Thông qua nghiên cứu thực tế thực hiện dân chủ ở cơ sở, bài viết phân tích một số giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bao gồm yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện thực chất mô hình chính sách từ dưới lên, bảo đảm công dân có quyền được tham gia vào quản lý nhà nước; đồng thời nghiên cứu tính hợp lý của các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp; yêu cầu mở rộng dân chủ trực tiếp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Một số giải pháp bảo đảm thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
Một số giải pháp bảo đảm thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Nhân dân thực hiện quyền giám sát xây dựng công trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: baoquangtri.vn

1. Cụ thể hóa phương châm thành các quy định pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, hệ thống

Ngày 18-02-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa chủ trương này, bao gồm Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nghị định số 71/1998/NĐ-CP về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc... Sau một thời gian áp dụng, quy định trong các văn bản này đã bộc lộ những hạn chế nhất định, vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản mới thay thế. Hiện nay, các nội dung chủ yếu về thực hiện dân chủ ở cơ sở được điều chỉnh tại ba văn bản sau đây:

- Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh 34);

- Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09-01-2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 04);

- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (Nghị định 145).

Ngoài ra, vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở còn được quy định trong một số đạo luật như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)... Nội dung chính của các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều là bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Như vậy, các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở ở nước ta hiện nay thể hiện rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Mô hình này có một số hạn chế như: (i) gây khó khăn cho việc tìm kiếm các quy định có liên quan; (ii) có thể tạo ra mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật. Thực tế cho thấy, hai hạn chế đó đều đã phát sinh trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua.

Đối với hạn chế thứ nhất, hiện nay chúng ta có ba văn bản cơ bản quy định cho việc thực hiện dân chủ ở ba loại “cơ sở” khác nhau, đó là Pháp lệnh 34, Nghị định 04 và Nghị định 145. Điều này tạo ra sự phức tạp cho hệ thống pháp luật, đồng thời gây khó khăn cho người dân trong việc tra cứu, tìm hiểu các quyền và nghĩa vụ liên quan đến dân chủ ở cơ sở. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở có trường hợp liên quan đến hoạt động của ban thanh tra nhân dân, nhưng cả ba văn bản trên đều không có quy định về cơ quan này, thay vào đó nội dung này được quy định tại Luật Thanh tra. Vậy là, người dân cần tiếp tục viện dẫn đến một đạo luật khác mới nắm được toàn diện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chưa kể quy định của Luật Thanh tra đối với ban thanh tra nhân dân cũng chưa thực sự phù hợp, bởi Luật này chủ yếu điều chỉnh hoạt động của thanh tra nhà nước, một thiết chế có bản chất khác thanh tra nhân dân, do đó việc gộp chung hai thiết chế này vào một đạo luật là khiên cưỡng.

Đối với hạn chế thứ hai, một số mâu thuẫn phát sinh giữa các quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, thí dụ Pháp lệnh 34 chỉ quy định chính quyền cấp xã phải công khai, thông tin cho người dân biết 11 nội dung, trong đó 4 nội dung công khai bằng hình thức niêm yết, 7 nội dung công khai trên hệ thống truyền thanh của địa phương và thông qua trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến nhân dân; trong khi đó, theo quy định tại Điều 5 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 thì công dân được quyền tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ những thông tin không được tiếp cận và được tiếp cận có điều kiện theo quy định. Như vậy, quy định của Pháp lệnh 34 về các nội dung phải công khai hẹp hơn quy định của Luật Tiếp cận thông tin, hệ quả là không bảo đảm đầy đủ yêu cầu “dân biết” khi thực hiện dân chủ ở cơ sở. Từ đó có thể dẫn đến suy luận rằng, chính quyền tránh thông tin những nội dung cần thiết, chỉ công khai những nội dung người dân không cần thông tin.

Bên cạnh đó, đã phát sinh trường hợp quy định chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chẳng hạn, đối với nội dung dân bàn, biểu quyết liên quan đến hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố được quy định tại Điều 13, Pháp lệnh 34, cũng đồng thời được quy định trong Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Một thí dụ khác là các nội dung về quyền bầu cử, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chính quyền địa phương hay các quy định về quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, hoạt động tiếp công dân, hoạt động tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân... đã được quy định tại các luật như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Trưng cầu ý dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật... nhưng đồng thời cũng được quy định trong Pháp lệnh 34.

Pháp lệnh 34 lẽ ra chỉ nên quy định về “thực hiện dân chủ” tức là các cách thức, phương pháp và biện pháp bảo đảm để người dân thực hiện quyền dân chủ tại cơ sở, mà không nên quy định nội dung các quyền dân chủ cụ thể.

Ngoài ra, bản thân các quy định pháp luật hiện hành chưa thể hiện được hết phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Hai nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng” mới được bổ sung từ Đại hội XIII, trong khi các văn bản pháp luật nói trên được ban hành trước đó nên cơ bản chưa đề cập đến hai nội dung mới này, đặc biệt là vấn đề “dân thụ hưởng”. Điều này có thể thấy ở quy định của Điều 1, Pháp lệnh 34: “Pháp lệnh này quy định những nội dung phải công khai để nhân dân biết; những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), của cán bộ thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khối phố (sau đây gọi chung là tổ dân phố), của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cấp xã”.

Yêu cầu về một văn bản pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở do Quốc hội ban hành còn xuất phát từ quy định của Hiến pháp năm 2013. Điều 6 của Hiến pháp quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”; Điều 28 quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” và “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Đồng thời, Điều 14 khẳng định nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Trong khi đó, hiện nay, các quy định của pháp luật điều chỉnh chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được quy định bởi các văn bản dưới luật (pháp lệnh và nghị định) là chưa thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân.

Những hạn chế nói trên là một trong những yêu cầu cơ bản đặt ra đòi hỏi phải được giải quyết trong thời gian tới. Muốn vậy, cần thực hiện công tác pháp điển hóa, bằng cách ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thay thế cho các văn bản dưới luật do Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành.

2. Xây dựng cơ chế bảo đảm “dân bàn” một cách thực chất

Bảo đảm “dân bàn” thực chất tức là để người dân được tham gia ý kiến và trong một số trường hợp có quyền quyết định đối với việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách công, nói cách khác là phải thực hiện việc ban hành và tổ chức thực thi chính sách theo mô hình từ dưới lên (bottom-up); ngược lại, nếu người dân không được “bàn” mà chỉ chấp hành các chính sách do cơ quan nhà nước ban hành thì đó là mô hình chính sách từ trên xuống (top-down). Mô hình từ trên xuống có hạn chế là dễ tạo ra tham nhũng, lợi ích nhóm, người dân thờ ơ với các chính sách; thậm chí có thể dẫn đến phản đối tập thể mà đỉnh điểm là tạo ra xung đột hoặc điểm nóng xã hội nếu chính sách không bảo đảm lợi ích hợp pháp và hài hòa của người dân.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, “dân bàn” được thể hiện dưới ba hình thức: (i) nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, (ii) nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định, (iii) nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ba hình thức này cho thấy, yêu cầu về bảo đảm cho “dân bàn” đã thể hiện được tinh thần của mô hình chính sách từ dưới lên.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện “dân bàn” thời gian qua cho thấy hoạt động này ở một số địa phương chưa được tổ chức thực chất. Nhiều trường hợp dân bàn nhưng theo sự áp đặt của chính quyền địa phương, đồng thời chính quyền địa phương không thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân. Nhân dân chủ yếu bàn và quyết định các nội dung do ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đề xuất, chưa phát huy được vai trò của người dân và các chủ thể khác trong việc đề xuất những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Nội dung tham gia của nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế; cơ chế đối thoại giữa chính quyền và người dân chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khởi kiện các quyết định hành chính, đặc biệt là về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng...

Ngoài ra, do trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, một bộ phận người dân chưa quan tâm đến những vấn đề của địa phương, ít tham dự các buổi họp ở thôn, tổ dân phố nên chưa nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách hoặc không tham gia đóng góp ý kiến nên chính quyền không thể tập hợp đầy đủ mong muốn chính đáng và ý kiến xác đáng của mọi người dân(1).

Để khắc phục hạn chế, cần xây dựng cơ chế để “dân bàn” một cách thực chất. Đó là:

- Đối với các dự án liên quan đến cộng đồng như chặt cây xanh lâu năm để thay thế bằng cây mới, thu hồi ngư trường xây khu nghỉ dưỡng ven biển... chính quyền sở tại bắt buộc phải thực hiện “dân bàn” dưới hình thức điều tra xã hội học và phải bảo đảm nguồn kinh phí để chi trả cho người dân tham gia điều tra. Như vậy, người dân sẽ tích cực tham gia hoạt động “dân bàn” và thông tin thu được có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, vấn đề này cần quy định cụ thể, chỉ rõ những việc nào cần đưa ra “dân bàn” để tránh cản trở hoạt động chung của bộ máy nhà nước và cũng tránh việc lợi dụng thực hiện dân chủ ở cơ sở để chống phá Nhà nước, kích động bạo loạn.

- Đối với các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội, quản lý nhà nước nhưng không thuộc các dự án có kinh phí thì chính quyền phải thực sự cầu thị tiếp thu ý kiến của người dân, cần có quy định chế tài đối với chính quyền cơ sở không thực hiện nghiêm túc quy định “dân bàn”, thực hiện qua loa, hình thức, đối phó. Đồng thời, cần có quy định rõ thẩm quyền, chức năng của cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nếu thực hiện không đúng, có sai phạm hoặc để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật, trước nhân dân về những sai phạm của mình.

3. Làm rõ tính hợp lý của việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

Hiện nay, thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Tuy nhiên, cần thấy rằng quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động có bản chất pháp lý khác hoàn toàn so với quan hệ giữa Nhà nước và công dân, một bên là quan hệ lao động và một bên là quan hệ chính trị - pháp lý.

Trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân, tất cả quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, nhân dân trao quyền cho Nhà nước, do vậy, trong hoạt động của mình, cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước chỉ được sử dụng quyền lực công để phục vụ lợi ích chung của nhân dân, Nhà nước và xã hội. Hơn nữa, hoạt động của cơ quan công quyền dựa trên nguồn kinh phí chủ yếu từ thuế của người dân, vậy nên nhân dân là chủ, Nhà nước có trách nhiệm phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, việc ban hành pháp luật phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân từ cơ sở.

Trong khi đó, quan hệ lao động là thỏa thuận dân sự, không có bản chất chính trị - pháp lý như trên. Người lao động là người được thuê làm công ăn lương, người sử dụng lao động trả lương cho người lao động. Quan hệ lao động đã được điều chỉnh bởi pháp luật lao động, với văn bản pháp lý trung tâm là Bộ luật Lao động, theo đó người sử dụng lao động phải bảo đảm các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, xây dựng thỏa ước lao động tập thể...

Ngoài những yêu cầu trên, người sử dụng lao động không cần thiết phải công khai những thông tin của doanh nghiệp, nhất là thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh. Nếu có tranh chấp phát sinh trong quá trình lao động thì có thể được giải quyết thông qua các thiết chế như đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, hòa giải, trọng tài...

