Chiều 30-6, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo công bố kết luận về sự cố môi trường biển vừa qua tại một số tỉnh ven biển miền trung.

Công bố kết luận về cá chết ở miền trung
Công bố kết luận về cá chết ở miền trung
Chiều 30-6, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo công bố kết luận về sự cố môi trường biển vừa qua tại một số tỉnh ven biển miền trung.


Ảnh: Vietnamnet

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo, trong tháng 4-2016, tại ven biển bốn tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội (KTXH), môi trường biển; ảnh hưởng xấu đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về KTXH, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã chủ trì, phối hợp Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, các bộ, ngành liên quan, huy động hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phê-non, xy-a-nua,… kết hợp hy-đrô-xít sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển hướng bắc - nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ công ty xả ra biển có chứa các độc tố phê-non, xy-a-nua, hy-đrô-xít sắt vượt quá mức cho phép.

Từ các căn cứ nêu trên, các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại bốn tỉnh trên trong tháng 4 vừa qua. Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ TN-MT đã chủ trì, phối hợp các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KH-CN, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành khác có liên quan đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28-6, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời cam kết: Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại bốn tỉnh miền trung, với tổng số tiền hơn 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD); khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh, để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra; phối hợp các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền trung, bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự, tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế; thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với nhận thức sâu sắc là sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất, kinh doanh của người dân bốn tỉnh ven biển miền trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai khẩn trương và đồng bộ các giải pháp: Thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế, có sự tham gia, giám sát của nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí; giám sát và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm đã cam kết; triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển tại bốn tỉnh, công khai thông tin chất lượng môi trường; triển khai việc xử lý và phục hồi môi trường biển bị ô nhiễm; tập trung phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và DN. Tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, không để kẻ xấu, các tổ chức phản động lợi dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm.

Chính phủ đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm, đồng tình của nhân dân trong và ngoài nước, nhất là nhân dân bốn tỉnh miền trung; sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà khoa học; sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng; sự vào cuộc, phối hợp kịp thời của các ban Đảng, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí; sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong suốt quá trình giải quyết sự cố môi trường. Đồng thời hoan nghênh thái độ và dư luận Đài Loan (Trung Quốc) đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ Chính phủ Việt Nam xử lý nghiêm sai phạm, yêu cầu phía Formosa hợp tác xử lý vụ việc. Qua sự cố môi trường nêu trên, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Đây cũng là bài học cho các DN trong quá trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo các bộ, cơ quan đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: Việc xác định nguyên nhân đòi hỏi có chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đây là sự cố nghiêm trọng, phức tạp trên diện rộng nên cần tiến hành cẩn trọng, khách quan, khoa học, chính xác. Trước yêu cầu của nhân dân, trước sức ép rất lớn, Bộ phải tính toán đầy đủ, cẩn trọng để xác định thủ phạm, đấu tranh đạt kết quả như ngày hôm nay. Qua quá trình lao động vất vả, thận trọng, hàng nghìn phân tích thí nghiệm khác nhau, lại lấy ý kiến của các nhà khoa học, phòng thí nghiệm quốc tế để đối chứng. Khi có kết quả, Bộ cũng tổ chức hội đồng khoa học nhà nước để đánh giá, khi có kết luận đầy đủ thì mới công bố. Phải mất hơn hai tháng mới xác định cái gì đã xảy ra, cái gì là nguyên nhân chính. Chúng ta đã làm đầy đủ về mặt khoa học, đầy đủ tính pháp lý, nhờ đó đã buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm.

Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết: Ngay khi sự cố xảy ra, các nhà khoa học đã vào cuộc với nỗ lực cao nhất không kể ngày đêm, huy động các lực lượng, cả các chuyên gia khoa học nước ngoài từ Nhật Bản, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, I-xra-en… để bổ sung các dữ liệu. Kết quả điều tra đã thể hiện nỗ lực của các nhà khoa học trong nước, thể hiện năng lực, trình độ trong giải quyết vấn đề khoa học hết sức phức tạp.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, việc công bố nguyên nhân chứng tỏ Đảng, Nhà nước Việt Nam công khai minh bạch xử lý vấn đề này; kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm theo pháp luật. Kết quả điều tra là khách quan, hoàn toàn không có sự can thiệp làm chậm hay sai lệch quá trình điều tra. Tuy nhiên, có một số thế lực chống phá chế độ, lợi dụng tình trạng này để kích động dư luận, gây bất an trong nhân dân. Chúng ta chia sẻ, tôn trọng sự bức xúc của người dân mong mỏi sớm tìm ra và công bố nguyên nhân nhưng không thể chấp nhận lợi dụng việc này để chống đối Nhà nước, nhân dân.

Theo nhandan.com.vn
Chiều 30-6, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo công bố kết luận về sự cố môi trường biển vừa qua tại một số tỉnh ven biển miền trung. Ảnh: Vietnamnet Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo, trong tháng 4-2016, tại ven biển bốn tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội (KTXH), môi trường biển; ảnh hưởng xấu đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển k

Tin khác cùng chủ đề

Những điểm mới nổi bật của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Nước sông Cái lên nhanh, nhiều xã ngoại thành Nha Trang bị ngập nặng
        Thủ tướng chỉ đạo tập trung cứu nạn cháu bé rơi xuống ống cọc bê tông
Thực hiện thủ tục chia tách thửa đất: Tạm dừng việc bố trí diện tích mở lối đi chung
          Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt liên quan tới tình hình Ukraine 
          Hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang Ba Lan: “Sẽ không một ai bị bỏ rơi”

Gửi bình luận của bạn