Xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam trở thành nhiệm vụ quan trọng được quan tâm hàng đầu nhằm làm tăng tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Chính phủ. Bài viết tập trung phân tích thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và đề xuất một số giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Ảnh minh họa

Đặt vấn đề

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, phát triển cùng với xu thế khoa học công nghệ mới. Điều đó đã tạo ra những áp lực cạnh tranh thúc đẩy Chính phủ phải thay đổi để đáp ứng với yêu cầu của thời đại trong đó có mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng đến Chính phủ số (CPS). Nhận thức được tầm quan trọng này, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường ứng dụng CNTT, hoàn thiện nền tảng CPĐT, xây dựng CPS. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này còn nhiều hạn chế. Do đó, đánh giá khách quan, đúng thực trạng để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của mục tiêu xây dựng, hoàn thiện CPĐT, CPS có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số ở Việt Nam

Nhận thấy vai trò của CPĐT, CPS đối với sự phát triển hiện đại, bền vững của quốc gia nên những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều quan điểm, chủ trương cụ thể nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoàn thiện CPĐT, hướng tới CPS giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các nghị quyết, chính sách được tập trung ban hành và áp dụng vào thực tiễn. Tiêu biểu như Nghị quyết của Bộ Chính trị số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...

Đảng nhấn mạnh: Phát triển CPS có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. Phát triển CPS một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển CPĐT vào năm 2021 và hình thành CPS vào năm 2025.

 - Mục tiêu chiến lược: Trong thời đại CNTT phát triển vượt bậc, CPĐT, CPS là mục tiêu lớn có tính tất yếu, chiến lược của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển CPĐT vào năm 2021 và hình thành CPS vào năm 2025[8].

- Mục tiêu đến năm 2025: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội để người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hoá, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu; Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội để Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác cùng tham gia phổ cập việc sử dụng dịch vụ công nói riêng, chuyển đổi số nói chung; Vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan Nhà nước dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc; Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo đánh giá của Liên Hợp Quốc có sự thay đổi đột phá.

- Tầm nhìn đến năm 2030: Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình[8].

- Về nhiệm vụ: Đảng nhấn mạnh đến những nhiệm vụ cụ thể về tạo điều kiện hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia. Tập trung phát triển dữ liệu số quốc gia. Đồng thời phát triển các ứng dụng, dịch vụ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

- Về giải pháp: Để có thể xây dựng thành công CPĐT, hướng tới CPS, Đảng đưa ra nhiều giải pháp có tính thực tiễn và định hướng cao. Theo đó, từng bước giúp người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội... Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển CPS, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu. Nền tảng là giải pháp đột phá. Kết hợp mô hình triển khai tập trung và phân tán, tuân thủ khung kiến trúc CPĐT Việt Nam và Kiến trúc của các bộ, ngành, địa phương. Phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng tại mọi nơi. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung. Thị trường trong nước nuôi dưỡng, phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, từ đó vươn ra khu vực và thế giới. 

2. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam

2.1. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, chủ trương chính sách của Nhà nước về thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Những năm qua, Chính phủ đã đặc biệt nêu cao vai trò của CNTT và ứng dụng CNTT. Nhiều chủ trương, chính sách pháp luật được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho việc phát triển công nghệ và ứng dụng vào mọi mặt của đời sống xã hội. Luật công nghệ thông tin được ban hành năm 2006 là văn bản pháp lí vô cùng quan trọng đánh dấu chủ trương quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên ứng dụng phát triển CNTT trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều văn bản, nghị định khuyến khích ứng dụng CNTT trong các cơ quan và hoạt động quản lí nhà nước được ban hành. Tiêu biểu như: Nghị định số 64/2007/NĐ-CP, Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt là Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đây là văn bản rất quan trọng của Chính phủ ban hành những chính sách trọng tâm về phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số nhằm tiếp tục hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư[5, tr.20].

Thứ hai, về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

Chính phủ đã chủ trương đẩy mạnh kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia dựa trên công nghệ nền tảng X-Road của Estonia. Ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức khai trương Hệ thống, thực hiện ký số Quyết định số 274/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia gửi đến tất cả các Bộ, ngành, địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Đây là lần đầu tiên, lãnh đạo Chính phủ trực tiếp ký số phát hành văn bản điện tử trên môi trường mạng, qua đó cho thấy sự quyết tâm của Người đứng đầu Chính phủ ứng dụng các công cụ mới trong việc nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, vận hành CPĐT. Từ ngày 12/3/ 2019 đến nay, 94/94 đơn vị (100%) các Bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia, đã có 769.120 văn bản điện tử gửi và 2.408.320 văn bản điện tử nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia... Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Estonia, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Hệ thống e-Cabinet, đến nay, Hệ thống e-Cabinet đã được đưa vào khai thác, sử dụng để phục vụ các hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới Chính phủ không giấy tờ[6]. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu hướng tới đảm bảo hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo dịch vụ phục vụ cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Thứ ba, về dịch vụ công trực tuyến

Triển khai dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu phát triển CPĐT, CPS ở Việt Nam hiện nay đạt nhiều thành tựu. Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính công qua các cổng giao dịch trực tuyến. Theo số liệu thống kê năm 2019, Việt Nam có 127.270 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và mức độ 2, có 26.734 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (chiếm 16,73%) và 5.792 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (chiếm 3,62%)... Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3 và mức độ 4) với số lượng tăng vượt trội so với những năm trước đây. Đây là kết quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được nhờ ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước[3].

Thứ tư, về nguồn nhân lực

Bên cạnh chỉ số dịch vụ công trực tuyến và chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông, Việt Nam cũng chú trọng gia tăng chỉ số nguồn nhân lực (HCI). Theo số liệu thống kê, tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông là 973.692 người[7, tr.39]. Riêng nhân lực làm việc trong lĩnh vực viễn thông và internet năm 2018 là 77.205 người (năm 2016 chỉ có 71.298 người)[7, tr.27]. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tăng rõ rệt: tỷ lệ trung bình số đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có công chức chuyên trách về công nghệ thông tin năm 2018 là 81,39% (năm 2016 là 71,29%). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 là 93,45% (năm 2016 là 91,67%)[7, tr.30].

2.2. Những hạn chế

Thứ nhất, về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước

Các chủ trương, chính sách của Chính phủ ban hành được quy định với những quy định nhiệm vụ rất cụ thể; tuy nhiên còn một số hạn chế làm ảnh hưởng tới hiệu quả công tác ứng dụng CNTT xây dựng CPĐT, CPS. Cơ chế, chính sách về đầu tư ứng dụng CNTT còn nhiều bất cập và chưa được tháo gỡ dẫn đến việc triển khai các phần mềm ứng dụng CNTT để xây dựng CPĐT, CPS tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm; ngân sách nhà nước chưa được bố trí kịp thời theo tiến độ của các dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, nền tảng cho xây dựng, phát triển CPĐT, CPS (Cơ sở dữ liệu quốc gia mới chỉ được bố trí khoảng 1/10 số vốn trên tổng số vốn dự kiến; cơ sở dữ liệu hộ tịch cũng chỉ được bố trí vốn theo kinh phí sự nghiệp hàng năm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Tư pháp nhưng chưa được bố trí vốn đầy đủ từ nguồn kinh phí đầu tư theo quy định...)[5, tr.57]. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích đầu tư nguồn kinh phí để đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNTT còn hạn chế hoặc chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, về hạ tầng công nghệ thông tin

Hạ tầng CNTT mặc dù đã có nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên để đáp ứng xây dựng hoàn thiện hệ thống CPĐT, CPS thì còn nhiều hạn chế. Tiến độ xây dựng và triển khai một số hạng mục cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm. Việc ứng dụng các cơ sở dữ liệu thiếu sự đồng bộ, rời rạc, chưa được kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đặc biệt là ở cổng dịch vụ hành chính công, hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương, nhất là ở các địa phương ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa trên cả nước chưa bảo đảm các chức năng theo quy định, hoặc triển khai nhưng chưa phát huy hết hiệu quả.

Thứ ba, về dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến ngày càng được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, dù số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ gây lãng phí. Nhiều thủ tục hành chính không đủ điều kiện để triển khai áp dụng trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng vẫn được xây dựng. Bên cạnh đó, các dịch vụ hành chính trực tuyến ở nhiều địa phương được cung cấp nhưng chưa thực sự thiết yếu đối với người dân, doanh nghiệp; giao diện và cách thức sử dụng các phần mềm, cổng dịch vụ công của một số Bộ, ngành, địa phương tương đối phức tạp, không thuận tiện, thân thiện với mặt bằng dân trí của người dân nói chung. Tính đến quý II năm 2019, tại địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó có 6.575 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt tỷ lệ 15,16%), còn tại các Bộ, ngành là 1.758 dịch vụ, trong đó có 506 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt tỷ lệ 28,78%)[5, tr.57].

Thứ tư, về nguồn nhân lực

Tuy nhiên, theo đánh giá chỉ số nguồn nhân lực của Liên hợp quốc năm 2020, Việt Nam chỉ đạt 0,6779 điểm, tuy có cao hơn những năm trước nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới (0,688 điểm). So với năm 2014 là 0,6025(15) điểm, chỉ số này tăng không đáng kể. Chỉ số HCI của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore - quốc gia có chỉ số nguồn nhân lực cao nhất trong khu vực ASEAN (0,8904 điểm)[3]. Sự phân công, phối hợp trong tổ chức thực hiện các chính sách giữa các Bộ, cơ quan, địa phương còn chưa hợp lý. Người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và tích cực tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp, một phần nguyên nhân khách quan là do trình độ dân trí còn hạn chế, điều kiện kinh tế, xã hội của nhiều tỉnh, thành phố chưa được tốt.

 3. Một số giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam trong thời gian tới

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản

trong lĩnh vực chuyển đổi số. (Ảnh: https://nhandan.vn)

Một là, tiếp tục bổ sung hoàn thiện các chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Trước hết cần đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật, chính sách, điều chỉnh lại thời hạn hoàn thành mục tiêu của các nhóm nhiệm vụ phù hợp với tình hình phát triển thực tiễn để đảm bảo tính khả thi. Để thực hiện hiệu quả các chính sách, các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến việc tổ chức, bảo đảm các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài chính và nhân lực để thực thi chính sách. Đồng thời, cần bổ sung kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực thi chính sách: kiểm tra định kỳ, đột xuất, theo chuyên đề (về khai thác, sử dụng văn bản điện tử; về rà soát, lựa chọn, cung cấp dịch vụ công trực tuyến...). Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/06/2021. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và đẩy mạnh sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.

Hai là, tích cực chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều thời cơ lớn nhưng cũng đem lại thách thức không nhỏ trong quá trình ứng dụng thành tựu công nghệ để xây dựng CPĐT, CPS. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tích cực, chủ động trong cơ chế và hành động thực tiễn để kịp thời tận dụng cơ hội và hạn chế, khắc phục khó khăn. Chính phủ cần tiếp tục ban hành các chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Khuyến khích và tạo điều kiện đầu tư hạ tầng công nghệ số; áp dụng rộng vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Định hướng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia, mở rộng quy mô kinh tế số, tạo điều kiện nền tảng để hoàn thiện CPS. 

Ba là, chú trọng đầu tư mọi nguồn lực, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin

Nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT một cách đồng bộ, rộng rãi trên cả nước là giải pháp nền tảng, kỹ thuật giúp xây dựng phát triển CPĐT, CPS hiệu quả, bền vững. Hạ tầng CNTT cần chú trọng tới việc đảm bảo bảo mật dữ liệu, an toàn thông tin số, an ninh mạng của cơ quan Chính phủ cũng như thông tin cá nhân người dùng; đầu tư hơn nữa về nguồn lực kinh tế phục vụ quá trình nghiên cứu và sản xuất, ra đời hệ thống máy móc, CNTT. Đồng thời, liên tục cập nhật về sản phẩm ứng dụng CNTT mới nhất, từ đó có phương hướng để khai thác, sử dụng và đầu tư nâng cấp, phát triển hơn nữa; không ngừng học hỏi kinh nghiệm sáng tạo công nghệ và thúc đẩy việc chuyển giao phương tiện, máy móc CNTT mới của các nước tiến bộ trên thế giới.

Bốn là, tích cực điều chỉnh việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ trong thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Một số nhiệm vụ của cơ quan Chính phủ cần được phân công dựa trên sự bảo đảm phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan này hoặc các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Việc xây dựng CPĐT nên có sự phối hợp theo hệ thống thông suốt từ Văn phòng Chính phủ, Văn phòng các Bộ, cơ quan, Văn phòng Ủy ban nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chuyên trách CNTT tại Bộ, cơ quan và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung ứng dụng các phần mềm công nghệ để hoàn thành và đưa vào triển khai Khung kiến trúc CPĐT các cấp: cấp bộ, cấp tỉnh, thành phố phù hợp với Khung kiến trúc CPĐT ở Việt Nam. Thúc đẩy các cấp bộ, ngành quyết tâm cao trong việc thực hiện chính sách áp dụng CNTT vào giải quyết các nhiệm vụ hành chính của cơ quan, đơn vị mình.

Năm là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về công nghệ thông tin

Đầu tư xây dựng, đào tạo về chuyên môn cho đội ngũ cán bộ CNTT là giải pháp cần thiết trong đó tập trung phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ chuyên trách về CNTT; đào tạo kiến thức nâng cao về quản trị mạng cho cán bộ CNTT chuyên trách tại cơ quan nhà nước. Thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ quan nhà nước, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ phục vụ nền hành chính công tích cực, hiệu quả. Rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số[1].

Kết luận

Việc xây dựng CPĐT hướng tới hoàn thành CPS ở Việt Nam hiện nay đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa. CPĐT, CPS ra đời đáp ứng xu thế của thời đại và những nhu cầu được tương tác liên tục, nhanh, hiệu quả của người dân với cơ quan nhà nước. CPĐT, CPS vận hành thông qua hệ thống công nghệ số, thông tin điện tử vừa rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính, vừa giảm thiểu chi phí cho bộ máy Chính phủ, nâng cao năng lực điều hành và sự công khai minh bạch. Để ứng dụng hiệu quả CNTT vào xây dựng CPĐT, CPS cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, áp dụng đồng bộ các giải pháp từ ban hành, thực hiện chính sách, tới đầu tư các nguồn lực và tích cực thay đổi, phát triển hạ tầng công nghệ, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu trong việc hoàn thiện CPS trong tương lai.

NGÔ THỊ MAI

 

Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn

[2] Bộ Thông tin và Truyền thông (2019), Quyết định số 2323/QĐ-TTTT ngày 31/12/2019 ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Hà Nội.

[3] Hoàng Thị Kim Chi (2021), Xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam - kết quả bước đầu và những vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh, https://tcnn.vn

[4] Lê Thị Vân Huyền (2021), Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính phủ điện tử, https://www.quanlynhanuoc.vn

[5] Nguyên Lợi Quốc Khánh (2019), Thực hiện chính sách ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ Chính sách công, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Hà Nội.

[6] Công tác xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011-2020 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021-2030, http://cchc.ubdt.gov.vn

[7] Sách trắng Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2019, (2019) Nxb. Thông tin – Truyền thông, Hà Nội.

[8] TG (Giới thiệu) (2021), Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, https://vksndtc.gov.vn

Ảnh minh họa Đặt vấn đề Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, phát triển cùng với xu thế khoa học công nghệ mới. Điều đó đã tạo ra những áp lực cạnh tranh thúc đẩy Chính phủ phải thay đổi để đáp ứng với yêu cầu của thời đại trong đó có mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng đến Chính phủ số (CPS). Nhận thức được tầm quan trọng này, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường ứng dụng CNTT, hoàn thiện nền tảng CPĐT, xây dựng CPS. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này còn nhiều hạn chế. Do đó, đánh giá khách quan, đúng thực trạng để đề xuất các giải ph

Tin khác cùng chủ đề

Công tác xây dựng đảng thời kỳ đổi mới (1986-2021) - Thành tựu và bài học kinh nghiệm
Nhiệm vụ cấp bách cần được thực hiện với quyết tâm cao
Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Công tác tuyên giáo với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
          Chuyên gia xây dựng Đảng: 3 điểm mới căn bản nghiêm cấm đảng viên không được làm
Đẩy mạnh thực hành dân chủ, tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước

Gửi bình luận của bạn