Vì vậy, quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp có thể tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, thậm chí dẫn đến lợi dụng dân chủ ở cơ sở để tạo sức ép cho doanh nghiệp, tăng chi phí quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Chính vì lý do trên nên thời gian qua, mặc dù việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” không đạt hiệu quả cao, nhưng không ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo kết quả thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Nội vụ chỉ rõ: “Số lượng doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở còn thấp; đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố tập trung số lượng lớn doanh nghiệp, thị trường lao động phát triển”, “Nội dung người lao động được biết, được tham gia, được quyết định, được kiểm tra, giám sát chủ yếu vẫn là các nội dung đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Lao động như thang lương, bảng lương, nội quy lao động, quy chế trả lương, quy chế nâng bậc, nâng lương, thỏa ước lao động tập thể; các vấn đề của doanh nghiệp như tình hình sản xuất kinh doanh, giải quyết khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp còn hạn chế”, “Phần lớn các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chưa tốt những nội dung công khai cho người lao động biết, đặc biệt những nội dung liên quan đến nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm cũng như các chỉ tiêu về tài chính liên quan của doanh nghiệp”(2).

Thực tế trên cho thấy, cần xem xét lại tính hợp lý của việc coi doanh nghiệp cũng là một loại hình “cơ sở” và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nếu ban hành luật nhưng luật không có tính khả thi, do đó không tổ chức thực hiện được sẽ dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật, đó là điều nên tránh của hoạt động lập pháp.

4. Mở rộng dân chủ trực tiếp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Dân chủ, hiểu một cách đơn giản nhất, là quyền lực thuộc về nhân dân. Nhà nước dân chủ là Nhà nước dựa trên nguyên tắc bình đẳng và nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, đồng thời tôn trọng quyền lợi của cá nhân và thiểu số để quản lý các công việc của đất nước. Trong chế độ dân chủ, nhân dân có chủ quyền tối cao, cao hơn cơ quan lập pháp và chính phủ. Nhân dân trao quyền của mình cho các cơ quan nhà nước thông qua hiến pháp, vì vậy, các cơ quan nhà nước không được hành xử vượt ngoài quy định của hiến pháp.

Tuy nhiên, nhân dân không trao hết quyền cho Nhà nước mà luôn giữ lại hai quyền cơ bản, đó là quyền lập hiến và quyền bãi miễn các đại biểu không còn xứng đáng. Dân chủ đòi hỏi Chính phủ phải tôn trọng pháp trị, bảo đảm cho người dân có được sự bảo hộ bình đẳng từ pháp luật và quyền lợi của người dân được bảo hộ của thể chế tư pháp.

Dân chủ có hai hình thức cơ bản là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ theo đó mọi người dân đều có quyền bỏ phiếu để trực tiếp quyết định các vấn đề của đất nước. Dân chủ trực tiếp được thực hiện dưới bốn hình thức chủ yếu, đó là trưng cầu ý dân, sáng kiến công dân, sáng kiến chương trình nghị sự và bãi miễn đại biểu dân cử(3).

Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp, theo đó công dân bỏ phiếu tán thành hoặc không tán thành đối với một sự việc quan trọng của đất nước được đề nghị đưa ra toàn dân quyết định.

Sáng kiến công dân là một hình thức dân chủ trực tiếp, theo đó công dân lập đơn và thu thập một số lượng chữ ký tối thiểu của cử tri theo luật định để buộc chính quyền thực hiện trưng cầu ý dân. Sáng kiến công dân có thể liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp, pháp luật hoặc chỉ đơn giản là một vấn đề trong cuộc sống đòi hỏi cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp phải giải quyết. Sáng kiến công dân có thể có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý hoặc chỉ có tính chất tham vấn với cơ quan lập pháp, tùy theo quy định của pháp luật.

- Sáng kiến chương trình nghị sự là một hình thức dân chủ trực tiếp, theo đó người dân đề xuất đưa một vấn đề cụ thể vào chương trình nghị sự của cơ quan nhà nước. Khi đó, một vấn đề xã hội sẽ trở thành vấn đề chính sách, buộc cơ quan nhà nước phải xem xét để ban hành pháp luật điều chỉnh vấn đề này.

- Bãi miễn đại biểu dân cử là hình thức dân chủ trực tiếp, theo đó cử tri bỏ phiếu quyết định về việc chấm dứt tư cách một đại biểu dân cử.

Thực tiễn thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở thời gian qua cho thấy, các nội dung của dân chủ trực tiếp còn hạn chế, nhiều vấn đề ở cơ sở chủ yếu được quyết định bằng hình thức dân chủ đại diện, thông qua hội đồng nhân dân hoặc thông qua các cơ chế giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Để cụ thể hóa quan điểm của Đại hội XIII và quy định của Hiến pháp năm 2013, thời gian tới cần cân nhắc mở rộng dân chủ trực tiếp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở trên cả bốn lĩnh vực: trưng cầu ý dân, sáng kiến công dân, sáng kiến chương trình nghị sự và bãi miễn đại biểu dân cử. Muốn vậy, cần giải quyết một số vấn đề sau đây:

Mở rộng phạm vi các nội dung nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp như quyết định hương ước, quy ước, luật lệ, quyết định người đại diện của cộng đồng dân cư... Quyết định của cộng đồng dân cư là quyết định có giá trị thi hành trong cộng đồng dân cư nên không cần phải xem xét, phê duyệt bởi một cơ quan, tổ chức khác, kể cả Nhà nước. Nhà nước chỉ can thiệp, bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư trong trường hợp quyết định đó trái Hiến pháp và pháp luật.

Quy định hình thức sáng kiến nhân dân, công nhận quyền của người dân trong việc đề xuất các vấn đề để cộng đồng dân cư hoặc chính quyền địa phương quyết định thay vì quyền đề xuất, sáng kiến chỉ thuộc về Nhà nước như quy định hiện hành.

Ban hành cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ trực tiếp, trong đó chú ý đến các yêu cầu như: sự cởi mở của cơ quan công quyền, bao gồm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở; bảo đảm về điều kiện vật chất và phương tiện kỹ thuật, bao gồm chế độ, chính sách và điều kiện hoạt động của các tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công khai thông tin, thảo luận, bàn bạc tại cộng đồng dân cư; công cụ đánh giá mức độ thực hiện dân chủ ở cộng đồng dân cư bao gồm các thang, bảng, chỉ số đánh giá chất lượng và hiệu quả của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, đánh giá mức độ tham gia và sự hài lòng của người dân đối với các hoạt động dân chủ tại cơ sở, đánh giá sự phản hồi của chính quyền địa phương đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; năng lực nhận thức của người dân và chính quyền trong việc thực hành dân chủ.

________________

(1) Tờ trình số 141/TTr-CP ngày 21-4-2022 về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Chính phủ trình Quốc hội.

(2) Bộ Nội vụ: Báo cáo kết quả thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, tháng 8-2020.

(3) Vũ Công Giao: “Dân chủ trực tiếp trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam”, trích trong Viện Chính sách công và Pháp luật, Viện Nhà nước và pháp luật, Kỷ yếu Hội thảo “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở trên thế giới và ở Việt Nam”, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2014, tr.66.

TS. ĐÀO NGỌC BÁU

 

Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nhân dân thực hiện quyền giám sát xây dựng công trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: baoquangtri.vn 1. Cụ thể hóa phương châm thành các quy định pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, hệ thống Ngày 18-02-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa chủ trương này, bao gồm Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nghị định số 71/1998/NĐ-CP về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63

Tin khác cùng chủ đề

Công tác xây dựng đảng thời kỳ đổi mới (1986-2021) - Thành tựu và bài học kinh nghiệm
Nhiệm vụ cấp bách cần được thực hiện với quyết tâm cao
Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Công tác tuyên giáo với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
          Chuyên gia xây dựng Đảng: 3 điểm mới căn bản nghiêm cấm đảng viên không được làm
Đẩy mạnh thực hành dân chủ, tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước

Gửi bình luận của bạn