Khi đề cập đến âm nhạc dân gian của đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh, đã từng có những băn khoăn, lo lắng trước nguy cơ mai một. Nhưng đến hôm nay, nhìn lại những nỗ lực trong việc gìn giữ những làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, nhất là phong trào sử dụng, biểu diễn các loại hình âm nhạc truyền thống của đồng bào Raglai đã cho thấy những tín hiệu tích cực.

1. Tình cờ, chúng tôi đọc được trong cuốn sách Diện mạo văn hóa Khánh Hòa (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật) một bài viết từ 20 năm trước của nhạc sĩ Hình Phước Liên về tình hình âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, trong đó có âm nhạc dân gian Raglai. Trong bài viết, nhạc sĩ bày tỏ nỗi trăn trở, lo ngại với thực trạng ở những buôn làng người Raglai thời bấy giờ người trẻ hững hờ với vốn âm nhạc truyền thống; số lượng người trẻ tuổi biết thổi kèn salakhen, đánh thành thạo các bài mã la cổ truyền thật hiếm hoi; những làn điệu madiêng, mađu bao đời chỉ còn những người già biết hát… Thậm chí, tác giả đã sử dụng từ “thất vọng” khi kể lại câu chuyện chính ông nhiều lần đi điền dã đến các buôn làng Raglai để tìm xem có bạn trẻ nào biết hát đối đáp; phụ nữ Raglai còn hát ru bằng ngôn ngữ của dân tộc mình; cồng chiêng, mã la vẫn còn nhưng lại không có người đánh… Từ thực trạng đó, nhạc sĩ Hình Phước Liên đã đưa ra những đề xuất trong việc gìn giữ, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của đồng bào Raglai, như: Cần điều tra, thống kê, sưu tầm gấp kho tàng âm nhạc dân gian của đồng bào.    

Ngày nay, tại huyện Khánh Vĩnh, địa phương đã chú trọng khai thác, truyền bá, phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống của các DTTS trên địa bàn, nhất là của đồng bào Raglai. Nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào các DTTS, như: Cồng, chiêng, đàn chapi, đinh năm… được gìn giữ. Hầu hết các xã, thị trấn có đội văn nghệ quần chúng, đóng góp ngày càng quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Các loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian được chú trọng khôi phục; những loại hình hòa tấu cồng chiêng, mã la, salakhen, hát madiêng, múa congtua… được duy trì phổ biến.

Các nghệ nhân người Raglai huyện Khánh Vĩnh hòa tấu mã la trong chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.  
Các nghệ nhân người Raglai huyện Khánh Vĩnh hòa tấu mã la trong chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.  

Ở huyện Khánh Sơn - nơi có hơn 70% dân số là người Raglai, địa phương đã tổ chức liên hoan các làn điệu dân ca, các đội mã la và múa dân gian Raglai. Qua đó, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được duy trì, tái hiện, như: Hát kể sử thi, trình diễn nhạc cụ đàn đá, mã la, chapi… Huyện cũng hướng dẫn 8 xã, thị trấn thành lập và tổ chức hoạt động các đội văn nghệ truyền thống ở thôn nhằm thường xuyên biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ; mở lớp dạy đánh đàn đá, mã la, hát sử thi cho thanh thiếu niên. Địa phương cũng có nhiều hoạt động khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân thể hiện những làn điệu dân ca, như: Alơu, siri, rutu… và biểu diễn các nhạc cụ truyền thống…

2. Từ thực tế nêu trên cho thấy những tín hiệu tích cực, lạc quan trong nỗ lực giữ gìn vốn âm nhạc của đồng bào, đặc biệt trong giai đoạn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (2008 - 2023). Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, ngành Văn hóa đã triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh, gắn với Dự án Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể. Đến nay, ngành đã kiểm kê lập được 5.298 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, lựa chọn 14 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, có 5 di sản văn hóa của đồng bào DTTS, gồm: Lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai; lễ cúng bến nước của dân tộc Ê-đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa); nghệ thuật trình diễn đàn đá Khánh Sơn; nghệ thuật trình diễn sử thi của người Raglai. Năm 2014, lễ bỏ mả của người Raglai đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”.

Được biết, để tiếp tục phát huy vốn âm nhạc dân gian của đồng bào Raglai, thời gian tới, huyện Khánh Vĩnh sẽ dành nhiều sự quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ huyện đến cơ sở, nhất là ở các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật; xây dựng kế hoạch hoạt động liên kết phối hợp với từng ngành, đơn vị, địa phương nhằm huy động đông đảo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân tham gia để ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội. Đồng thời, triển khai công tác lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện… Còn theo bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn, địa phương sẽ chú trọng công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Raglai. Trong đó, tiếp tục ưu tiên tổ chức các lớp truyền dạy đánh mã la, hát sử thi, chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống; tổ chức phục dựng các lễ hội văn hóa tiêu biểu của người Raglai; quan tâm, đầu tư cho nghệ thuật hát sử thi, các làn điệu dân ca Raglai.

GIANG ĐÌNH

1. Tình cờ, chúng tôi đọc được trong cuốn sách Diện mạo văn hóa Khánh Hòa (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật) một bài viết từ 20 năm trước của nhạc sĩ Hình Phước Liên về tình hình âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, trong đó có âm nhạc dân gian Raglai. Trong bài viết, nhạc sĩ bày tỏ nỗi trăn trở, lo ngại với thực trạng ở những buôn làng người Raglai thời bấy giờ người trẻ hững hờ với vốn âm nhạc truyền thống; số lượng người trẻ tuổi biết thổi kèn salakhen, đánh thành thạo các bài mã la cổ truyền thật hiếm hoi; những làn điệu madiêng, mađu bao đời chỉ còn những người già biết hát… Thậm chí, tác giả đã sử dụng từ “thất vọng

Tin khác cùng chủ đề

Rộn ràng khúc ca đón chào năm mới
Năm 2023: Chờ sức bật từ những chuyển biến lớn về văn hóa
Khai mạc triển lãm tem bưu chính "Nha Trang biển gọi - Dấu ấn bác sĩ Alexandre Yersin"
Tiếng vọng từ lòng đất
Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa
Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam nhìn nhận về vai trò của cán bộ văn hóa trong bối cảnh mới

Gửi bình luận của bạn