là đảng của dân tộc Việt Nam”12. Việc Đảng đổi tên từ Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam theo chủ trương của Hồ Chí Minh, cũng xuất phát từ nhu cầu tập hợp tất cả các phần tử tiên tiến trong công-nông-trí thức vào Đảng, để dễ kêu gọi dân tộc hơn và đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ở thời điểm Đại hội II của Đảng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trên đà phát triển mạnh mẽ hướng tới thắng lợi quyết định, vấn đề chuẩn bị nhiệm vụ cho giai đoạn mới đã được đặt ra với việc thực hiện chế độ dân chủ mới, xây dựng điều kiện tiến dần lên CNXH. Chủ trương đó được thực hiện ngay từ những năm khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, đưa miền Bắc đi lên CNXH. Đến đây, CNXH từ lý tưởng chuyển thành phong trào hiện thực và được gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam: “Mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nâng cao không ngừng đời sống nhân dân và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Hai việc đó gắn liền với nhau”13.

Trong những năm 1954-1975, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, hai mục tiêu của con đường cách mạng Hồ Chí Minh tác động tích cực và thúc đẩy lẫn nhau để đi tới mục tiêu quan trọng nhất là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Xây dựng miền Bắc quá độ lên CNXH được đặt trong bối cảnh đó. Và đó là CNXH thời chiến, chịu sự chi phối của quy luật chiến tranh giải phóng dân tộc, lấy chiến thắng kẻ thù, giải phóng quê hương làm mục tiêu cao nhất. Tinh thần đó được biểu hiện tập trung ở khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt!”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Những khẩu hiệu đó chuyển thành ý chí và hành động cách mạng của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Trong mọi thử thách khắc nghiệt và hiểm nghèo, trong mọi khó khăn và phức tạp, Hồ Chí Minh đã coi những mục tiêu trên là bất biến trong thời cuộc đầy biến động, đã lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác, đi đến thắng lợi. Có thể nhận biết điều đó qua giai đoạn chống Mỹ, cứu nước. Người giáo dục cán bộ và nhân dân Việt Nam làm tốt nghĩa vụ đối với Tổ quốc, đồng thời hết sức tranh thủ sự giúp đỡ, sự ủng hộ của tất cả các nước, các phong trào, các lực lượng quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta. Những gì gây ảnh hưởng bất lợi cho mục tiêu trên, Hồ Chí Minh đã uốn nắn, hiệu chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực hiện mục tiêu quan trọng nhất, cấp bách nhất là độc lập, thống nhất của Tổ quốc, đưa đất nước đi lên CNXH.

CNXH, theo Hồ Chí Minh, không chỉ gắn liền với độc lập tự do mà còn là một chế độ xã hội bảo đảm thắng lợi vững bền của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. CNXH được xây dựng bằng sức lao động sáng tạo của nhân dân, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người nhằm mang lại hạnh phúc cho nhân dân: “Chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta là nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản được xóa bỏ dần, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện”14.

Cách mạng Việt Nam đã đi trọn chặng đường đầu của con đường cách mạng Hồ Chí Minh, chặng đường giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị ngoại bang, khỏi chế độ thuộc địa và đang tiếp bước tiếp trên con đường đổi mới toàn diện đất nước, hướng tới CNXH.

Ngày nay, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang tiếp tục phát triển theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới-vận hành trong xu thế toàn cầu đầy biến động và phức tạp. Một lần nữa, tinh thần đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình” trong lịch sử lại tỏa sáng trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu Covid-19. Đảng, Chính phủ Việt Nam cùng nhân dân cả nước đã và đang tạo dấu ấn tích cực trên trường quốc tế, xây dựng hình ảnh của một nước “Việt Nam mới”-một quốc gia “có trách nhiệm” trong trận chiến chung tay chống đại dịch toàn cầu. Nhân dân Việt Nam tự hào đi theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo-con đường giữ vững độc lập, tự do và đi lên CNXH, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong cộng đồng thế giới và đang mở ra triển vọng mới. Qua đó có thể thấy, sự phát triển của cách mạng Việt Nam đã và đang chuyển sang một giai đoạn mới, theo hướng đi mà Hồ Chí Minh đã vạch ra cho dân tộc Việt Nam.




Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 9/2020

1, 3, 5, 11. Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, Nxb Thông tin lý luận, H, 1992, T.1, tr. 64, 105, 140, 146

2. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, T. 41, tr. 199

4, 8, 9. Hồ Chí Minh Toàn Tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 292, 287, 287

6, 7. Sđd, T. 1, tr. 40, 41

10, 12. Sđd, T. 7, tr. 41, 41

13. Sđd, T. 3, tr. 25

14. Sđd, T. 12, tr. 376.

GS, TS, NGND TRỊNH NHU

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Hồ Chí Minh kết tụ và hòa quyện những phẩm chất tinh túy, tốt đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản Khi Hồ Chí Minh bước vào độ tuổi thành niên với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đuổi giặc cứu nước, cũng là lúc các con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám đang được kiểm nghiệm trong thực tiễn và bộc lộ những hạn chế rất cơ bản không thể vượt qua được trước sự đàn áp của chính quyền thực dân. Đó cũng là sự kiểm nghiệm sức sống của các học thuyết chính trị được sử dụng làm nền tảng tư tưởng của các con đường cứu nước ấy. Vì thế, Người muốn đi tìm con đường cứu nước mới nhằm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của các con đường cứu nước mà c&aa

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn