Quan điểm và giải pháp chính sách nhằm vượt qua thách thức về an ninh và chính trị ở biển Đông
Quan điểm và giải pháp chính sách nhằm vượt qua thách thức về an ninh và chính trị ở biển Đông

1. Đặt vấn đề

Biển Đông còn gọi là Biển Nam Trung Hoa. Việc đặt tên biển thường dựa vào địa danh của lục địa lớn gần nhất hoặc lấy tên của nhà khoa học phát hiện ra biển. Biển Đông nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa nên có tên gọi là biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, địa danh biển không có ý nghĩa về mặt chủ quyền. Từ xa xưa, người Việt quen gọi là Biển Đông. Biển Đông trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông, là biển nửa kín. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi các nước như Trung Quốc, Philippin, Indônesia, Brunây, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.

Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, và ảnh hưởng đến cuộc sống của 300 triệu người dân. Biển Đông có ý nghĩa địa chiến lược và địa kinh tế không chỉ đới với các nước trong khu vực và cả ngoài khu vực Châu Á - Thái Binh Dương.

Biển Đông là nơi chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực như tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí) và du lịch. Về tiềm năng dầu khí, biển Đông là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 - 20 năm tới. Các nước trong khu vực đều là những nước khai thác dầu khí từ biển. Ngoài ra, theo đánh giá của Nga, khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng rất lớn được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.

Biển Đông là tuyến giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới sau đường hàng hải qua eo biển Hormuz. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.

Tại khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó cảng Singapore và Hong Kong là loại lớn và hiện đại nhất thế giới. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực. Biển Đông là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các hàng hóa thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á. Xuất khẩu hàng hoá của Nhật Bản phải đi qua khu vực này chiếm 42%, các nước Đông Nam Á 55%, các nước công nghiệp mới 26%, Australia 40% và Trung Quốc 22% (trị giá khoảng 31 tỷ đô la). Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông.

     Kiểm soát được quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát được các tuyến hàng hải, hàng không qua lại Biển Đông và dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè, đặc biệt là các căn cứ quân sự... Các nhà chiến lược cho rằng ai kiểm soát được hai quần đảo sẽ khống chế được cả Biển Đông.

     Đối với Việt Nam, với 3.260 km chạy dọc đất nước và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và 28 tỉnh, thành tiếp giáp với biển, Biển Đông có giá trị địa kinh tế, địa chiến lược rất quan trọng. Nhờ Biển Đông, Việt Nam có điều kiện tốt để phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch… Trữ lượng cá biển ước tính trong khoảng 3,1 - 4,1 triệu tấn, khả năng khai thác là 1,4 - 1,6 triệu tấn. Nguồn thủy sản lớn đã đưa thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn với giá trị xuất khẩu đứng thứ ba cả nước. Trong vùng thềm lục địa Việt Nam, ước tính có xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu qui đổi với trữ lượng khai thác khoảng 02 tỷ tấn và khoảng 1.000 tỷ mét khối khí, đứng vào hạng trung bình trong khu vực. Dọc bờ biển Việt Nam có 10 điểm có thể xây dựng cảng nước sâu, phát triển giao thông hàng hải và công nghiệp đóng tàu. Nhờ biển và bờ biển nên chúng ta có thể phát triển các loại hình du lịch hiện đại như nghỉ ngơi; dưỡng bệnh; tắm biển; du lịch sinh thái; nghiên cứu khoa học vùng ven bờ, hải đảo, đáy biển; du lịch thể thao: bơi, lặn sâu, lướt ván, nhảy sóng, đua thuyền...; có thể tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế quanh năm; dịch vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Ngoài ra, vùng ven biển Việt Nam chứa đựng một tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, sắt, mangan, thạch cao, đất hiếm trong đó cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển kinh tế và phục vụ quốc phòng.

Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa phòng thủ chiến lược rất quan trọng, là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Hệ thống các đảo, quần đảo trên Biển Đông cùng với giải đất liền ven biển thuận lợi cho xây dựng các căn cứ quân sự, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp,  hợp thế trên bờ dưới biển.                                           

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai quần đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông, trong đó quần đảo Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt NamTrung Quốc và Đài LoanQuần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung QuốcĐài LoanViệt NamPhilippinesMalaysia và Brunây; các quốc gia, lãnh thổ này tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa. Bãi Macclesfield là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Đài LoanQuần đảo Đông Sa do Đài Loan quản lý là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Đài Loan

Quần đảo Natuna mà Indonesia tuyên bố chủ quyền cũng đang bị Trung Quốc đe dọa. Ngoài ra, vùng biển trong khu vực Biển Đông cũng là đối tượng tranh chấp, với lợi ích mà các quốc gia quan tâm gồm: ngư trường, khai thác tài nguyên (đặc biệt là dầu khí) và kiểm soát của một vị trí chiến lược. Các quốc gia gián tiếp can dự đến Biển Đông là: Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

 Hiện Việt Nam quản lý 21 đảo, Philipin 7 đảo và 3 bãi san hô, Trung Quốc:  7 đảo và 1 bãi san hô, Đài Loan: 1 đảo và 1 rạn san hô, Malaixia : 7 đảo, Brunây: 1 rạn san hô.

Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ XVII, sau đó thuộc Pháp khi Pháp đô hộ Việt Nam. Năm 1956, Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc chiếm phần phía đông quần đảo và chiếm phần còn lại bằng vũ lực tháng 1/1974 từ tay chính quyền Sài Gòn. Năm 1988, lần đầu tiên Trung Quốc có mặt tại quần đảo Trường Sa bằng việc đánh chiếm  6 bãi đá vào 3/1988 của Việt Nam. Năm 1995, Trung Quốc lại chiếm dải đá ngầm Vành khăn (Mischief Reff) từ tay Philipin và năm 2012 chiếm bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham cũng do Philipin kiểm soát. Tháng 5/2009, Trung Quốc tuyên bố đường yêu sách 09 đoạn (đường lưỡi bò) chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Trung Quốc quyết hiện thực hóa “đường lưỡi bò” để chiếm trọn Biển Đông. Năm 2012, Trung Quốc đã thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Trung Sa. Đồng thời, Trung Quốc thường xuyên cản trở hoạt động thăm dò địa chấn của Việt Nam, đặc biệt là vụ việc 3 tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của Tàu Bình Minh 2 (26/5/2011) và tàu Viking 2 (9/6/2011) với mục đích “biến các vùng không tranh chấp thành các vùng tranh chấp” và “giải pháp khai thác chung” trên các vùng không có tranh chấp. Nghiêm trọng hơn, năm 2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD - 981 vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, từ năm 2014, Trung Quốc đã triển khai quân sự hóa 7 các thực thể đã chiếm trái phép và thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự tại Biển Đông. Do “đường lưỡi bò” bị phê phán là thiếu cơ sở pháp lý và nhất là bị phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ trong vụ kiện của Philipin năm 2016 nên  tháng 8/2017, Trung Quốc lại đưa ra khái niệm mới “Tứ Sa”. Tứ Sa: Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) Trung Sa (Macclesfield, Hoàng Nham/Scarborough) và Đông Sa (quần đảo Pratas) với hai thành tố thể hiện yêu sách chủ quyền với các nhóm đảo và chủ quyền đối với vùng biển. Tiếp đó, tháng 4/2020, Trung Quốc quyết định lập hai quận Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Á và đặt tên cho 25 đá và 55 thực thể tại Biển Đông. Các thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý. Ngày 21/1/2021, Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh mới cho phép sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài.

Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp biển đảo với các nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt là với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Hiên chương LHQ và luật quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982. Tìm giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ là việc làm đầy khó khăn, không đơn giản vì bản chất vấn đề vốn là vấn đề phức tạp, vấn đề thiêng liêng của mọi dân tộc, có nhiều bên liên quan. Đặc biệt khó khăn do phải giải quyết với Trung Quốc, nước lớn có sức mạnh tổng hợp quốc gia to lớn, và có tham vọng chiếm trọn Biển Đông, bất chấp lợi ích của các nước khác. Mặt khác, bối cảnh quốc tế rất phức tạp do cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực.

2. Nhận diện thách thức về chính trị-an ninh trên Biển Đông

2.1  Mục tiêu của Trung Quốc trong chính sách đối vơi Việt Nam

Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam nằm trong tổng thể chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là duy trì môi trường xung quanh ổn định, phục vụ an ninh phát triển, bảo vệ lợi ích toàn cầu tăng cường ảnh hưởng, vị thế tiến tới trở thành  siêu cường thế giới.

Về chính trị- chiến lược: Muốn Việt Nam nằm trong phạm vi ảnh hưởng, vùng đệm về an ninh ở Nam Trung Quốc, tốt nhất là phụ thuộc vào Trung Quốc, ít nhất không chống lại Trung Quốc. Trung Quốc không muốn Việt Nam mạnh, độc lập với Trung Quốc, lo ngại Việt Nam ngả theo Mỹ tạo tập hợp lực lượng không có lợi cho Trung Quốc, lo ngại Việt Nam gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, nhất ở Lào, Cămpuchia.

Thúc đẩy Việt Nam liên kết chính trị trong quan hệ với Trung Quốc, phân hóa, hạn chế quan hệ Việt Nam  với Mỹ, Nhật, Phương Tây và cả Nga...

Trung Quốc muốn Việt Nam kiên trì CNXH và ủng hộ về chính trị đối với Trung Quốc. Trong quan hệ với Việt Nam đều có giới hạn tối đa, tới thiểu. Không quay trở lại thời kỳ "vừa là đồng chí vừa là anh em", và xấu nhất là gây sức ép toàn diện Việt Nam song không để xẩy ra xung đột như năm 1979. Không làm đến mức để Việt Nam đi với Mỹ, đe dọa Trung Quốc. Muốn Việt Nam hợp tác trong một số vấn đề an ninh nội bộ .

Về kinh tế:

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở Việt Nam nhằm: i) Tiêu thụ hàng hóa dư thừa; ii) Thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương biên giới Nam và Tây Nam Trung Quốc; iii)Thông qua Việt Nam để mở rộng ảnh hưởng, hợp tác với Đông Nam Á; iv) Tranh thủ ủng hộ của Việt Nam đối với các sáng kiến, chiến lược khu vực, thế giới.

Trung Quốc sẽ thúc đẩy các lĩnh vực có lợi cho Trung Quốc, đáp ứng những quan tâm nhất định của Việt Nam, nhưng nhấn mạnh quy luật thị trường trong hợp tác.

 Về Biển Đông:

Biển Đông là lợi ích cốt lõi vừa là một trong các tâm điểm cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung. Mục tiêu xuyên suốt của Trung Quốc là trở thành cường quốc biển, nước lớn đứng đầu khu vực, rồi đứng đầu thế giới. Để đạt mục tiêu này, chính sách của Trung Quốc là độc chiếm chiếm Biển Đông, thông qua hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, “Tứ Sa” là chính sách nhất quán, xuyên suốt. Biển Đông cũng là địa bàn chiến lược để Trung Quốc  cạnh tranh, thể hiện vai trò nước lớn, đặc biệt là với Mỹ.

Trung Quốc sẽ tiếp tục ép Việt Nam chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” tại vùng biển trong "đường lưỡi bò", “Tứ Sa” ngăn Việt Nam đơn phương khai thác dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế nhưng Trung Quốc cho là có tranh chấp như  bãi Tư Chính... Tuy nhiên, cách làm sẽ khéo léo tinh vi hơn, tránh hành động quá khích.

Ngăn Việt Nam tiếp tục quốc tế hóa Biển Đông, ngăn cản Việt Nam làm nóng vấn đề, ngăn  không để Việt Nam trở thành nhân tố cản trở Trung Quốc triển khai chiến lược biển.

Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam: 

Thực hiện các mục tiêu trên, Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách hai mặt đối với Việt Nam, sử dụng phương thức "cây gậy và củ rà rốt", vừa tranh thủ vừa gây sức ép, trong lôi kéo có gây sức ép, trong đe dọa có xoa dịu để phục vụ tối đa lợi ích của mình. Tuy nhiên, sẽ có điều chỉnh linh hoạt, thực dụng phù hợp với thực lực của mỗi bên và tình hình khu vực và quốc tế, xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm. Các biện pháp của Trung Quốc có giới hạn không đến mức gây đổ vỡ quan hệ hay đẩy Việt Nam đi hẳn với Mỹ, song với tiềm lực ngày càng lớn mạnh, có nhiều dư địa, công cụ chính sách ngày càng đa dạng, phức tạp hơn.

2.2. Thách thức đối với Việt Nam

Tranh chấp lãnh thổ giữa các nước và vùng lãnh thổ trên Biển Đông tạo ra nhiều thách thức. Thách thức đối với Việt Nam chủ yếu  từ phía Trung Quốc và rất nghiêm trọng về mọi phương diện: chính trị, chiến lược, kinh tế, an ninh, văn hóa tư tưởng, đối ngoại, đặc biệt là thách thức về chính trị và an ninh Biển Đông. Trung Quốc kiên quyết thực hiện cho được “đường lưỡi bò”, “Tứ Sa” chiếm 80% Biển Đông. 

Theo suy nghĩ chủ quan của tôi trong 5-10 năm tới, Biển Đông sẽ có những thách thức sau:

Một là, Trung Quốc sẽ tiếp tục các biện pháp hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, “Tứ Sa” như lập thành phố Tam Sa, lập hai quận Tây Sa, Nam Sa và đặt tên 25 và 55 thực thể tại Biển Đông và tiến hành các biện pháp chiến tranh pháp lý về chủ quyền Biển Đông...

Hai là, họ  sẽ gia tăng ngăn cản Việt Nam đơn phương, thăm dò và khai thác dầu khí  tại  khu  vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, nhưng Trung Quốc cho là có tranh chấp như Bãi Tư Chính...

Ba là, đẩy mạnh việc thăm dò khai thác dầu khí tại các khu vực thuộc thềm lực địa đặc khu kinh tế của Việt Nam, biến các khu vực không có tranh chấp thành những khu vực có tranh chấp; tiếp tục ép Việt Nam chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” tại vùng biển trong phạm vị đường lưỡi bò, Tứ Sa.

Bốn là, Trung Quốc tiếp tục đe dọa ngăn cản các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong thăm dò khai tác dầu khí ở những khu vực thuộc thềm lục địa, đặc khu kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc cho là vùng tranh chấp như đã làm trong các vụ Repsol của Tây Ban Nha năm 2017 và gần đây Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga (10/2020). 

Năm là, tiếp tục đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông và xua đuổi, bắt, bắn ngư dân, đâm hỏng tầu thuyền của ngư dân Việt Nam trên vùng biển nước ta...

Sáu là, tiếp tục quân sự hóa đá đã chiếm và sẽ chiếm.

Bẩy là, đẩy mạnh diễn tập quân sự tại Biển Đông.

Tám là, đẩy mạnh chiến tranh tuyên truyền và chiến tranh tâm lý về chủ quyền Biển Đông.

Chín là, chia rẽ các nước ASEAN, đặc biệt là dùng con bài Campuchia trong việc phá hoại sự nhất trí của ASEAN trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, tiếp trì hoãn việc kết thúc đàm phán COC có tính chất ràng buộc.                                                                                                                                                          

Mười là, gây chiến tranh để chiếm đảo. Có thể có hai kịch bản:

Kịch bản 1: Gây xung đột lớn để chiếm đảo. Tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông là không thay đổi. Để trở thành cường quốc số 1 thế giới, Trung Quốc phải mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài.  Trung Quốc không thể mở rộng lên phía bắc vì bị “gấu Nga” chặn đường. Trung Quốc cũng không thể mở rộng sang phía đông vì vướng Nhật Bản. Mở sang phía tây cũng không thể vì có Ấn Độ. Hướng duy nhất mà Trung Quốc có thể ra với thế giới là Đông Nam Á gồm các nước nhỏ. Đồng thời, đây là hướng ra biển. Sự “thèm khát” độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là năng lượng, thủy sản, mà ở đó còn là chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc . Sở hữu sự răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy là một ưu tiên trong chiến lược quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để kiểm soát Biển Đông như Liên Xô trước đây đã từng làm ở biển Okhotsk trong thời Chiến tranh Lạnh. Độc chiếm Biển Đông nằm trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, tranh giành ngôi vị lãnh đạo thế giới với Mỹ trước hết ở Thái Bình Dương sau đó mới là toàn thế giới. Song ít có khả năng Trung Quốc phát động chiến tranh lớn chiếm đảo vì khả năng tác chiến trên biển nhất là biển xa, đảo xa bờ của quân đội Trung Quốc có hạn. Ngoài ra, nếu đánh lớn, Trung Quốc lo Mỹ sẽ can thiệp vì Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc cũng lo ngại phản ứng của dư luận quốc tế.  Kịch bản này không loại trừ song khó xẩy ra.

Kịch bản 2: xung đột nhỏ chớp nhoáng chiếm đảo

Cách thức Trung Quốc chiếm biển đảo sẽ là tạo cớ để xâm lấn, xâm chiếm các bãi cạn, đá chìm, đảo chìm, thăm dò tài nguyên... Khi Việt Nam ngăn cản họ sẽ tạo cớ gây chiến với phương thức chủ yếu là bất ngờ, bí mật, đặt chúng ta vào việc đã rồi để mặc cả và gây sức ép.

Kịch bản 3:  Đàm phán tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được kết quả và không để xẩy ra xung đột vũ trang? Khả năng này khó xẩy ra vì tham vọng của Trung Quốc là rất lớn và không thay đổi. Biển Đông là lợi ích cốt lỗi của Trung Quốc. 

3. Quan điểm và giải pháp ứng phó với các thách thức

3.1. Quan điểm:

Các quan điểm chỉ đạo xử lý tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đã được Đảng ta xác định.

1) Thực hiện nghiêm túc 3 nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước: i) Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; ii) Phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; iii) Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước. Đây là các nguyên tắc đã được xác định tại Văn kiện Đại hội XI,XII, và XIII của Đảng.

2) “...Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”.

3) “Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng luật pháp quốc tế,” nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

4) Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

5) Có kế hoạch ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi.

6) Cần xác định giải quyết vấn đề Biển Đông là công việc khó khăn, phức tạp, nhậy cảm, lâu dài, của toàn bộ hệ thống chính trị. Cần đặt vấn đề Biển Đông trong tổng thể lợi ích quốc gia - dân tộc, đối nội đối ngoại và quan hệ giữa nước ta và Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, từ đánh giá đến chinh sách dứt khoát phải được thống nhất trong lãnh đạo cấp cao. Nếu không quan triệt quan điểm này thì việc ứng phó với các thách thức ở Biển Đông sẽ rất khó và không hiệu quả.

Trong đánh giá về quan hệ Việt - Trung phải nhận thức rõ: i) Quan hệ đối tác chiến lược Việt -Trung là tất yếu. Người ta có thể thay đổi bạn thù, song không ai thay đổi được láng giếng. Đó là tất yếu lịch sử. Ai đó nói “thoát Trung” là không thể được. Chúng ta phải đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung theo phương châm 16 chữ: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” như đã thỏa thuận. ii) Đồng thời, phải thấy bản chất của quan hệ Việt Trung là quan hệ giữa nước lớn, nước nhỏ; quan hệ giữa hai nước láng giềng có chung biên giới, liên quan vô cùng chặt chẽ với an ninh và phát triển của Việt Nam.

Do vậy, muốn ứng xử tốt với Trung Quốc, chúng ta phải mạnh; không được sợ Trung Quốc, song Trung Quốc là nước lớn phải ứng xử khôn khéo với Trung Quốc như cha ông ta đã làm.

3.2. Các giải pháp chính sách

1) Tiếp tục thúc đẩy các biện pháp đưa “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung đi vào chiều sâu và thực chất”. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề trọng tâm trong quan hệ Việt - Trung. Muốn giải quyết tranh chấp phải đẩy mạnh quan hệ. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng có chung biên giới đất liền và biển. Trong quan hệ đối ngoại, quan hệ với láng giềng là mối quan hệ tất yếu, và quan trọng nhất. Chúng ta có thể thay đổi bạn thù, song không ai thay đổi được láng giềng. Thúc đẩy hợp tác sẽ thúc giải quyết tranh chấp và bất đồng giữa hai nước.

Ở đây phải thấy bản chất quan hệ Việt - Trung là quan hệ giữa hai nước láng giềng gần và giữa nước lớn và nước nhỏ, quan hệ phi đối xứng. Yếu tố XHCN không hẳn là nhân tố chi phối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Quan hệ với Trung Quốc là tất yếu lịch sử; Không chống Trung Quốc; Không thoát Trung; Không sợ Trung Quốc, song cái chính là Việt Nam phải mạnh, phải ứng xử khôn khéo, linh hoạt.

 2) Kiểm soát tốt bất đồng, giữ ổn định tình hình trên biển; kiên trì thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, nhất là Đàm phán cấp chính phủ về biên giới, lãnh thổ thổ, các nhóm công tác trên biển; cố gắng đạt được tiến bộ nhất định về phân giới và hợp tác nhưng khu vực thực sự có tranh cấp phù hợp luật pháp quốc tế; phối hợp xủ lý thỏa đáng vấn đề tầu cá, ngư dân.                                                                                                                   

3) Kiên quyết đẩy mạnh đàm phán và kết thức sớm đàm phán COC. Phấn đấu sau COC là một văn bản ràng buộc về pháp lý, một điều ước quốc tế; phải có một có chế giám sát thực thi hiệu quả, hiệu lực. Tại các cuộc đàm phán về COC, chúng ta kiên trì bảo vệ quan điểm: cần áp dụng trên toàn bộ vùng chồng lấn và thực thể tranh chấp ở Biển Đông; Lập ủy ban giám sát thực thi gồm bộ trưởng ngoại giao các nước; Khẳng định tranh chấp có thể được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao và phát lý; Liệt kê 27 điều mà các quốc gia được phép và không được phép thưc hiện ở Biển Đông như xây đảo nhân tạo, lập ADIZ…; Các vùng biển phải được xác định phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982; COC phải là văn bản ràng buộc pháp lý, phải được phê chuẩn, nộp lưu chiểu tại LHQ và không được bảo lưu… Tuy nhiên, lực cản chính là Trung Quốc. Họ trì hoãn kết thúc đàm phán và còn nội dung thì không có tính ràng buộc. Trung Quốc kiên quyết phản đối các nước trong khu vực tập trận chung và hợp tác dầu khí với các nước ngoài khu vực . 

4) Không bao giờ được quên khẳng định Việt Nam có đủ căn cứ pháp và lý lịch sử đối với chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phải công khai phản đối bất kỳ vi phạm nào đối với chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

 5) Phải kiên quyết, kiên trì các biện pháp, chống lại các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán biển đảo của Trung Quốc tại khu đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý như vụ HD 981 (2015), HD-8 tại bãi Tư Chính (2019) Bãi Ba Đầu. Các biện pháp kiên quyết song phải khéo léo, tế nhị, thông minh, không kích động Trung Quốc, không tạo cớ để Trung Quốc sử dụng vũ lực, khởi động xung đột. 

6) Xây dựng chương trình phối hợp hoạt động với các nước ASEAN, nhất là Inđônexia, Malaxia, Philipin  trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.  

7) Phát huy lợi thế địa chiến lược của nước ta, tạo đan xen lợi ích chặt chẽ hơn với các nước có vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực như Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nga… Nên nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược vì Mỹ là siêu cuờng, là nhân tố vô cùng quan trọng hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo.

8)  Kiên trì thuyết phục Trung Quốc ký kết hiệp ước không đe dọa sử dụng vũ lực và không sử dụng vũ lực trước ở Biển Đông. 

8) Có những biện pháp tổng hợp chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh, tuyên truyền… bảo vê vững chắc 21 đảo, 33 vị trí đóng quân và 15 nhà giàn và môi trường hòa bình ổn định để xây dung và bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì giữ nguyên trạng hiện nay ở Biển Đông.

Không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Đặc biệt, cần đầu tư ngay xây dựng lực lượng hải quân, không quân hiện đại có sức răn đe, đủ sức bảo vệ biển đảo.

Triển khai tổng thể mạnh mẽ chiến lược biển, bổ sung phương hướng, biện pháp mới, đồng bộ để nâng cao tổng thể năng lực biển.

Xây dựng thêm nhà giàn ở khu vực cần thiết; Xây dựng lực lượng dân quân biển và trang bị vũ khí cần thiết để bảo vệ biển đảo.

Phân công các địa phương đỡ đầu về tinh thần và vật chất cho 21 đảo….

9) Một trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế là đưa vụ kiện ra Tòa án quốc tế (Tòa án Trọng tài thường trực hoặc Tòa án Công Lý). Chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để kiện Trung Quốc. Song Trung Quốc là nước lớn có nhiều tham vong, nhiều dư địa… Trước mắt, chúng ta chưa nên kiện Trung Quốc ra tòa, phong phải chuẩn bị thật kỹ nhất khâu hồ sơ và nhân sự để khi điều kiện chí muồi có thể kiện Trung Quốc.

10) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về biển đảo cho nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế;  kiên quyết đấu tranh với với những hành động sai trái của Trung Quốc. Không nên quá e dè trong việc phê phán sai trái của Trung Quốc.

11) Một số biện pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông:

Lòng tin được hiểu là sự thực tâm và chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, bình đẳng giữa các thành viên và đối tác không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ. Lòng tin là nhận thức, còn quan hệ tin cậy là trong hành động. Tục ngữ Việt Nam có câu "Mất lòng tin là mất tất cả", Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “sự thành thật và lòng tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại”. Trong tranh chấp ở Biển Đông, lòng tin giữa các quốc gia suy giảm bởi những hành động đơn phương diễn ra thường xuyên, dưới nhiều hình thức như ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương, xâm phạm ngư trường trái phép, bắt giữ và đối xử đối với ngư dân không theo chuẩn mực của luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia v.v.. Lòng tin là nhân tố có thể ngăn ngừa nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được vun đắp thường xuyên bằng những việc làm cụ thể, theo đúng chuẩn mực và chân thành.

(1) Giữ nguyên trạng, không tiến hành các hoạt động gây phức tạp tại khu vực tranh chấp/bị coi là tranh chấp, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa.

(2) Có trách nhiệm đối với các cam kết quốc tế đã ký kết. Các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều tham gia vào các cam kết quốc tế đối với vấn đề tranh chấp song phương/ đa phương, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, DOC … 

(3) Cần công khai các hoạt động ở khu vực tranh chấp hoặc bị coi là tranh chấp và hạn chế các hoạt động có thể dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm, xói mòn lòng tin giữa các bên.

(4) Thẳng thắn trao đổi, thiện chí tìm kiếm các giải pháp xử lý “bất đồng”, nghi kỵ giữa các bên.

(5) Hợp tác tuần tra chung giữa các lực lượng hải quân, cảnh sát biển của các nước trong khu vực. 

(6) Thành lập các trung tâm chia sẻ thông tin song phương và đa phương để cùng nhau phối hợp xử lý có hiệu quả các vấn đề phát sinh trên biển, các lĩnh vực đảm bảo an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ và cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền là yêu cầu cấp thiết.

(7) Thành lập trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải của khu vực là biện pháp đảm bảo an ninh, tự do hàng hải, từ đó các quốc gia liên quan cùng nhau phối hợp hành động.

(8) Thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột trên biển: Tiềm tàng xung đột lớn, trong khi giữa ASEAN và Trung Quốc hiện chưa có cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột thực sự có hiệu quả ngoài DOC.

(9) Các nước cần đối xử nhân đạo với ngư dân xâm phạm bất hợp pháp vùng biển của nhau. Cần đối xử nhân đạo theo luật pháp quốc tế. Đây cũng là biện pháp góp phần làm giảm căng thẳng ở khu vực.

(10) Đẩy mạnh hợp tác khai thác chung ở vùng biển có sự chồng lấn thực sự trên cơ sở quy định của UNCLOS. Hợp tác khai thác chung không phải như đề xuất của Trung Quốc là “gác tranh chấp cùng khai thác”. Theo Trung Quốc gác tranh chấp cùng khai thác là: Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc; Khi điều kiện chưa chín muồi để có giải pháp quán triệt (Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc) và địa điểm khai thác chung: tất  cả những vùng biển bị ranh giới đường 9 đoạn của Trung Quốc đe doạ.

 

1. Biển Đông: Địa chiến lược và tiềm năng kinh tế: http://nghiencuubiendong.vn/tong-quan-ve-bien-dong/504-bien-ong-ia-chien-lc-va-tiem-nng.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020  (tháng 5/2005).

3. Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam: Việt Nam. Biển Đông, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr7. 

4. Quỹ Hòa bình và phát Triển…tr. 9.

5. Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam đến 2020 (tháng 11/2004).

6. Hà Nguyễn: Giới thiệu về biển đảo Việt Nam, Nxb. Thông tin và Tuyền thông, Hà Nội-2013, tr.25-26.

7. Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao): Xu hướng phát triển và chính sách đối ngoại của Trung Quốc 5 năm tới: Tác động đối với Việt Nam và đối sách, ĐTNCKH cấp bộ năm 2017, tr.149-1950.

8. GS TS Vũ Dương Huân: Nhìn lại quan hệ Việt Nam-Trung Quốc từ 2014 đến nay, Tham luận HTKH, ngày 6/8/2018, tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu Trung Quốc, VHLKHXHVN tổ chức.

9. Tetsuo Kotani: Vì sao Trung Quốc "thèm khát" Biển Đông? http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1855-vi-sao-trung-quoc-them-khat-bien-dong  

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XII, Nxb CTQG, Hà Nội 20116, tr 153, 156.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XII, Nxb CTQG Hà Nội- 2016, tr. 76

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XII, tr.148.

13. Sđd, tr.149.

14. Sdd, tr. 149.

15. Trần  Hữu Duy Minh: Hiện trạng đàm phán COC đầu năm 2019: Các dự án chỉ là phỏng đoán, https://dskbd.org/2019/4/07/hien-trang-dam-phan-coc--dau-năm-2019-cac-du-doan-chi-la-phan-doan/.

16. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2006, tập 3, tr.266.

17. TS.Nguyễn Thanh Minh: Vài suy nghĩ về giải pháp giải tỏa căng thẳng trên Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/y-kien-va-binh-luan/6604-vai-suy-nghi-ve-giai-phap-giai-toa-cang-thang-tren-bien-dong.

18. Dương Danh Huy: Tuần Việtnam.net.: 21/01/2010.

GS.TS Vũ Dương Huân

1. Đặt vấn đề Biển Đông còn gọi là Biển Nam Trung Hoa. Việc đặt tên biển thường dựa vào địa danh của lục địa lớn gần nhất hoặc lấy tên của nhà khoa học phát hiện ra biển. Biển Đông nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa nên có tên gọi là biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, địa danh biển không có ý nghĩa về mặt chủ quyền. Từ xa xưa, người Việt quen gọi là Biển Đông. Biển Đông trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông, là biển nửa kín. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi các nước như Trung Quốc, Philippin, Indônesia, Brunây, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, và ảnh hưởng đến cuộc sống của 300 triệu người dân. Biển Đông c&oacut

Tin khác cùng chủ đề

Công tác xây dựng đảng thời kỳ đổi mới (1986-2021) - Thành tựu và bài học kinh nghiệm
Nhiệm vụ cấp bách cần được thực hiện với quyết tâm cao
Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Công tác tuyên giáo với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
          Chuyên gia xây dựng Đảng: 3 điểm mới căn bản nghiêm cấm đảng viên không được làm
Đẩy mạnh thực hành dân chủ, tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước

Gửi bình luận của bạn