Một số vấn đề về phương châm "Dân biết,dân bàn, dân làm, dân kiểm tra , dân giám sát, dân thụ hưởng"
Một số vấn đề về phương châm "Dân biết,dân bàn, dân làm, dân kiểm tra , dân giám sát, dân thụ hưởng"

1, Sự hình thành phương châm

Vấn đề dân chủ, thực hành và phát huy dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền. Dân chủ trong điều kiện xã hội có nhà nước chính là bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; mà cụ thể là các quyền của người dân đối với các vấn đề của đời sống xã hội qua các phương thức nhất định như quyền được thông tin (được biết) của người dân, quyền được bàn bạc và quyết định của người dân, quyền được kiểm tra, giám sát của người dân, quyền của người dân trong việc được hưởng thụ những lợi ích nhất định.

Đối với Việt Nam, trước hết cần khẳng định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngay từ khi ra đời (năm 1930 và năm 1945) luôn xác định rõ mục tiêu hướng đến quyền và lợi ích của người dân, coi lợi ích nhân dân là mục tiêu phấn đấu của mình. Vì vậy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng đến và xuất phát từ lợi ích nhân dân. Để thực hiện chủ trương đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách, quy định cụ thể trên con đường hướng đến thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn. Trong đó, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là nội dung quan trọng thể hiện rõ quyền làm chủ của người dân đối với Nhà nước và xã hội.

Trong Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 28/11/1984 của Ban Bí thư Trung ương khóa V  “Về tăng cường công tác quần chúng của Đảng” có xác định nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong trong sản xuất, phân phối cũng như trong tất cả các công tác quan hệ trực tiếp đến quần chúng”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta xác định phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là chủ trương lớn trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Chủ trương đó được tiếp tục thể hiện trong Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ VI và các lần tiếp theo của Đảng. Ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị khóa VIII có Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; trong đó nhấn mạnh “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất”.

Sau đó, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được triển khai một cách cụ thể trên cơ sở các quy định pháp lý của Nhà nước, như quy định tại Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 15/11/1998 của Chính phủ và Pháp lệnh số 34/2007/PL/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong Văn kiện có bổ sung nội dung phương châm về quyền giám sát và thụ hưởng của người dân, thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (1).

2, Cơ sở lý luận và thực tiễn, chính trị và pháp lý để xác định phương châm

Với lịch sử Việt Nam, lấy dân làm gốc là bài học truyền thống trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, như danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã nêu đại ý chèo thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, sức mạnh ở nơi dân; hoặc như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ví “Cổ lai vi quốc dân vi bản, đắc quốc ưng tri tại đắc dân”. Đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đều nhấn mạnh rõ “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung”(2). 

Với Đảng ta, ngay từ khi thành lập, trong các cương lĩnh đều lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, giải phóng giai cấp làm yếu tố cốt lõi hàng đầu cho cách mạng Việt Nam. Trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” (3). Đến Di chúc của Người để lại sau này, Bác cũng căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(4). Nội dung đó cũng chính làquan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam.

Còn đối với Nhà nước Việt Nam, xác lập và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì mục tiêu lợi ích nhân dân luôn được ghi nhận trong các văn bản pháp lý cụ thể. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước năm 1946, tại Điều 1 đã khẳng định “... Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Đến Hiến pháp năm 2013, hiện đang có hiệu lực thi hành, tại Điều 2 khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; và tại Điều 3 có ghi rõ “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”.

Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn, cả từ căn cứ chính trị đến căn cứ pháp lý đối với nước ta và ở đất nước ta đều cho thấy rõ thực hiện quyền dân chủ của người dân được ghi nhận và triển khai thực hiện đầy đủ, ngày càng hoàn thiện, thể hiện rõ tính nhân dân của Nhà nước; Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Nhà nước và xã hội do chính nhân dân làm chủ; lợi ích nhân dân chính là mục tiêu phấn đấu của Nhà nước với phương châm rất rõ là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

3, Nội dung vai trò của phương châm

Đối với vấn đề “Dân biết, dân bàn, dân làm”

Trước khi quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định hay khi triển khai thực hiện các công việc đã được quyết định, các cấp chính quyền cần phải tổ chức công khai, thông báo, phổ biến để người dân biết. Đó chính là thể hiện phương châm “Dân biết”; xác định trước tiên quyền làm chủ của người dân, tạo tiền đề, cơ sở cho những vấn đề tiếp theo.

Khi triển khai xây dựng các quyết sách vấn đề cần có sự tham vấn, ý kiến từ người dân. Đó chính là thể hiện phương châm “Dân bàn”. Qua đó không chỉ là thể hiện tính dân chủ với người dân, thực hiện quyền làm chủ của người dân; mà còn huy động được sức mạnh trí tuệ của nhân dân cho các quyết sách của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền.

Quá trình thực hiện các quyết sách của chính quyền phải luôn cần sự tham gia của chính người dân. Đó chính là thể hiện phương châm “Dân làm”. Từ đó không chỉ thể hiện quyền chủ thể của người dân; mà quan trọng là trực tiếp huy động sức mạnh vô cùng to lớn của người dân trong triển khai các quyết sách; góp phần hiện thực hóa các chủ trương từ trong các quyết sách.

Đối với vấn đề “Dân kiểm tra, dân giám sát”

Tổ chức quản lý mọi công việc đã luôn bao hàm và bắt buộc phải có khâu kiểm tra; cùng với đó chính là giám sát của các chủ thể khác đối với quá trình quản lý. Khi đã coi nhân dân là chủ thể của Nhà nước và xã hội, thì cũng phải đương nhiên thừa nhận và thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của người dân đối với việc quyết định và thực hiện các quyết định của người dân, từ người dân theo đúng quy định. Đó không chỉ là thể hiện rõ con đường thực hiện quyền làm chủ của người dân, mà còn là cách thức quan trọng để các cấp chính quyền tự soi lại mình, tự hoàn thiện mình hơn.

Người dân có thể thực hiện, tham gia thực hiện quyền làm chủ trong kiểm tra, giám sát bằng nhiều cách thức, biện pháp khác nhau, qua cơ chế đại diện, gián tiếp hoặc bằng con đường trực tiếp như thực hiện qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, qua các tổ chức mà mình là thành viên hay qua việc thực hiên các quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Đối với vấn đề “Dân thụ hưởng”

Xuất phát từ mục tiêu phấn đấu của Nhà nước luôn là lợi ích nhân dân, cùng với khẳng định quyền làm chủ của người dân, nên người dân chính là người cần và phải được hưởng thụ những thành quả cụ thể trong triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của các cấp chính quyền. Đó chính là động lực để mỗi người dân cùng nỗ lực phấn đấu cho chính cái chung của lợi ích; là con đường thúc đẩy trực tiếp cho huy động sức dân để tiếp tục vấn đề ở một tầm cao hơn về chất lượng của nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm”. Đó thực sự là cách tạo sức mạnh lòng dân, từ chính sức mạnh to lớn và vĩ đại của nhân dân cho mọi chủ trương, đường lối cũng như quyết sách của Đảng, Nhà nước đối với mục tiêu phát triển đất nước./.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t.2, tr. 248. 

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.13, tr.164.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.402.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.498. 

Nguyễn Văn Hiểu - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng

 

1, Sự hình thành phương châm Vấn đề dân chủ, thực hành và phát huy dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền. Dân chủ trong điều kiện xã hội có nhà nước chính là bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; mà cụ thể là các quyền của người dân đối với các vấn đề của đời sống xã hội qua các phương thức nhất định như quyền được thông tin (được biết) của người dân, quyền được bàn bạc và quyết định của người dân, quyền được kiểm tra, giám sát của người dân, quyền của người dân trong việc được hưởng thụ những lợi ích nhất định. Đối với Việt Nam, trước hết cần khẳng định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngay từ khi ra đời (năm 1930 và năm 1945) lu&

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn