Giáo dục lý luận chính trị (GDLLCT) ở bậc đại học có vai trò quan trọng trong việc bồi đắp tri thức, phương pháp luận khoa học, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan của sinh viên, trong đó có ý thức trách nhiệm công dân đối với đất nước. Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nhấn mạnh, giáo dục - đào tạo phải chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm công dân ở người học.

Giáo dục lý luận chính trị ở bậc đại học với việc hình thành ý thức trách nhiệm công dân trong bối cảnh hiện nay
Giáo dục lý luận chính trị ở bậc đại học với việc hình thành ý thức trách nhiệm công dân trong bối cảnh hiện nay

1. Dẫn nhập  

Ý thức trách nhiệm công dân là một thuật ngữ lý luận chính trị - xã hội có nội hàm căn bản đề cập đến nhận thức và thái độ của công dân về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, với chế độ chính trị, với xã hội dưới sự quản lý, điều hành của nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng.

Về mặt nội hàm, thuật ngữ “Ý thức trách nhiệm công dân” khá trừu tượng nhưng xét từ các chiều cạnh của ý thức và quyền, nghĩa vụ của một công dân, có thể quy về những khía cạnh cụ thể, dễ hình dung trong thực tế, đó là: (1) Sự hiểu biết, nhận thức được một cách rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước; (2) Nhận thức, tự ý thức rõ về vị trí, vai trò của mỗi cá nhân đối với đất nước (sự tồn vong, phồn thịnh); (3) Sự nhận biết, tự ý thức cần phải hành động ra sao trước những biến cố, khủng hoảng của xã hội, của quốc gia dân tộc; (4) Ý thức về bổn phận với quê hương, đất nước, trách nhiệm cá nhân với cộng đồng xã hội.

Xét trên từng khía cạnh đơn lẻ, ở những môi trường công việc khác nhau, ý thức trách nhiệm cũng khá phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, về đại thể, ý thức trách nhiệm công dân trong bối cảnh hiện nay, không nằm ngoài hai nội dung, hai vấn đề lớn đó là chính là công cuộc giữ vững độc lập dân tộc (giữ nước) và xây dựng thành công xã hội XHCN (dựng nước). Ý thức đó nằm trong hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, rộng hơn là trong hệ giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

2. Giáo dục lý luận chính trị với việc xây dựng ý thức trách nhiệm công dân

2.1. Việc giáo dục lý luận chính trị tại các trường đại học hiện nay

Việc GDLLCT tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay có phạm vi khá rộng, ngay cả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng ngoài hoạt động chuyên môn như học tập chính trị đầu năm, đầu khóa, cũng có thể được xem là GDLLCT. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập đến việc GDLLCT cho sinh viên thể hiện chủ yếu ở hoạt động giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị (LLCT) cho bậc đại học hiện nay.

Trước đây, công tác GDLLCT tập trung ở việc giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác - Lênin. Các môn học thuộc khoa học Mác - Lênin được đưa vào giảng dạy trong các đại học từ rất sớm, chủ yếu ở mấy môn cơ bản: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học, cùng với đó là môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và sau này có thêm môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 2009, với chương trình tích hợp, các môn khoa học Mác - Lênin được gộp lại còn 3 môn, đó là: Những Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, Đường lối cách mạng Việt Nam và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, và được gọi dưới cái tên mới là các môn LLCT. Gần đây, năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng và ban hành khung chương trình mới, trở lại 5 môn học độc lập như trước năm 2009. Có thể thấy, có nhiều lần thay đổi chương trình, song nội dung cơ bản các môn học vẫn không thay đổi, việc GDLLCT Mác - Lênin chiếm một hợp phần quan trọng trong chương trình đào tạo kĩ nhân, kĩ sư các khối ngành ở các trường đại học công lập và dân lập ở nước ta.

Công tác GDLLCT như trên đã nói, nếu hiểu theo nghĩa rộng là một hoạt động của gần như cả hệ thống giáo dục - đào tạo đối với sinh viên, còn theo nghĩa hẹp, GDLLCT chủ yếu là nhiệm vụ chính của các khoa hoặc bộ môn LLCTT theo khung chương trình chung của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhằm mục đích truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tính cách là “nền tảng tư tưởng và “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động cách mạng; phổ biến, tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; qua đó, hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp tư duy biện chứng và phương pháp hành động khoa học ở sinh viên, học viên.

Kết cấu nội dung các môn học này chủ yếu trên nền tảng tri thức Triết học, Kinh tế chính trị học, CNXH khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, GDLLCT thường được hiểu là giáo dục và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Và phần lớn đội ngũ giảng viên được tuyển dụng để thực hiện nhiệm vụ này là các cử nhân tốt nghiệp Khoa Triết học, Kinh tế Chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, Chính trị học tại các trường, học viện có đào tạo những chuyên ngành này. Giảng viên đứng lớp cơ bản đã được truyền bá chuyên sâu về tri thức LLCT, cũng như thường được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức mới và những tri thức thực tiễn.

Nhìn rộng ra, GDLLCT cũng là một nội dung của cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng đồng hành cùng với cuộc cách mạng về chính trị, cách mạng về kinh tế của quá trình xây dựng XHCN, một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản nhằm làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng thấm sâu, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; góp phần nâng cao nhận thức, tư duy, trình độ LLCT cho cán bộ đảng viên; đảm bảo cho các thế hệ trẻ luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu lý luận chính trị, đáng chú ý đó là: Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X) về Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, Quy định số 285-QĐ/TW, ngày 25/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về “dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước”; Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư khóa XII “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Công văn số 3056/BGDĐT-GDĐH ngày 19/7/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị. Những văn bản chỉ đạo này đã cho thấy sự coi trọng và quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác GDLLCT nói chung, GDLLCT ở bậc đại học nói riêng.

Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Sinh hoạt công dân chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho sinh viên toàn trường (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa)

 

2.2. Vai trò của giáo dục lý luận chính trị trong việc góp phần hình thành ý thức trách nhiệm công dân

Về vai trò quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận nói chung (trong đó có GDLLCT), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5, khoá X đã khẳng định: “Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hoá và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[1].

Chính vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm tuyên truyền, bồi dưỡng LLCT nhằm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí với hành động của cán bộ, đảng viên và quán triệt trong chính sách để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng mỗi thời kỳ. Song, Đảng ta không chỉ chú ý giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên (những người có sự trưởng thành chính trị, đảm nhận chức vị xã hội) mà còn có sự chuẩn bị xây dựng lập trường, tư tưởng cho các thế hệ trẻ, lớp người đang trong quá trình trở thành nguồn lực lao động, chủ nhân tương lai đất nước, đội ngũ kế cận, đó chính là cho tầng lớp sinh viên - lớp người đang trong giai đoạn trưởng thành vượt bậc về nhận thức và hoàn thiện về nhân cách. Việc GDLLCT cho sinh viên được tiến hành ngay từ năm thứ nhất và gần như xuyên suốt khóa học.

Xét về vai trò của GDLLCT với hình thành ý thức thức trách nhiệm công dân cho sinh viên, có thể thấy như sau:

Một là, GDLLCT đã cung cấp cho sinh viên các nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, phương pháp luận mác xít và khoa học cho sinh viên trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Đây là vai trò quan trọng đầu tiên của GDLLCT trong việc hình thành ý thức trách nhiệm công dân, thể hiện cụ thể:

Thứ nhất, học tập LLCT cung cấp cho người học có sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, qua đó, hình thành, củng cố niềm tin và bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp và tinh thần yêu nước cho sinh viên; từ đó thúc đẩy sinh viên tự giác, tự nguyện, hăng hái học tập, rèn luyện, hoàn thiện trí tuệ và nhân cách.

Thứ hai, lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc học tập và nghiên cứu LLCT tất yếu cung cấp cho sinh viên thế giới quan và phương pháp luận cách mạng và khoa học, từ đó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và công việc sau khi ra trường, tham gia vào thị trường lao động.

Hai là, GDLLCT giúp sinh viên nhận thức về vị trí vai trò của cá nhân trong thế giới, tình hình Việt Nam trước bối cảnh thời đại và quốc tế để có thái độ và hành vi phù hợp, đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc

Thế giới luôn biến động, mỗi cá thể chịu tác động sâu sắc của môi trường xã hội; các quốc gia dân tộc, chịu ảnh hưởng tác động các nhân tố quốc tế. Cá nhân phải có sự hòa nhập và thích nghi, quốc gia phải có sự điều chỉnh chiến lược sách lược phù hợp, phải nhận thức được yếu tố, giá trị bất biến trong bối cảnh thời đại. Mỗi cá nhân bao giờ cũng thuộc về một quốc gia, cá nhân phải đứng trên nền tảng lợi ích chính đáng của quốc gia dân tộc để hành động và bảo đảm lợi ích cá nhân hài hòa với lợi ích quốc gia dân tộc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia ở mức độ nhất định đều tham gia hội nhập quốc tế, sự độc lập của mỗi quốc gia là có tính tương đối (độc lập/independence trong liên lập/Interdependence). Do đó, mỗi công dân đất nước không thể đứng ngoài chính sách chung, xu thế hành động của quốc gia dân tộc mình.

Ba là, GDLLCT còn giúp cho sinh viên bồi dưỡng và nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống XHCN, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là bản lĩnh chính trị dám nghĩ, dám làm, đó là tinh thần tương thân tương ái, lối sống cao thượng, tránh hẹp hòi vị kỉ, biết xả thân vì nghĩa, vì lợi ích của cộng đồng. Lối sống đó rất cần trong xã hội hiện nay, khi mà nhiều quan hệ xã hội đã mang nặng sắc màu quan hệ thị trường, thói đạo đức giả, sự vô cảm lên ngôi, tình người không được xem trọng.

Hành động chịu sự chi phối của tư tưởng. Con người ta suy nghĩ thế nào thì thường hành động thế ấy. Một khi có ý thức khoa học, thái độ tích cực, sẽ hành động văn minh, tiến bộ và trái lại. Do vậy, ý thức trách nhiệm công dân không thể được đưa lại từ những suy nghĩ thiện cẩn, hẹp hòi hay sự vị kỷ chỉ biết cá nhân mà không biết tới quốc gia, cộng đồng mà sự phát triển của quốc gia dân tộc phải trông cậy vào những công dân có lòng yêu nước, thương nòi giống, đồng bào, biết coi trọng lợi ích chung quốc gia dân tộc. Nói như vậy để thấy rằng, GDLLCT có vai trò quan trọng như thế nào đối với việc hình thành ý thức trách nhiệm công dân. Đó là quá trình biến nhận thức về cái khách quan thành tự ý thức, giác ngộ của mỗi người, một sự ngấm dần trong suy nghĩ, hình thành nên nếp sống, đôi khi khó định lượng được một cách rõ ràng mức độ ảnh hưởng của tư tưởng đối với nhận thức và hành động.

Mặc dù, GDLLCT đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng ý thức trách nhiệm công dân, song nó không phải toàn bộ để tạo nên một phẩm cách, trình độ của một công dân, chỉ là thành tố góp phần căn bản tạo nên ý thức ấy, chứ không thể tuyệt đối hóa hoặc phó thác cho mặt trận giáo dục này. Trong thực tế, để hình thành ý thức trách nhiệm của công dân còn cần phải chú ý đến việc giáo dục các tri thức khác như giáo dục lịch sử, văn học, văn hóa; các kênh khác nhau: giáo dục của gia đình, của thầy cô, của các thế hệ đi trước đối với thế hệ đi sau. Những nội dung và phương thức giáo dục đó đều góp phần hình thành tri thức, niềm tin và thái độ tích cực của mỗi công dân đối với đất nước. Do đó, việc GDLLCT phải đặt hài hòa trong tổng thể giáo dục - đào tạo con người, trong việc nâng cao đạo đức, ý thức pháp luật của công dân, nâng cao mặt bằng dân trí của toàn xã hội.

Hội thảo Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy các môn Lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay” (Ảnh: Trang TTĐT Đại học Kinh tế quốc dân)

 

3. Một số giải pháp để giáo dục lý luận chính trị phát huy vai trò xây dựng ý thức trách nhiệm công dân cho sinh viên

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh đến một số nội dung trọng tâm của công tác giáo dục - đào tạo, trong đó đề cập đến việc giáo dục ý thức trách nhiệm công dân, thể hiện trong luận điểm: Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”[2]. Và ở những luận điểm khác, ít nhiều Văn kiện đề cập đến tinh thần này, đó là Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]; “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”[4]; “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[5]. Bên cạnh đó, Đảng còn tính đến việc “xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”[6].

Như trên đã nói, ý thức trách nhiệm công dân, chính là ý thức và thái độ của mỗi cá nhân công dân trước đất nước, Tổ quốc và Nhân dân, với cộng đồng xã hội. Mỗi công dân có ý thức trách nhiệm với đất nước, cũng có nghĩa là thấy được vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ, đóng góp công sức, chia sẻ khó khăn với Nhà nước và với xã hội,

Hiện nay, Việt Nam đang trên đà phát triển, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, nổi lên một số nhiệm vụ đòi hỏi công dân có ý thức trách nhiệm cao, sự tham gia rộng rãi, có chiều sâu của các tầng lớp nhân dân, cụ thể là:

Với công cuộc giữ nước, vấn đề an ninh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia dân tộc trên Biển Đông; các nguy hại của an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, v.v…đang đặt ra những khó khăn thách thức to lớn. Hiện Trung Quốc đang đòi hỏi phi lí và hành động ngang ngược trên Biển Đông. Những hành động của nước này trên Biển Đông đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển. Do đó, mỗi công dân Việt Nam phải ý thức được chủ quyền biển đảo của quốc gia, và có hành động phù hợp góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông cũng như giàu mạnh lên nhờ biển.

Với sự nghiệp dựng nước, xây dựng được nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Dựng nước, còn là tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững đất nước như thiên tai, dịch bệnh, môi trường…Trước những vấn đề an ninh phi truyền thống, Nhà nước không phải lúc nào cũng đủ sức mạnh để nhanh chóng giải quyết ngay được các thách thức, rủi ro mà phải có sự tham gia, hỗ trợ của nhân dân, huy động sức dân. Chẳng hạn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính ý thức tuân theo các chỉ dẫn/khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng dịch, về giãn cách xã hội, chung tay chia sẻ lương thực, thực phẩm với đồng bào mình trong phòng dịch đã góp phần cùng nhà nước giảm thiểu những khó khăn, rủi ro.  

          Để các môn LLCT góp phần sâu sắc vào quá trình hình thành ý thức trách nhiệm công dân, trong giảng dạy các môn học này trên trường đại học hiện nay cần thiết phải làm tốt các giải pháp:

Một là, thái độ, nhiệt huyết của mỗi giảng viên có ý nghĩa, tác dụng rất lớn trong GDLLCT. Người thầy cô phải trao truyền cảm hứng tích cực cho sinh viên, trước hết, thầy cô phải thể hiện cho tinh thần yêu nước, thái độ nghiêm túc đối với sự phát triển đất nước, cũng như ý thức công dân trước vận mệnh quốc gia dân tộc.

Hai là, lồng ghép, chú trọng giáo dục sinh viên về ý thức trách nhiệm của mình đối với đất nước, với Tổ quốc và Nhân dân; nhấn mạnh với sinh viên, lực lượng còn ngồi trên ghế nhà trường, tuy nhiều ước mơ hoài bão nhưng nhiệm vụ chính vẫn là học tập và rèn luyện. Chỉ có học tập và rèn luyện bài bản mới có thể tự tin lập thân, lập nghiệp, trở thành công dân có ích; giáo dục, bồi đắp cho sinh viên thấm nhuần thái độ “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.[7]

Ba là, phê phán những thói vô cảm, bàng quan trước vận mệnh đất nước, trước khủng hoảng của xã hội, cộng đồng; bồi đắp lòng nhân ái, khoan dung, tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng sẽ chia với đồng bào trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Bốn là, khơi dậy, thúc đẩy ý chí vươn lên khởi nghiệp, lập nghiệp, thắng đói nghèo lạc hậu, làm giàu chính đáng; ý chí tự tôn dân tộc bằng sáng tạo khoa học công nghệ, phát minh, sáng chế; quảng bá hình ảnh nét đẹp của văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Năm là, trong giảng dạy, phải kết hợp được tri thức lý luận với các tri thức lịch sử về công cuộc dựng nước và giữ nước, nêu những gương người Việt Nam qua các thời kỳ đã có công với nước, với dân, những vĩ nhân làm rạng danh quốc gia, dân tộc, điều đó có tác dụng nêu gương rất lớn cho sinh viên, những công dân nắm vận mệnh tương lai của đất nước.

4. Kết luận

Giáo dục LLCT ở bậc đại học là một hoạt động cơ bản bồi đắp tri thức LLCT, phương pháp luận mác xít, hướng tới hoàn thiện nhân cách của sinh viên. Sinh viên mang trong mình khát vọng của thế hệ trẻ, của tầng lớp thanh niên, của “người chủ tương lai của nước nhà… nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[8] như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ luôn là lớp người tiêu biểu về trí tuệ và sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo hiện nay, đó là vốn quý cần được bồi đắp và phát huy. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức trên các phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng thì việc khơi dậy, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với yêu cầu nhiệm vụ đó, việc giáo dục ý thức trách nhiệm công dân cần được chú trọng trong các trường đại học; thông qua GDLLCT, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm công dân cho tầng lớp sinh viên, bồi đắp cho sinh viên ý chí tự tôn, tự cường dân tộc, khơi dậy những suy nghĩ và hành động thiết thực ở từng sinh viên. Để sau khi ra trường, mỗi cử nhân, kỹ sư hay bác sĩ đều là những công dân tích cực góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu trong thời đại mới./.

[1] Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.233.

[3] ĐCSVN, Sđd, Tập I, tr.136

[4] ĐCSVN, Sđd, Tập I, tr.47

[5] ĐCSVN, Sđd, Tập I, tr.34.

[6] ĐCSVN, Sđd, Tập I, tr.47

[7] ĐCSVN, Sđd, Tập I, tr.33.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.216

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Thị Cần (cb.) (2020), Giáo dục sinh viên Việt Nam theo gương bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập, Nxb Đại học Vinh, Nghệ An.

2. Nguyễn Văn Chung (2019), “Học tập tấm gương làm việc trách nhiệm, khoa học, đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-ao-uc-phong-cach-ho-chi-minh1/-/2018/815411/hoc-tap-tam-guong-lam-viec-trach-nhiem%2C-khoa-hoc%2C-doi-moi%C2%A0cua-chu-tich-ho-chi-minh.aspx, truy cập ngày 30/8/2021.

3. Hội đồng Lý luận Trung ương (2021), Những điểm mới trong các văn kiện đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

4. Ngô Minh Oanh, Huỳnh Công Minh (đcb.) (2020), Đổi mới giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh trung học phổ thông thành phố Hồ Chí Minh qua dạy học các môn xã hội- nhân văn, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

5. Lương Ngọc Vĩnh (2021), “Những điểm mới về công tác tư tưởng trong Văn kiện Đại hội XIII”. Tạp chí Tuyên giáohttps://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/nhung-diem-moi-ve-cong-tac-tu-tuong-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-133225, truy cập ngày 18/8/2021.

TS. Phạm Xuân Hoàng,

Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên

ThS. Dương Thị Hậu,

Giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Đà Lạt

 

1. Dẫn nhập   Ý thức trách nhiệm công dân là một thuật ngữ lý luận chính trị - xã hội có nội hàm căn bản đề cập đến nhận thức và thái độ của công dân về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, với chế độ chính trị, với xã hội dưới sự quản lý, điều hành của nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng. Về mặt nội hàm, thuật ngữ “Ý thức trách nhiệm công dân” khá trừu tượng nhưng xét từ các chiều cạnh của ý thức và quyền, nghĩa vụ của một công dân, có thể quy về những khía cạnh cụ thể, dễ hình dung trong thực tế, đó là: (1) Sự hiểu biết, nhận thức được một cách rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước; (2) Nhận thức, tự ý thức rõ v

Tin khác cùng chủ đề

Công tác xây dựng đảng thời kỳ đổi mới (1986-2021) - Thành tựu và bài học kinh nghiệm
Nhiệm vụ cấp bách cần được thực hiện với quyết tâm cao
Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Công tác tuyên giáo với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
          Chuyên gia xây dựng Đảng: 3 điểm mới căn bản nghiêm cấm đảng viên không được làm
Đẩy mạnh thực hành dân chủ, tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước

Gửi bình luận của bạn