Bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài viết khái quát về nội dung, phân tích thực trạng bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới.

Bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

1. Khái quát về bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi

Người cao tuổi (người già/người cao niên) là một trong các nhóm dễ bị tổn thương, cần được quan tâm, tôn trọng, bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Cho đến nay trên thế giới chưa có định nghĩa thống nhất chung về người cao tuổi và cũng chưa có Công ước quốc tế về quyền của người cao tuổi. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng không đưa ra định nghĩa hay giải thích về người cao tuổi, tuy nhiên nghiên cứu các quy định của pháp luật quốc tế cho thấy 65 tuổi là mốc được lấy để một người được hưởng các quyền lao động dành cho người cao tuổi. 

Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi được hiểu là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, tính đến ngày 09/02/2023, cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân, trong đó từ 60 đến dưới 70 tuổi là 9.417.924 người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là 4.189.640 người, từ 80 đến dưới 90 tuổi là 1.907.991 người2, trong đó khoảng 70% người cao tuổi ở Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp. Nhìn chung, đời sống còn nhiều khó khăn, sức khỏe suy giảm, khó tìm việc làm, thu nhập thấp. Trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội3; tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo: 3,6%, hộ cận nghèo: 11,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước)4; tỷ lệ người cao tuổi là dân tộc thiểu số chiếm gần 10%5. Gần 65% người cao tuổi sống với con cháu, 35% người cao tuổi sống độc thân và có nguyện vọng, nhu cầu tham gia các hoạt động tập thể rất lớn6.

Người cao tuổi là một nguồn lực tiềm năng của các gia đình và của xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội là mối quan tâm của cả nhân loại, là tiền đề quan trọng, cần thiết của sự ổn định, bình đẳng, phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Ở góc độ quốc tế, an sinh xã hội chính thức được Liên Hiệp quốc ghi nhận tại Điều 3 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948. Theo Luật Nhân quyền quốc tế, thuật ngữ “an sinh xã hội” được hiểu là những trợ cấp của Nhà nước cho côngdân gắn với những rủi ro liên quan đến việc mất kế sinh nhai vì những lý do ngoài tầm kiểm soát của một cá nhân7

Ở nước ta, bảo đảm an sinh xã hội là quyền hiến định được ghi nhận tại Điều 34 Hiến pháp năm 2013. Quan tâm, chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân là mục tiêu, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam phấn đấu xây dựng. Bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi là việc các chủ thể (Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân, gia đình, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị – xã hội) tùy theo vị thế của mình có trách nhiệm phân phối lại thu nhập và điều tiết dịch vụ cho người cao tuổi nhằm phụng dưỡng, chăm sóc, giúp họ thụ hưởng phúc lợi xã hội.

Các yếu tố cấu thành khái niệm “bảo đảm an sinh xã hội” bao gồm:

Về chủ thể: chủ thể có trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội trước hết và chủ yếu là Nhà nước. Ngoài chủ thể nhà nước (tạo bình đẳng về quyền và cơ hội thụ hưởng phúc lợi xã hội của người dân), các chủ thể khác như: doanh nghiệp, cá nhân, gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị – xã hội cũng có trách nhiệm trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Về nội dung: bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi bao gồm các vấn đề cốt lõi như: (1) Bảo đảm việc làm, thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo; (2) Tham gia bảo hiểm xã hội; (3) Trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội kịp thời cho người cao tuổi; (4) Bảo đảm mức sống tối thiểu về tiếp cận, thụ hưởng một số dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, thông tin, lương thực, điện, nước sạch sinh hoạt…; (5) Hệ thống chính sách, pháp luật dân chủ, phù hợp, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận; (6) Tổ chức cung cấp dịch vụ công về an sinh xã hội.

Về phương thức thực hiện: bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện thông qua các chính sách, chương trình, dự án, nhiệm vụ, các biện pháp công cộng cụ thể.

Về mục đích: Nhằm hướng tới thu hẹp khoảng cách về bất bình đẳng trong xã hội, tạo nên sự đồng thuận, công bằng, ổn định, phấn đấu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Quan tâm, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đích thực. Bởi lẽ, bảo đảm quyền này cho người cao tuổi nói riêng và cho công dân nói chung có tác động đến tất cả các khía cạnh về phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

2. Thực trạng bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay

Những năm qua, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nỗ lực hết mình chăm lo, bảo vệ. Tại khoản 3 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Người cao tuổi được nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Tiếp đó, khoản 2 Điều 59 tiếp tục nhấn mạnh: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật…”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người cao tuổi đã được ban hành và thi hành hiệu quả, nhất quán trên thực tế. Gần đây, nhấn mạnh vai trò của người cao tuổi, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình”8.

Thời gian qua, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:

Thứ nhất, về bảo đảm thu nhập và hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho người cao tuổi: tại nhiều các tỉnh, thành phố trong cả nước đã áp dụng các chính sách đặc thù trợ cấp xã hội, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hỗ trợ cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, nhiều địa phương đã huy động các nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, chăm sóc sức khỏe thường xuyên người cao tuổi.

Thứ hai, về tham gia bảo hiểm xã hội của người cao tuổi: theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế đúng quy định cho người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và 100% chi phí khám chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng9.

Thứ ba, trợ giúp xã hội kịp thời cho người cao tuổi. Nhà nước luôn quan tâm, có chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi. Hiện cả nước có 425 cơ sở trợ cấp xã hội, trong đó có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi10. Gần đây, trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/8/2023, Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh nhiệm vụ nghiên cứu, giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội cho người cao tuổi từ 75 – 80 tuổi, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi… Đảng, Nhà nước, xã hội quan tâm sức khỏe, phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi. Hiện nay, cả nước có 400 trung tâm bảo trợ xã hội tư nhân, hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội do Nhà nước lập ra và quản lý là hơn 200 trung tâm14. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện Trung ương có hàng trăm khoa lão được thành lập và có buồng riêng dành cho người cao tuổi.

Các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người cao tuổi. Sau 5 năm thực hiện chương trình phối hợp phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2020, cả nước đã tổ chức 612.571 buổi tuyên truyền về pháp luật và phòng, chống tội phạm với sự tham gia đông đảo của hội viên người cao tuổi và quần chúng nhân dân15.

Thứ tư, về hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức cung cấp dịch vụ công. Thời gian qua, hệ thống các chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung ngày càng hoàn thiện hơn nhằm tạo ra khung pháp lý vững chắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi. Điển hình, như: Hiến pháp năm 2013, Luật Người cao tuổi năm 2009, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Khám, chữa bệnh năm 2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Việc làm năm 2013, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)… Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi là một trong những mục tiêu quan trọng.

3. Một số hạn chế

Kết quả thực thi chính sách, pháp luật bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân nói chung, cho người cao tuổi nói riêng còn bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc. Điển hình, như: Luật Bảo hiểm xã hộiLuật Người cao tuổi trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, hạn chế về chính sách, về cách thức tổ chức thực hiện, việc trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi…

Hiện nay, còn khoảng 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế, bên cạnh đó mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi còn rất thấp. Về vấn đề việc làm, Nhà nước đã có chủ trương nhưng việc tổ chức thực hiện chưa được quan tâm thỏa đáng, dẫn đến nguồn lao động người cao tuổi có kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm đang bị lãng phí.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa phát huy hết trách nhiệm xã hội. Cơ sở bảo trợ xã hội chuyên chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi còn ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, khó khăn. Xu thế già hóa dân số đang và sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội nước ta thời gian tới.

4. Một số giải pháp góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân và người cao tuổi về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của an sinh xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội đến Nhân dân và người cao tuổi cần tiếp tục chú trọng hơn, hướng tới giáo dục, thay đổi hành vi của người dân, tăng hiểu biết về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các hình thức, biện pháp tuyên truyền cần được vận dụng linh hoạt, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng vùng miền và từng diện đối tượng, giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục đích triển khai các chương trình, như: Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đến năm 2030 và các chế độ chính sách, đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan đến người cao tuổi…

Chú trọng phổ biến kiến thức và kinh nghiệm phòng, chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng các chuyên mục về người cao tuổi phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như: tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế; tiết kiệm chi tiêu, tích lũy khi về già; vai trò, đóng góp của người cao tuổi với gia đình, xã hội và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với người cao tuổi… 

Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Tiếp tục quan tâm, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, tồn tại trong quá trình thực thi pháp luật. Luật Người cao tuổi sửa đổi cần hướng tới phát huy vai trò người cao tuổi và giải quyết các vấn đề già hóa dân số. Luật Việc làm sửa đổi hướng tới các quy định để người cao tuổi có thể tiếp cận việc làm, vay vốn, tiếp cận thị trường lao động. Ngoài ra, cần chú trọng tạo cơ chế để thực thi nghiêm chỉnh, hiệu quả các chế độ, chính sách an sinh xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị – xã hội, các thiết chế tự quản của nhân dân đối với việc thực hiện pháp luật, chương trình, kế hoạch an sinh xã hội, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cần nghiên cứu kỹ càng, xây dựng chính sách riêng, đặc thù, tăng cường điều chỉnh trợ cấp xã hội, đa dạng hóa hình thức trợ giúp đối với người cao tuổi. Ngoài ra, trong xây dựng chính sách, pháp luật cần quan tâm, tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy sinh kế và khởi nghiệp. Việc nghiên cứu các gói hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp, khuyến khích người sử dụng lao động nhận người cao tuổi vào làm thời gian tới là rất cần thiết, đây vừa là đòi hỏi của xã hội trong bối cảnh già hóa dân số, vừa là nhu cầu ngày càng tăng của chính người cao tuổi. Về vấn đề này, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm, sáng kiến hay của các quốc gia châu Á có đặc điểm về văn hóa – xã hội hoặc thể chế chính trị gần giống với Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Ba là, bố trí nguồn ngân sách nhà nước hợp lý cho việc triển khai các chương trình, kế hoạch đã đề ra, bảo đảm tiến độ và hiệu quả.

Việc bố trí, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương thỏa đáng bên cạnh việc kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cấp cơ sở vật chất của các trung tâm điều dưỡng ngành lão khoa, bảo đảm tiến độ triển khai các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người nghèo, trẻ em, người khuyết tật… góp phần phát huy vai trò quan trọng của họ đối với gia đình và xã hội.

Bốn là, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Cần xác định bảo đảm quyền cho người cao tuổi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức và người dân, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, cá nhân nhằm bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền của người cao tuổi. Phát huy hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội, như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam… trong phối hợp, giám sát, phản biện xã hội; lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi, kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp phù hợp, khả thi.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế, đào tạo chuyên gia, đội ngũ bác sĩ và trao đổi khoa học  kỹ thuật, kinh nghiệm, sáng kiến hay của các nước trên thế giới trong xây dựng cơ sở, trung tâm chăm sóc y tế, viện dưỡng lão cho người cao tuổi.

Đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời gian tới. Thiết lập hệ thống viện dưỡng lão kết hợp trung tâm chăm sóc y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi trên cơ sở hợp tác, học hỏi, tham khảo kinh nghiệm, sáng kiến của các nước phát triển trên thế giới…

Chú thích:
1. Protocol to the African Charter on Human and Peoples’ Rights on the Rights of Older Personsin African (EN). https://au.int/en/treaties/protocol-african-charter-human-and-peoples-rights-rights-older-persons.
2. Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách. https://nhandan.vn, ngày 06/6/2023.
3. Nhận thức đúng đắn về việc làm cho người cao tuổi. https://daibieunhandan.vn, ngày 07/12/2023.
4. Số liệu nêu ra tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, ngày 30/6/2023, 
5, 12. Một số kết quả trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi. https://tgpl.moj.gov.vn, ngày 20/12/2023.
6. Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi. http://hoinguoicaotuoi.vn, ngày 26/5/2023.
7. Vũ Công Giao. Một số vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn về quyền của người cao tuổi. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, Tập 34số 3 (2018), tr. 50.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 170.
9, 11. Bảo đảm quyền của người cao tuổi tại Việt Nam. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 23/11/2023.
10. Nguyễn Văn Hồi. Chính sách trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam. Tạp chí Cộng sản, số 7 (2023), tr. 123.
13. Người cao tuổi – Lực lượng quan trọng góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 09/4/2023.
14. Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên). Quyền của người cao tuổi. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2018, tr. 363.
15. Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc biểu dương người cao tuổi tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ anninh Tổ quốc giai đoạn 2016 – 2021. https://hoinguoicaotuoi.vn, ngày 15/12/2022.

TS. Nguyễn Thị Thanh Nga
Học viện Chính trị Công an nhân dân

 

 

1. Khái quát về bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi Người cao tuổi (người già/người cao niên) là một trong các nhóm dễ bị tổn thương, cần được quan tâm, tôn trọng, bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Cho đến nay trên thế giới chưa có định nghĩa thống nhất chung về người cao tuổi và cũng chưa có Công ước quốc tế về quyền của người cao tuổi. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng không đưa ra định nghĩa hay giải thích về người cao tuổi, tuy nhiên nghiên cứu các quy định của pháp luật quốc tế cho thấy 65 tuổi là mốc được lấy để một người được hưởng các quyền lao động dành cho người cao tuổi.  Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi được hiểu là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, tính

Tin khác cùng chủ đề

Công tác xây dựng đảng thời kỳ đổi mới (1986-2021) - Thành tựu và bài học kinh nghiệm
Nhiệm vụ cấp bách cần được thực hiện với quyết tâm cao
Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Công tác tuyên giáo với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
          Chuyên gia xây dựng Đảng: 3 điểm mới căn bản nghiêm cấm đảng viên không được làm
Đẩy mạnh thực hành dân chủ, tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước

Gửi bình luận của bạn