“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”[1]. Cùng với dân tộc Việt Nam, loài người tiến bộ trên thế giới đã tôn vinh Người là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống đế quốc, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá, mở ra thời đại Hồ Chí Minh - thời đại toàn thắng của cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới, biến lịch sử thế giới thế kỷ XX là lịch sử toàn thắng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo vệ và phát triển học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa
Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo vệ và phát triển học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa

1. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhận thức chính xác về thời đại

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra nước ngoài không đi tìm chỗ dựa như các bậc cha anh mà với khát vọng xem thế giới người ta làm thế nào tự giải phóng để về giúp đồng bào mình. Khi được đọcSơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc - thuộc địa” của V.I.Lênin và được biết đến cuộc Cách mạng Tháng Mười ở Nga, Người hoàn toàn tin theo Lênin, tán thành Quốc tế Cộng sản và trở thành người cộng sản. Trong khi các lãnh tụ của nhiều đảng chưa nhận thấy hết ý nghĩa mở đầu của thời đại mới, còn cho Cách mạng Tháng Mười “chỉ là hiện tượng” ở nước Nga thì Người đã khẳng định dứt khoát về thời đại ngày nay. Đó là một thời đại mà chế độ xã hội khác về chất so với tất cả các chế độ xã hội có giai cấp trước đó - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Trích “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên Báo L’Humanite, số ra ngày 16 và 17/7/1920 (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM)

Từ năm 1920 - sau khi gia nhập gia đình Cộng sản Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ lập trường, quan điểm, thái độ mácxít về thời đại, đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách chính xác, khoa học. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[2]. Đồng thời, Người khẳng định: chỉ có cách mạng Nga là thành công đến nơi và cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng “theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” lãnh đạo cách mạng mới thành công. Người kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc dân chủ lại càng chứng tỏ rõ rệt vai trò của giai cấp vô sản và đảng của nó trong phong trào giải phóng dân tộc”[3].

Trước hết, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã  nhận rõ mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Trong thời của Mác - Ăngghen, vấn đề dân tộc thuộc địa chưa đặt ra trực tiếp, tuy nhiên các ông cho rằng vấn đề giải phóng dân tộc ở các nước thuộc khối Liên hiệp Anh có hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Hai nhiệm vụ này song song, khăng khít và liên quan mật thiết với nhau. Chỉ có thành công của cách mạng vô sản Anh mới giúp cho các dân tộc được giải phóng. Các ông chỉ một lần đưa ra dự báo về khả năng thắng lợi của cách mạng Airơlen trước cách mạng vô sản Anh nếu tương quan lực lượng ở Airơlen nghiêng về lực lượng cách mạng. Đến thời V.I.Lênin, trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, Lênin dự báo cách mạng vô sản có thể thắng lợi ở một số nước, thậm chí ở một nước tư bản. Vấn đề dân tộc thuộc địa được Lênin coi là một trong những nội dung quan trọng nhất trong hoạt động của các Đảng Cộng sản. Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của cuộc cách mạng vô sản, thuộc phạm trù cách mạng vô sản.

Nghiên cứu xu thế vận động của thời đại mới dưới tác động của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ trong cách mạng giải phóng dân tộc ở thời đại của mình và nhất trí hoàn toàn với Mác - Lênin, đó là hai nhiệm vụ tồn tại song song, có quan hệ chặt chẽ, khăng khít làm tiền đề cho nhau. Tuy nhiên, theo Người, dù là hai nhiệm vụ tồn tại song song nhưng khi tiến hành không nhất loạt ngang nhau. Chống đế quốc phải được đặt lên hàng đầu và chống phong kiến phải làm dải ra, phục vụ nhiệm vụ chống đế quốc. Nghiên cứu tình hình cách mạng và sự thức tỉnh của quần chúng lao động các thuộc địa Người dự báo cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa không chỉ có khả năng lôi kéo đông đảo quần chúng tham gia mà còn có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là sự phát triển, bổ sung lý luận Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc trong thời đại mới - thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, điều mà các nhà sáng lập học thuyết Mác - Lênin chưa dự báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện con đường cách mạng giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Lênin (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành trên lập trường của cách mạng vô sản. Cứu nước và giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi các ách áp bức thực dân có nhiều con đường. Tuy nhiên, chỉ có trên lập trường vô sản, theo con đường của Cách mạng Tháng Mười thì mới giải phóng triệt để cho nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức bóc lột. Cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể giành được thắng lợi nếu huy động được quảng đại quần chúng nhân dân tham gia trong đó “công nông là gốc” trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể thành công nếu có Đảng Cộng sản chân chính lãnh đạo. Theo Người, “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy[4]. Đồng thời, “muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[5]; cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng cách mạng bạo lực, sử dụng sức mạnh tổng hợp của sự kết hợp các lực lượng chính trị - quân sự, đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng.

2. Hồ Chí Minh bảo vệ và phát triển học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa

Chính từ sự nhận diện chính xác thời đại mới, hiểu tường tận quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa Hồ Chí Minh là người đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và hoạt động tích cực để đường lối đó được thực hiện. Năm 1924 tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh là người phát biểu thẳng thắn có phần khá gay gắt để cảnh báo về sự xa rời tư tưởng của Lênin của các đảng ở chính quốc. Liên tiếp trong ba lần tại Đại hội V (phiên họp thứ 8, 22 và 25) Người đã phê phán gay gắt tại diễn đàn Đại hội. Tại phiên họp thứ 8 Hồ Chí Minh nói: “Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”[6]. Người nhận diện rõ “nọc độc và sức sống của con rắn độc chủ nghĩa tư bản đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc… Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng”[7].

Đồng thời, Người cũng thẳng thắn phê phán: trừ Đảng Nga các Đảng Cộng sản Anh và Pháp không làm gì theo di huấn của Lênin, theo điều lệ của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ rõ, sở dĩ có tình trạng trên là do các Đảng ở chính quốc không biết bọn thực dân đã thống trị tàn ác ở các thuộc địa. Chính Người trình bày 5 giải pháp và đi tiên phong thực hiện: Đó là: đăng đều đặn hàng tuần các bài về thuộc địa trên báo Đảng; tổ chức một bộ máy tuyên truyền; gửi người bản xứ vào Trường Đảng phương Đông đào tạo làm nhân cốt; thành lập Tổng liên đoàn lao động và đặt nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên của Đảng. Người khẩn thiết kêu gọi “chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”[8].

Để bảo vệ và phát triển học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, thuộc địa, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng nông dân quốc tế phụ trách các thuộc địa, được đi khảo sát nhiều nước ở 4 châu lục Âu, Á, Mỹ, Phi, Người đã viết nhiều bài, tham gia nhiều diễn đàn, nhiều tổ chức làm cho các đảng hiểu rõ chủ nghĩa thực dân ở nước mình đã thống trị các thuộc địa, qua đó góp phần bảo vệ và phát triển học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đây công lý của chủ nghĩa thực dân là sự kết tội đanh thép chủ nghĩa tư bản giúp cho các Đảng ở chính quốc hiểu được âm mưu thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc đối với các thuộc địa, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức cố kết lại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Bằng tinh thần đấu tranh kiên trì của mình và đặc biệt là bằng tấm gương vũ trang trực tiếp cho Đảng và dân tộc Việt Nam trong tổ chức thực tiễn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở thành người tiên phong trong bảo vệ, phát triển học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa, nêu một tấm gương lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

3. Hồ Chí Minh tổ chức lãnh đạo Đảng và dân tộc thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Nhận diện đúng thời đại mới, kiên định, phát triển và dận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trang bị cho Đảng ta chính trị, tư tưởng, tổ chức thành lập bộ tham mưu cho cách mạng, thức tỉnh Nhân dân nhất tề đứng lên, đi theo Đảng tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc, đập tan sự đô hộ của bọn Đế quốc, thực dân và giai cấp bóc lột, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên của thời đại mới - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lịch sử hiện đại Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chèo lái của Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kiểm chứng khi nào đứng vững trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì cách mạng thành công, các sai lầm khuyết điểm nhanh chóng được khắc phục. Ngược lại lúc nào chao đảo, xa rời thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì cách mạng gặp khó khăn, sai lầm, thậm chí thất bại.

Càng đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, càng thấy rõ nhiệm vụ trung tâm của Quốc tế Cộng sản là vấn đề dân tộc và thuộc địa nhưng không có nhiều chính khách và nhiều đảng nếu không nói là rất ít đề ra được chiến lược, sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc ngay từ khi lập Đảng. Đường lối chiến lược và sách lược do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo khi thành lập Đảng là hoàn toàn chính xác, vượt lên trên tư duy chính trị đương thời của nhiều chính khách, nhiều Đảng và cả tổ chức Quốc tế Cộng sản. Đây là lý do cắt nghĩa cùng trong một thời cơ thuận lợi do hoàn cảnh khách quan như nhau khi Nhật đầu hàng đồng minh năm 1945, nhưng chỉ có cách mạng Việt Nam giành được chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng của nhân dân, năng động, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và Hồ Chí Minh đứng đầu, giành được chính quyền, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi duy nhất do Đảng lãnh đạo giành được chính quyền trong lịch sử thế giới thế kỷ XX.

Cách mạng Tháng Tám đã đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, tiêu diệt chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, đưa toàn dân tộc từ nô lệ, từ thân phận bị áp bức trở thành tự do, trở thành chủ nhân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mở đầu trào lưu phi thực dân hoá trên thế giới, trở thành tấm gương, động lực cho các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh cho giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sau chiến thắng chủ nghĩa phát xít của những người cộng sản và các lực lượng dân chủ, các dân tộc bị áp bức theo gương Việt Nam đứng lên trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc khắp châu Á, châu Phi và các nước Mỹ La tinh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chống đề quốc, thực dân, giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ, động viên mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản trở thành chiến sĩ tiên phong tiêu diệt chủ nghĩa thực dân cũ và đánh sập một bước quan trọng của chủ nghĩa thực dân mới. Đó  là thời gian mà phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi cơ bản độc lập dân tộc, tự mình lựa chọn con đường phát triển. Việt Nam - Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tấm gương của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trở thành lương tri của thời đại, trở thành biểu tượng của sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược cho dù chúng đến từ đâu và sức mạnh đến đâu. Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh là những người đi tiên phong, người mở đường đã biến thế kỷ XX trở thành thế kỷ toàn thắng của các dân tộc bị áp bức thoát khỏi chủ nghĩa thực dân.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường cách mạng sáng tạo, phù hợp với đặc thù của thực tiễn cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người chỉ rõ, sau khi giành được độc lập, cách mạng phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm. Mỗi thắng lợi và mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự soi đường, dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp đổi mới, trước bao diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, với những khó khăn ở trong nước, Đảng ta đã kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[9]

Thành tựu của gần 40 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã vạch ra, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.

Trung tá, TS Nguyễn Đình Tương 


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 627

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 289

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 30

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 289

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 304

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 295

[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 296

[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 304

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2021, tr. 322

 Ban NC Đạo đức học quân sự, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự

1. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhận thức chính xác về thời đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra nước ngoài không đi tìm chỗ dựa như các bậc cha anh mà với khát vọng xem thế giới người ta làm thế nào tự giải phóng để về giúp đồng bào mình. Khi được đọc”Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc - thuộc địa” của V.I.Lênin và được biết đến cuộc Cách mạng Tháng Mười ở Nga, Người hoàn toàn tin theo Lênin, tán thành Quốc tế Cộng sản và trở thành người cộng sản. Trong khi các lãnh tụ của nhiều đảng chưa nhận thấy hết ý nghĩa mở đầu của thời đại mới, còn cho Cách mạng Tháng Mười “chỉ là hiện tượng” ở nước Nga thì Người đã khẳng định dứt khoát về thời đại ngày nay. Đó l&agr

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn