Bài viết tập trung phân tích và làm rõ, những yếu tố chủ yếu tác động đến quá trình xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam theo tinh thần Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đó là: Tác động của hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tác động từ chính vai trò chủ thể của người nông dân đối với quá trình xây dựng giai cấp nông dân.

Những yếu tố tác động đến xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Những yếu tố tác động đến xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu: Xây dựng giai cấp nông dân phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị; và phấn đấu đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao1.

Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) khai mạc ngày 4/5 và bế mạc ngày 10/5/2022

Với những yêu cầu, mục tiêu nêu trên, một trong những nhiệm vụ đặt ra là, cần nhận diện đầy đủ các yếu tố tác động đến nông dân, đến quá trình xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực, góp phần bổ sung căn cứ để tìm các giải pháp phù hợp xây dựng giai cấp nông dân phát triển toàn diện, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

1. Tác động của hội nhập quốc tế

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng. Đây là một tất yếu khách quan của quá trình phát triển đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đến sự biến đổi, phát triển các giai cấp, tầng lớp ở nước ta, trong đó, nông nghiệp và giai cấp nông dân đang bị ảnh hưởng khá sâu sắc.

Một là, hội nhập quốc tế làm thay đổi cơ cấu lao động nông nghiệp và nông dân. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại với các tổ chức, hiệp định như: Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP)…, đã và đang thúc đẩy nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyên canh, công nghệ cao, sản phẩm sạch, an toàn, góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội ở nông thôn, làm thay đổi cơ cấu lao động nông nghiệp và nông dân, qua đó cũng cơ cấu xã hội - giai cấp của nông dân Việt Nam biến đổi theo hướng tích cực.

Hai là, hội nhập quốc tế làm cho việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển giao phương thức sản xuất, kinh doanh mới, đã đặt ra yêu cầu khách quan, đòi hỏi trình độ dân trí, trình độ khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, tay nghề của nông dân phải được nâng lên. Đồng thời, hội nhập quốc tế tạo ra môi trường kinh tế - xã hội gắn kết nông nghiệp với công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến với thương mại, dịch vụ; gắn kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước về các lợi ích; góp phần tăng cường liên minh công nhân - nông dân - trí thức và đoàn kết dân tộc; mở ra các điều kiện và môi trường thuận lợi cho quá trình “trí thức hóa nông dân”, “công nhân hóa nông dân”.

Ba là, hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện cho một bộ phận nông dân thông qua xuất khẩu lao động, trở thành công nhân lao động ở nước ngoài. Quá trình này cũng làm cho quan hệ giao lưu văn hóa giữa nông dân nói chung và nông dân nói riêng với văn hóa thế giới, văn hóa đô thị Việt Nam được mở rộng. Cũng thông qua sự tiếp biến, giao lưu văn hóa, các giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam từng bước được quảng bá ra thế giới. Hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho nông dân có điều kiện để thoát nghèo, nâng cao thu nhập, mức sống. Một số gia đình nông dân nhờ đi xuất khẩu lao động, có nguồn vốn tích lũy, học tập được tri thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài, khi về nước đầu tư, mở rộng sản xuất, dịch chuyển cơ cấu lao động, góp phần tác động tích cực đến xây dựng giai cấp nông dân nước ta.

Bên cạnh những thuận lợi, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp và người dân phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tổ chức sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh. Đó là: 1) Mở rộng các mặt hàng nông sản Việt Nam và giữ vững thị trường xuất khẩu. Bản thân hàng Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài. Mặt khác, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm”, mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo… Điều này đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất và tâm lý sản xuất của người nông dân, nếu không chúng ta sẽ thua ngay cả trên “sân nhà”; 2) Phân hóa giàu nghèo sâu sắc; 3) Sự thay đổi về lối sống, sự lệch chuẩn về giá trị, chuẩn mực đạo đức của nông dân; lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, đề cao các giá trị vật chất đơn thuần, coi nhẹ đạo lý dân tộc, quan hệ nhân ái, tình nghĩa gia đình, làng xóm, cộng đồng đang có chiều hướng gia tăng.

Hội nhập quốc tế là phù hợp với lợi ích lâu dài của đất nước, những cũng đang tác động sâu sắc tới giai cấp nông dân cả tích cực và tiêu cực, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm đón đầu những thuận lợi, hạn chế những thách thức, qua đó, thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình hình thành những lớp người nông dân Việt Nam mới phù hợp với bối cảnh mới hiện nay.

2. Tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đặc trưng cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Cuộc cách mạng này diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, thông qua các công nghệ như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)…

Với những đặc trưng nêu trên, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cho nông dân Việt Nam rất nhiều cơ hội phát triển: 1) Ứng dụng rộng rãi thành tựu công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành nông sản, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân. 2) Sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi nông dân phải không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt để thích ứng, tồn tại và phát triển. Trên cơ sở đó, vai trò và vị thế của nông dân trong xã hội sẽ được nâng cao; 3) Những thành tựu mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại sẽ giúp cải thiện cơ bản môi trường sống, cơ sở hạ tầng nông thôn - địa bàn sinh sống chủ yếu của nông dân.

Trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 27 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022 (Ảnh: tapchicongsan.org.vn) 

Bên cạnh những cơ hội trên, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đem đến cho nông dân những thách thức không nhỏ:

Một là, thách thức đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam phải đối mặt với nhiều bài toán nan giải về thể chế, chính sách; vốn đầu tư; cơ sở nông nghiệp hạ tầng, nông thôn; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp; vấn đề quyền sở hữu đất nông nghiệp, rào cản về thị trường tiêu thụ. Tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún sẽ cản trở chính quá trình cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ đồng bộ trên quy mô lớn vào sản xuất của người nông dân (hiện nay, diện tích đất bình quân của hộ nông nghiệp chỉ khoảng 0,46 ha và chia thành 2,38 mảnh2). Trong khi đó, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra rất chậm.

Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, kỹ thuật cao, song phần lớn nông dân thiếu vốn đầu tư. Không phải người nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, bởi giá các sản phẩm công nghệ nhập nội rất cao3. Do vậy, việc phụ thuộc quá lớn của nông dân vào các công nghệ đi thuê dẫn đến nhiều bất cập như thiệt hại, chi phí khắc phục sữa chữa rất lớn khi bị hỏng hóc. Mặt khác, vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là rất lớn, nhưng, hầu hết các sản phẩm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết đề phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế. Yêu cầu bức thiết đặt ra là, phải giúp người nông dân kết nối với chuỗi giá trị sản xuất và chuỗi cung ứng.

Cơ chế liên kết “4 nhà - Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông” giúp người nông dân tiếp cận được với những giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, qua thực tế, việc thực hiện mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa hiện vẫn còn nhiều bất cập do sự phối hợp chưa chặt chẽ, trách nhiệm giữa các gia đình trong liên kết chưa cao, nhất là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.

Hai là, tác động đối với việc làm - thu nhập của nông dân. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp, bất bình đẳng giữa nông dân công nghệ thấp với nông dân công nghệ cao sẽ diễn ra phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa. Tại Việt Nam, tỷ lệ lao động kỹ năng thấp, nghề nghiệp cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 74%4.

Ba là, thách thức đối với chất lượng lao động và năng lực thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nông dân nước ta. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi trình độ của nông dân nước ta còn thấp. Chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Theo Ngân hàng thế giới (WB), nếu lấy thang điểm 10 đề đánh giá thì chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (đứng thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB), trong khi con số này của Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaisia là 5,59, Thái Lan là 4,94. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nguồn lực cho khuyến nông tuy đã tăng nhưng còn chậm, chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu về thông tin tuyên truyền, 25-30% nhu cầu về đào tạo tập huấn, 25-29% nhu cầu về nhân rộng mô hình của người dân5

Những thách thức nêu trên đòi hỏi Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam phải có các giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể để nông dân không bị bỏ rơi khi ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nông nghiệp.

3. Tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Đây là yếu tố tác động rất lớn, trực tiếp đến xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay theo chiều hướng cả thuận lợi và khó khăn.

Một là, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra nhu cầu, động lực và điều kiện làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phân công lao động trong nông nghiệp làm xuất hiện các ngành nghề mới, dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất gắn với thị trường. Sự tác động này làm cho nội bộ giai cấp nông dân nước ta có sự phân hóa mạnh về cơ cấu, về mức độ và quy mô sở hữu tư liệu sản xuất; một bộ phận nông dân tích tụ được ruộng đất lớn, có vốn, trình độ, tay nghề và ứng dụng được khoa học, công nghệ trở thành các chủ trang trại, sản xuất, kinh doanh các loại nông sản, vật nuôi, cây trồng với năng suất cao, chất lượng tốt, hàng năm lợi nhuận lên tới hàng tỷ đồng. Một số nông dân cho thuê hoặc bán ruộng đất phải chuyển đổi nghề hoặc trở thành người làm thuê trên chính cách đồng của mình, làm cho tính chất, quan hệ sở hữu, sự đa dạng tư liệu sản xuất của nông dân có sự biến đổi.

Hai là, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tác động trực tiếp đến mức sống, lối sống và ý thức chính trị của giai cấp nông dân. Nhìn chung, trình độ dân trí, kỹ năng nghề nghiệp, sự nhạy bén, năng động, tính liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh của đa số nông dân sẽ được nâng lên. Qua đó, ý thức dân chủ, tinh thần làm chủ của nông dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng được nâng lên; tính tích cực chủ động của nông dân trong đời sống cộng đồng; tinh thần đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, lãng phí của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở địa phương, nhất là các vi phạm về đất đai, xây dựng và quản lý xã hội… diễn ra hiệu quả hơn.

Ba là, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm dịch chuyển nhanh một bộ phận nông dân sang các giai tầng xã hội khác. Ở nhiều vùng nông thôn, nhất là các vùng ven đô thị, ven các giao lộ lớn, một bộ phận nông dân chuyển sang các hoạt động dịch vụ, kinh doanh (như buôn bán vật liệu xây dựng, các sản phẩm tiêu dùng, cửa hàng dịch vụ ăn uống…). Một số trở thành nhân viên bán hàng cho các đại lý của các xí nghiệp, các công ty; một số buôn bán đường dài. Kinh tế thị trường gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo nên sự dịch chuyển một bộ phận thanh niên nông thôn gia nhập đội ngũ công nhân trong các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn thu hút số lượng lớn nông dân làm dịch vụ hoặc buôn bán nhỏ. Ở các địa bàn có nền kinh tế nông nghiệp phát triển (Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc bộ…), một bộ phận nông dân đang dịch chuyển sang doanh nhân.

Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm cho sản xuất nông nghiệp biến đổi tự phát, khó kiểm soát về cơ cấu lực lượng lao động ở các vùng nông thôn. Vì chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, người nông dân “đổ xô” vào sản xuất, kinh doanh một số mặt hàng nông sản mà không có sự nghiên cứu, xem xét thấu đáo về nhu cầu xã hội, sự chuẩn bị đầy đủ về kế hoạch, nguồn lực và nhất là về thị trường. Do đó, việc sản xuất, kinh doanh còn mang tính tự phát, thiếu điều kiện đảm bảo, chạy theo phong trào, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”, bị tư thương ép giá, sản xuất thừa không nơi tiêu thụ... Hiện tượng sản phẩm nông nghiệp bán không có người mua phải đổ bỏ vẫn thường diễn ra, làm cho một bộ phận nông dân điêu đứng, một số lâm vào nợ nần, thậm chí phá sản. Họ có thể từ địa vị là chủ trang trại chăn nuôi rơi vào tình trạng tay trắng, cá biệt có nông dân phải rời bỏ quê hương, phiêu bạt đi nơi khác kiếm sống.

Cùng với đó, do mặt trái của kinh tế thị trường dẫn đến tình trạng một bộ phận nông dân không có đất sản xuất, thất nghiệp, ly hương, đời sống khó khăn. Một bộ phận nông dân, nhất là thanh niên sa vào các tệ nạn xã hội, làm suy thoái, tha hóa nhiều mặt đời sống của người nông dân và xã hội nông thôn nước ta. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng đang là một trong những tác nhân gây nên sự phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn ở nông thôn. Kinh tế thị trường phát triển mạnh làm cho một bộ phận nông dân thoát ly khỏi các làng quê, đổ xô vào các đô thị kiếm sống theo thời vụ hoặc thường xuyên bằng rất nhiều công việc khác nhau. Một bộ phận trong số họ đã mang theo cả gia đình lên cư trú ở đô thị cũng gây áp lực không nhỏ cho một số đô thị trung tâm về nhà ở, giáo dục, chữa bệnh... Bộ phận khác gửi con cho ông bà ở nông thôn để đi lao động trên thành phố, ra nước ngoài... cũng để lại những mặt trái cho sự phát triển bền vững của gia đình nông dân (con cái không được chăm sóc, dạy dỗ đầy đủ; vợ chồng lục đục, ly hôn...)

Đây là những vấn đề đặt ra cần được giải quyết thấu đáo trong quá trình phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới văn minh, nhất là xây dựng giai cấp nông dân theo hướng “phát triển toàn diện, văn minh” như Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nêu.

4. Tác động từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đang đi vào cuộc sống có tác động to lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và tác động mạnh mẽ đến xây dựng giai cấp nông dân nước ta6.

Một là, tạo nên chuyển biến sâu sắc về nhận thức, góp phần nâng cao ý thức chính trị, tính chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò chủ thể tích cực của nông dân trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, hình thành các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Nhờ đó, giai cấp nông dân có sự biến đổi tích cực, thu nhập của nông dân tăng lên, hình thành nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hộ tiểu thủ công nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất thuần nông manh mún. Một số ngành nghề truyền thống ở địa phương các tỉnh thành được khôi phục và phát triển đã thu hút ngày càng nhiều lực lượng lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân.

Hai là, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng hiện đại. Nông dân sử dụng máy móc, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tăng cường liên kết nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại và dịch vụ đã tạo sự xích lại gần nhau giữa nông dân với các giai cấp, tầng lớp xã hội khác, góp phần thúc đẩy, phân bố lại lực lượng lao động ở nông thôn và quá trình “tri thức hóa nông dân”, “công nhân hóa nông dân”, làm cho bộ mặt đời sống xã hội nông thôn có nhiều khởi sắc. Đường lối phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã làm cho đội ngũ công nhân trí thức, công nhân nông nghiệp ngày càng phát triển, góp phần trực tiếp tăng cường khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X với những giải pháp căn bản để giải quyết vấn đề tam nông đã làm cho phân công lao động xã hội ở nông thôn diễn ra mạnh mẽ. Một bộ phận đông đảo lao động nông nghiệp đã chuyển sang làm việc ở các ngành nghề khác ngay tại địa bàn nông thôn. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được khởi nghiệp ngay tại địa phương đã thu hút nhiều nông dân vào làm việc, làm cho giai cấp nông dân biến đổi về cơ cấu xã hội - giai cấp diễn ra với tốc độ, phạm vi ngày càng nhanh. Sự điều chỉnh, điều tiết của cơ chế chính sách làm cho sự biến đổi của giai cấp nông dân về cơ bản phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn nữa, sự điều chỉnh, định hướng ấy được đặt trong bối cảnh tổng thể chung của cả nước, tạo nên sự phân bố, dịch chuyển lao động giữa các vùng, miền và giữa các ngành, nghề khác.

Ba là, tác động đến giải quyết phân hóa giàu nghèo của nông dân. Các chính sách xóa đói, giảm nghèo bền vững đi đôi với khuyến khích làm giàu chính đáng, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác về vốn, đào tạo nghề… đã giúp đỡ nông dân nghèo, “nhóm người yếu thế” ở nông thôn không rơi vào cảnh bần cùng, bế tắc. Trái lại, nhiều hộ nông dân ngày càng có điều kiện vươn lên, vượt qua đói nghèo, thậm chí nhiều nông dân, nhiều hộ nông dân trong số đó đã trở nên khá giả, giàu có.

Bên cạnh những tích cực nêu trên, việc quán triệt triển khai, thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của một số cấp ủy cơ sở và chính quyền địa phương còn hạn chế như: Vấn đề về quy hoạch đất nông nghiệp và quyền sử dụng đất, về vốn cho nông dân, về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo…; một số cán bộ lợi dụng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Những hạn chế đó đã bị các phần tử xấu kích động, xuyên tạc, chống phá làm giảm lòng tin của nông dân với Đảng và chế độ, ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương xây dựng giai cấp nông dân theo “mẫu hình người nông dân mới” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với 5 tiêu chuẩn: Nhận thức mới; kiến thức mới; ý thức mới; quyết tâm mới và có thu nhập cao7.

5. Tác động từ vai trò chủ thể của người nông dân

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X8 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIIcủa Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều khẳng định nông dân là chủ thể trực tiếp của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Do vậy, mức độ tác động tích cực hay tiêu cực, mạnh hay yếu tùy thuộc vào ý thức chính trị và hành động của nông dân đối với quá trình này. Nếu người nông dân có nhận thức sâu sắc, đầy đủ, có thái độ tích cực, có ý chí quyết tâm và niềm tin vững chắc, từ đó hoạt động của họ có chất lượng và hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...) sẽ tác động trực tiếp đến xây dựng giai cấp nông dân.

Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới (Nguồn: nhiepanhdoisong.vn) 

Trong những năm qua, rất nhiều người nông dân, hộ nông dân đã tận dụng được những lợi thế cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về tam nôngtích cực học hỏi, nâng cao trình độ kiến thức, hiểu biết về kinh tế, có ý chí quyết tâm vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu sẽ thôi thúc họ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tìm kiếm việc làm, tạo việc làm, khởi nghiệp, lựa chọn ngành, nghề, mạnh dạn đầu tư hoặc gia nhập đội ngũ công nhân trong các doanh nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động và họ đã thành công. Một bộ phận nông dân rất tích cực, chủ động tham gia vào đời sống chính trị ở địa phương, phấn đấu trở thành cán bộ, đảng viên, người công dân tốt, là đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội, hăng hái nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội ở nông thôn. Nhiều hộ gia đình nông dân, những nông dân tiêu biểu tham gia tích cực tiếp nhận, tiếp thu các giá trị văn hóa mới, kế thừa, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khả năng ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến... làm cho sản xuất, kinh doanh có chất lượng, hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân. Chính những điều đó đã làm cho nông dân tham gia vào quá trình khắc phục sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, phân hóa giai cấp và những hậu quả tiêu cực của nó. Đồng thời, rút ngắn sự khác biệt về văn hóa - xã hội, tạo sự xích lại gần nhau giữa các giai tầng, tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội, phù hợp với xu hướng: Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị10. Tất cả những hoạt động của nông dân trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của nông dân trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới còn có những hạn chế nhất định. Đặc biệt, là tính tự phát, tùy tiện của nông dân trong sản xuất, kinh doanh bất chấp những khuyến cáo của các cơ quan chức năng và của chuyên gia kinh tế. Những chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng không được nông dân thực hiện và tuân thủ nghiêm túc, nhất là chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch phát triển và thế mạnh của từng vùng. Bên cạnh đó, việc phát huy quyền làm chủ của nông dân một số nơi còn vi phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân chưa tốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp..., đây là những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ, mức độ quá trình xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.

Do vậy, để xây dựng giai cấp nông dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường liên minh nông dân - công nhân - trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội. Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào nông thôn, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thủy lợi, khoa học - công nghệ, chế biến nông sản, dạy nghề cho nông dân... Gắn phát huy vai trò chủ thể của người nông dân với xây dựng con người mới. Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam thực sự “là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới11, đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân./.

 PGS, TS. Đỗ Thị Thạch

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1, 9, 10 Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.88-121, 88-121, 88-121.

Xem: ThS. Phan Thị Thu Hà, Tích tụ đất trong nông nghiệp - thực trạng và các kiến nghị chính sách, http://lapphap.vn, ngày 6-1-2020.

Để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần khoảng 140-150 tỷ đồng (gấp 4-5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống) và đầu tư l ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới, bón phân tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10-15 tỷ đồng. Xem: Nguyễn Hữu Nhơn, Những khó khăn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta, https://kinhtevadubao.vn, ngày 23-8-2016.

Xem: Miranda Kwong - chuyên gia kinh tế lao động, Văn phòng ILO tại Việt Nam, Công nghệ tự động hóa sẽ thay lao động nông nghiệp trong tương lai, https://danviet.vn, ngày 9-10-2017.

Xem: ThS. Nguyễn Thị Thanh Vân, Một số thách thức của nông dân Việt Nam trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tưhttps://sti.vista.gov.vn/

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khoá X (năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn); Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015, 2016 – 2020; 2021 - 2025; Nghị quyết về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 19 (khóa XIII, năm 2022) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 6/2022…

Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.121-145.

11 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.303.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu: Xây dựng giai cấp nông dân phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị; và phấn đấu đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao1. Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) khai mạc ngày 4/5 và bế mạc ngày 10/5/2022 V

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn