Xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, giúp Đảng hoàn thành trọng trách của mình trước nhân dân, dân tộc. Tư duy lý luận của Đảng về đạo đức có vai trò vô cùng quan trọng trong mọi hoạt động xây dựng Đảng. Bài viết đã phân tích sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với xây dựng Đảng về đạo đức qua các thời kỳ cách mạng trên bốn nội dung: vai trò giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đối với xây dựng Đảng về đạo đức; mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức; nội dung, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức và mối quan hệ giữa xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

Sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với xây dựng Đảng về đạo đức
Sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với xây dựng Đảng về đạo đức

Qua mỗi kỳ cách mạng, trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác xây dựng Đảng về đạo đức, gắn với những điều kiện thực tiễn, Đảng ta luôn có sự bổ sung, phát triển đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức bảo đảm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

 

Sự phát triển đó được thể hiện ở các nội dung sau:

 

Thứ nhất, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh

 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm: “Đường Cách mệnh” (1927), tư cách của người cách mạng đã được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu. Với việc nêu ra 26 tiêu chí về tư cách một người cách mệnh, vấn đề tư cách đạo đức của một người cách mạng được xác định cụ thể trong từng mối quan hệ, tự mình phải: “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật”(1); “Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người”(2). Và với việc: “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”(3).

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, từ đây vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức càng trở nên bức thiết. Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những lỗi lầm mà một số cán bộ, công chức đã phạm phải, như: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Chính phủ và niềm tin của nhân dân. Năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, trong đó Người chỉ rõ về Tư cách và đạo đức cách mạng, trước hết nhấn mạnh Tư cách của Đảng chân chính cách mạng với 12 điều. Nội dung đạo đức cách mạng được Người phân tích sâu sắc trong năm điều: NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊMKhi đề cập đến vai trò của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng: “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”(4), “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(5). Đặc biệt, năm 1960, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”(6). Đảng ta vĩ đại bởi vì: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, Là thống nhất, độc lập, là hoà bình ấm no. Công ơn Đảng thật là to, Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”(7). Trong bản Di chúc lịch sử, Di sản cuối cùng của Người để lại vấn đề đạo đức cách mạng được nhắc đến như một điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng. Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(8).

 

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối. Nghi quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) trên cơ sở tổng kết công tác xây dựng Đảng đã rút ra phương châm xây dựng Đảng là: “phải xây dựng Đảng vững mạnh về cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức”(9). Đồng thời nhấn mạnh: “mỗi cán bộ, đảng viên phải chân thành và cởi mở, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau hết long giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ”(10).

 

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng bộc lộ một số yếu kém, như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 10 - NQ/TW, ngày 2/2/1999, “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận: “công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”(11). Từ đó, Đảng ta ban hành các nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong đó có đề cập đến vấn đề xây dựng đạo đức trong Đảng. Như vậy, có thể thấy vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức đã được Đảng đề cập đến xong chưa được tách thành nội dung riêng biệt.

 

Cụm từ “Xây dựng Đảng về đạo đức” chính thức được đưa vào Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(12). Như vậy, đây là lần đầu tiên Đảng ta đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bởi vì, có làm tốt công tác xây dựng Đảng về đạo đức thì xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức mới có thể thành công.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã có những chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”(13). Đây là một trong những thách thức lớn gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, ảnh hưởng trực tiếp tới vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

 

Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng Đảng về đạo đức được khẳng định là một trong 5 mặt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời nhấn mạnh tập trung xây dựng Đảng về đạo đức: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thử thách và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng về đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong đảng và ngoài xã hội”(14). Như vậy đến Đại hội XIII, công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cập thành một mục riêng và được đặt trước công tác xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ với những nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể. Trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.

 

Thứ hai, công tác xây dựng Đảng về đạo đức có mục tiêu rõ hơn với nhiệm vụ cụ thể gắn với thực tiễn

 

Xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ là phương châm, nhiệm vụ mà còn là giải pháp hữu hiệu trong việc khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có nhiều nguyên nhân, song, trong đó có vấn đề chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng Đảng về đạo đức chưa xác định được mục tiêu cụ thể của công tác xây dựng Đảng về đạo đức.

 

Mặc dù trong Văn kiện Đại hội XII, xây dựng Đảng về đạo đức được xác định là một mặt trong các mặt của công tác xây dựng Đảng, song chủ trương xây dựng Đảng về đạo đức vẫn đặt trong mục tiêu tổng thể xây dựng Đảng với nội dung tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh vể chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Như vậy, mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức cũng chưa được xác định rõ mà chỉ tập trung đến việc nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng.

 

Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ rõ những hạn chế tồn tại trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức với cái nhìn sâu sắc hơn gắn liền với điều kiện lịch sử trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Đảng đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức chính là nhằm “Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"(15). Với những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể: “Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có những vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc… Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng… Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thường xuyên tự soi, tự sửa. Kịp thời biểu dương những điểm hình tiên tiến, những tâm gương về đạo đức, lối sống; đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống”(16). Với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đó sẽ phải góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức”, “là văn minh” đáp ứng với yêu cầu của công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong tình hình mới. Điều này thể hiện một tư duy mới trong xây dựng Đảng về đạo đức đồng thời còn thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng ta trong đấu tranh với một hiện tượng đã trở nên khá phổ biến, được coi sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

 

Thứ ba, nội dung, giải pháp đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức được bổ sung đầy đủ, toàn diện và đồng bộ hơn

 

Xây dựng Đảng về đạo đức xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhằm giải quyết vấn đề từ thực tiễn đặt ra. Từ sự thay đổi về môi trường xã hội tất yếu dẫn đến sự lạc hậu, kém hiệu quả của một số nội dung, phương pháp của công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Thực tiễn này đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, xây dựng một cách đồng bộ những nội dung, phương pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Kế thừa quan điểm các kỳ Đại hội Đảng trước đây đặc biệt là Đại hội XII, Công tác xây dựng Đảng về đạo đức tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, với nhiều nội dung, giải pháp mới toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Đây được coi là một điểm nhấn trong sự phát triển tư duy lý luận đối với xây dựng Đảng về đạo đức trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

Nói đến Đảng là nói đến tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, xây dựng Đảng về đạo đức là phải tập trung vào việc xây dựng đạo đức của mỗi tổ chức đảng cho đến từng đảng viên. Đồng thời, xây dựng Đảng về đạo đức còn là sự kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Nếu Đại hội XII của Đảng nêu 3 giải pháp để xây dựng Đảng về đạo đức: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; … Kiên quyết đấu tranh chống quan lieu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân; … Xây dựng và thực hiện tốt các quy định về phát huy vai trò nêu gương trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên”(17). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập và nhấn mạnh hầu hết tất cả các mặt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức, với 6 giải pháp trọng tâm là: “Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình…; Coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng… Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thường xuyên tự soi, tự sửa. Kịp thời biểu dương những điểm hình tiên tiến, những tâm gương về đạo đức, lối sống; đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống”(18).

 

Về nội dung tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nếu Đại hội XII nhấn mạnh đến việc yêu cầu cán bộ, đảng viên phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thì Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, nhấn mạnh tầm quan trọng và đặt lên hàng đầu vấn đề “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên"(19). Bởi, xây dựng Đảng về đạo đức phải được bắt đầu từ việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho từng cán bộ, đảng viên của Đảng. Đạo đức của Đảng được xây dựng trên đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, sự tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên là vô cùng quan trọng.

 

Đối với vấn đề nêu gương, cùng với việc đề cao thực hiện nghiêm quy định nêu gương, Đại hội XIII của Đảng đã làm rõ hơn đối tượng của quy định nêu gương với tinh thẩn “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu"20) và nhấn mạnh “trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương"(21). Theo đó, đối tượng nêu gương trước hết không chỉ là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu mà còn là người có chức vụ trong các cơ quan, đơn vị; gắn kết chức vụ với thực hiện nêu gương, cùng chức vụ thì mức độ gương mẫu phải tương đương nhau, mức độ gương mẫu của cấp trên phải cao hơn cấp dưới. Đặc biệt, Đại hội XIII còn nhấn mạnh đến vấn đề tự giác và mục đích của việc nêu gương của đảng viên: “Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(22). Bởi, trách nhiệm nêu gương có vai trò vô cùng quan trọng trong mọi mặt công tác của Đảng. Đảng viên là những người ưu tú nhất trong nhân dân, vì vậy, họ là người có sức ảnh hưởng rất lớn đến cơ quan, tổ chức và xã hội. Ở bất cứ đâu, thời kỳ nào, cán bộ, đảng viên tự giác nêu gương, thực hành đạo đức, nói đi đôi với làm đều có ảnh hưởng sâu sắc trong Đảng và được cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo. Hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến các chuẩn mực, hành vi đạo đức; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống, chạy theo lối sống vật chất tầm thường, say mê hưởng thụ, xa rời đạo đức cách mạng. Trước tình trạng đó, việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về xây dựng đạo đức lại càng có tầm quan trọng đặc biệt.

 

Về cơ chế kiểm tra quy định nêu gương, Văn kiện Đại hội XIII đã có sự thay đổi, bổ sung thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với vấn đề kiểm tra, giám sát khi nhấn mạnh cần: “Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định nêu gương"(23). Như vậy, so với Đại hội XII, Đảng đã lược bỏ thuật ngữ “kiểm soát” của tổ chức đảng, “phản biện xã hội” của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện nêu gương; bổ sung thêm chủ thể giám sát thực hiện nêu gương là cơ quan dân cử và báo chí để nhấn mạnh cả hệ thống chính trị sẽ trở thành chủ thể trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nêu gương.

 

Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng đã đưa nội dung “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng”(24) là một giải pháp mới để xây dựng Đảng về đạo đức. Các giá trị đạo đức và chuẩn mực đạo đức là tồn tại khách quan và luôn vận động, biến đổi cùng với sự vận động biến đổi của xã hội. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế, nhiều giá trị đạo đức xã hội đã có những thay đổi đáng kể. Vì vậy, Đảng ta đã rất sáng suốt, khi yêu cầu cần phải chủ động để nhận thức, xây dựng những giá trị, chuẩn mực đạo đức mới. Điều này sẽ tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” hằng ngày, nhận biết được tình trạng học tập, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng của chính bản thân thông qua nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, từ đó có phương hướng, giải pháp khắc phục cái chưa được, phát huy cái đạt được trong thực hành đạo đức cách mạng. Đây là một điểm mới thể hiện sự phát triển tư duy lý luận xây dựng Đảng về đạo đức của Đảng, đưa lý luận xây dựng, chỉnh đốn Đảng phát triển lên một bước mới.

 

Nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cũng là một điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng so với các kỳ Đại hội trước đó. Tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất, đạo đức, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ. Vì vậy, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình"(25).  Cùng với đó, kỷ luật cán bộ, đảng viên là một trong những điểm mới trong xây dựng Đảng về đạo đức trong Văn kiện Đại hội XIII khi nhấn mạnh: “Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống” và “xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống”(26).

 

Thứ tư, mối quan hệ giữa xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ được thể hiện rõ hơn

 

Xây dựng Đảng về đạo đức thể hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong Văn kiện Đại hội XIII, khi đề cập phương hướng trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta xác định: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ"(27). Đây là 5 mặt của công tác xây dựng Đảng, có quan hệ mật thiết, là tiền đề của nhau. Xây dựng Đảng về chính trị có tính chất bao trùm, chi phối xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức và đạo đức đều xuất phát từ xây dựng Đảng về chính trị và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “gốc” là “nền tảng”, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; là cơ sở để xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng về đạo đức góp phần hình thành văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử trong Đảng. Nền tảng đạo đức giúp cho chính trị, nhất là quyền lực chính trị không bị tha hóa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Nền tảng đạo đức cũng giúp người cán bộ, đảng viên dễ dàng tiếp nhận tư tưởng chính trị đúng đắn, hình thành niềm tin khoa học và tình cảm cách mạng. Đồng thời, xây dựng đảng về đạo đức giúp gắn kết các thành viên trong tổ chức, giữ cho tổ chức sự thống nhất ý chí và hành động trong sạch, vững mạnh. Qua thực hành đạo đức, thực hành dân chủ thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân về xây dựng Đảng, thực hiện sự giám sát kiểm tra của nhân dân đối với các tổ chức vững mạnh toàn diện.

 

Như vậy, có thể khẳng định tư duy lý luận của Đảng đối với xây dựng Đảng về đạo đức được bổ sung, phát triển và hoàn thiện qua thực tiễn mỗi thời kỳ cách mạng thông qua văn kiện các kỳ Đại hội Đảng nhằm xây dựng Đảng ta thực sự là một Đảng cách mạng chân chính “phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(28) đáp ứng lòng mong mỏi và sự kỳ vọng, của mọi tầng lớp nhân dân./.

 _______________________________________________________

(1), (2), (3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.2, tr. 280, 281.

(4), (5),(28)  Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.5, tr. 292, 289.

(6), (7) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.12, tr. 400, 403-404.

(8) Hồ Chí Minh (2011), Sđd. T.15, tr. 622.

(9), (10) Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia, H., T.37, tr. 967,  972 - 973.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., tr.1-2.

(12), (17) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., tr.202, 202.

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.2, tr.178.

(14), (19), (20), (21) (22), (23), (24), (27) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H., t.1, tr.184, 183, 183, 183-184,  183, 184, 184, 180.

(15), (16), (18), (25), (26) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H., t.2, tr. 236, 237, 236 - 237, 237, 237.

 

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử ngày 13/11/2023

TS. Đỗ Minh Tuấn - NCS. Quản Văn Sỹ

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

 

Qua mỗi kỳ cách mạng, trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác xây dựng Đảng về đạo đức, gắn với những điều kiện thực tiễn, Đảng ta luôn có sự bổ sung, phát triển đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức bảo đảm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.   Sự phát triển đó được thể hiện ở các nội dung sau:   Thứ nhất, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh   Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm: “Đường Cách mệnh”&nbs

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn