Tự phê bình và phê bình không chỉ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, mà còn là quy luật tồn tại và phát triển Đảng. Trong khuôn khổ bài viết chỉ đề cập đến một phần của nguyên tắc đó là phê bình trong Đảng. Vì vậy, bài viết tập trung làm rõ tính chất của nguyên tắc này theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là, tính đảng; tính giáo dục; tính khách quan, trung thực, chân thành, công khai; tính cụ thể, thiết thực và kịp thời.

BẢO ĐẢM TÍNH CHẤT CỦA PHÊ BÌNH TRONG ĐẢNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
BẢO ĐẢM TÍNH CHẤT CỦA PHÊ BÌNH TRONG ĐẢNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Đặt vấn đề

Tự phê bình và phê bình không chỉ là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng mà còn là một trong những nội dung của nguyên tắc hoạt động của Đảng, Điều lệ Đảng ghi rõ: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản,... đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”[1, tr.5]. Vì vậy, cần bảo đảm tính chất của phê bình trong Đảng, hướng đến “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ[3, tr.272] như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. 

Nội dung

Trong phê bình cần phải căn cứ vào công việc để phê bình giúp cho công việc tốt hơn, không lợi dụng phê bình để xúc phạm, hạ thấp danh dự, uy tín, nhân phẩm của đồng chí mình. Bên cạnh đó, mỗi đảng viên khi phê bình đồng chí của mình cần phải bảo đảm bốn tính chất của phê bình trong Đảng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bảo đảm tính đảng trong phê bình

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tính đảng rất quan trọng: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”[3, tr.307], tính đảng được thể hiện ở ba nội dung: “Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn… Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”[3, tr.307]. Tính đảng trong phê bình trước hết cần bảo đảm trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, quy định của Đảng; trên cơ sở các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị để chỉ ra những việc đã làm được, những việc còn tồn đọng, hạn chế, khuyết điểm của đồng chí mình, từ đó mỗi đảng viên sẽ đưa ra những góp ý với đồng chí bảo đảm nghiêm túc, trách nhiệm và xây dựng. Tránh phê bình một cách chung chung không có căn cứ để chỉ rõ ưu điểm, hạn chế. Tính đảng trong phê bình còn được thể hiện thông qua bản lĩnh, tính chiến đấu không chỉ của người đi phê bình mà còn thể hiện ở cách tiếp nhận và ứng xử với hạn chế, khuyết điểm của người được phê bình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì: “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”[3, tr.272], Người còn cho rằng: “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”[3, tr.273].

Phê bình trong Đảng là phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người, căn cứ vào công việc để phê bình giúp cho công việc tốt hơn. Không lợi dụng phê bình để xúc phạm, hạ thấp danh dự, uy tín, nhân phẩm của đồng chí mình. Tính đảng không chỉ dừng lại ở việc phân biệt được đúng, sai trong thực hiện nhiệm vụ, mà quan trọng hơn là thái độ ứng xử của đảng viên trước những việc làm mà đồng chí của mình được phụ trách. Để phê bình đồng chí của mình đạt được mục đích trên, mỗi đảng viên cần phải hiểu bản chất của hoạt động này, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, khi nói về cách phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”[3, tr.272]. Phê bình phải bảo đảm chỉ rõ cả ưu điểm và khuyết điểm của đồng chí mình, tránh phiến diện một chiều chỉ nhìn thấy ưu điểm hoặc chỉ nhìn thấy hạn chế của người được phê bình. Khi phê bình việc làm thì cần phải căn cứ trên cơ sở các quy định, quy chế, trên cơ sở những việc làm cụ thể để góp ý cùng tiến bộ, cùng xây dựng một tổ chức đoàn kết hơn, vững mạnh hơn.

Tính đảng trong phê bình yêu cầu mỗi đảng viên phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát, dám bảo vệ cái đúng, việc làm tốt và đấu tranh kiên quyết với cái sai, không bàng quan, mũ ni che tai trước khuyết điểm của đồng chí mình. Tính đảng trong phê bình còn thể hiện ở việc đấu tranh không khoan nhượng với tư tưởng và hành động sai trái, không thoả hiệp, xuôi chiều với những việc làm sai trái.

Thứ hai, bảo đảm tính giáo dục trong phê bình

Tự phê bình và phê bình không chỉ là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, mà nó còn là quy luật phát triển Đảng vững mạnh hơn trên cơ sở nội bộ Đảng không ngừng tự phê bình, tự hoàn thiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng”[5, tr.41]. Trong mỗi tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên không ngừng phê bình, góp ý nhau để bảo đảm mục đích giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Để bảo đảm phê bình đạt được mục đích thì mỗi đảng viên khi thực hiện phê bình trong Đảng cần phải bảo đảm được tính giáo dục không chỉ đối với bản thân cá nhân đảng viên được góp ý, phê bình mà còn thông qua việc phê bình đồng chí mình để giúp cho các đồng chí đảng viên còn lại trong tổ chức đảng lấy đó làm tấm gương, những ưu điểm thì học tập, phát huy, những hạn chế, khuyết điểm thì rút kinh nghiệm, tránh mắc phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của bản thân mình, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Phê bình nhau và giúp nhau sửa chữa”[3, tr.624].

Thông qua phê bình, đội ngũ đảng viên giúp nhau rèn luyện, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách, phương pháp làm việc khoa học, bảo đảm chất lượng hiệu quả cao. Phát hiện những việc làm tốt để nhân rộng; việc làm chưa tốt để sửa chữa và rút ra bài học. Bảo đảm mục đích củng cố đảng, tăng cường đoàn kết nội bộ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Trong những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, làm giảm uy tín của Đảng, nguy hại cho sự nghiệp cách mạng; một số người vào Đảng với mục đích, động cơ chưa đúng. Để khắc phục những thiếu sót đó, không thể nhất loạt sử dụng biện pháp tổ chức, hành chính và pháp luật, mà phải sử dụng phương pháp giáo dục, thuyết phục, trong đó phải coi trọng việc phê bình. Thông qua phê bình, đảng viên được rèn luyện, trưởng thành, đảng viên có khuyết điểm do hạn chế về năng lực công tác thì bồi dưỡng rèn luyện năng lực công tác; những đảng viên đã thoái hóa biến chất, chạy theo chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh. Muốn xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh thì không thể không có giáo dục, phê bình trong Đảng là một trong những phương thức giáo dục thiết thực, hiệu quả nhất giúp cho đảng viên ngày càng hoàn thiện hơn.

Thứ ba, bảo đảm tính khách quan, trung thực, chân thành và công khai trong phê bình

Phê bình trong Đảng phải bảo đảm khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật, có sao nói vậy, không thêm bớt, tô hồng hay bôi đen. Khi phê bình đồng chí mình, mỗi đảng viên cần phải đặt mình vào trong vị trí của người đó mà suy xét, góp ý để bảo đảm tính khách quan, không nặng nề, chụp mũ hoặc yêu cầu quá cao so với năng lực của đồng chí mình, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phê bình người khác thì dễ hơn là trực tiếp làm việc: “Tôi vẫn biết phê bình là dễ, làm ra là khó. Thí dụ, tôi trông một bức tranh, thì tôi biết khen khéo chê vụng; tôi nghe một khúc đàn thì tôi biết khen hay chê dở; nhưng mà nếu anh bảo tôi cầm bút mà vẽ, cầm đàn mà gảy, thì tôi chạy!”[2, tr.169]. Tránh để vị trí và tuổi tác làm mất đi tính khách quan trong nhận xét về ưu điểm, khuyết điểm của đồng chí mình, không vội vàng quy kết, không quan trọng hóa nhưng cũng không xem nhẹ khuyết điểm. Để đạt bảo đảm khách quan, chung thực thì ở mỗi một tổ chức, người đứng đầu cần có sự công tâm khách quan, phát huy dân chủ, tạo lập một môi trường làm việc dân chủ thực sự, để không những cấp trên phê bình cấp dưới mà ngược lại, cấp dưới cũng có thể góp ý, phê bình đối với cấp trên, nhất là người đứng đầu một cách thẳng thắn, chân thành, tránh tình trạng không dám nói, không dám phê bình đối với cấp trên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế. Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình[3, tr.283].

Phê bình với thái độ thẳng thắn nhưng chân thành, hướng đến mục tiêu để đồng chí mình nhận ra ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, chớ dùng những lời lẽ mỉa mai, chua cay, đâm thọc nhằm nói xấu, hạ uy tín của đồng chí mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”[3, tr.284], “Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”[3, tr.272]. Trên cơ sở chí tình, chân thành khi phê bình sẽ giúp đồng chí mình dễ tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm hơn. Mỗi đảng viên cần phải xoá bỏ tư tưởng ngại phê bình vì mục đích của phê bình là rất tốt đẹp và vai trò của phê bình có tác dụng rất to lớn, bởi lẽ nếu không phê bình thì cũng như: “Thấy cái xấu của người mà không phê bình là một khuyết điểm rất to. Không phê bình, tức là để cho cái xấu của người ta phát triển”[3, tr.260], như vậy là làm hại đồng chí mình, không muốn đồng chí của mình tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Tính công khai trong phê bình không chỉ góp phần bảo đảm mục đích mà nó còn thể hiện ý chí quyết tâm tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa khuyết điểm. Cũng trên cơ sở tính công khai trong phê bình mà mỗi đảng viên có thể thấy được ưu điểm, hạn chế không chỉ của bản thân mình mà còn thấy được ưu điểm, hạn chế của các đồng chí của mình để bản thân mình tự điều chỉnh, tự tu dưỡng, rèn luyện phát huy ưu điểm, làm theo những việc làm tốt, tránh những việc làm chưa tốt, chưa hay, tránh tình trạng bao che khuyết điểm, giấu tổ chức, chạy theo bệnh thành tích như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra: “Có nơi, các đồng chí chẳng những không phê bình giúp nhau sửa đổi, mà lại che đậy cho nhau, tha thứ cho nhau, giấu cả đoàn thể. Thành thử càng ngày càng hủ hoá, càng hỏng việc”[3, tr.95]. Đó là những việc làm đáng lên án, phê bình trong chính phương pháp, cách tổ chức thực hiện phê bình để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hơn, góp phần bảo đảm mục đích của phê bình tốt hơn.

Thứ tư, bảo đảm tính cụ thể, thiết thực và kịp thời trong phê bình

Phê bình chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó bảo đảm tính cụ thể, thiết thực và kịp thời, việc góp ý phải rất cụ thể, đúng hoặc sai phải rõ ràng và có nguyên nhân, hoàn cảnh xác định. Tránh việc phê bình một cách chung chung, không cụ thể, rõ ràng, thấy đồng chí mình có khuyết điểm nhưng ngại va chạm, chỉ nói xa xôi, bóng gió thì người được phê bình khó tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”[5, tr.114]. Khi tiến hành phê bình phải quán triệt mục đích của phê bình là để giúp đỡ đồng chí mình tiến bộ, cùng phát triển và tổ chức đoàn kết, vững mạnh hơn. Trong phê bình cần phải có thái độ phê bình đúng đắn, nêu rõ khuyết điểm, nguyên nhân và hướng khắc phục, tránh “đao to búa lớn, nâng quan điểm”, “dậu đổ bìm leo” hoặc coi nhẹ phê bình trong Đảng. Tính cụ thể, thiết thực của phê bình trong Đảng còn thể hiện ở việc hướng thẳng nội dung phê bình vào công việc cụ thể, vào việc tổ chức và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng viên để mà góp ý, Người cho rằng: “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”[6, tr.464]

Để phê bình thiết thực, phải bảo đảm tính kịp thời, nếu không khuyết điểm sẽ ngày càng trầm trọng và tác hại sẽ ngày càng nhiều. Phê bình kịp thời sẽ giúp cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng sửa chữa khuyết điểm của mình từ lúc manh nha và tránh cho người khác, đơn vị khác không mắc phải khuyết điểm tương tự, chủ động đẩy lùi được tác hại của khuyết điểm đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh ví phê bình như “trị bệnh cứu người”[6, tr.464] để các đảng viên thấy được sự kịp thời là rất quan trọng trong phê bình. Kịp thời trong phát hiện ra khuyết điểm, hạn chế; kịp thời trong góp ý, nhận xét đồng chí của mình; kịp thời trong việc đề xuất, gợi ý những giải pháp để đồng chí mình nhận thấy khuyết điểm, nguyên nhân từ đâu và giải pháp khắc phục. 

Tính kịp thời còn thể hiện ở việc tổ chức đảng và đảng viên phải thường xuyên “Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên”[5, tr.34]. Phê bình không phải tích tụ lại đến cuối năm khi đánh giá, phân loại đảng viên, hay theo từng đợt sinh hoạt chính trị do Trung ương tổ chức, mà phê bình còn là một hoạt động được tiến hành thường xuyên, liên tục trong các buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng, đối với mỗi một nhiệm vụ chính trị được giao, giúp cho đảng viên ngày càng hoàn thiện hơn. Khi phê bình không phải chỉ có chỉ ra hạn chế, khuyết điểm mà còn phải chỉ rõ ưu điểm để phát huy, những việc làm tốt, hay để nhân rộng, Người ví: “Phê bình và tự phê bình như uống thuốc xổ. Xổ rồi thì phải uống thuốc bổ. Tháo xe đạp ra chùi cho sạch bụi, lúc lắp vào phải cho dầu mỡ, xe mới chạy được. Phê bình xong phải biết cách sửa chữa. Nếu phê bình rồi mà không biết cách sửa chữa là một khuyết điểm to”[5, tr.221].

Kết luận

Như vậy, việc chấp hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng nói chung, việc tổ chức, triển khai thực hiện phê bình trong Đảng nói riêng của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phải hiểu rõ về mục đích của phê bình trong Đảng, phải tổ chức triển khai phê bình trong Đảng bảo đảm bốn tính chất đó là: Một là, tính đảng; hai là, tính giáo dục; ba là, tính khách quan, trung thực, chân thành và công khai; bốn là, tính cụ thể, thiết thực và kịp thời. Có như vậy, nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng mới phát huy hết được hiệu quả, tránh hình thức. Thực hiện tốt phê bình trong Đảng sẽ góp phần làm rõ đúng, sai trong mỗi hoạt động của đảng viên, giúp cho đảng viên thấy rõ ưu điểm mà phát huy, hạn chế, khuyết điểm mà sửa chữa, khắc phục; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên bảo đảm mục đích của phê bình.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Điều lệ Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

PHẠM THÀNH NAM

 

Học viện Chính trị khu vực I.
Đặt vấn đề Tự phê bình và phê bình không chỉ là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng mà còn là một trong những nội dung của nguyên tắc hoạt động của Đảng, Điều lệ Đảng ghi rõ: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản,... đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”[1, tr.5]. Vì vậy, cần bảo đảm tính chất của phê bình trong Đảng, hướng đến “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn